Vài nhận định của

Ðại Sứ Nhật Bản cạnh Toà Thánh

về Toà Thánh Vatican

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nhận định của Ðại Sứ Nhật Bản cạnh Toà Thánh về Toà Thánh Vatican.

(Radio Veritas Asia 24/08/2007) - Ông Kagefumi Ueno, Ðại Sứ Nhật Bản cạnh Toà Thánh Vatican từ tháng 11 năm 2006, đã trả lời phỏng vấn của hãng tin Zenit, trong đó Ông cho biết vài nhận định riêng về Toà Thánh Vatican. Trước hết, Ông nêu ra bốn đặc điểm của Toà Thánh Vatican, như sau:

Theo Tôi, thì Toà Thánh Vatican có bốn đặc điểm nổi bật.

Thứ nhất, Toà Thánh Vatican có uy tín tinh thần được tôn trọng, không những bởi người công giáo, mà còn bởi những vị lãnh đạo của các quốc gia không có truyền thống kitô giáo nữa. Thí dụ, trong lần tôi trình bày ủy nhiệm thư lên Ðức Thánh Cha, thì bài diễn văn của Ngài nói về việc giảm bớt lực lượng quân sự tại Bán Ðảo Triều Tiên, liền được phổ biến khắp nơi trên thế giới. Cũng thế, khi Ðức Thánh Cha nói về những vấn đề quốc tế như Darfur bên Phi Châu, về Iraq, Palestine, vân vân,... thì các quốc gia trên thế giới chú ý đến những gì ÐTC trình bày. Trong khung cảnh này, Ðức Thánh Cha được xem như là "Vị Giám Hộ" của cộng đồng quốc tế. Cộng đồng này chờ đợi ÐTC nói về Hoà Bình và Công Bằng. Khi vị tổng thống Hoa Kỳ nói về những vấn đề quốc tế, thì người ta cho rằng Ông nói lên lập trường có lợi cho quốc gia của Ông. Nhưng khi ÐTC nói, thì không phải như vậy. ÐTC không nói vì bất cứ lợi lộc riêng nào.

Ðiểm thứ hai, Tôi nhìn Toà Thánh Vatican như là một cơ quan quốc tế, giống như Liên Hiệp Quốc; và nhìn ÐTC như là vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc; nhưng đây là một Cơ Quan được xây trên những nền tảng tôn giáo.

Ðặc điểm thứ ba là Toà Thánh Vatican có một mạng lưới liên lết chặt chẻ, ăn rễ sâu vào các địa phương, với trung tâm được đặt tại Vatican.

Ðặc điểm thứ tư là Toà Thánh Vatican có một sức mạnh truyền thông, qua đài Phát Thanh Vatican, báo Quan Sát Viên Roma và các phương tiện kỹ thuật truyền thông khác nữa, để phổ biến sứ điệp của Giáo Hội công giáo, đến khắp mọi nơi trên thế giới.

Ðối với tôi, Toà Thánh Vatican quả là một thực thể duy nhất và gây ấn tượng. Tôi đến từ một quốc gia có truyền thống quân chủ lâu đời. Tôi thích quan sát và tìm hiểu xem tại sao và làm thế nào Toà Thánh Vatican tồn tại lâu dài như vậy.

Về những cộng tác có thể giữa Nhật Bản và các cơ quan từ thiện của Giáo Hội công giáo, Ông Ðại Sứ Nhật bản cạnh Toà Thánh Vatican cho biết như sau:

Giữa Vatican và Nhật Bản, có rất nhiều lãnh vực để cộng tác với nhau, nhất là để phổ biến hoà bình và công bằng. Tôi muốn nhấn mạnh nơi đây vai trò của Ðức Thánh Cha trong công cuộc xây dựng Hoà Bình thế giới. Cá nhân tôi mong đợi Ðức Thánh Cha nói lên quan điểm của ngài về Hoà Bình và Công Bằng, vào lúc và tại nơi nào cần đến tiếng nói của ÐTC. Ngoài ra, còn nhiều lãnh vực khác nữa mà các cơ quan trợ giúp của Nhật Bản có thể cộng tác với các cơ quan công giáo lớn, như Caritas Quốc Tế, Cộng Ðoàn Thánh Êgidio, vân vân..., để trợ giúp phát triển cho các quốc gia Phi Châu. Cho đến thời gian gần đây, Nhật bản chúng tôi đã chú ý đến các quốc gia á châu. Giờ đây chúng tôi muốn cộng tác hướng về Phi Châu. Theo con số, thì hiện nay, Nhật bản là quốc gia thứ hai, sau Hoa Kỳ, đã cung cấp nhiều trợ giúp phát triển cho Phi Châu. Vào năm 2008, đến phiên Nhật bản giữ ghế chủ tịch của nhóm G-8 (các quốc gia có nền kinh tế giàu mạnh); và Nhật Bản có thể thúc giục các quốc gia thành viên khối G-8 chú ý đến Phi Châu, nhưng trong cách thức có tổ chức và hợp chung với nhau.

Nhật Bản luôn chú ý đến quan điểm của Vatican. Và cuộc đối thoại giữa Vatican và Nhật Bản đang trở nên mạnh mẽ hơn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page