Tường thuật hành trình cứu trợ bão lụt

tại Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường thuật hành trình cứu trợ bão lụt tại Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Tĩnh, Việt Nam (12/08/2007) - Chiều ngày 09/08/2007 với đoàn tuỳ tùng cuốc xẻng, vên, cào... dọn sơ đất đá trên những khúc quanh đường đèo, chúng tôi đã đến được thi trấn Hương Khê bằng đường bộ với 20 tấn gạo và 5 tấn muối Iốt, nước lụt còn xấp xỉ trên đường phố. Lúc này thì không thể đến những địa điểm như đã dự định trong chương trình, vì dân chúng vây quanh đoàn xe cứu trợ đông như kiến, không thể cầm lòng mà ra đi được, cha Trưởng ban ra lệnh, mở gạo, muối, phân phát cho dân chúng, từng địa diểm ngay trên đường, không mấy chốc chúng tôi hết sạch nguồn tài trợ. Màn tối đã buông chúng tôi thu xếp để trở về, ai cũng mệt mỏi vì công việc dọn đường, đi lại, phân phát lương thực trên nhưng quảng đường bùn lầy, hoà lẫn mùi hôi thối của gia súc, gia cầm chết đây đó chưa ai thu dọn, nhóm phóng viên vẫn còn ở lại làm việc để tìm phương án cho ngày mai.


Ban Bác Ái của giáo phận Vinh, cùng Nhóm Lòng Thương Xót Chúa, từ Sàigòn ra gồm có: chị Nam, chị Nhung tiếp tục hành trình cứu trợ, chuyển 1,000 thùng mì gói, đến những vùng nông thôn nước đã rút, phân phát trực tiếp cho đồng bào.


Mục đích của đoàn là đi tiếp cận sâu vào vùng rốn của trận lụt, trong lúc này xứ Thổ Hoàng, xã Phương Mỹ, xứ Thọ Vực, Vạn Căn, xã Hà Linh, Tri Bản xã Hoà Hải, xứ Thượng Binh, xã Hương Long đang bị cô lập hoàn toàn, vẫn chưa liên lạc được. Hầu hết các xã này nằm ven sông Ngàn Sâu.

Sáng ngày 10/08/2007 vì giao thông đường bộ chưa thể vào được những vùng rốn lụt, chỉ biết ngậm ngùi chờ nước rút. Chúng tôi, Ban Bác Ái của giáo phận Vinh, cùng Nhóm Lòng Thương Xót Chúa, từ Sàigòn ra gồm có: chị Nam, chị Nhung tiếp tục hành trình cứu trợ, chuyển 1,000 thùng mì gói, đến những vùng nông thôn nước đã rút, phân phát trực tiếp cho đồng bào. Thật là như muối bỏ biển, chẳng thấm vào đâu với những nhu cầu của đồng bào đang cần thiết, sau đó chúng tôi đi thăm một vài nơi có thể đến được, như xứ Tràng Lưu ở xã Lộc Yên, nhìn những căn nhà đang chìm trong bùn, theo như ông Cao Ðình Ðề cho biết, riêng tại xóm 8, họ Hà Mưng thuộc xã Phong Phú, Hương khê, co 5 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, trên 20 căn nhà bị sập, còn gia súc, gia cầm và lúa gạo thi không còn gì, mặc dù đây là một xóm nhỏ, càng đi càng thấy nhiều cảnh thương tâm hơn nữa, những khuôn mặt hốc hác, nhưng trẻ em xanh xao, bơ phờ như trong đáy mắt còn đợi chờ một cái gì đó, lúc này chắc chắn là đói..., đoàn đi thăm 2 gia đình lương dân có người chết trong trận lụt và tặng quà, hai người già đều là hoàn cảnh neo đơn, không ai đưa ra khỏi vùng lụt vì nước dâng mau nên chỉ biết chờ chết.

Ðoàn không dám đi thêm nữa, mệt mỏi vì lội trong bùn, một phần vì trong túi mọi người đều không còn gì để cho nữa. Nhìn họ không thể cầm được nước mắt.

Ngày 11/08/2007 Chúng tôi liên lạc đươc với cha Trần Văn Niên, xứ Ninh Cường xã Gia Phổ, cha Nguyễn Huy Tuấn xứ Thổ Hoàng, và cha Nguyễn Văn Tâm xứ Thượng Bình, cho biết nước đã rút toàn bộ. Ban Bác Ái giáo phận Vinh gồm có ba linh mục: cha trưởng ban Nguyễn Văn Vinh, cha phó ban Trần Xuân Nhàn, và cha Trần Ðức Mai, đặc trách vùng Hà Tĩnh, cùng với đại diện Hội Bác Ái Phanxicô, do các Xơ dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu linh mục, có sự tham gia của dòng Mến Thánh Giá Chân Thành, 2 thầy đại diện Ban Trị sự của Hội Phật Giáo Hà Tĩnh, đoàn mang theo 20 tấn gạo và muối Iốt, cùng một số thuốc, quyết tâm đến những vùng rốn của trận lụt.

Ðoàn chúng tôi đi 4 xe, 2 xe vận chuyển lương thực, 2 xe chở 15 người, đúng 9 giờ sáng chúng tôi có mặt tai xứ Ninh Cường, Trong khi chờ đợi 2 chuyến xe lương thực và thuốc tây, đoàn đi thăm tận nơi, những gia đinh có người chết trong trận lụt vừa qua. Cha quản xứ trẻ trung đã sẵn sàng đón tiếp, mời đoàn dừng chân uống nước, nhưng có lẽ ai cũng muốn nhanh chóng đến nhà các nạn nhân.

Trước tiên, chúng tôi được dẫn đến gia đình em Maria Nguyễn Thi Lan, sinh năm 1995, học lớp 6, trong một gia đình có 3 người con, cha là Nguyễn Văn Nhiệm, hiện đang đi lao động ở Thái Lan, chưa về, mẹ là Phạm Thị Hồng.

Gia đinh thứ hai: em Maria Nuyễn Thị Lộc, sinh 1993, học lớp 7, trong một gia đình có 6 người con, cha là Nguyễn Văn Tâm, mẹ Lưu Thị Tuyết.

Gia đình thứ 3: em Maria Phạm Thi Hoài, sinh 1993, học lớp 7, gia đình có 5 người con, cha là Phạm Lễ, mẹ là Nguyễn Thi Khương.

Ba em đều trong họ đạo Gia Hương của xứ Ninh Cường, chết trong cùng một hoàn cảnh, nhà nghèo đi chăn bò bên rú, khi nước lụt dâng các em trên đường về bị nước lũ dâng nhanh, không kịp vượt qua cánh đồng để về nhà.

Chúng tôi đã tặng quà cho các gia đình nạn nhân, động viên cha mẹ cùng người thân, chụp hình để ghi lại hoàn cảnh đáng thương này rồi chia tay.

Chúng tôi đến vùng Thổ Hoàng nơi vừa rút nước tối qua, thật là khó khăn cho tài xế, vì đường trơn trượt, những bùn lầy còn phủ đầy trên mặt đường. Thật kinh hoàng khi mới nhìn những vết tích, bùn và rác còn đọng trên mái nhà của dân chúng, nhìn những cánh đồng đen ngòm vói bùn và rác, cây cối mang một màu tang tóc... Chúng tôi bị chận xe nhiều nơi, những tiếng khóc lóc, van nài của những người dân đói khổ. Chị Nguyễn Thị Hân cùng đám đông vịn vào thành xe, dường như sợ chúng tôi đi mất và chị nói: "các Bác ơi! cho chúng con mánh gì ăn, đã 2 ngày không có gì trong bụng". Chúng tôi vào một vài nhà xem thực hư thế nào và thật là cảm kích, khi nhìn vào những căn nhà trống, bùn lầy và nồi niêu, bếp núc cũng không còn, tôi hỏi xem: vậy mấy ngày các ông các bà ăn gì để sống? Họ trả lời ăn củ chuối, khoai khô... Các đoàn cứu trợ không đến à? Họ trả lời: Sau cơn lụt, các bác là những người đầu tiên đến đây. Chúng tôi không sẵn lương thực trên xe, nên chỉ cho họ về nhà thờ để nhận cứu trợ. Cố gắng mãi chúng tôi cũng đã đến được khu vực nhà xứ. Cha quản xứ mỉm cười, tay bắt mặt mừng như một trẻ em ra đón mẹ đi chợ về.

Trong buổi gặp gỡ không nói được hết chuyện, chuyện buồn, chuyện vui, chuyện sống sót, họ tranh nhau kể lai diễn biến của trận lụt. giống như người ngoài hải đảo xa xôi gặp đươc người đất liền vậy.

Cha xứ cha Nguyễn Huy Tuấn cho chúng tôi biết, chính ngài cũng quá bất ngờ, chỉ mưa có một ngày mà nước về như thác lũ. Không ai trở kịp và chỉ chạy thoát thân, ngài nói: "ở đây mất liên lạc từ ngày 08 đến ngày 12/08/2007. 7 ngày bị cô lập như trong thuyền ông Noe, ngài phải dùng ghe đi thăm dân chúng và gom các trẻ em về nhà phòng cho an toàn, khi chúng tôi dến đây các em cũng chưa về nhà được, vì nhiều em không có nhà để về. Các ông trong Hội Ðồng Mục Vụ cộng tác với cha xứ, nhanh chóng phân phối các lương thực cứu trợ cho dân. Ông Nguyễn Ðình Nam cho chúng tôi biết, suốt từ ngày lụt đến giờ, chúng con làm việc suốt ngày tại nhà xứ, mỗi bữa ăn một gói mì, Ông Phạm Văn Trọng, nói rằng: chúng con chỉ có một bộ đồ trong người để mặc, không có đồ để thay và cũng không có nước để giặt. Hay nhất là một ông mặc quần của vợ. Hỏi ra mới biết là khi làm công tác chuyển các em về nơi an toàn, ông chỉ mặc quần đùi cho khỏi vướng, nhưng khi trở lại thì quần đã trôi mất, quá cảm kich, cha Trưởng đoàn ra xe lấy bộ đồ của ngài mang đi để thay, nhưng chưa thay kịp thay, đem vào trao cho ông và ông mừng rỡ nhận ngay không từ chối.

Các em bé đến nhận quà: gạo và mì gói, trước ống kính của các Xơ (chụp hình để báo cáo), có một em không mặc áo, Xơ lôi ra ngoài và nói: Hội không cho phép chụp hình ở trần. Em tủi thân ra sau gốc cây đứng khóc, tôi hỏi: sao con khóc? Em trả lời vì con không có cái áo nào nữa. Tôi nói: con đi mượn áo bạn để chụp rồi trả cũng được. em bên cạnh nói: con cũng được có một cái áo này mà thôi!

Cha quản xứ cho chúng tôi biết: Xứ Kẻ Vang 5,200 dân, công giáo 60% dân số, thiệt hại mùa màng gia súc và các đồ đạc trong nhà 80%.

Xứ Thổ Hoàng có 5,700 dân, riêng công giáo là 70%, các hộ công giáo thiệt hại mùa màng gia súc và đồ đạc trong nhà 90%

Tổng cộng khoảng 700 căn nhà bị sập, trên 50 căn nhà bị cuốn trôi, đó là con số thực, Hiện nay nhiều gia đình không có nhà ở, không có áo quần mặc.

Thực tế chúng tôi chưa trình bày hết những nổi khổ đau, thiếu thốn của đồng bào nạn nhân lũ lụt, và những nơi chúng tôi đến chỉ là một phạm vi nhỏ hẹp, vì không có thời gian để đi hết các vùng bị nặng, và những lương thực chúng tôi đem đến chỉ là hạt cát giữa dại dương mênh mông.

Tính đến nay Ban Bác Ái giáo phận Vinh đã vay mượn để cứu trợ khẩn cấp cho 2 tỉnh, Quảng Bình và Hà Tĩnh trên 300 triệu, Qua hình thức mua lương thực, thực phẩm, trao tận tay nạn nhân, hoặc nhờ các cha xứ tại địa bàn phân phối.

Hiện nay các nhu cầu khẩn cấp cần được quan tâm:

- Lương thực, thực phẩm.

- Áo, quần, chăn, màn. (áo quần cũ cũng được)

- Sách, vở, bút, mực cho các em.

- Thuốc chữa bệnh.

Kính thưa quý vị: "Miếng khi đói, gói khi no."

Kính xin quý vị bớt chút tiêu dùng của mình dành dụm cho đồng bào của chúng ta đang gặp cơn thử thách.

Xin Chúa trả công vô cùng cho những tâm lòng nhân ái.

 

Lm. Raphael Trần Xuân Nhàn (Phó ban Bái Ái Xã Hội giáo phận Vinh)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page