Tường thuật tình hình hai ngày cứu trợ

tại Quảng Bình và Hà Tĩnh

 

Cha Xứ đi bằng thuyền để phát mì gói cho các gia đình nạn nhân bão lụt

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Tường thuật tình hình hai ngày cứu trợ tại Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Vinh, Việt Nam (10/08/2007) -  Chắc chắn mọi người theo dõi báo chí và truyền hình đã biết rõ tin chính thức về trận lũ quét, gây thiệt hại rất lớn tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.


Cha Xứ đi bằng thuyền để phát mì gói cho các gia đình nạn nhân bão lụt.


Ban Bác Ái giáo phận Vinh gồm 5 anh em linh mục và một số giáo dân, chúng tôi đã nhận được điện thoại khẩn cấp, có mặt tại Toà Giám mục từ sáng sớm ngày 07/08/2007, gặp Ðức Giám Mục Phaolô Cao Ðình Thuyên & cha Thư ký Antôn Phạm Ðình Phùng, để nhận định phương hướng cứu trợ nhanh chóng cho các nạn nhân thiên tai.

Sau khi hội ý, chúng tôi liên lạc vào Quảng Bình, Cha Hoàng Thái Lân quản hạt Hướng Phương cho biết nước đã rút và các phương tiện giao thông có thể đi lại. Ngày 08/08/2007, chúng tôi đã chia ra hai nhóm, một nhóm trực chỉ Quảng Bình, do cha Nguyễn Văn Vinh, trưởng ban phụ trách, một nhóm đi xe máy Trần Ðức Mai phụ trách, lên Hương Khê, Hà Tĩnh để nắm bắt tình hình, vì mãi cho tới chiều ngày 08/08/2007 chúng tôi rất lo lắng, vì chưa liên lạc được bất cứ số điện thoại trên vùng ấy, đành phải vừa đi vừa thăm dò, đường giao thông bị sụp lở nhiều nơi rất nguy hiểm.

Tôi cùng cha Nguyễn Văn Khang, thủ quỹ Ban Tình Thương giáo phận, được phân công lái xe đi trong đoàn vào Quảng Bình, mang theo 20 tấn gạo và 3,150 thùng mì tôm. Khoảng 2 giờ chiều (ngày 08/08/2007), chúng tôi có mặt tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đi thăm một vài làng bị lũ quét, thấy tận mắt những cảnh tượng rất thương tâm, bùn chưa khô trên những vách tường, đường đi còn lầy lội, nhà cửa ngổn ngang và ruộng vườn nhuốm một màu đen tang tóc, khác với những lần trước, chúng tôi đến với sự đón tiếp nồng nhiệt, hồ hởi của dân chúng địa phương, nhưng lần này chúng tôi nhận thấy nỗi buồn hiện rõ trên từng khuôn mặt hốc hác và chán nản, hình như họ rất mệt mỏi sau những ngày chiến đấu với trận cuồng phong và hồng thuỷ, họ cúi đầu hoặc khoanh tay lặng thầm, nhìn xa, gần như có điều gì tuyệt vọng.

Ông Nguyễn Văn Ðịnh, 65 tuổi cho chúng tôi biết, vì nước lên quá nhanh, người dân không kịp chuẩn bị, nên chỉ chạy lấy người, còn lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm, thậm chí tiền bạc... đều bị nhấn chìm trong nước. Thống kê sơ qua cho biết khoảng 80 ngàn dân (trong đó có hơn 25 ngàn giáo dân) là nạn nhân của lũ quét, nay chẳng còn gì để ăn, nhà cửa bị nước cuốn trôi. Ðường sá, cầu cống hư hỏng nặng, giao thông, liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn. Chúng tôi dừng chân tại Hướng Phương, phân phát 5 tấn gạo và một số mì tôm cho vùng này, mãi tới 4 giờ chiều (ngày 08/08/2007) chúng tôi mới đến xứ Chợ Sàng, xã Quảng Liên, Quảng Trạch, trút 2 tấn gạo và một số mì tôm, tiếp tục hành trình đến xứ Kinh Nhuận, Cảnh Hoá, Quảng Trạch, tại đây người xe cứu hộ và dân chúng đông nghẹt vì họ đang rà tìm những xác bị chết trôi trong trận lụt, chúng tôi trút xuống 2 tấn gạo và sang xứ Minh Cầm, xã Mai Hoá, Tuyên Hoá đến đây đường giao thông không thể đi được nữa vì bùn lầy và nhiều đoạn đường đã bị cuốn trôi, những gốc cây lớn chặn ngang đường, nhiều hộ dân còn ngâm trong vũng nước, chúng tôi đành phải gửi tất cả số hàng cứu trợ còn lại tại giáo xứ Minh Cầm và trở lui.

Sau một ngày khuân vác mệt nhọc, chạy ngược chạy xuôi, chúng tôi đã trở về Văn Hạnh, Hà Tĩnh, ăn cơm tối và tưởng chừng như được nghỉ ngơi, chưa kịp ngã lưng thì đã nhận được cú điện thoại từ cha Trần Ðức Mai, ngài đã đến được Hương Khê và cho biết xe 4 bánh không thể lên được, chúng tôi nhận lệnh là phải lên hàng từ đêm nay, và hàng cần thiết nhất là mì tôm, vì không nấu được cơm, vậy chúng tôi cùng một số các em học trò và giáo dân trong xứ, đóng hàng và chất lên xe trực chỉ vào bến sông xứ Nghĩa Yên, huyện Ðức Thọ, và chuyến hàng cứu trợ xuống thuyền.

Như chúng tôi được biết, tại huyện Hương Khê, đến nay 10 giáo xứ vẫn còn bị cô lập hoàn toàn vì nước lũ chảy xiết, thuyền, xuồng không thể tới được. Nước đang rút chậm, những vùng rốn lụt, một ít nóc nhà nay bắt đầu nhô lên khỏi nước. Ban Bác ái chúng tôi cũng chỉ tiếp xúc được với một số dân ở gần các tuyến đường để cứu trợ. Hàng chục tấn gạo, hàng chục ngàn gói mì được Ban Bác ái cấp phát nhưng không thấm vào đâu so với số người đang cần được cứu trợ.

Số liệu tổng hợp thiệt hại do lũ được Ban phòng chống bão lụt tỉnh Hà Tĩnh cung cấp lúc 22h10’ cho thấy: "Tính đến 6 giờ chiều 9/8/2007, bão số 2 đã làm 19 người bị chết (trong đó Kỳ Anh 8 người, Hương Khê 5 người, Can Lộc 4 người và Cẩm Xuyên 2 người), 5 người bị thương, 28,421 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, 13,895 ha lúa bị ngập, hàng ngàn trâu bò bị cuốn trôi, 119 km đường dây điện bị đứt, 3 đập lớn bị vỡ... thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 350 tỉ đồng".

Ngậm ngùi trước những đau thương mất mát của những người dân, là anh em ruột thịt của mình, là người Việt Nam, máu đỏ da vàng, chúng tôi quên đi những mệt nhọc vì đường sá xa xôi, trên đường về tôi nghĩ đến một viễn ảnh đen tối cho những cuộc đời thiếu bất hạnh, nhất là tuổi thơ, không còn áo quần để che thân, không còn sách vở đến trường....

 

Linh mục Raphael Trần Xuân Nhàn. (Ban Tình Thương giáo phận Vinh)

 

Xin tất cả những tấm lòng hảo tâm, mọi tặng phẩm xin gửi về

Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Khang

Thủ quỹ Ban Tình Thương Giáo Phận Vinh

Ðịa Chỉ: Nhà thờ Tân Lộc, Thị Xã Cửa Lò, Nghệ An, Việt Nam

Ðt: 0084.383.944913

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page