Nhân quyền và bổn phận học hỏi
Giáo Huấn của Giáo Hội về xã hội
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Lời Chủ Chăn tháng 10 năm 2007: Nhân quyền và bổn phận học hỏi Giáo Huấn của Giáo Hội về xã hội.
Dẫn nhập
Nhiệm vụ dấn thân cho nhân quyền đặt ra 2 bổn phận ưu tiên cho người Kitô hữu. Ưu tiên một là cầu nguyện nhằm rèn luyện cái tâm lương thiện. Ưu tiên hai là học hỏi Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội nhằm rèn luyện cái tâm sáng suốt. Cả hai ưu tiên đều nhằm phát huy nhân quyền trước hết nơi bản thân với ý thức tôn trọng nhân quyền của mọi người.
Nói cách khác, người Kitô hữu chân chính có bổn phận cầu nguyện và học hỏi trước khi hành động cho nhân quyền, vì lẽ cầu nguyện và học hỏi giúp cho con người hành động với tâm hồn bình an, sáng suốt, hành động với thái độ tôn trọng sự thật và công bằng, với tình bác ái huynh đệ, đồng thời tránh hành động theo động cơ của lòng tham sân si, của hận thù, tránh chạy theo thói đời mang quán tính đối kháng, loại trừ hoặc sát hại lẫn nhau, cũng là một hình thức xúc phạm nhân quyền của nhau.
Tháng trước tôi đã nói về bổn phận cầu nguyện. Tháng này, tôi đề cập đến việc học hỏi Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội.
I. Tình hình biến chuyển trên đất nước Việt Nam
1. Khắc phục hậu quả 30 năm chiến tranh. Kể từ năm 1975 đến nay, Việt Nam lo khắc phục hậu quả của cuộc chiến 30 năm, không những về cơ sở vật chất, mà cả về con người: hơn một triệu thương binh, lối hai triệu trẻ mồ côi, hai triệu người goá bụa, năm triệu người tàn tật.
Ngoài ra, một vết thương khác, do chiến tranh tương tàn kéo dài nhiều thập niên gây ra, hằn sâu trong lòng dân tộc, trong tâm can của nhiều người. Nó đã tạo ra sự chia rẽ, đã đặt đồng bào và đồng loại trong thế đối kháng và loại trừ lẫn nhau. Một thời nó đã cô lập hoá đất nước đối với cộng đồng thế giớił, làm suy yếu sức sống của dân tộc.
Nhiều thành phần trong cộng đồng dân tộc, khi bừng tỉnh bên bờ vực thẳm diệt vong, đã có những nỗ lực hàn gắn vết thương, cùng nhau tiến bước trên con đường hoà giải, mở rộng cửa nhà, hội nhập vào thế giới toàn cầu hoá hôm nay, xây dựng lại tình đoàn kết như một sức mạnh phát triển đất nước. Dầu vậy, xem ra vết thương đó vẫn còn rỉ máu, vẫn còn cần được quan tâm chăm sóc, cần có thêm những biện pháp chữa trị thích hợp và có hiệu quả hơn.
2. Chuyển biến từ kinh tế tập trung đến kinh tế thị trường. Trong hai thập niên vừa qua, diễn ra sự chuyển dịch từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, với những hậu quả tích cực và tiêu cực cho gia đình và xã hội. Ðời sống kinh tế xã hội phát triển đáng kể. Tuy nhiên, sự phát triển này thiếu tính toàn diện và đồng đều, cộng thêm sự thiếu kinh nghiệm, dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực.
Một số hậu quả tiêu cực xuất hiện rõ nét trong gia đình và xã hội, như - làn sóng di dân nhiều triệu người từ nông thôn lên thành thị, - sự phân hoá giàu nghèo ngày càng rộng lớn, - sự suy thoái đạo đức ngày càng trầm trọng, - cộng thêm sự phát sinh ra nhiều loại tệ nạn xã hội (ăn gian, lừa dối, tham nhũng, bạo lực trong gia đình, phá thai, ly dị, mại dâm, buôn người, ma túy, dịch HIV/AIDS). Dù có những biện pháp tích cực chữa trị, những tiêu cực đó cùng dịch HIV/AIDS tiếp tục lan rộng trên cả nước.
Những hậu quả tiêu cực đó làm đảo lộn trật tự những giá trị căn bản nơi truyền thống văn hoá và đạo đức trong gia đình cũng như trong xã hội, góp phần hình thành nền văn hoá sự chết, đi ngược chiều với nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương vốn là con đường đưa đến phát triển đất nước, thăng tiến đời sống gia đình và cộng đồng dân tộc.
3. Những biến chuyển liên hệ đến các tôn giáo. Do những lý do lịch sử cũng như do quan điểm và định kiến, Nhà Nước trong những thập niên qua, có thái độ khá tiêu cực đối với các tôn giáo. Do đó các tôn giáo đều gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong các sinh hoạt của mình. Từ khi Việt Nam mở ra với thế giới và chuyển sang kinh tế thị trường, tình hình dần dần được cải thiện. Trước kia, các tổ chức tôn giáo bị coi như một thế lực chống phá Nhà Nước, dần dần được nhìn nhận như một sức mạnh tinh thần góp phần xây dựng và phát triển đất nước, thăng tiến đời sống gia đình, xã hội và cộng đồng dân tộc.
Dầu vậy, hiện nay các tổ chức tôn giáo vẫn còn phải chịu một số hạn chế và bất công. Theo các phương tiện truyền thông xã hội, công quyền cũng nhận thấy điều đó, và ngày nay đồng bào và đồng loại nhiều nơi trên thế giới đang nóng lòng thấy Nhà Nước sớm khắc phục những bất công đối với các tổ chức tôn giáo cũng như nhiều thành phần khác trong cộng đồng dân tộc.
II. Ðịnh hướng của Giáo huấn của Giáo Hội công giáo về xã hội
1. Những giá trị nền tảng. Triển khai Lời Chúa dạy và giáo huấn của Công đồng Vatican II cùng kinh nghiệm qua các chế độ trong lịch sử phát triển của loài người, Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội đã được hình thành và trải dài qua nhiều thế kỷ. Nay Giáo huấn đó được tổng kết nhằm làm nổi bật những giá trị tinh thần và đạo đức, như sự thật và công bằng, tình huynh đệ đại đồng và tình liên đới, lòng yêu thương bác ái xây dựng hoà bình và phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người.
Mục đích tổng kết Giáo huấn là để làm nền tảng cho việc phát huy nhân quyền, cũng như cho công cuộc xây dựng và phát triển vững bền đất nước và cộng đồng dân tộc.
2. Những chuẩn mực cho công cuộc phát triển toàn diện và vững bền. Những giá trị tinh thần và đạo đức trong Giáo huấn nêu trên là những chuẩn mực cho công cuộc phát triển trong mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, gia đình, giáo dục, mà cùng đích là đưa đến phát triển con người toàn diện. Ðồng thời những chuẩn mực đó cũng nhằm giúp cho công quyền cũng như mọi tổ chức kinh tế xã hội tránh con đường mòn cũ trong lịch sử là biến con người thành phương tiện sản xuất, thành công cụ phục vụ cho những tham vọng của những người nắm giữ quyền hành, thế lực và tài lực trong xã hội.
3. Trách nhiệm của các thành phần trong Giáo Hội công giáo là đưa những giá trị nền tảng từ Giáo huấn nêu trên vào đời sống gia đình và xã hội nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng nhân loại mới, một cộng đồng sống trong sự thật và công bằng, trong hiệp nhất và bình an, trong yêu thương và phục vụ cho sự sống và phẩm giá của mọi người anh em đồng bào và đồng loại là con một Cha, là anh em một nhà.
III. Những áp dụng thực hành
1. Bản Tổng lược Giáo huấn. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình trong thời Ðức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận làm Chủ tịch đã khởi công tổng hợp giáo huấn của Giáo Hội trải dài nhiều thế kỷ thành một bản Tổng lược Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội. Nay bản Tổng lược đã được hình thành và được dịch sang nhiều ngôn ngữ, cả Việt ngữ.
2. Chương trình đào tạo và huấn luyện. Nay Giáo huấn này cần được đưa vào chương trình đào tạo và huấn luyện rộng rãi mọi thành phần Dân Chúa và mọi người thiện tâm, đặc biệt những người đang có mặt trong mọi lãnh vực giáo dục, kinh tế, xã hội, chính trị.
Việc đào tạo và huấn luyện nầy trước hết nhằm mở đường cho họ trở nên muối, men, ánh sáng cho những giá trị nền tảng trong xã hội, kế đến nhằm tạo khả năng cho họ góp phần vừa kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, vừa phát triển vững bền đất nước, đưa con người, gia đình, cộng đồng xã hội đi đến sự sống dồi dào, an lành và hạnh phúc lâu dài.
29.8.2007, ngày lễ kính Thánh Gioan Baotixita chịu xử trảm vì sự thật và công bằng.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục