Bài Giảng của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc

trong Thánh Lễ Chúa Nhật 18 Thường Niên

Lễ Giới Trẻ

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Giảng của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật 18 Thường Niên năm C - Lễ Giới Trẻ.

Hưởng Thụ Hay Không Hưởng Thụ.

(Gv 1, 2, 2. 21-21; Cl 1, 3,1-5. 9-11; Lc 12, 13-21)

 

Các bạn trẻ thân mến,

Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay liên quan tới một chủ đề rất cụ thể và thực tế: con người có nên hưởng thụ các của cải trần gian, sự sung sướng ở trần gian do của cải mang lại không? Cả ba bài đọc Kinh Thánh có vẽ phi bác thẳng thừng.

Bài trích sách Giảng Viên nhìn cuộc đời là một sự phù vân, như bông hoa sớm nở tối tàn, đau khổ thì nhiều mà hạnh phúc chẳng có bao nhiêu. Ðọc bài trích sách Giảng Viên, có người liên tưởng tới câu thơ của Cao Bá Quát: "Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũng nực cười". Còn thư Colôsê thì dạy nghĩ tới những sự trên trời, đừng lưu tâm đến những gì thuộc hạ giới. Hơn thế nữa, trong bài Tin Mừng, người phú hộ giàu có và chỉ biết hưởng thụ, được cảnh cáo là nội trong đêm nay, mạng sống của ông sẽ bị lấy đi.

Có lẽ một số bạn trẻ cảm thấy có nhiều thắc mắc. Thiên Chúa dựng nên thế giới cho loài người, vậy mà loài người không được hưởng thụ gì hay sao? Của cải trần gian dành cho loài người, vậy nếu loài người không hưởng thụ thì ai hưởng thụ? Sinh ra ở trần gian mà không được hưởng thụ gì, thì cuộc đời đâu còn thú vị! Chúng ta trả lời thế nào cho những thắc mắc ấy? Hãy đọc kỷ các bài đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy rất rõ hướng đi cho những người có đạo, môn đồ của Chúa Giêsu.

Nếu hiểu từ ngữ hưởng thụ theo nghĩa xấu: con người hưởng thụ chỉ biết chiều theo những đam mê xấu xa, không còn muốn phân biệt thiện ác, không nghĩ tới ai ngoài chính mình, không cống hiến gì cho xã hội, không có một nỗ lực nào vươn lên trong cuộc sống, thì quả thật hưởng thụ là mức thấp nhất, xấu nhất trong cách sống ở đời. Một số ít người như ông phú hộ trong bài Tin Mừng, nghĩ đó là cách sống hợp lý; họ là những môn đồ của chủ nghĩa khoái lạc. Thần dữ cũng thường dùng những khoái lạc trần gian làm mồi cám dỗ con người theo nó.

Nhưng nếu ta hiểu theo một nghĩa bình thường là thừa hưởng những của cải, những phát minh, những tiện nghi mà xã hội cung cấp, thì ai cũng có quyền hưởng thụ những điều chính đáng, những nhu cầu cốt yếu của đời sống con người. Dĩ nhiên nếu biết hưởng thụ thì cũng phải biết cống hiến. Tội nghiệp cho những người nghèo khổ và thấp cổ bé miệng, cả đời không có gì để hưởng thụ, ngoài chút lương thực ăn cho đỡ đói. Ðó là chưa kể những người đang đói ăn, thiếu thốn mọi thứ!

Nếu chúng ta biết hướng sự hưởng thụ ở đời này sang một hướng cao hơn, đó là thưởng thức, thì cuộc đời của chúng ta có thể vừa rất hạnh phúc, vừa rất cao cả và có ý nghĩa, miễn là ta biết chia sẻ những sự hưởng thụ của ta cho người khác. Chúng ta hãy vui mừng, vì càng ngày càng có nhiều người Việt nam được đi nghỉ hè, được thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh, được thưởng nếm những món ăn ngon lành. Nhiều người, nhờ thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật về thi ca, âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc, hay đi xem hoặc tham dự những cuộc thi đấu thể dục thể thao, mà đời sống được nâng cao, tâm hồn được sảng khoái. Thời nào con người cũng cần những sở hữu để sống cho xứng đáng là người: sở hữu nhiều hơn để hiện hữu đầy đủ hơn.

Giáo huấn của thư Colôsê rất rõ: anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Ðấng Tạo hoá. Ðấng Tạo Hoá là Chân Thiện Mỹ. Hướng về Chân Thiện Mỹ, mọi người đều được nâng cao, trở nên con người đúng nghĩa hơn, trọn vẹn hơn, gần với Thiên Chúa hơn, giống Chúa Giêsu hơn. Thánh Phaolô dạy chúng ta đừng nói dối, vì dối trá là đặc điểm của con người cũ giống thần dữ mà bản chất là dối trá. Khi dạy ta hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới, Phaolô hiểu từ hạ giới theo một nghĩa tiêu cực, đó là những điều xấu xa, như gian dâm, ô uế, đam mê xấu, ước muốn xấu, như tham sân si chẳng hạn. Có làm như vậy, chúng ta mới hướng về sự trọn hảo, hướng về sự thiện, trở nên giống Thiên Chúa là Ðấng Thiện hảo. Và nếu ta biết thưởng thức những cái hay cái đẹp ở đời này, thì ta mới có thể có chút gì giống Thiên Chúa là Cái Ðep Vĩnh Hằng.

Khi biết hướng thượng, hướng về Thiên Chúa, cuộc đời của chúng ta cao thượng hơn, có ý nghĩa hơn, viên mãn hơn. Chúa Giêsu đã đến trần gian, đã làm người, để dạy cho chúng ta cách sống làm người, ban cho chúng ta sự sống dồi dào và viên mãn. Theo Chúa, chúng ta luôn cầu tiến, nhưng không tham lam, luôn vươn lên, nhưng không đua đòi, luôn tỉnh thức, nhưng không lo lắng, năng động sáng tạo nhưng không gian dối, biết lo cho bản thân nhưng không ích kỷ. Chúa Giêsu dạy chúng ta yêu thương, vì đó là điều cao đẹp nhất nơi con người, cũng là điều làm cho con người giống Thiên Chúa, Ðấng tự bản chất là Tình Yêu.

 

Mỹ Tho, tháng 8 năm 2007

+ ÐGM. Phaolô Bùi Văn Ðọc

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page