Một Vài Suy Nghĩ Liên Quan Ðến

Giáo Dục Phổ Thông Ở Việt Nam Hiện Nay

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Một Vài Suy Nghĩ Liên Quan Ðến Giáo Dục Phổ Thông Ở Việt Nam Hiện Nay.

Nguyễn Ðình Quyền

1. Bài Toán Giáo Dục Phổ Thông

Không cần nói nhiều thì chắc hẳn mỗi một người trong chúng ta, ai ai cũng đều nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo trong quá trình xây dựng và phát triển của nhân loại. Mỗi một khu vực, mỗi một quốc gia, hay cộng đồng đều chỉ có thể phát triển đi lên nếu như họ xác định đúng vai trò của công tác giáo dục và đào tạo, và triển khai chúng hợp lý dựa trên các đặc trưng tự nhiên, văn hoá, xã hội, và lịch sử của từng dân tộc, của con người ở nơi đó.

Với mục tiêu xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, và hiện đại; nhiệm vụ chiến lược về giáo dục và đào tạo ở Việt Nam ngay bây giờ cần phải được những người làm công tác giáo dục và đào tạo tái khẳng định hơn bao giờ hết. Và điều này đã được thể hiện rõ qua phiên chất vấn của quốc hội khoá XI và bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo diễn ra vào cuối tháng ba vừa qua ở Hà Nội.

Ðứng dưới góc nhìn của một người làm chuyên môn nghiên cứu và giảng dạy ở trường đại học, nhưng đồng thời lại là người học tập và trao đổi về chuyên đề "Lý luận dạy học đại học," (1) tôi muốn trình bày trong bài viết này một số suy nghĩ, dựa trên những hiểu biết và kinh nghiệm nhỏ nhoi của mình, về một vấn đề khá nổi cộm liên quan đến tình hình giáo dục đào tạo ở nước ta hiện nay, đó là - mà theo tôi là - "bài toán giáo dục phổ thông".

Hiện nay, một trong những quan tâm hàng đầu mà bất cứ một người dân Việt Nam nào khi đề cập đến giáo dục thì theo tôi trước tiên đều sẽ là giáo dục phổ thông. Giáo dục phổ thông gần như gắn liền cuộc sống của mọi người dân, cho mọi tầng lớp lao động, tại mọi vị trí địa lý,... cũng như mọi yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội khác nữa. Tùy thuộc vào mối tương quan, kinh nghiệm, và nhận thức khác nhau mà mỗi người trong chúng ta sẽ có những nhận định và suy nghĩ khác nhau về giáo dục phổ thông.

Vì thế, trong bài viết này tôi muốn nêu những suy nghĩ của mình liên quan đến việc giáo dục phổ thông trong mối liên hệ với giáo dục đại học cho học sinh sau này, và ít nhiều dựa trên các ý tưởng liên quan đến bài viết "40 năm trước: Học sinh tốt nghiệp phổ thông sống được ngoài đời," do Phạm Cường thực hiện, đăng trên báo điện tử Vietnamnet ngày 21/09/2006.

 

2.Một Số Vấn Ðề Chính Trong Giáo Dục Phổ Thông Việt Nam

Cũng giống như lý luận về dạy học đại học, chúng ta cần nhìn về giáo dục phổ thông theo quy luật biện chứng về sự vận động và phát triển của nó, trong mối liên hệ giữa nhà trường, học sinh, và xã hội - như là ba yếu tố chung cấu thành giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, với phạm vi của bài viết, tôi không trình bày chi tiết từng vấn đề, mà sẽ đi vào một vài đặc điểm cụ thể liên quan đến lý luận giáo dục phổ thông thông qua các quan sát, sau đó đưa ra suy nghĩ riêng của mình.

Vì thế, trong mục này, ở phần đầu tiên (phần a) tôi xin phép bàn về ý nghĩa và nhiệm vụ của giáo dục phổ thông, xem như là điều kiện cần và cơ bản cho việc đưa ra những suy nghĩ, nhận định của mình ở các phần sau: nội dung và chương trình đào tạo ở bậc phổ thông (phần b), yếu tố con người trong giáo dục phổ thông (phần c), và môi trường, phương tiện và phương pháp giáo dục trong giáo dục phổ thông, trong đó có vấn đề thi cử và đánh giá học tập (phần d).

a. Ý nghĩa và nhiệm vụ của giáo dục phổ thông

Trước hết, chúng ta cùng nhau xác định ý nghĩa và mục đích của giáo dục phổ thông. Ðể đơn giản, tôi xin đặt ra câu hỏi: "Kết quả của giáo dục phổ thông là gì? Có phải để - nói như bài viết của Phạm Cường - 'học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông sống được ngoài đời'?" Hay nói một cách nôm na, "giáo dục phổ thông giúp gì cho người học sinh sau này?"

Ðể trả lời, chúng ta cần phân tích các yếu tố của con người, mà trong đó quan trọng nhất là yếu tố văn hóa xã hội và kinh tế xã hội. Với tầm phát triển về khoa học và công nghệ hiện nay, theo tôi, mục đích của giáo dục phổ thông không phải là đào tạo nên những con người có khả năng làm việc - một cách trọn vẹn - ngoài đời. Bởi trọng tâm giáo dục phổ thông là giúp người học nắm vững các tri thức phổ thông cơ bản [1, trang 80], nhưng không phải là đào tạo nên những người có khả năng làm việc theo kiểu "năng lực tư duy (thinking manpower) hay có khả năng tạo nghiệp (entrepreneurial manpower)" [1, trang 11-12].

Ðấy cũng chính là cách nhìn của hầu hết mọi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, hình như có cái gì đó sai lạc trong "cách nhìn" đó về giáo dục phổ thông của nhiều người hiện nay. Nếu thử đi khảo sát xem mục tiêu việc học của học sinh phổ thông, nhất là học sinh cấp III, câu trả lời đa phần là để "thi đậu đại học"?!? Thế nhưng, như tôi vừa trích từ tài liệu của TS Lưu Xuân Mới, cái cốt lõi của giáo dục phổ thông không phải là để thi đậu đại học, mà là giúp người học "nắm vững các tri thức phổ thông cơ bản" mà thôi.

Trong lý luận dạy học đại học, quá trình dạy học là quá trình mà giáo viên giúp cho sinh viên tự tạo nên những kiến thức cần thiết cho công việc sau này của họ, thì trong lý luận giáo dục phổ thông, chúng ta cũng cần làm sao giúp học sinh hiểu họ cần học các môn học để làm gì; tại sao họ cần học Văn, tại sao họ phải học Toán, tại sao họ phải học thể dục, v.v...? Nếu hiểu được như thế, hơn nữa luôn luôn quán triệt trong tư tưởng như thế, giáo viên sẽ không lệnh "con đường" giảng dạy của mình và học sinh sẽ không bị lệch đi "con đường" học tập của mình. Và theo tôi, đó là một nhiệm vụ quan trọng của công tác giáo dục phổ thông, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng chương trình học và truyền đạt những nội dung bài học cụ thể ở nhà trường.

b. Nội dung và chương trình học cần như thế nào?

Như thế, việc giáo dục và đào tạo ở bậc phổ thông được đặt trên phương châm chính là "mỗi góc cạnh của cuộc sống đều mang tính giáo dục" - (trích lời giảng của PGS Ðoàn Văn Ðiều) - nghĩa là giáo dục phổ thông không chỉ để giúp phát triển những kiến thức về khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội - nhân văn, mà còn là để phát triển về tình cảm, ý chí, thể lực,... ở mức độ nền tảng cơ bản cho người học, theo các cấp độ khác nhau.

Tôi vẫn nhớ rõ những câu chuyện thầy kể trên lớp về việc tại sao cần dạy các trò chơi cho trẻ con, những câu chuyện về các trò chơi dân gian mà ông bà ta đã đúc kết và truyền đạt lại cho con cháu, hoặc ví dụ về công việc giáo dục thể chất cho học sinh thiểu năng trong các trường học đặc biệt. Tất cả đều nhằm mục đích, như tôi vừa nói, giúp học sinh phát triển dần các khả năng cơ bản của mình ở các cấp độ khác nhau.

Suy nghĩ đó của tôi có lẽ đã là một trong những trọng tâm mà những người có trách nhiệm về giáo dục phổ thông ở nước ta biết và đã luôn cố gắng thể hiện và áp dụng vào thực tế của nền giáo dục nước nhà. Vì thế, tôi không dám bàn luận và đưa ra nhiều ý tưởng về việc thay đổi chương trình học và nội dung học ở bậc phổ thông hiện nay, mà chỉ trình bày một số "vấn nạn" mà tôi cảm nhận được, liên quan đến:

-Thứ nhất là việc phân chia chương trình học.

-Thứ hai là về quy trình triển khai nội dung dạy - học.

-Và cuối cùng là phương pháp và thái độ giáo dục trong giáo dục phổ thông.

Về chương trình học, để đạt được mục tiêu cung cấp kiến thức và tri thức cơ bản giúp phát triển toàn diện cho học sinh ở mức độ cơ bản, chúng ta cần xây dựng một chương trình học chung, đồng đều và rộng đủ. Chúng ta đã làm được điều này khi đưa đầy đủ các môn học khác nhau vào chương trình giáo dục phổ thông, theo các cấp học khác nhau. Tuy nhiên, điểm hạn chế là chúng ta đưa ra chương trình học ấy sau những phân tích và đánh giá của người làm công tác xây dựng chương trình học, nhưng lại không triển khai hợp lý vào điều kiện cụ thể của nhà trường phổ thông.

Vì thế, việc xây dựng chương trình phân ban, chương trình hướng nghiệp, và việc đưa chúng vào triển khai thực tế dưới dạng các trường phổ thông trung học phân ban, phổ thông trung học hướng nghiệp,... bên cạnh các trường phổ thông trung học thông thường là không thật sự hợp lý.

Lấy đơn cử về chương trình phân ban, hiện nay học sinh khối A phải học rất nhiều về Toán - Lý - Hoá, như là những môn học quan trọng cho việc học đại học các khối ngành tự nhiên, kỹ thuật sau này, nhưng lại quá xem nhẹ các môn học khác, như là các môn Văn - Sử - Ðịa thuộc khối C. Chính điều này đã tạo nên lỗ hổng khá lớn cho những sinh viên học các ngành tự nhiên, kỹ thuật sau này, bởi rất nhiều sinh viên khi học tập, nghiên cứu, và ra làm việc sau khi tốt nghiệp đã gặp phải rất nhiều khó khăn về khả năng trình bày các bài viết, bài luận, khả năng diễn đạt, giao tiếp xã hội,... Ðấy là chưa nói đến việc các môn học đều có mối liên hệ hỗ tương lẫn nhau trong việc hình thành tư duy và phát triển của người học ở bậc phổ thông.

Ðể giải quyết vấn nạn đó, rất nhiều trường đã triển khai thay đổi phương thức đào tạo - theo định hướng của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (?). Chúng ta đã đi từ việc chuyển từ các chương trình học không phân ban sang phân ban, rồi lại từ phân ban về lại không phân ban ở nhiều trường trung học phổ thông; hay là chúng ta đã xây dựng lên mô hình các trường phổ thông chuyên, rồi bỏ chuyên, rồi lại chuyên,... Cứ thế, hình như chúng ta vẫn đang lẫn quẩn với các mô hình và phương pháp đào tạo.

Như vậy, chúng ta đang tự thí điểm trên một đối tượng quá quan trọng của xã hội, chúng ta đang thí điểm trên chính sức sống và tương lai chúng ta, và hậu quả hiện nay là khá trầm trọng: Các học sinh khi bước vào môi trường đại học gặp khá nhiều khó khăn, hoặc học sinh tốt nghiệp phổ thông ra ngoài đời không làm việc được (tất nhiên có kèm cả yếu tố về cơ sở vật chất, trình độ khoa học kỹ thuật và nền kinh tế của chúng ta). Hơn nữa, theo cái nhìn chung của khá nhiều người, vấn nạn thi vào đại học - như tôi nêu ra trong phần ý nghĩa và nhiệm vụ ở trên - đã khiến cho các trường khi áp dụng mô hình đào tạo phổ thông thông thường lại có quan điểm của dạy và học theo kiểu "phân ban".

Hướng giải quyết thế nào tôi không dám bàn, chỉ thiết nghĩ chúng ta cần "cập nhật" lại tư tưởng của mỗi người dân, trong chủ trương chung của giáo dục và đào tạo của cả nước, và thích nghi dần dần vào xu thế và tầm tri thức của nhân loại.

Nói đến đây, tôi nghĩ đến giáo dục phổ thông ở Cộng Hòa Liên Bang Ðức, một nền giáo dục phát triển, tiên tiến trên thế giới. Khi tôi học tập ở Ðức, điều làm tôi thật sự ngạc nhiên là cách phân chia các chương trình học và khả năng cũng như thái độ học đại học và sau đại học của họ. Khi hỏi về giáo dục phổ thông, tôi càng ngạc nhiên và sau đó mới vỡ lẽ hơn nữa việc mà chúng ta cũng na ná làm là phân ban, là hướng nghiệp ở phổ thông - hay như là mô hình Trường trung học kiểu mẫu Thủ Ðức của TS Dương Thiệu Tống [2].

Chương trình học phổ thông ở Ðức cũng khá giống ở Việt Nam, thông thường học sinh phải học từ 12 đến 13 năm. Ở đó, các học sinh được tiếp cận và học theo một quy trình khá đặc biệt để làm sao sau khi tốt nghiệp phổ thông họ nắm được những kiến thức chung, phát triển được khả năng cơ bản với những kiến thức cơ bản nhất, và định hướng rõ ràng cho việc học lên cao cũng như chuyên môn tương lai của mình sau này.

Ngay từ khi học cấp I (Grundschule), các học sinh tiểu học ở Ðức đã được kiểm tra khách quan để chuyển vào các hệ đào tạo khác nhau, tuy nhiên việc phân hoạch hoá các nhóm học sinh là không thật sự rõ rệt, họ gần như có chương trình đào tạo chung cho giai đoạn này. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt là họ căn cứ trên cách học, khả năng học của học sinh, dưới sự hướng dẫn (đóng vai trò hết sức quan trọng, vì là giáo dục tiểu học) của giáo viên để dần dần xác định ra các nhóm học sinh với các khả năng khác nhau.

Khi vào cấp II (Hauptschule), tuỳ theo kết quả học tập - xét trên tổng thể nhiều yếu tố theo chương trình đào tạo tiểu học - họ chuyển học sinh vào các trường, hệ đào tạo khác nhau, mà ở đây tôi chỉ đưa ra hai nhóm chính, đó là nhóm trung học cơ sở hướng khoa học và nhóm trung học cơ sở hướng nghiệp. Ở cả hai nhóm học, kiến thức nền tảng đều như nhau, nhưng bên cạnh đó, các học sinh hướng khoa học được cung cấp thêm khả năng về tư duy khoa học, trong khi các học sinh hướng nghiệp bắt đầu được làm quen nhiều hơn với việc học thực hành, đồng thời được giới thiệu cơ bản một số hướng ngành cụ thể. Quy trình này được thực hiện theo hướng tiếp cận phụ thuộc học sinh; nghĩa là chuyển hướng cho học sinh vào các lớp học cụ thể sau mỗi từng năm học nếu thấy khả năng của học sinh là không phù hợp với cách đang được giáo dục.

Lên cấp III, học sinh lại được một lần nữa phân hoạch rõ ràng hơn, và ở cấp độ này, họ được đào tạo theo 3 nhóm: trường đào tạo chung (Gesamtschule và Realschule), trường đào tạo hướng khoa học (Gymnasium) hoặc hướng nghiệp (Berufsschule), tạo tiền đề cho việc học sau phổ thông sau này. Lúc này, chương trình học đã khác nhau nhiều, nên việc tốt nghiệp cũng khác nhau, và việc chuyển vào học đại học là đơn giản, phù hợp chứ không như thi đại học ở Việt Nam (tôi sẽ nhắc lại trong phần về thi cử, đánh giá học tập sau): chỉ những học sinh tốt nghiệp phổ thông từ hệ hướng khoa học (gọi là tốt nghiệp Abitur) mới được đăng ký vào các trường đại học (Universitat), còn các học sinh học hướng nghiệp thì theo học chuyên môn tại các trường đại học ứng dụng (Fachhochschule, tiếng Anh là University of Applied Science).

Việc phân định như vậy, dựa trên khả năng của học sinh, theo định hướng và kiểu mẫu chung và đặc điểm văn hoá và kinh tế của xã hội sẽ giúp đào tạo nên những con người thật sự triển nở cho xã hội. Khi đó, chúng ta sẽ giảm đi chuyện quá tải cho học sinh, giảm đi bệnh thành tích, giảm đi những hạn chế sau này của sinh viên (chẳng hạn việc học đại học sẽ đúng nghĩa hơn đối với sinh viên chứ không phải là như học sinh học "lớp 13"). Và cũng nhờ đó, việc đưa các môn học chung, môn hướng nghiệp, môn học hỗ trợ (chẳng hạn ngoại ngữ) vào chương trình đào tạo, cũng như việc giáo dục đạo đức, thái độ học tập trong nhà trường phổ thông sẽ thật sự diễn ra như mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục phổ thông.

c. Yếu tố con người trong giáo dục phổ thông

Những vấn đề mà tôi vừa trình bày, nhất là vấn đề thái độ và đạo đức giáo dục, nếu xét ở mức độ chi tiết hơn sẽ gắn liền với yếu tố con người. Nhiệm vụ của giáo dục phổ thông được đặt ra, nội dung cần bàn thảo sẽ không có nếu như ta không quy về yếu tố con người. Tuy nhiên, trong bài thu hoạch này, các vấn đề khác vấn đề về nội dung giáo dục phổ thông - theo yêu cầu của bài luận - sẽ không được trao đổi nhiều, vì thế tôi chỉ lược qua như sau.

Nhà trường và tất cả những gì diễn ra trong nhà trường là quá trình vận động phát triển dựa trên các đối tượng động là người dạy (giáo viên) - người học (học sinh) - và người quản lý (nhà trường). Vì thế, để giáo dục phổ thông phát triển theo đúng yêu cầu và nhiệm vụ của nó, chúng ta cần quan tâm đến những đặc trưng xã hội - nhân văn của con người, bao gồm:

- Tâm sinh lý con người trong giáo dục phổ thông.

- Tương quan kinh tế trong giáo dục phổ thông.

- Ðạo đức và các giá trị trong giáo dục phổ thông.

- Lịch sử và văn hoá xã hội của giáo dục phổ thông.

cùng những yếu tố liên quan khác nữa.

Nếu xét về yếu tố người dạy, tôi nhớ có một lần ngồi nói chuyện với một thầy hiệu phó hồi tôi học cấp III, khi chúng tôi đề cập đến việc học sinh không tiếp thu được kiến thức truyền đạt của một số giáo viên, thầy giáo tôi đã nói: "Thật sự đấy cũng là trăn trở chung của tôi và của những người làm công tác giáo dục phổ thông. Làm người thầy ai cũng muốn dạy tốt, cũng muốn truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm sống của mình cho học sinh, nhưng điều đó không phải dễ khi mà khả năng họ không đáp ứng đủ. Mà tại sao, một phần là những yếu tố xã hội...," thầy ngưng lại rồi tiếp, "trong số các bạn, sau này có bao nhiêu người chọn ưu tiên đầu tiên thi vào sư phạm để dạy học ở phổ thông, ở cấp I, II, III, hay là chọn lựa những nghề nghiệp về kinh tế, xã hội khác."

Những vấn đề như thế về việc tạo ra đội ngũ thầy giáo ở bậc phổ thông, về việc đào tạo chuyên môn cho họ, về việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ,... cũng cần phải xem xét, để làm sao chúng ta ít nhất là được như trước đây, chẳng hạn trước năm 1975, ngành sư phạm được xem như là một trong những ngành đòi hỏi xét tuyển đầu vào kỹ nhất, và đào tạo ở bậc càng thấp, nhất là giáo dục mầu giáo, càng thật quan trọng.

Tương tự như vậy, chúng ta cũng cần xem xét và bàn về những yếu tố văn hoá, xã hội có liên quan đến người quản lý cũng như đến học sinh. Chẳng hạn tôi lấy ví dụ như sau: Cùng với sự phân hoá về kinh tế, các yếu tố tồn tại song song với nó trong xã hội cũng được phân hoá theo. Các trường học, dẫu ở bậc phổ thông, ở các vùng thành thị khác hẳn ở các vùng nông thôn, ở các thành phố lớn khác các thành phố nhỏ,... Ðiều này dẫn đến việc học sinh ở các nơi khác nhau cũng hoàn toàn khác nhau, và kéo theo nhiều vấn nạn về tâm lý, đạo đức xã hội khác nhau.

Những câu hỏi như "Vì điều kiện học tập, học sinh có nên đi học xa nhà hay không, ở cái giai đoạn mà việc phát triển và hình thành nên con người của chúng không chỉ là kiến thức mà còn là những đặc trưng khác như tâm lý tình cảm gia đình?", "Có nên cho con em chúng ta đi học ở nước ngoài hay không?", "Có nên trang bị các trang thiết bị hiện đại, chẳng hạn máy tính, cho học sinh phổ thông hay không? Và nếu có thì cần quản lý thế nào?",... theo tôi là những câu hỏi mà chúng ta luôn cần xem xét kết hợp khi xã hội hoá giáo dục phổ thông trong tình hình hiện nay.

d. Phương tiện và phương pháp giáo dục phổ thông và vấn đề thi cử, đánh giá học tập

Trong phần cuối liên quan đến phân tích giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay, tôi muốn đưa ra những suy nghĩ liên quan đến những câu hỏi tôi vừa đặt ra ở trên, về việc làm sao để triển khai giáo dục phổ thông cho các vùng địa lý khác nhau, với các điều kiện kinh tế và xã hội khác nhau, mà vẫn đảm bảo tốt nhất ý nghĩa và mục đích của giáo dục phổ thông.

Ðiều đầu tiên theo tôi nghĩ phải là tầm nhìn của chúng ta về phương pháp dạy học. Từ nhiệm vụ và mục tiêu của giáo dục phổ thông đã phân tích trên, và dựa trên khả năng chuyên môn của giáo viên phổ thông nói chung, các nhà làm công tác định hướng và triển khai giáo dục phổ thông phải nghiên cứu và đưa ra các phương pháp giáo dục thích hợp nhất. Chẳng hạn trong tình hình hiện này, cần triển khai dần "công nghệ dạy học" dựa trên đặc trưng con người, bằng cách kết hợp khoa học, công nghệ hiện đại với các yếu tố lịch sử, xã hội.

Khi đó chúng ta sẽ biết xây dựng phương pháp dạy - học ở bậc phổ thông như thế nào. Ví dụ với việc học sinh phổ thông ở nước ta gần như hoàn toàn bị động trong việc học, vì thế ta phải thay đổi dần quan điểm lấy việc học làm trung tâm thành việc lấy người học làm trung tâm, nhưng ở cấp độ khác hơn so với lý luận đó trong giáo dục đại học; nghĩa là không thuần tuý là cộng tác, nhưng là bán cộng tác, giữa nhà trường và giáo viên với học sinh và gia đình (phụ huynh).

Tương tự như thế, vấn đề thi cử và đánh giá học tập cũng cần được phân tích nghiên cứu và triển khai tùy theo đặc trưng nội dung và chương trình giáo dục đã đề ra. Ví dụ, việc tổ chức thi cử và thi đua cần triển khai song song với việc học tập như là yếu tố cần thiết cho quá trình phát triển và định hướng phát triển của học sinh phổ thông. Làm sao cho học sinh và xã hội hiểu chuyện thi cử là quan trọng như thế nào, và thi cử là để có điểm hay là có kiến thức và phát triển nhân cách,...

Ðể kết lại những suy nghĩ trên, tôi nêu lại vấn đề đang được nhiều người bàn bạc bây giờ về giáo dục phổ thông ở Việt Nam là vấn đề thi đại học:

- Chúng ta có tiếp tục xây dựng các chương trình thi tuyển sinh đại học hay không? Nếu có thì phải thi như thế nào, đánh giá ra sao? Hình thức thi trắc nghiệm hiện đang được triển khai là có hợp lý hay không?

- Nếu không thi tuyển sinh đại học thì chúng ta nên xét tuyển từ phổ thông thế nào? Mô hình giáo dục phổ thông của Cộng Hòa Liên Bang Ðức có thể phù hợp cho chúng ta hay không? Nếu có thì ta cần bắt đầu từ đâu?

- ...

3. Kết Luận

Phân tích và đưa ý kiến về những vấn đề quan trọng như là vấn đề giáo dục phổ thông có thể nói là điều không dễ để nói bởi một vài cá nhân, mà phải bởi cả tập thể, cả xã hội với những nghiên cứu và triển khai bài bản. Bởi thế, với bài viết này, tôi chỉ muốn trình bày lại những suy nghĩ tương đối chủ quan của mình như một cách thức trao đổi quan điểm với những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà. Bên cạnh đó, khơi gợi lại cho mình cũng như những ai có cùng quan điểm những trăn trở khi bàn về giáo dục phổ thông, với những ý tưởng ít nhiều liên quan đến bài viết của Phạm Cường [2].

Như đã trình bày, những vấn đề được nêu ra trong bài phỏng vấn TS Dương Thiệu Tống đều ít nhiều được đề cập đến trong bài viết này, chẳng hạn như câu hỏi về nguồn kinh phí của mô hình Trường trung học kiểu mẫu Thủ Ðức sẽ đâu đó liên quan đến suy nghĩ của tôi về vấn đề kinh tế và đạo đức con người trong giáo dục phổ thông hiện nay, với một cấp độ khác; hoặc như bàn luận về cấu trúc chương trình đào tạo so với mô hình giáo dục phổ thông ở Ðức,...

Khi mà giáo dục phải gắn liền với sự phát triển của xã hội, của nhân loại, thì những yêu cầu cải tiến giáo dục phổ thông cũng như các bậc học khác nữa là tất yếu. Và theo quy luật vận động và phát triển chung của nhân loại thì trước sau gì nó cũng xảy ra theo chiều kích tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, quá trình diễn ra nhanh hay chậm, dễ dàng hay gặp nhiều cản trở, thậm chí đôi khi phải bị thụt lùi, sẽ ở chỗ chúng ta biết nhìn nhận và triển khai chúng như thế nào bây giờ. Câu trả lời là ở mỗi chúng ta và của những người làm công tác giáo dục và đào tạo của nước nhà.

 

4. Tài Liệu Tham Khảo

[1] Lưu Xuân Mới. Lý luận dạy học đại học. Nhà xuất bản giáo dục, 2000.

[2] Phạm Cường, "40 năm trước: Học sinh tốt nghiệp phổ thông sống được ngoài đời," bài viết trên báo điện tử Vietnamnet, 21/09/2006.

(1) Bài viết này cũng chính là bài thu hoạch của tác giả về chuyên đề "Lý luận dạy học đại học"- Ðại Học Sư Phạm Saigòn, Tháng 04/2007.

 

Saigòn, tháng 8 năm 2007

Nguyễn Ðình Quyền

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page