Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI
cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII.
(Radio Veritas Asia 26/07/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Ngày Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII sẽ được tổ chức tại Sydney, Úc Châu, từ ngày 15 đến 20 tháng 7 năm 2008, theo chủ đề: "Chúng con sẽ nhận được sức mạnh Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự xuống trên chúng con, và chúng con sẽ làm chứng cho Thầy." (TÐCV 1, 8). Nội dung của sứ điệp gồm có 8 số như sau:
1. Ngày Quốc tế Giới Trẻ lần thứ XXIII.
2. Lời hứa ban Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh.
3. Biến cố Hiện Xuống, điểm khởi hành cho sứ mạng của giáo hội.
4. Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo Hội và nguyên lý của sự hiệp thông.
5. Chúa Thánh Thần, vị Thầy nội tâm.
6. Bí Tích Thêm Sức và Bí Tích Thánh Thể.
7. Sự cần thiết và khẩn trương của sứ mạng truyền giáo.
8. Khẩn cầu một "lễ hiện xuống mới" trên thế giới.
Giờ đây chúng ta hãy bắt đầu với số 1 của Sứ Ðiệp:
1. Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ XXIII.
Các bạn trẻ thân mến,
Với niềm vui mừng lớn lao, tôi luôn nhớ những giây phút chúng ta đã trải qua chung với nhau tại Colonia, vào tháng 8 năm 2005. Vào lúc kết thúc cuộc biểu dương không thể quên được của Ðức Tin và của lòng hăng say, một cuộc biểu dương vẫn còn khắc ghi trong trong tâm trí Cha, Cha đã hẹn với chúng con cho lần gặp gỡ sắp đến, sẽ diễn ra tại Sydney, vào năm 2008. Ðây sẽ là Ngày Quốc tế Giới Trẻ lần thứ XXIII và sẽ có chủ đề như sau: "Chúng con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự xuống trên chúng con và chúng con sẽ làm chứng cho Thầy" (TÐCV 1,8). Hướng chỉ đạo cho công cuộc chuẩn bị thiêng liêng cho cuộc gặp nhau tại Sydney là Chúa Thánh Thần và sứ mạng truyền giáo. Nếu trong năm 2006, chúng ta đã dừng lại suy niệm về Chúa Thánh Thần như là Thánh Thần của Sự Thật, và trong năm 2007, chúng ta cố gắng khám phá Chúa Thánh Thần một cách sâu xa hơn như là Thánh Thần của Tình Yêu, để tiến bước đến Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 2008, vừa suy nghĩ về Thánh Thần của sức mạnh và của lời chứng, là Ðấng ban cho chúng ta sự can đảm để sống Tin Mừng và lòng gan dạ để công bố Tin Mừng. Vì thế, điều căn bản cho mỗi người trong chúng con, những người trẻ, tại những cộng đoàn của chúng con và cùng với những nhà giáo dục chúng con, (mỗi người trong chúng con) có thể suy nghĩ về Ðấng chủ động này trong lịch sử ơn cứu rỗi, tức Chúa Thánh Thần, hay là Thánh Thần của Chúa Giêsu, để đạt đến những mục tiêu cao cả như sau: nhìn nhận căn cước đích thực của Chúa Thánh Thần, nhất là bằng việc lắng nghe Lời Chúa trong mạc khải Kinh Thánh; ý thức rõ ràng về sự hiện diện liên tục và tích cực của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo Hội, nhất là bằng cách khám phá rằng Chúa Thánh Thần giới thiệu chính mình như là "linh hồn", là hơi thở quan trọng của đời sống kitô, nhờ qua các bí tích khai tâm kitô - Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể; và như thế, trở nên có khả năng làm cho trưởng thành sự hiểu biết về Chúa Giêsu, mỗi ngày một sâu xa hơn và vui tươi hơn, và vừa đồng thời áp dụng hữu hiệu Tin Mừng, vào lúc bình minh của ngàn năm thứ ba. Với sứ điệp này, Cha sẵn sàng cống hiến cho chúng con một hướng suy niệm cần được đào sâu thêm trong suốt năm chuẩn bị này, nhờ đó mà kiểm chứng phẩm chất đức tin chúng con vào Chúa Thánh Thần, để tìm gặp lại nó nếu đã bị mất, củng cố nó nếu đã bị yếu kém đi, cảm nếm nó như là một sự đồng hành của Chúa Cha và Chúa Con , là Chúa Giêsu Kitô, nhờ qua tác động cần thiết của Chúa Thánh Thần. Chúng con đừng bao giờ quên rằng Giáo Hội, và cả chính nhân loại, đang hiện diện quanh chúng con, chờ đợi chúng con trong tương lai chúng con, chờ đợi nhiều từ chúng con, những người trẻ, bởi vì chúng con lãnh nhận hồng ân cao cả của Thiên Chúa Cha, là Thánh Thần của Chúa Giêsu.
2. Lời Hứa ban Chúa Thánh Thần trong Kinh Thánh.
Việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa nói về mầu nhiệm và hoạt động của Chúa Thánh Thần mở rộng tâm hồn chúng ta đón nhận những hiểu biết cao cả và đầy sức phấn khởi mà tôi có thể tóm gọn trong những điểm sau đây.
Gần trước lúc lên trời, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ như sau: Thầy sẽ sai xuống trên anh em Ðấng mà Cha Thầy đã hứa" (Lc 24,49). Ðiều này đã được thực hiện trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các môn đệ họp nhau cầu nguyện trong Phòng Tiệc ly với Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria. Việc đổ tràn Chúa Thánh Thần xuống trên Giáo Hội khai sinh là để hoàn tất lời hứa xa xưa của Thiên Chúa, đã được loan báo và chuẩn bị trong toàn thể Cựu Ước.
Thật vậy, ngay từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh nhắc đến Thánh Thần của Thiên Chúa như là "hơi thổi" "bay là là trên mặt nước" (x. Stk 1,2) và nói rõ rằng Thiên Chúa đã "thổi" vào lỗ mũi con người luồng sự sống (x. Stk 2,7), vừa đổ vào con người chính sự sống. Sau tội nguyên tổ, Thánh Thần sự sống của Thiên Chúa được biểu lộ nhiều lần khác nhau trong lịch sử con người, vừa khơi dậy những ngôn sứ để khích lệ Dân được tuyển chọn trở về với Thiên Chúa và trung thành tuân giữ những giới răn của Ngài. Trong thị kiến nổi tiếng của tiên tri Êzêkiel, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần của Ngài để làm sống lại Dân Israel, được biểu tượng bởi những "bộ xương khô" (x. 37, 1-14); Tiên tri Gioel "nói tiên tri về sự đổ tràn Thánh Thần xuống trên toàn Dân, không loại trừ ai. Tác giả Kinh Thánh đã viết như sau: "Sau đó, Ta sẽ đổ xuống Thánh Thần của Ta trên mọi người... Cả trên những nô lệ nam nữ, trong ngày hôm đó, Ta sẽ đổ xuống Thánh Thần của Ta. (3, 1-2).
Khi "thời viên mãn đến" (x. Gal 4,4), sứ thần Chúa loan báo cho Ðức Nữ Trinh làng Nazareth rằng Chúa Thánh Thần, "quyền năng của Ðấng tối cao", sẽ ngự xuống và phủ lấy Trinh Nữ. Ðấng mà Trinh Nữ sẽ sinh ra là đấng thánh và được gọi là Con Thiên Chúa (x. Lc 1,35). Theo cách nói của tiên tri Isaia, Ðấng Messia sẽ là Ðấng mà trên Ngài, Thánh Thần của Chúa sẽ ngự xuống (x. 11,1-2; 42,1). Chính lời tiên tri này được Chúa Giêsu nhắc lại vào khởi đầu tác vụ công khai của Chúa, trong Hội Ðường Nazareth; Chúa đã công bố trước sự kinh ngạc của những người hiện diện như sau: "Thánh Thần của Chúa đang ngự trên tôi; và vì thế Ngài đă xức dầu thánh hiến tôi và đã sai tôi đi rao giảng cho người nghèo tin vui mừng, công bố cho kẻ bị cầm tù biết họ được giải phóng và cho kẻ mù được sáng mắt; mang lại tự do cho những ai bị áp bức và rao giảng năm hồng ân của Chúa (Lc 4,18-19); x. Is 61,1-2). Nhìn vào những người hiện diện, Chúa Giêsu áp dụng cho mình những lời tiên tri trên và quả quyết như sau: "Hôm nay, được ứng nghiệm Lời Kinh Thánh mà các người vừa nghe" (Lc 4,21). Hơn nữa, trước khi chết trên thập giá, Chúa đã báo trước nhiều lần cho các môn đệ về việc Chúa Thánh Thần , "Ðấng an ủi", sẽ đến mà sứ mạng của Người là làm chứng và trợ giúp cho những kẻ tin, vừa dạy họ và hướng dẫn họ đến sự Thật trọn vẹn" (x. Gn 14,16-17. 25-26; 15,26; 16,13).
3. Lễ Hiện Xuống, điểm khởi hành của Sứ mạng Giáo Hội.
Vào buổi chiều ngày Chúa sống lại, khi hiện ra cho các môn đệ, Chúa Giêsu thổi hơi trên họ và nói: "Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần" (Gn 20,22). Ðến ngày lễ Ngủ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các Tông đồ một cách mạng mẽ hơn nữa. Người ta đọc trong Sách Tông Ðồ công vụ như sau: "Một tiếng động lớn bất ngờ từ trời vang đến, như tiếng gió thổi mạnh xuống và tràn vào khắp cả nhà, nơi các tông đồ đang ở. Xuất hiện những hình lưỡi lửa ngự trên đầu các tông đồ." (TÐCV 2,2-3).
Chúa Thánh Thần canh tân các tông độ từ bên trong, ban cho các ngài một sức mạnh làm cho các ngài trở nên dũng cảm mà rao giảng cách không sợ hãi rằng: "Chúa Kitô đã chết và đã sống lại!" Ðược giải thoát khỏi mọi sợ hãi, các ngài bắt đầu nói cách chân thành (x. TÐCV 2,29); 4,13; 4,29.31). Từ những người đánh cá nhút nhát, các ngài đã trở thành những anh hùng can đảm của Tin Mừng. Cả những kẻ thù của các ngài cũng không thể hiểu được làm sao "những con người không học thức và nhát sợ" (x. TÐCV 4,13) lại có khả năng chứng tỏ một sự can đảm như thế và chịu đựng được những nghịch cảnh, những đau khổ và những bách hại một cách vui tươi. Không gì có thể chận các ngài lại. Với những ai đã cố gắng buộc các ngài phải im lặng, thì các ngài trả lời như sau: "Chúng tôi không thể im lặng, không thể không nói lên điều chúng tôi đã thấy và đã nghe" (TÐCV 4,20). Như thế được khai sinh Giáo Hội, một giáo hội từ lễ Ngũ Tuần đã không ngừng chiếu toả Tin Mừng "cho đến tận cùng trái đất" (TÐCV 1,8).
4. Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo Hội và nguyên lý của sự hiệp thông.
Nhưng để hiểu sứ mạng của Giáo Hội, chúng ta phải trở lại phòng tiệc ly nơi các môn đệ tựu lại với nhau (x. Lc 24,49), vừa cầu nguyện với Ðức Maria, một người Mẹ, trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần đã được hứa ban. Mọi cộng đoàn kitô cần phải luôn múc lấy sự linh ứng từ hiện ảnh Giáo Hội lúc khai sinh này. Sự phong phú tông đồ và truyền giáo một cách chính yếu không phải là kết quả của những chương trình và các phương pháp mục vụ được soạn thảo cách khôn ngoan và "hữu hiệu", nhưng là hoa trái của sự cầu nguyện không ngừng của cộng đoàn (x. Phaolô VI, tông huấn Evangelii Nuntiandi, rao giảng Phúc âm, số 75). Ngoài ra sự hữu hiệu của sứ mạng còn giả thiết rằng các cộng đoàn hiệp nhất với nhau, nghĩa là "có một con tim, một linh hồn mà thôi" (x. TÐCV 4,32) và rằng các cộng đoàn sẵn sàng làm chứng cho tình yêu và niềm vui mà Chúa Thánh Thần đổ tràn vào trong tâm hồn các tín hữu (x. TÐCV 2, 42). Vị Tôi Tớ Chúa, Ðức Gioan Phaolô II đã viết như sau: trước khi là hành động, sứ mạng của Giáo Hội là chứng tá và là sự chiếu toả (x. Thông điệp Sứ mạng của Ðấng cứu chuộc, Redemptoris Missio, số 26). Như thế đã xảy ra vào khởi đầu của kitô giáo, khi những anh chị em ngoại giáo, -- như giáo phụ Tertullianô đã viết, --- trở lại nhờ nhìn thấy tình yêu thương hiện diện giữa những người kitô. Họ nói: "Hãy xem những người kitô yêu thương nhau biết chừng nào" (x. Apologetico, 39 &7). Kết thúc cái nhìn ngắn gọn về Lời Chúa trong Kinh Thánh, Cha mời gọi chúng con hãy ghi nhận như thế nào Chúa Thánh Thần là hồng ân cao cả nhất của Thiên Chúa cho con người, và như thế là lời chứng cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta, một tình yêu được diễn tả cách cụ thể như là "lời thưa vâng đón nhận sự sống" mà Thiên Chúa muốn cho mỗi tạo vật của Ngài. Lời "thưa vâng đón nhận sự sống" có được hình thức trọn vẹn của nó trong Chúa Giêsu Nazareth và trong chiến thắng của Chúa trên sự dữ nhờ qua ơn cứu chuộc. Về vấn đề này, chúng ta đừng bao giờ quên rằng Tin Mừng Chúa Giêsu, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, không được rút gọn thành một sự ghi nhận thuần tuý, nhưng muốn trở thành "tin mừng cho kẻ nghèo, thành sự giải phóng cho những kẻ bị tù đày, là sự sáng mắt cho kẻ mù loà..." Ðó là tất cả những gì được biểu lộ một cách rõ ràng trong ngày lễ Ngũ Tuần, ngày trở thành ân sủng và trách vụ của Giáo Hội đối với thế giới, sứ mạng ưu tiên của giáo hội.
Chúng ta là những hoa trái của sứ mạng của Giáo Hội nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta mang trong mình dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa Cha trong Chúa Giêsu Kitô, là Chúa Thánh Thần. Chúng ta đừng bao giờ quên điều nầy, bởi vì Thánh Thần của Chúa luôn nhắc nhớ đến mỗi người và một cách đặc biệt, qua trung gian chúng con, những người trẻ, những kẻ muốn khơi dậy trong thế giới ngọn gió và lửa của một lễ Hiện Xuống mới.
5. Chúa ThánhThần, vị Thầy Nội Tâm.
Các bạn trẻ thân mến, cả trong ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần tiếp tục hành động cách quyền năng trong giáo hội và những hoa trái của Thánh Thần là phong phú trong mức độ chúng ta sẵn sàng mở rộng chính mình đón nhận sức mạnh canh tân của Thánh Thần. Vì thế, điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết rõ Chúa Thánh Thần, bước vào trong tương quan với Ngài và để cho Ngài hướng dẫn. Nhưng đến đây tự nhiên nảy sinh một câu hỏi: Chúa Thánh Thần là ai đối với tôi? Thật vậy, đối với không ít những người kitô, Chúa Thánh Thần tiếp tục là "Ðấng Không Ðược Biết Ðến". Vì thế, đây là lý do tại sao, trong thời gian chuẩn bị cho ngày Quốc tế Giới Trẻ sắp đến, Cha muốn mời gọi chúng con hãy đào sâu sự hiểu biết của chính chúng con về Chúa Thánh Thần. Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: "Tôi tin Ðức Chúa Thánh Thần, là Chúa và là Ðấng ban sự sống. Người bởi Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con mà ra" (Kinh Tin Kính Nicea - Costantinopoli). Phải, Chúa Thánh Thần, Thánh Thần Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, là Nguồn Mạch sự sống có sức thánh hoá chúng con, "bởi vì tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào trong tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần, Ðấng đã được trao ban cho chúng ta" (Roma 5,5). Tuy nhiên, quả thật không đủ, nếu chỉ hiểu biết Ngài mà thôi; cần phải tiếp nhận Ngài như là Ðấng hướng dẫn linh hồn chúng ta, như là "Vị Thầy Nội Tâm", Ðấng dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi, bởi vì chỉ một mình Ngài có thể mở rộng lòng trí chúng ta để chúng ta tin, và cho phép chúng ta sống đức tin mỗi ngày một cách trọn đầy. Chúa Thánh Thần thôi thúc chúng ta đến với kẻ khác, thắp lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu, và biến đổi chúng ta thành những nhà truyền giáo của tình yêu Thiên Chúa. Cha biết rõ chúng con, những người trẻ, chúng con mang trong tim lòng sùng mộ to lớn và tình yêu đối với Chúa Giêsu, và biết rõ chúng con ao ước gặp gỡ và nói chuyện với Chúa Giêsu. Nhưng chúng con hãy nhớ rằng chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, làm chứng, kết thành và xây dựng nhân vị chúng ta trên nền tảng chính con người Chúa Giêsu, Ðấng chịu đóng đinh chết và đã phục sinh. Chúng ta hãy làm cho mình trở nên thân quen với Chúa Thánh Thần, để trở nên thân quen với Chúa Giêsu.
(còn tiếp )
(Ðặng Thế Dũng)