Bài Giảng của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc
trong Thánh Lễ Mừng Năm Mươi Năm
Dòng Tên Việt Nam
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài Giảng của Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc trong Thánh Lễ Mừng Năm Mươi Năm Dòng Tên Việt Nam.
(Gr 20, 7. 11a-13 ; Pl 3, 8, 14 ; Lc 12, 49 -50)
Anh chị em thân mến, trong dịp ngày Ðại Lễ hôm nay, dưới ánh sáng của Lời Chúa qua các bài đọc Kinh Thánh, tôi xin chia sẻ một vài tâm tình cho tất cả anh chị em, với tư cách là một người bạn của anh em dòng Tên ở Việt nam.
Khi nói đến anh em Dòng Tên, hai đặc điểm đầu tiên mà tôi nghĩ ngay tới là trí thức và sự nhiệt tình đối với Chúa cũng như đối với Giáo hội. Cả hai đặc điểm ấy là những điều cần thiết trong đạo của chúng ta, thiếu một trong hai, Giáo hội khó có thể là Ánh sáng muôn dân (Lumen Gentium). Ðiều đó không có nghĩa là Giáo hội chỉ dành cho những người trí thức. Giáo hội là của mọi người và dành cho mọi người.
Chân Thiện Mỹ là những giá trị cao cả nhất của loài người, mà Giáo hội không ngừng đề cao, vun đắp, bảo vệ và loan báo cho mọi người, vì cội nguồn của Chân Thiện Mỹ là từ trên cao, từ chính Thiên Chúa. Chính Chúa là Chân Thiện Mỹ. Những gì là Chân thật, là Thiện hảo, là đẹp đẽ, tất cả chúng ta hãy trân trọng. Ðó là đường lối rất khôn ngoan mà Dòng Tên không ngừng theo đuổi từ lúc bước chân vào lục địa Trung Hoa và vào Việt Nam.
Theo bài Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến trần gian và đã ném lửa vào mặt đất. Người đã đem ngọn lửa tình yêu nóng bỏng đến để xét xử trần gian và cứu độ trần gian. Ngọn lửa đó đã bùng lên, từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, và không ngừng hoạt động trong lịch sử nhân loại, đã nung nấu biết bao nhiêu tâm hồn các môn đệ của Chúa Giêsu, đặc biệt là các Giêsu hữu. Chúa muốn cho ngọn lửa ấy bùng lên khắp nơi, bừng lên trong trái tim của mọi người. Ngọn lửa ấy là Tình yêu của Chúa, là Thánh Thần của Chúa, nên nó chỉ bừng lên nơi nào con người gặp được Chúa, tiếp xúc với Chúa.
Các Giêsu hữu đã làm cho ngọn lửa ấy bừng lên ở nhiều nơi, trong thời gian đầu đến truyền giáo ở Việt Nam, từ năm 1615, ở Ðàng Trong thuộc quyền Chúa Nguyễn và sau đó từ 1627 ở Ðàng Ngoài thuộc quyền Chúa Trịnh. Cám ơn Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam những nhà truyền giáo lớn như Cha Ðắc Lộ, Cha Buzomi, Cha Majorica. Không những Giáo hội Việt Nam, mà Ðất nước và con người Việt Nam không bao giờ quên ơn các cha Dòng Tên khi sử dụng chữ Quốc ngữ như hiện nay.
Trước năm 1975, Giáo hoàng học viện của Dòng Tên tại Ðàlạt đã góp phần đào tạo nhiều linh mục ưu tú cho Giáo hội Việt nam, trong số đó có những Ðức Cha đang ngồi giữa chúng ta đây. Ngày nay các Giêsu hữu tại Việt Nam vẫn đang hăng say tiếp tục phục vụ cho ngọn lửa Tình yêu cứu độ của Chúa. Sự nhiệt tình làm công tác giảng linh thao của các cha Dòng Tên tạo điều kiện cho nhiều người được gặp gỡ Chúa. Ðó không những là điều hữu ích, mà còn cần thiết cho các Kitô hữu, đặc biệt là các tu sĩ và giáo sĩ. Các tu sĩ, giáo sĩ, kể cả hàng giáo phẩm muốn có lửa, phải được gặp Chúa.
Theo sách tiên tri Giêrêmia, thì ngọn lửa ấy là Lời của Thiên Chúa. Những Lời mà Thiên Chúa muốn nói qua miệng của ngôn sứ, cứ như ngọn lửa cháy trong lòng, đòi phải được nói ra, ngôn sứ không thể cưỡng lại.
Ngôn sứ lớn nhất và cuối cùng là Chúa Giêsu đã đến trần gian để nói cho loài người chúng ta tiếng nói tối hậu và đầy đủ nhất về Thiên Chúa, để nhờ biết Thiên Chúa mà chúng ta đạt tới mục đích của đời người, là được sự sống viên mãn, được thông phần vào hạnh phúc của Thiên Chúa.
Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, nhưng Con Một, là Ðấng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết (Ga 1, 18). Người mạc khải cho biết bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 8 . 16). Chúa Giêsu là Chứng nhân cho Tình yêu ấy, Người là Sự thật về Tình Yêu. Ngài là Ngôn Sứ, cũng là Người Con mang Tình Yêu của Chúa Cha đến cho nhân loại chúng ta. Trong Chúa Giêsu có Chúa Cha là một với Người, trong Chúa Giêsu có tất cả, có tình yêu, có ánh sáng, có sự sống, có quyền năng, có vinh quang, có niềm vui của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần.
Chính vì thế mà lẽ sống của mọi người, nhất là của người Kitô hữu là được biết Chúa Giêsu. Phaolô nói với chúng ta điều đó trong thư gởi tín hữu Philíp. Ngài nói cách mạnh mẽ, say sưa, về kinh nghiệm gặp gỡ Chúa của ngài, về cuộc đời của ngài: "Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Ðức Kitô Giêsu, Chúa tôi." Ðối với Phaolô, biết Chúa Giêsu là biết tất cả, không biết Chúa Giêsu là không biết gì cả, có Chúa Giêsu là có tất cả, không có Chúa Giêsu là không có gì cả.
Ðiều này không dừng lại với Phaolô mà lan rộng ra cho mọi người. Thiên Chúa muốn cho mọi người biết Chúa Giêsu, tin Chúa Giêsu để được sự sống đời đời. Và Giáo hội có sứ mạng phải loan báo Chúa Giêsu, Ðấng Cứu độ Duy nhất cho cả thế giới. Trong ngàn năm thứ ba này, Giáo hội hướng về Á châu, ý thức một cách mãnh liệt Chúa Giêsu là người Châu Á. Ðức thánh Cha Bênêđíctô XVI đã viết một lá thư thật dài và thật cảm động cho mọi thành phần Dân Chúa tại Trung Hoa về Tình yêu hiệp thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi và trong Giáo hội. Tôi xin cầu chúc cho sự thiết lập chính thức Tỉnh Dòng Việt Nam sẽ mang lại những đóng góp to lớn cho việc loan báo Tin Mừng tại Á Châu, không những tại Việt Nam, mà còn tại Trung Quốc.
14/07/2007
+ Phaolô Bùi Văn Ðọc
Giám Mục Mỹ Tho