Phần II

Bức Thư của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI

gởi cho Giáo Hội tại Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phần II trong bức thư của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI gởi cho giáo hội công giáo tại Trung Quốc.

(Radio Veritas Asia 1/07/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Chúng ta bắt đầu đọc phần II của Thư Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI gởi cho Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc. Phần II nầy trình bày những định hướng cụ thể cho sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc trong hoàn cảnh hiện nay. Chúng ta có thể xem đây như là một "thủ bản" thực hành cho công việc mục vụ của Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc.

Tựa đề của Phần II là: Những Ðịnh Hướng cho Sinh Hoạt Mục Vụ.

Và gồm có những vấn đề như sau:

Số 10: Các Bí Tích, việc điều hành các giáo phận, các giáo xứ

Số 11: Các giáo tỉnh

Số 12: Những Cộng đoàn công giáo.

Số 13: Các Linh Mục

Số 14: Các ơn gọi và việc huấn luyện đời tu.

Số 15: Các giáo dân và gia đình

Số 16: Việc khai tâm kitô dành cho người lớn.

Số 17: Ơn gọi truyền giáo.

Ðó là 8 số -- từ 10 đến hết 17 - nói lên nội dung của phần II của Bức Thư.

Chúng ta giờ đây hãy đọc số 10, số đầu tiên của phần II. ÐTC đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho việc cử hành các bí tích, việc điều hành giáo phận và giáo xứ. Ngài đã viết như sau:

 

Phần II: Những Ðịnh Hướng cho Sinh Hoạt Mục Vụ

10. các Bí Tích, việc điều hành các giáo phận, các giáo xứ

Trong thời gian gần đây, nảy sinh những khó khăn đi liền với những sáng kiến cá nhân của các Chủ Chăn, của các linh mục và của các giáo dân, do lòng quảng đại và sự sốt sắng mục vụ, đã không luôn luôn tôn trọng những trách vụ và những trách nhiệm của kẻ khác.

Về vấn đề này, Công Ðồng Vaticanô II nhắc chúng ta nhớ lại rằng, một đàng các giám mục, "xét như là thành phần của giám mục đoàn và như là những kẻ tiếp nối hợp pháp của các Tông Ðồ, đều có bổn phận --- do Chúa Kitô thiết lập và giảng dạy, ---- phải chăm lo cho toàn thế giới", nhưng đàng khác, các ngài "thi hành quyền cai quản mục vụ trên một phần Dân Chúa đã được trao phó cho các ngài, chớ không phải trên những Giáo hội khác, cũng không trên Giáo hội phổ quát" (46).

Hơn nữa, trước vài vấn đề phát sinh trong những cộng đoàn giáo phận trong những năm vừa qua, Tôi nghĩ có bổn phận nhắc lại quy định giáo luật, theo đó mọi giáo sĩ phải gia nhập vào một giáo hội địa phương hoặc vào trong một Viện tu đời tận hiến, và phải thi hành thừa tác vụ của mình trong sự hiệp thông với giám mục bản quyền giáo phận. Chỉ trong trường hợp có lý do chính đáng, một giáo sĩ mới có thể thi hành thừa tác vụ trong một giáo phận khác, nhưng luôn phải có sự đồng ý trước của hai giám mục bản quyền, nghĩa là của vị giám mục cai quản giáo hội địa phương mà trong đó giáo sĩ này đã nhập tịch, và của vị giám mục của giáo hội địa phương trong đó giáo sĩ này đến phục vụ (47).

Kế đến, trong nhiều hoàn cảnh, là vấn đề về việc đồng tế thánh lễ. Về vấn đề nầy, Tôi nhắc lại rằng việc đồng tế thánh lễ giả thiết phải có trước những điều kiện như: việc tuyên xưng cùng một đức tin và sự hiệp thông phẩm trật với Ðức Giáo Hoàng và với giáo hội phổ quát. Tuy nhiên, được phép đồng tế với các giám mục và các linh mục có hiệp thông với Ðức Thánh Cha, cho dù các ngài là những vị đã được Thẩm Quyền dân sự nhìn nhận và có duy trì liên lạc với những cơ quan, do Nhà Nước muốn có và là những cơ quan nằm bên ngoài cơ cấu của Giáo Hội, miễn là --- như đã nói trên nơi số 7 --- việc nhìn nhận và mối tương quan đó không kéo theo sự chối bỏ những nguyên tắc không thể nhượng được của Ðức tin và của sự hiệp thông trong giáo hội.

Kể cả các tín hữu, nếu họ được linh động bởi một tình yêu chân thành đối với Chúa Kitô và Giáo Hội, thì không nên do dự tham dự Thánh Thể, được cử hành bởi các giám mục và các linh mục không có sự hiệp thông trọn vẹn với người kế vị Thánh Phêrô và được nhìn nhận bởi những Thẩm Quyền dân sự. Cùng những quy định như vậy được áp dụng cho tất cả các bí tích khác.

Phải luôn theo ánh sáng những nguyên tắc của giáo lý công giáo, mà giải quyết những vấn đề được nẩy sinh, đối với những giám mục đã được phong chức mà không có sứ vụ lệnh của toà thánh, nhưng có tuân giữ nghi thức công giáo của việc phong chức giám mục. Việc phong chức giám mục cho các ngài - như tôi đã nói nơi số 8 - là không đúng luật đạo, nhưng được thành sự; và do đó cũng được thành sự những phong chức linh mục mà các giám mục này đã thi hành; và cũng được thành sự các bí tích do các giám mục và linh mục thuộc trường hợp này trao ban. Vì thế, theo những gì vừa được xác định, trong việc cử hành thánh thể và ban phát các bí tích khác, các tín hữu, trong mức độ có thể, hãy tìm đến với các giám mục và linh mục có hiệp thông với Ðức Thánh Cha; tuy nhiên, khi không thể làm như vậy được vì có bất tiện trầm trọng, thì các tín hữu, do nhu cầu lợi ích thiêng liêng của họ, có thể đến với cả những vị không có hiệp thông với Ðức Thánh Cha.

Cuối cùng, Tôi cho là hợp lúc để kêu gọi sự chú ý của anh chị em đến những gì giáo luật dự trù, để giúp ích cho các giám mục giáo phận thi hành trách vụ mục vụ riêng. Mỗi giám mục giáo phận được mời gọi hãy biến mình trở thành những phương tiện cần thiết của sự hiệp thông và cộng tác bên trong cộng đoàn công giáo giáo phận: văn phòng giáo phận, hội đồng linh mục, ban cố vấn, hội đồng mục vụ giáo phận, hội đồng giáo phận đặc trách những vấn đề kinh tế tài chính. Những cơ quan nầy nói lên sự hiệp thông, cổ võ việc chia sẻ những trách nhiệm chung, và là sự trợ giúp lớn cho các Chủ chăn; và các Chủ chăn này có thể cậy dựa vào sự cộng tác huynh đệ của các linh mục, của những anh chị em sống đời tận hiến và những anh chị em giáo dân.

Cùng những điều giống như thế được áp dụng cho các hội đồng khác nhau, được giáo luật quy định cho các giáo xứ như: hội đồng mục vụ giáo xứ và hội đồng giáo xứ đặc trách những vấn đề kinh tế tài chánh.

Ðối với các giáo phận cũng như với các giáo xứ, cần chú ý đặc biệt đến những tài sản vật chất của Giáo Hội, gồm các động sản và bất động sản; những tài sản này cần được kê khai đúng theo luật định trong lãnh vực dân sự, và nhân danh giáo phận hay giáo xứ, chứ không bao giờ nhân danh cá nhân (như giám mục, cha xứ hay nhóm giáo dân). Trong khi đó, vẫn còn đầy đủ giá trị của nó, định hướng truyền thống cho việc mục vụ và truyền giáo, được tóm gọn trong nguyên tắc: "nihil sine Episcopo", nghĩa là " không làm gì mà không có giám mục".

Từ phân tích về những vấn đề nêu trên, xuất hiện rõ ràng ràng rằng một giải pháp đích thực cho những vấn đề này có gốc rễ của nó trong việc cổ võ sự hiệp thông, một sự hiệp thông múc lấy sức mạnh và sự hăng say từ nguồn mạch là Chúa Kitô, mẫu tình thương của Thiên Chúa Cha. Tình bác ái, luôn có giá trị trên tất cả mọi sự (x. 1 Co 13,1-12), sẽ là sức mạnh và là tiêu chuẩn trong công việc mục vụ, để xây dựng một cộng đoàn giáo hội, làm cho Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện với con người ngày nay.

 

Quý vị và các bạn thân mến. Chúng ta đọc tiếp các số 11, 12 và 13 của Phần II Bức Thư của ÐTC gởi cho Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc. ÐTC đưa ra những chỉ dẫn thực hành cho những vấn đề cụ thể liên quan đến sự phân chia hành chánh các cộng đoàn giáo hội thành những giáo tỉnh, đến sinh hoạt đức tin và mục vụ tại các giáo phận, giáo xứ, và đến sự huấn luyện thường xuyên dành cho các linh mục trẻ.

ÐTC đã viết như sau:

 

11. Những giáo tỉnh.

Trong thời gian 50 năm qua, trong lãnh vực dân sự, đã có nhiều thay đổi hành chánh. Ðiều này ảnh hưởng đến nhiều giáo tỉnh khác nhau; có những giáo tỉnh đã bị huỷ bỏ hoặc được phân chia lại, hoặc phải thay đổi trên bình diện lãnh thổ, tuỳ theo những tỉnh hành chánh dân sự. Về điều này, Tôi muốn xác định rằng Toà Thánh sẵn sàng đương đầu với toàn bộ vấn đề về các giáo phận và giáo tỉnh, trong một cuộc đối thoại cởi mở và xây dựng với hàng giám mục Trung Hoa và với những Thẩm Quyền dân sự, nếu xét thấy hợp lúc và hữu ích.

 

12. Những cộng đồng công giáo.

Tôi đã biết rõ rằng những cộng đoàn giáo phận và giáo xứ, rải rác trong lãnh thổ rộng lớn Trung Quốc, cho thấy một sức sống đặc biệt về đời kitô, về chứng tá đức tin và về những sáng kiến mục vụ. Ðây là điều an ủi tôi, vì được biết rằng: mặc cho những khó khăn đã qua và hiện có, các giám mục, linh mục, những người tận hiến và các giáo dân, đã duy trì một ý thức sâu xa mình là những thành phần sống động của Giáo Hội phổ quát, trong sự hiệp thông đức tin và đời sống với tất cả mọi cộng đoàn công giáo rải rác trên khắp thế giới. Trong tận tâm hồn, họ biết rõ như thế nào là người công giáo. Và chính từ con tim công giáo này mà phải được phát sinh sự dấn thân để làm sáng tỏ và bằng việc làm cụ thể, --- từ bên trong từng cộng đoàn cũng như trong những tương quan giữa các cộng đoàn khác nhau, --- (làm sáng tỏ) tinh thần hiệp thông, sự thông cảm và tha thứ --- như đã nói trên đây nơi các số 5 và 6; đây là dấu ấn hữu hình cho cuộc sống kitô đích thực. Tôi chắc chắn rằng Thánh Thần của Chúa Kitô, --- như Ngài đã giúp cho những cộng đoàn được duy trì sống động đức tin trong thời gian bị bách hại, --- thì hôm nay Ngài cũng sẽ trợ giúp tất cả mọi người công giáo được lớn lên trong sự hiệp nhất. Như Tôi đã nhắc lại --- nơi các số 2 và 4 --- các thành viên của những cộng đoàn công giáo trong đất nước anh chị em, --- nhất là các giám mục, linh mục và những người tận hiến --- buồn thay, chưa được phép sống và diễn tả, --- một cách trọn vẹn và hữu hình, --- vài khía cạnh của việc họ thuộc về Giáo Hội và của sự hiệp thông phẩm trật với Ðức Giáo Hoàng, vì họ thường còn bị cản trở trong những tiếp xúc tự do với Toà Thánh và với những cộng đoàn công giáo khác nữa tại các quốc gia khác. Quả thật, trong những năm vừa qua, Giáo Hội được hưởng, --- so với quá khứ, --- một sự tự do tôn giáo nhiều hơn. Tuy nhiên người ta không thể chối bỏ rằng còn có những giới hạn trầm trọng liên quan đến điểm trung tâm của đức tin và rằng, trong mức độ nào đó, những giới hạn nầy bóp nghẹt sinh hoạt mục vụ. Về vấn đề này, Tôi lặp lại ước mong (x. số 4) rằng, trong cuộc đối thoại đầy tôn trọng và cởi mở giữa một bên là Toà Thánh và các giám mục Trung Hoa, và bên kia là những Thẩm Quyền Nhà Nước, người ta có thể vượt qua được những khó khăn nói trên, và như thế người ta đạt đến một sự đồng ý tốt lành, có lợi cho cộng đoàn tôn giáo và cho sự chung sống xã hội.

 

13. Các Linh Mục

Tiếp sau, Tôi muốn gởi một suy tư đặc biệt và một lời mời gọi đến các linh mục - nhất là những linh mục mới được thụ phong trong những năm gần đây --- rằng với biết bao quảng đại, họ đã đi con đường thi hành thừa tác vụ mục vụ. Tôi có cảm tưởng rằng hoàn cảnh hiện nay, --- trên bình diện giáo hội và xã hội, chính trị, --- luôn làm cho trở nên khẩn thiết hơn, và đòi buộc phải múc lấy ánh sáng và sức mạnh nơi những nguồn mạch của linh đạo linh mục; những nguồn mạch đó là: tình yêu Thiên Chúa, việc theo Chúa Kitô một cách vô điều kiện, sự say mê rao giảng Tin Mừng, sự trung thành với Giáo Hội và việc phục vụ quảng đại anh chị em (48). Về vấn đề này, làm sao không nhắc đến, --- để khích lệ cho tất cả mọi người, --- những dung mạo sáng chói của các giám mục, linh mục đã làm chứng cho một tình yêu không tì ố đối với giáo hội, cả với việc cho đi chính mạng sống mình cho Giáo Hội và cho Chúa Kitô, trong những năm khó khăn vừa qua? Thưa anh em linh mục rất thân mến, anh em là những người phải mang lấy "gánh nặng của ngày và sự nóng nực" (Mt 20, 12); anh em đã tra tay cầm cày và không nhìn lại phía sau (x. Luca 9,62), anh em hãy nghĩ đến những nơi mà các tín hữu đang lo âu chờ đợi một linh mục và ở đó từ nhiều năm họ không ngừng ước mong cho có một linh mục đến hiện diện với họ, vì họ cảm thấy thật sự họ thiếu linh mục. Tôi biết rõ rằng giữa anh em, có những linh mục đang phải đương đầu với những giây phút và những hoàn cảnh khó khăn, với những lập trường không luôn được đồng ý xét từ quan điểm giáo hội, và rằng, mặc cho tất cả, họ mong muốn trở về trong sự hiệp thông trọn vẹn của Giáo Hội. Trong tinh thần của sự hoà giải sâu xa, được vị tiền nhiệm đáng kính của tôi liên lĩ mời gọi cho Giáo Hội tại Trung Quốc (49), Tôi ngỏ lời với các giám mục sống trong sự hiệp thông với người kế vị Thánh Phêrô, ngõ hầu với tâm tình của một người cha, các ngài hãy xét định từng trường hợp một, và đáp ứng một cách đúng với ước mong như thế, và nếu cần thì nhờ đến Toà Thánh. Như là dấu chỉ cho sự hoà giải đáng mong ước nầy, tôi nghĩ rằng không có cử chỉ nào khác có ý nghĩa hơn cử chỉ cùng nhau lặp lại--- nhân dịp ngày của chức tư tế vào Thứ Năm Tuần Thánh, như xảy ra trong Giáo Hội phổ quát, hoặc trong một dịp khác được xem như là hợp thời hơn, --- (cùng nhau lặp lại) lời tuyên xưng Ðức Tin, để chứng tỏ sự hiệp thông trọn vẹn đã đạt được, nhắm xây dựng nhiệm thể của Dân thánh Thiên Chúa, đã được trao phó cho sự chăm sóc mục vụ của anh em, và để làm sáng danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tôi ý thức rằng, cả tại Trung Quốc nữa, cũng như tại các nơi khác trong Giáo Hội, đang nảy sinh sự cần thiết của một chương trình thường huấn tương xứng dành cho giáo sĩ. Từ đó, nảy sinh lời mời gọi, được gởi đến quý chư huynh giám mục, như là những kẻ chịu trách nhiệm các cộng đoàn giáo hội, hãy nghĩ đặc biệt đến hàng giáo sĩ trẻ luôn phải đối diện nhiều hơn với những thách thức mục vụ mới, có liên hệ với những đòi hỏi của trách vụ rao giảng Phúc âm cho một xã hội hết sức phức tạp như xã hội Trung Hoa hiện nay. Ðức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc chúng ta về điều này như sau: công việc thường huấn dành cho các linh mục "là một đòi buộc nội tại của hồng ân và của thừa tác vụ bí tích chức thánh đã lãnh nhận; trong mọi thời, việc thường huấn này luôn cần thiết. Nhưng ngày hôm nay, thì lại càng khẩn thiết đặc biệt hơn nữa, không những chỉ vì sự thay đổi nhanh chóng những hoàn cảnh xã hội và văn hoá nơi con người và nơi các dân tộc, trong đó được thi hành thừa tác vụ linh mục, nhưng còn vì "công cuộc tái rao giảng phúc âm là một trách vụ thiết yếu và không thể trì hoãn được của Giáo Hội vào lúc cuối ngàn năm thứ hai" (50).

 

Quý vị và các bạn thân mến. Sau khi đã có những định hướng cụ thể cho các giám mục trong việc cai quản các giáo phận, và cho các linh mục, ÐTC nhắc đến những hướng dẫn về đời tu, về giáo dân, về gia đình, về việc khai tâm kitô dành cho người lớn và về việc truyền giáo.

Ðức Thánh Cha đã viết như sau:

 

14. Những ơn gọi và việc huấn luyện đời tu.

Trong suốt 50 năm qua, không bao giờ thiếu trong Giáo Hội tại Trung Quốc sự trổ sinh phong phú các ơn gọi linh mục và đời tận hiến. Vì thế, người ta phải cảm tạ Chúa bởi vì đây là dấu chỉ cho sức sống của Giáo Hội và là nguyên do để hy vọng. Trong thời gian qua, đã phát sinh nhiều dòng tu bản địa: các giám mục và linh mục do kinh nghiệm mà biết rõ sự đóng góp không thể thay thế của các nữ tu trong việc dạy giáo lý và trong sinh hoạt giáo xứ trong mọi hình thức của nó; hơn nữa, sự chú ý đến những ai cần được giúp đỡ nhất, được thực hiện trong sự cộng tác của những Thẩm quyền dân sự địa phương, là thể hiện của tình bác ái và của việc phục vụ cho người lân cận, là chứng tá đáng tin nhất cho sức mạnh và cho sức sống của Phúc âm Chúa Giêsu.

Tuy nhiên Tôi ý thức rõ rằng việc trổ sinh nhiều ơn gọi như thế, ngày nay có kéo theo nhiều vấn đề khó khăn. Trước hết là đòi hỏi phân định chú ý hơn về ơn gọi từ phía những vị có trách nhiệm trong giáo hội, rồi cần có việc huấn luyện có chiều sâu hơn và việc giảng dạy cho các ứng sinh chức tư tế và những ứng sinh đời tận hiến. Mặc cho tính cách yếu kém của những phương tiện được sử dụng, vì tương lai của Giáo Hội tại Trung Quốc, người ta cần dấn thân làm sao để một đàng bảo đảm cho có sự chú ý đặc biệt trong việc chăm sóc ơn gọi, và đàng khác, một sự huấn luyện vững chắc hơn dưới những khía cạnh nhân bản, thiêng liêng, triết học, thần học và mục vụ, cần phải có trong các chủng viện và các học viện đời tu.

Về vấn đề nầy, người ta cần nhắc đặc biệt đến việc huấn luyện sống độc thân, dành cho các ứng sinh chức linh mục. Ðiều quan trọng là các ứng sinh này học sống và quý chuộng sự độc thân, như là hồng ân quý giá của Thiên Chúa và như là dấu chỉ tuyệt vời cho thời cánh chung; sự độc thân này làm chứng cho một tình yêu không chia sẻ đối với Thiên Chúa và đối với Dân Người và làm cho linh mục trở nên giống như Chúa Giêsu Kitô, Thủ lãnh và vị Hôn phu của Giáo Hội. Thật vậy, hồng ân này, một cách chính yếu, "nói lên việc phục vụ của linh mục cho giáo hội trong và với Chúa" (51) và biểu lộ giá trị tiên tri cho thế giới ngày nay.

Còn đối với những ơn gọi tu dòng, trong khung cảnh hiện nay của Giáo Hội tại Trung Quốc, thì cần biểu lộ mỗi ngày một sáng chói hơn hai chiều kích của ơn gọi tu trì: một đàng là chứng tá của ơn đoàn sủng tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô, qua các lời khấn trinh khiết, khó nghèo và vâng phục, và một đàng là sự đáp trả cho đòi buộc rao giảng Tin Mừng trong những hoàn cảnh hiện tại của lịch sử và xã hội của đất nước.

 

Quý vị và các bạn thân mến. Trong số 15 của Thư ÐTC gởi Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc. ÐTC đã nhắc đến những giá trị luân lý tốt của văn hoá Trung Hoa cổ võ cho gia đình. Ðức Thánh Cha đã viết như sau:

 

15. Các giáo dân và gia đình.

Trong những lúc khó khăn nhất của lịch sử hiện đại của Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc, các giáo dân, --- trên bình diện cá nhân và gia đình, cũng như trong tư cách là thành viên của những phong trào thiêng liêng và tông đồ, --- đã chứng tỏ một sự trung thành trọn vẹn với Phúc âm, và đích thân trả giá cho sự trung thành của mình đối với Chúa Kitô.

Thưa anh chị em giáo dân, cả ngày hôm nay nữa, anh chị em được gọi hãy nhập thể Tin Mừng trong đời sống anh chị em và hãy làm chứng, nhờ qua công việc phục vụ cách quảng đại và cụ thể, vì lợi ích của dân chúng và vì sự phát triển của đất nước: anh chị em hãy chu toàn sứ mạng nầy, bằng cách sống như những người công dân chân thành và làm việc như những người cộng tác tích cực và có trách nhiệm trong việc phổ biến Lời Chúa, trong môi trường sống của anh chị em, đồng quê hay thành thị. Trong thời gian mới đây, anh chị em là những chứng nhân can đảm của Ðức Tin, anh chị em hãy là niềm hy vọng cho Giáo Hội tương lai! Ðiều nầy đòi hỏi sự tham gia của anh chị em mỗi ngày một xác tín hơn, vào trong tất cả mọi sinh hoạt của đời sống giáo hội, trong sự hiệp thông với những vị chủ chăn của anh chị em.

Vì tương lai của nhân loại đi qua gia đình, nên Tôi cho rằng điều cần thiết và khẩn cấp là các giáo dân hãy cổ võ những giá trị của gia đình và bảo đảm an toàn những đòi buộc của nó. Trong đức tin, anh chị em biết được trọn vẹn ý định kỳ diệu của Thiên Chúa cho gia đình; đây là một lý do thêm nữa để anh chị em lãnh lấy dấu lệnh cụ thể và đòi hỏi dấn thân, như sau: gia đình thật là nơi thông thường để các thế hệ trẻ đạt đến sự trưởng thành cá nhân và xã hội. Gia đình mang theo với mình phần gia tài của chính nhân loại, bởi vì sự sống đến, qua gia đình, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình chiếm một chỗ thật quan trọng các nền văn hoá tại Á Châu, và --- như các nghị phụ của Thượng Hội Ðồng Giám Mục nhấn mạnh, --- những giá trị của gia đình như sự kính trọng thảo hiếu, lòng yêu thương và sự chăm sóc dành cho người cao niên và đau yếu, tình yêu đối với những trẻ nhỏ, sự hài hoà, đó là những giá trị rất được tôn trọng trong tất cả các nền văn hoá và truyền thống tôn giáo của đại lục này." (52)

Những giá trị vừa nói trên kết thành khung cảnh nổi bật về văn hoá Trung Hoa; nhưng tại đất nước của anh chị em, không thiếu những sức mạnh ảnh hưởng một cách tiêu cực trên gia đình, trong nhiều cách thế khác nhau. Vì thế Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc, --- với ý thức rằng điều thiện hảo của xă hội và của chính mình được liên kết sâu xa với điều thiện hảo của gia đình (53), --- cần cảm thấy một cách thật sống động hơn và khẩn thiết hơn sứ mạng rao giảng cho tất cả mọi người biết ý định của Thiên Chúa về hôn nhân và gia đình, vừa bảo đảm cho ý định này được thực hiện hoàn toàn. (54)

 

Quý vị và các bạn thân mến. Chúng ta hãy đọc tiếp hai số cuối cùng là số 16 và 17 của Phần II của Thư ÐTC gởi cho Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc. Ðức Thánh Cha viết như sau:

 

16. Việc khai tâm kitô dành cho người lớn.

Lịch sử mới đây của Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc đã thấy số đông những người lớn đã đến với với Ðức Tin nhờ vào chứng tá của những cộng đồng kitô tại địa phương. Thưa anh em, những chủ chăn, anh em được kêu gọi chăm lo đặc biệt cho việc khai tâm kitô dành cho những người lớn này, qua một giai đoạn huấn luyện tân tòng thích hợp và nghiêm chỉnh, để trợ giúp và chuẩn bị họ sống cuộc đời làm môn đệ của Chúa Giêsu. Về vấn đề này, Tôi xin nhắc lại rằng công việc rao giảng Phúc Âm không bao giờ là một việc thuần tuý chỉ nhắm thông truyền trí thức, nhưng là một kinh nghiệm sống, thanh luyện và biến đổi trọn cả cuộc đời, và là một cuộc hành trình trong hiệp thông. Chỉ như thế, người ta mới thiết lập một tương quan đúng giữa tư tưởng và đời sống. Nhìn về quá khứ, người ta cần lưu ý rằng nhiều người lớn đã không luôn luôn được hướng dẫn đủ, để biết trọn vẹn sự thật về đời sống kitô và họ cũng không biết sự phong phú của công cuộc canh tân do công đồng Vaticanô II mang đến. Vì thế xem ra cần thiết và khẩn trương, việc cống hiến cho những anh chị em này một huấn luyện kitô vững chắc và đi sâu vào đề tài, dưới dạng của một thời kỳ huấn luyện tân tòng sau khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội. (55)

 

17. Ơn gọi truyền giáo.

Giáo Hội mọi nơi và mọi lúc là giáo hội truyền giáo; giáo hội được mời gọi công bố và làm chứng cho Tin Mừng. Giáo Hội tại Trung Quốc cần phải cảm nghiệm trong tâm hồn mình sự hăng say truyền giáo của Ðấng Sáng Lập và là Chúa của mình.

Khi ngỏ lời với các bạn trẻ hành hương đến Núi Bát Phúc, vào năm 2000, Ðức Gioan Phaolô II đã nói như sau: "Khi lên trời, Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ của Người một sứ mạng và lời bảo đảm như sau: "Thầy đã được ban cho mọi quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy ra đi và giảng dạy cho mọi dân tộc... Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận cùng thế gian" (Mt 28,18-20). Từ hai ngàn năm, những môn đệ của Chúa Kitô chu toàn sứ mạng này. Giờ đây, vào lúc bình minh của ngàn năm thứ ba, đến phiên anh chị em. Phải, đến phiên anh chị em ra đi khắp nơi trên thế giới và loan báo sứ điệp Mười Ðiều Răn và Tám Mối Phúc Thật. Khi Thiên Chúa nói, thì Ngài nói về những điều có tầm quan trọng nhất cho mọi người, cho con người của thế kỷ thứ XXI cũng như cho con người của thế kỷ thứ nhất. Mười Ðiều Răn và Tám Mối Phúc nói về sự thật và về lòng tốt lành, về ân sủng và sự tự do, về tất cả những gì cần thiết để bước vào Nước Chúa Kitô" (56).

Giờ đây, thưa anh chị em, những môn đệ Trung Hoa của Chúa, anh chị em hãy là những tông đồ can đảm của Nước Chúa. Tôi tin chắc rằng sự đáp trả của anh chị em sẽ to lớn và quảng đại.

 

Quý vị và các bạn thân mến,

Như thế chúng ta đã đọc xong phần II của Thư ÐTC gởi cho Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc. Chúng ta được dịp nghe qua những điểm giáo lý quan trọng và những hướng dẫn mục vụ thiết thực cho hoàn cảnh hôm nay của Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc. Khi đọc Bức Thư này, chúng tôi có cảm tưởng một số điểm giáo lý được trình bày trong thư cũng có giá trị cách nào đó cho giáo hội công giáo tại Việt nam hôm nay. Vào ngày thứ Hai, ngày 16 tháng 7 năm 2007, Ðức Hồng Y Tarcisio Bertone, đã tuyên bố với hãng tin SIR của Hội Ðồng Giám Mục Italia rằng các tín hữu và các giám mục công giáo tại Trung Quốc, đã phản ứng rất tích cực đối với Thư của ÐTC, và rằng hiện đang nảy sinh tại các giáo xứ của giáo hội chính thức cũng như của giáo hội thầm lặng, một phong trào đọc, suy tư và suy niệm Bức Thư của ÐTC. Về phần Nhà Nưóc Trung Hoa, thì chưa có phản ứng đặc biệt nào, mà chỉ có nhận định chung chung, và thường đã được lặp đi lặp lại nhiều lần, rằng: Toà Thánh cần có thái độ thực tiển, và không nên tạo ra những trở ngại mới cho việc canh tân những liện lạc song phương. Nhà Nước Trung Quốc mong muốn Vatican đừng nhân danh đạo công giáo mà xen vào những việc nội bộ của Trung Quốc. Nhà Nước Trung Quốc lặp lại hai điều kiện đã thường được công bố. Ðó là cắt đứt liên lạc ngoại giao với Ðài Loan và không bổ nhiệm giám mục do quyết định một chiều của Toà Thánh. Nhưng, như chúng ta đã đọc trong Thư, ÐTC Bênêđitô XVI, chỉ mong muốn một điều quan trọng từ Nhà Nước Trung Quốc, là sự tự do tôn giáo đầy đủ cho Giáo Hội công giáo, ngõ hầu Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc được sống trong hiệp nhất và hiệp thông với nhau, với Ðấng kế vị Thánh Phêrô, và với giáo hội toàn cầu. ÐTC cũng yêu cầu người công giáo Trung Hoa hãy tha thứ và hoà giải với nhau, để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa giữa anh chị em mình.

Kính chào quý vị và hẹn gặp lại quý vị và các bạn.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page