Diễn Văn của ÐTC Beneđitô XVI

cho các bạn trẻ tại Assisi

hôm chiều Chúa Nhật ngày 17/06/2007

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Diễn Văn của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI cho các bạn trẻ tại Assisi hôm chiều Chúa Nhật ngày 17 tháng 6 năm 2007.

(Radio Veritas Asia 18/06/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Vào lúc 6 giờ chiều Chúa Nhật ngày 17 tháng 6 năm 2007, trước khi kết thúc chuyến viếng thăm một ngày tại Assisi, nhân dịp kỷ niệm 800 năm biến cố Thánh Phanxicô trở lại, ÐTC Bênêđitô XVI đã gặp các bạn trẻ tại Quảng Trường trước Vương Cung Thánh Ðường Ðức Maria của Các Thiên Thần. ÐTC đã giải thích tinh thần và sứ điệp của Thánh Phanxicô Assisi cho các bạn trẻ, không những đến từ vùng Umbria và Assisi, mà còn từ khắp nơi Italia tựu về Assisi trong dịp này, để lắng nghe ÐTC. Sau đây, kính mời quý vị và các bạn theo dõi diễn văn của ÐTC cho các bạn trẻ như sau:

 

Các bạn trẻ rất thân mến,

Cha cám ơn chúng con vì đã đón tiếp Cha hết sức nồng nhiệt như thế này; Cha nhìn thấy nơi chúng con Ðức Tin và niềm vui được làm người công giáo. Cha cám ơn chúng con vì những lời mộ mến và vì những câu hỏi quan trọng mà những đại diện của chúng con đã đặt ra cho Cha. Cha hy vọng là sẽ trả lời được chút gì đó cho chúng con, trong cuộc trao đổi này; đây là những câu hỏi liên quan đến cuộc sống chúng con... Cha không thể trả lời đầy đủ, nhưng sẽ trả lời phần nào những thắc mắc này....

Các bạn trẻ thân mến, chúng con biết rõ lý do đưa Cha đến Assisi; đó là ước muốn sống lại con đường nội tâm của Thánh Phanxicô, nhân dịp kỷ niệm 800 năm cuộc trở lại của ngài. Giây phút này của cuộc hành hương của Cha có một ý nghĩa đặc biệt. Cha đã xem giây phút gặp gỡ này như là chóp đỉnh của ngày viếng thăm hôm nay tại Assisi. Thánh Phanxicô nói với tất cả mọi người, nhưng Cha biết rằng ngài đặc biệt thu hút những người trẻ chúng con. Sự hiện diện đông đảo chúng con nơi đây, và những câu hỏi chúng con đặt ra cho Cha, là một bằng chứng. Thánh Nhân đã trở lại, trong lúc ngài còn trong độ tuổi trẻ đầy sức sống, tràn trề kinh nghiệm và đầy ước mơ. Ngài đã được 25 tuổi, nhưng chưa biết được đầy đủ ý nghĩa cuộc sống. Vài tháng trước khi qua đời, ngài nhớ lại thời gian này như là thời gian "sống trong tội lỗi." (x. 2 Test1: FF110).

Vậy Thánh Phanxicô muốn nói gì, khi ngài nhắc đến "tội lỗi"? Theo những bản viết về cuộc đời của Thánh nhân, --- và mỗi bản có một mục tiêu riêng, --- thì quả thật là khó để xác định thánh Phanxicô muốn nói gì qua hai chữ "tội lỗi". Một mô tả đúng về nếp sống của ngài, được gặp thấy nơi giai thoại về ba người bạn đồng hành, như sau: "Thánh Phanxicô sống thật vui và quảng đại, ham thích các trò chơi và những bài hát; ngài đi khắp cùng thành phố Assisi ngày đêm, với những bạn bè cùng sở thích, và hết sức quảng đại trong việc chi tiêu để phân phát tất cả những gì mình có hay làm ra, qua các bữa ăn và những điều khác nữa" (3 comp 1,2: FF1396). Thử hỏi chúng ta không nói được như thế cho nhiều người trẻ ngày nay hay sao? Ngày nay, có khả thể đi vui chơi xa, ra khỏi nơi mình sinh sống. Những sáng kiến du ngoạn cuối tuần đang thu hút nhiều người trẻ. Người ta cũng có thể "đi chơi khắp nơi" trong "thế giới ảo" qua phương tiện internet, tìm đến với những thông tin và những gặp gỡ đủ loại. Nhưng buồn thay không thiếu ---- mà có lẽ còn có thật nhiều nữa! --- (không thiếu những bạn trẻ) đi tìm những cảnh "ảo" vô bổ và có hại trong những "địa đàng" giả tạo của thuốc phiện. Chúng ta không thể nào chối được rằng có nhiều người trẻ, --- và không phải chỉ có người trẻ mà thôi! --- đã cố gắng bắt chước sống như Phanxicô đã sống trước lúc trở lại! Trong cách sống như thế, có tiềm ẩn một ước muốn hạnh phúc nằm trong mọi con tim con người. Nhưng thử hỏi một cuộc sống như thế có thể mang lại niềm vui thật hay không? Phanxicô chắc chắn đã không gặp được hạnh phúc! Các bạn trẻ chúng con thân mến, chúng con có thể kiểm chứng điều này nhờ qua kinh nghiệm chúng con. Sự thật là những điều hữu hạn không thể mang đến niềm vui thật, nhưng chỉ Ðấng Vô Cùng mới có thể lắp đầy tâm hồn con người. Thánh Agostinô, một vị trở lại thời danh, đã nói như sau: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên tâm hồn con luôn thao thức, cho đến khi được nghỉ yên nơi Chúa!" (Conf. 1,1).

Cùng tập tiểu sử nói trên cho biết rằng Phanxicô đã có thái độ sống khoe trương. Thanh niên Phanxicô thích đặt may cho mình những bộ quần áo sang trọng và mưu tìm sự lập dị (x. 3 Comp 1,2: FF 1396). Trong sự khoe trương, trong việc tìm kiếm cái lập dị, có tiềm ẩn điều gì đó, mà tất cả chúng ta, --- cách nào đó, --- đều mang lấy. Ngày nay người ta có thể nói rằng đó là "việc chăm sóc cho dung mạo" của mình, hoặc "việc đi tìm dung mạo của mình". Ðể có thể đạt được chút nào đó sự thành công, chúng ta cần "khoe" mình trước mắt kẻ khác về điều gì đó chưa từng có, một cái gì đó lập dị một chút. Trong mức độ nào đó, điều nầy có thể nói lên ước muốn được "kẻ khác chấp nhận". Nhưng thường thì có xen vào đó sự kiêu ngạo, sự mưu tìm thái quá về chính mình, sự ích kỷ và ước muốn thổi phồng. Thật vậy, việc hướng cuộc đời về chính mình là một "bẩy sập" chết người: chúng ta chỉ có thể là chính mình, nếu chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận tình thương, để yêu thương Thiên Chúa và anh chị em chúng ta.

Một khía cạnh khác nữa đã gây ấn tượng nơi những người đồng thời với Phanxicô, là tham vọng của ngài, là khao khát vinh quang và phiêu lưu. Chính điều này đã đưa Phanxicô vào chiến trường, và cuối cùng bị bắt làm tù binh trong vòng một năm, tại Perugia. Chính khao khát vinh quang này, --- sau khi được trả tự do, --- đã đưa Phanxicô lên vùng Puglie, trong chiến trận mới; nhưng chính trong hoàn cảnh này, tại Spoleto, Chúa đến với tâm hồn Phanxicô, thôi thúc Phanxicô ăn năn trở lại và nghiêm chỉnh lắng nghe Lời Chúa. Ðiều lạ lùng đáng lưu ý nơi đây là cách Thiên Chúa đã lôi léo Phanxicô, dựa theo năng hướng của con người Phanxicô, năng hướng muốn xác định chính mình, để đi trên con đường của một "tham vọng thánh thiện", hướng về cõi vô cùng. Câu hỏi mà Phanxicô dường như nghe vang lên trong tâm hồn mình lúc đó như sau: "Mẫu người nào có ích cho con, người làm chủ hay kẻ nô lệ?" Dường như câu hỏi này muốn nói với Phanxicô rằng: tại sao con bằng lòng với cảnh sống tuỳ thuộc vào con người phàm trần, trong khi có một Vị Thiên Chúa luôn sẵn sàng tiếp nhận con trong nhà Ngài, nhận con theo phục vụ ngài cách vương giả?

Các bạn trẻ thân mến, chúng con đã nhắc Cha nhớ lại vài vấn đề của tuổi trẻ, nhớ lại điều khó khăn chúng con gặp phải để xây dựng tương lai, và nhất là nhớ đến sự cực nhọc chúng con phải chịu để biết được đâu là sự thật. Trong bài tường thuật về cuộc thương khó của Chúa Kitô, chúng ta gặp thấy câu hỏi của quan Philatô như sau: "Sự Thật là gì?" (Gn 18,38). Ðây là câu hỏi của kẻ hoài nghi muốn nói rằng: "Bạn nói là có sự thật, nhưng sự thật là gì?" Và như thế, vì không thể biết sự thật, quan Philatô muốn chúng ta hiểu như sau: hãy hành xử theo cách nào tiện lợi nhất, thành công nhất, và không cần đi tìm sự thật nữa. Quan Philatô sau đó đã kết án tử Chúa Giêsu, bởi vì Ông sống theo chủ thuyết thực tiển, sống tìm thành công và lợi ích cho riêng mình. Ngày nay, cũng có nhiều người nói như sau: "Nhưng sự thật là gì? Chúng ta có thể gặp những "mảnh vụn" sự thật, nhưng chính sự thật thì làm sao có thể gặp được? Quả thật là khó để tin rằng Chúa Giêsu Kitô là sự Sống thật, là "địa bàn" cho đời sống chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta bắt đầu sống chỉ do theo những khả thể của giây phút hiện tại mà thôi, sống không dựa theo sự thật, thì chúng ta đánh mất tiêu chuẩn để định hướng và đánh mất nền tảng của nền hoà bình chung; và nền tảng đó không là gì khác hơn là sự thật. Và sự Thật là chính Chúa Kitô. Sự thật của Chúa Kitô được chứng tỏ trong đời sống của các thánh mọi thời đại. Các thánh là những luồng ánh sáng trong lịch sử, để chứng minh rằng: đây là sự sống, đây là con đường sống, đây là sự thật. Vì thế chúng ta hãy có can đảm thưa Vâng với Chúa Giêsu Kitô: "Lạy Chúa, chúng con theo Chúa. Sự thật của Chúa được chứng thực trong đời sống của tất cả các thánh."

Các bạn trẻ thân mến, khi từ Vương Cung Thánh Ðường đến đây, Cha đã nghĩ rằng chỉ một mình Cha nói với chúng con trong vòng một tiếng đồng hồ, thì không tốt chút nào. Vì thế, cha nghĩ rằng đã đến lúc ngưng lại một chút, để chúng con ca hát. Cha biết chúng con đã chuẩn bị nhiều bài hát rồi. Ðây, cha có thể nghe chúng con hát một chút...

 

Và sau khi nghe các bạn trẻ hát, ÐTC nói tiếp như sau:

 

Chúng ta nghe lặp lại trong bài hát rằng Thánh Phanxicô đã nghe được tiếng Chúa mời gọi. Ngài đã nghe được trong tâm hồn ngài lời nói của Chúa Kitô. Và thử hỏi điều gì đã xảy ra? Thưa ngài hiểu là ngài phải dấn thân phục vụ anh chị em, nhất là những ai đau khổ nhất. Ðó là mệnh lệnh của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Lời mời gọi của Chúa Giêsu. Sáng nay, khi Cha đi thăm địa điểm Rivotorto, Cha đã nhìn vào nơi mà theo truyền thống các người bị bệnh phong cùi quy tựu lại: đó là những kẻ sau hết, những người bị loại ra bên lề xã hội, mà tự nhiên thánh Phanxicô đã cảm thấy ghê tởm. Nhưng rồi, nhờ ân sủng Chúa chạm đến, Thánh Phanxicô mở rộng tâm hồn yêu thương họ. Và ngài làm thế không phải chỉ thuần tuý qua hành động bố thí, nhưng qua việc cụ thể ôm hôn họ, và phục vụ họ. Chính ngài tâm sự sau đó rằng: điều mà trước kia làm cho ngài cảm thấy cay đắng, thì nay trở thành sự "dịu dàng cho linh hồn và thể xác" ngài (2 test 3: FF 110).

Vậy ân sủng Chúa đã bắt đầu nhào nắn Phanxicô. Càng ngày Phanxicô càng có khả năng nhiều hơn, để nhìn vào dung mạo của Chúa Kitô và lắng nghe tiếng Chúa. Chính vào giai đoạn này mà Ðấng chịu đóng đinh trên thập giá --- gọi là Thập Giá của San Damiano --- đã ngỏ lời với Phanxicô và gọi Phanxicô đi thi hành một sứ mạng khó khăn: "Này Phanxicô, con hãy đi sửa lại Nhà Ta, mà như con thấy, đang đổ nát!" (2 Cel I,6,10: FF 593). Sáng nay, khi Cha dừng lại viếng thăm San Damiano, và Vương Cung Thánh Ðường Thánh Chiara, nơi còn đang lưu giữ Cây Thánh Giá nguyên thuỷ đã nói chuyện với Phanxicô, cha đã nhìn vào đôi mắt Chúa Kitô. Ðó là bức hình Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã phục sinh, sự sống của Giáo Hội; Chúa Kitô cũng nói trong chúng ta, nếu chúng ta chăm chú lắng nghe, như cách đây 2,000 năm Chúa đã nói với các tông đồ, và cách đây 800 năm nói với Phanxicô. Giáo Hội luôn luôn sống nhờ cuộc gặp gỡ này. Phải, Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy để cho Chúa Kitô gặp chúng ta! Chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài. Chúng ta hãy lắng nghe Lời Ngài! Nơi Ngài, không phải chỉ là một con người có sức thu hút. Chắc hẳn Chúa là con người toàn vẹn, và giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi (x. Eph 4, 15). Nhưng Ngài còn hơn thế nữa: Thiên Chúa đã nhập thể làm người nơi Chúa Kitô, và do đó là Ðấng cứu rỗi duy nhất, như chính tên gọi của Chúa nói lên như thế; Tên gọi "Giêsu" có nghĩa là "Thiên Chúa Cứu Rỗi". Nhiều người đến Assisi để học cùng thánh Phanxicô bí quyết để nhận ra Chúa Giêsu Kitô và để có cảm nghiệm về Chúa. Ðây là cảm nghiệm của Thánh Phanxicô về Chúa Giêsu, dựa theo tường thuật của quyển tiểu sử đầu tiên về cuộc đời của Phanxicô như sau: "Thánh Phanxicô luôn mang Chúa trong con tim. Chúa Giêsu trên môi miệng, Chúa Giêsu trong tai nghe, Chúa Giêsu trong mắt thấy, Chúa Giêsu trong đôi tay, Chúa Giêsu trong tất cả các chi thể khác... Nhiều khi phải đi đây đó và khi suy niệm hoặc hát lên cho Chúa Giêsu, thánh Phanxicô quên mình đang hành trình và dừng lại để mời tất cả mọi tạo vật hãy chúc tụng Chúa Giêsu! (1 Cel II, 9, 115: FF 115). Như thế, chúng ta thấy rằng sự hiệp thông với Chúa Giêsu mở rộng tâm hồn và đôi mắt để thấy rõ tạo vật.

Cách chung, Thánh Phanxicô là một người say mê yêu mến Chúa Giêsu. Thánh nhân gặp Ngài nơi Lời Chúa, gặp Ngài trong những anh chị em, trong thiên nhiên, nhưng nhất là trong sự hiện diện Thánh Thể. Về việc này, thánh Phanxicô đã viết trong Chúc Thư như sau: "Trong thế gian này, về chính Con Thiên Chúa tối cao, tôi không thấy một cách xác thể điều gì khác hơn là Mình và Máu cực thánh của Người" (2 Test 10: FF113). Mùa Giáng Sinh tại Greccio nói lên nhu cầu chiêm ngắm Chúa trong nhân tính dịu dàng của một em bé (x. 1 Cel I,30, 85-86" FF 469-470). Kinh nghiệm sống tại Verna, nơi thánh Phanxicô được in "Năm Dấu Thánh", cho ta thấy mức độ cao sâu mà thánh Phanxicô đạt được, trong tương quan với Chúa Kitô chịu đóng đinh. Thánh Phanxicô có thể thật sự nói như thánh Phaolô: "Ðối với tôi, sống là Chúa Kitô" (Phil 1,21). Nếu ngài cởi bỏ tất cả mọi sự và chọn lấy sự nghèo hèn, thì lý do của tất cả mọi hành động như vậy không phải là gì khác hơn là Chúa Kitô, và chỉ vì Chúa Kitô mà thôi. Chúa Giêsu là tất cả của ngài; và chỉ Chúa Kitô là đủ cho ngài rồi! Chính vì Thánh Phanxicô là con người của Chúa Kitô, nên ngài cũng là con người của Giáo Hội. Từ Ðấng chịu đóng đinh nơi Thập Giá San Damiano, ngài đã nhận mệnh lệnh đi sửa lại Nhà của Chúa Kitô, là chính Giáo Hội. Giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. có mối tương quan thâm sâu và không thể tháo bỏ được. Ðược mời gọi sửa chữa Giáo Hội, trong sứ mạng của Phanxicô, chắc chắn đòi buộc một điều riêng và đặc biệt. Nhưng đồng thời, trách vụ đó, --- tự căn bản, --- không là gì khác hơn là trách nhiệm mà Chúa Kitô trao cho bất cứ ai lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Với mỗi người chúng ta, Chúa nói: "Con hãy đi và sửa lại Nhà Ta". Tất cả chúng ta, trong mỗi thế hệ, đều được mời gọi đi sửa lại Nhà của Chúa Kitô, tức là Giáo Hội. Và chỉ khi làm như vậy, Giáo Hội mới nên sống động và trở nên đẹp đẻ. Và như chúng ta biết, có rất nhiều cách sửa chữa, nhiều cách xây lên, nhiều cách cất Nhà của Chúa, là Giáo Hội. Người ta xây lên, nhờ qua nhiều ơn gọi khác nhau, từ ơn gọi giáo dân và gia đình cho đến cuộc sống tận hiến đặc biệt, đến ơn gọi linh mục. Ðến đây, Cha muốn nói một lời về ơn gọi linh mục. Thánh Phanxicô, khi là phó tế, chớ không phải là linh mục, đã có lòng hết sức tôn kính đối với các linh mục (x. Cel I, 30,86 : FF 470). Dù ngài biết rằng nơi các thừa tác viên của Thiên Chúa, có biết bao sự nghèo hèn và mỏng dòn, nhưng thánh Phanxicô nhìn họ như là những thừa tác viên của Nhiệm Thể Chúa Kitô, và điều này đủ để làm phát sinh nơi ngài tình yêu thương, sự tôn kính và vâng phục (x. 2 Test 6-10: FF 112-113). Tình thương của Phanxicô đối với các linh mục là một lời mời gọi hãy khám phá vẻ đẹp của ơn gọi linh mục. Ơn gọi này có tầm quan trọng sống chết cho Dân Chúa. Các bạn trẻ thân mến, chúng con hãy yêu thương và biết ơn các linh mục của chúng con. Nếu Chúa phải kêu gọi ai đó trong chúng con đến lãnh lấy thừa tác vụ này, cũng như mời gọi ai đó lãnh nhận hình thức nào đó sống đời tận hiến, thì chúng con đừng do dự nói lời Xin Vâng. Nói lời Xin Vâng không phải là điều dễ làm, nhưng trở nên thừa tác viên của Chúa là điều đẹp đẽ; tiêu hao đời sống cho Chúa, là điều đẹp đẽ!

Thanh niên Phanxicô có lòng mộ mến đầy con thảo đối với vị giám mục của mình; chính trong tay của giám mục, mà Phanxicô, --- sau khi cởi bỏ tất cả mọi sự --- tuyên khấn từ nay sống cuộc đời hoàn toàn tận hiến cho Chúa (x. 1Cel I, 6,15: FF 344). Một cách đặc biệt, Thánh Phanxicô quý trọng sứ mạng của Vị Ðại diện Chúa Kitô, Ðấng mà ngài đem bản Quy Luật đặt dưới quyền và phó thác Hội dòng của mình. Nếu các giáo hoàng, trong dòng lịch sử, đã chứng tỏ biết bao lòng mộ mến đối với Assisi, thì điều này là để đáp lại lòng yêu mến mà Phanxicô đã có đối với Ðức Giáo Hoàng. Các bạn trẻ rất thân mến, Cha rất sung sướng đến đây, theo chân những vị tiền nhiệm, và nhất là theo chân người bạn, Ðức Gioan Phaolô II đáng mến.

Như những vòng tròn đồng tâm, tình thương của Phanxicô đối với Chúa Giêsu, được lan rộng không những trên Giáo Hội, mà trên tất cả mọi sự, được nhìn thấy trong Chúa Kitô và vì Chúa Kitô. Bài ca các Tạo Vật phát sinh từ đây, trong đó cái nhìn dừng lại trên vẻ chiếu sáng của Tạo Vật: từ anh Mặt Trời đến chị Mặt Trăng, từ chị Nước đến anh Lửa. Cái nhìn nội tâm của Phanxicô đã trở thành hết sức trong sáng và sâu sắc đến độ làm nổi bật vẻ đẹp của Ðấng Tạo Hoá trong vẻ đẹp của các tạo vật. Bài ca của anh Mặt Trời, --- trước khi trở thành trang thi ca thật cao độ và trở thành một lời mời gọi tiềm ẩn hãy tôn trọng tạo vật, --- (bài Ca Anh Mặt Trời) là một lời cầu nguyện, một lời chúc tụng hướng về Chúa, hướng đến Ðấng Tạo Hoá của tất cả mọi sự. Theo dấu của sự cầu nguyện, người ta cũng cần nhìn về sự dấn thân của Phanxicô cho hoà bình. Khía cạnh này của cuộc đời Phanxicô là hết sức thời sự, trong một thế giới hết sức cần đến hoà bình, nhưng không thành công tìm ra con đường dẫn đến hoà bình. Thánh Phanxicô đã là con người của hoà bình và là kẻ xày dựng hoà bình. Ngài chứng tỏ điều này, cả trong sự dịu dàng của nếp sống, nhưng không bao giờ im lặng về Ðức Tin của mình, trước những con người có niềm tin khác, như được biểu lộ trong cuộc gặp gỡ của ngài với vị Vua hồi giáo (x. 1 cel I,20,57: FF 422). Nếu ngày nay, cuộc đối thoại liên tôn, nhất là sau công đồng Vaticanô II, đã trở thành kho tàng chung và không thể chối từ của cảm năng kitô, thì thánh Phanxicô có thể giúp chúng ta biết đối thoại đích thật, không rơi vào trong thái độ lãnh đạm đối với sự thật, hoặc trong việc làm giảm bớt lời loan báo kitô của chúng ta... Việc ngài là con người của hoà bình, của bao dung, của đối thoại, luôn phát sinh từ kinh nghiệm về Thiên Chúa Tình Yêu. Lời ngài chào chúc Hoà Bình quả thật là một lời cầu nguyện như sau: "Xin Thiên Chúa ban cho con ơn bình an" (2 Test 23, FF. 121).

Các bạn trẻ thân mến, sự hiện diện đông đảo của chúng con nơi đây nói lên rằng dung mạo của thánh Phanxicô nói lên nhiều điều cho tâm hồn chúng con. Cha sẵn sàng gởi đến chúng con sứ điệp của ngài, nhưng nhất là đời sống và chứng tá của ngài. Ðây là lúc những người trẻ, như thánh Phanxicô xưa, hãy quyết định nghiêm chỉnh và biết bước vào trong tương quan cá nhân với Chúa Giêsu. Ðây là lúc nhìn vào lịch sử của ngàn năm thứ ba vừa bắt đầu, như là lịch sử đang cần đến men Phúc Âm hơn bao giờ hết. Cha xin lặp lại lời mời gọi mà vị tiền nhiệm đáng mến của Cha, Ðức Gioan Phaolo II, thường hay nói, nhất là cho các người trẻ, như thể là lời mời gọi của cha, như sau: "Hãy mở ra mọi cánh cửa cho Chúa Kitô!" Chúng con hãy mở mọi cánh cửa, như thánh Phanxicô đã làm, không lo sợ, không tính toán, không giới hạn. Các bạn trẻ thân mến, chúng con hãy là niềm vui của Cha, như chúng con đã là niềm vui của Ðức Gioan Phaolô II. Từ Vương Cung Thánh Ðường này được dâng hiến cho Ðức Maria của các Thiên Thần, Cha xin hẹn với chúng con sẽ gặp lại nhau vào đầu tháng chín tới này, tại Ngôi Nhà Ðức Mẹ ở Lorêtô, trong cuộc Gặp Gỡ Giới Trẻ Italia. Cha chúc lành cho tất cả chúng con. Cha cám ơn chúng con vì mọi sự, vì đã đến đây, và vì đã cầu nguyện cho Cha.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page