Vài nét về chuyến viếng thăm của ÐTC Bênêđitô XVI

tại Assisi, thành phố của Thánh Phanxicô

vào Chúa Nhật 17 tháng 6 năm 2007

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nét về chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI tại Assisi, thành phố của Thánh Phanxicô, vào Chúa Nhật 17 tháng 6 năm 2007.

(Radio Veritas Asia 18/06/2007) - Chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha được đặt trong khung cảnh của "Năm Trở Lại", được cử hành tại Assisi, từ tháng 10 năm 2006 cho đến tháng 10 năm 2007, để mừng kỷ niệm 800 năm Thánh Phanxicô khó khăn trở lại. Thành phố Assisi, --- nơi thánh Phanxicô đã sinh ra vào năm 1182, và qua đời vào năm 1226, --- là thành phố nhỏ, với khoảng 26,500 dân cư, nhưng rất nổi tiếng từ thời Trung Cổ đến nay. Thánh Phanxicò Khó Khăn qua đời năm 1226, và chỉ hai năm sau đó, tức là vào năm 1228, ngài đã được phong hiển thánh. Sự kiện này cho thấy uy tín tinh thần của ngài.

Cao điểm của chuyến viếng thăm là Thánh Lễ cử hành tại "Quảng Trường Hạ" trước Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phanxicô. Trong bài giảng Thánh Lễ, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, trước hết đã nhắc lại sáng kiến của vị tiền nhiệm ngài, là Ðức Gioan Phaolô II, mời gọi những đại diện các giáo hội kitô và những đại diện các tôn giáo lớn trên thế giới, đến Assisi, để cầu nguyện cho Hoà Bình. Mỗi tôn giáo cầu nguyện theo cách thức riêng của mình. Biến cố đầu tiên đã được thực hiện vào năm 1986. Và Ðức Bênêđitô XVI đã gọi sáng kiến này là một sáng kiến có tính cách tiên tri, chống lại tâm thức bạo lực, chống lại việc lạm dụng tôn giáo như là lý do biện minh cho hành động bạo lực. Kể từ sáng kiến năm 1986, tinh thần Assisi tiếp tục được phổ biến trên thế giới, để chống lại tâm thức bạo động. ÐTC đã giải thích thêm như sau: "Assisi nói với chúng ta rằng lòng trung thành với niềm tin tôn giáo riêng của mình, --- và đối với người kitô --- lòng trung thành với Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã phục sinh, không được diễn tả trong bạo lực hay trong trong sự bất bao dung, nhưng trong sự tôn trọng chân thành đối với kẻ khác, trong đối thoại, trong lời công bố kêu gọi cho tự do và cho hành động theo lý trí, trong sự dấn thân cho hoà bình và hoà giải.".

Ðối với Ðức Bênêđitô XVI, thái độ không liên kết tinh thần tiếp nhận nhau, không liên kết tinh thần đối thoại và tôn trọng nhau, với niềm xác tín Ðức Tin mà mọi người kitô có bổn phận phải làm, là một thái độ nghịch với tinh thần phúc âm, nghịch với tinh thần Phanxicô."

ÐTC cũng đã dựa trên Lời Chúa của Chúa Nhật ngày 17/06/2007 (Chúa Nhật 11 Mùa Thường Niên), để nói về việc ăn năn trở lại, theo mẫu gương trở lại của thánh Phanxicô Assisi, mà cộng đoàn giáo hội tại Assisi đang mừng kỷ niệm 800 năm ngày thánh Phanxicô trở lại. Cuộc trở lại của Thánh Phanxicô, lúc ngài mới 25 tuổi, là một "biến cố của ân sủng". Ðó là cuộc trở lại với Chúa Kitô, để được biến đổi trong Chúa, trở thành hình ảnh trung thực của Chúa Kitô. Thánh Phanxicô đã trở nên mẫu gương hết sức thời sự cho thời đại chúng ta, trong việc xây dựng hoà bình, bảo vệ thiên nhiên và cổ võ đối thoại với tất cả mọi người. Và Thánh Phánh Phanxicô làm được như thế là nhờ quyền năng của Chúa Kitô, nhờ biết nương tựa vào Chúa.

Sau thánh lễ, trước khi đọc kinh truyền tin với cộng đoàn hiện diện, ÐTC đã khẩn thiết kêu gọi hãy ngưng mọi xung đột vũ trang trên thế giới, và hãy có cuộc đối thoại chân thành và trong tinh thần trách nhiệm, để chiến đấu chống lại mọi hình thức bạo động.

ÐTC đã nói như sau: "Chúng ta cảm thấy như có mặt nơi đây, trong giây phút này, tất cả những ai đang khóc than, đang đau khổ, đang phải chết vì chiến tranh và vì những hậu quả bi thảm của chiến tranh, tại khắp nơi trên thế giới". ÐTC đã đặc biệt nhắc đến Thánh Ðịa, nơi rất được thánh Phanxicô Assisi yêu mến, đến Irak, Iran và Vùng Trung Ðông. Một lần nữa,Ðức Thánh Cha nhắc lại rằng: "chỉ một cuộc đối thoại chân thành và trong tinh thấntrách nhiệm, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, mới có thể chấm dứt được những nỗi khổ và mang lại sức sống và phẩm giá cho mọi người, cho các tổ chức và cho các dân tộc... Thánh Phanxicô Assisi là nhà giáo dục vĩ đại cho Ðức Tin chúng ta; ngài đến với mọi người trong tinh thần khiêm tốn và trở thành chứng nhân cho hoà bình."

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page