Bài giảng của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI
trong thánh lễ tại Assisi vào sáng Chúa Nhật 17/06/2007
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Bài giảng của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI trong thánh lễ tại Assisi vào sáng Chúa Nhật 17 tháng 6 năm 2007.
(Radio Veritas Asia 18/06/2007) - Sau những lời chào chúc những vị lãnh đạo giáo hội công giáo tại địa phương và quý vị lãnh đạo cộng đồng dân sự, ÐTC Beneđitô XVI đi ngay vào đề tài ngài muốn trình bày về sự trở lại. Dựa trên Lời Chúa của Chúa Nhật XI Mùa Thường, Chu Kỳ C, ÐTC nhắc đến ba dung mạo nêu gương cho sự trở lại; đó là Vua David, Thánh Phaolô và giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô, qua đoạn tin mừng nói về việc Chúa tha tội cho người đàn bà đến xức dầu thơm nơi chân Chúa.
Trước hết, về dung mạo Vua David, ÐTC đã giải thích như sau:
Nói về việc trở lại, có nghĩa là đi thẳng vào trung tâm của sứ điệp kitô vừa đồng thời đi vào những gốc rễ của cuộc sống con người. Lời Chúa vừa được công bố soi sáng chúng ta và đặt trước mắt chúng ta ba dung mạo trở lại. Dung mạo thứ nhất là Vua Ðavid. Ðoạn kinh thánh liên quan đến ngài là đoạn trích từ sách II Samuel, kể lại cho chúng ta một trong những cuộc đối thoại bi thảm nhất của Cựu Ước. Nơi trung tâm của cuộc đối thoại này, có lời kết án thẳng thừng mà Lời Chúa, như được tiên tri Nathan nói ra, vạch trần tội lỗi của Vị Vua đang ở chóp đỉnh của quyền hành chính trị, nhưng đã sa xuống mức độ thấp nhứt của đời sống luân lý. Ðể lĩnh hội được tầm mức căng thẳng bi đát của cuộc đối thoại, chúng ta cần để ý đến chiều kích lịch sử và thần học trong đó cuộc đối thoại được thực hiện. Ðây là chiều kích của tình yêu trong đó Thiên Chúa đã chọn dân Israel làm Dân riêng Ngài, vừa thiết lập một giao ước với Dân và vừa chăm sóc để bảo đảm cho Dân có được đất sống và sự tự do. Vua Ðavid là một "mắt xích" của chuỗi lịch sử dài về sự chăm sóc liên tục của Thiên Chúa cho Dân Israel. Vua David đã được chọn lên trong giờ phút lịch sử khó khăn và được đặt song song với Vua Saolê, để rồi thay thế Vua này. Ý định của Thiên Chúa về dòng tộc của David, có liên hệ với dự án về Ðấng Thiên Sai, được thực hiện trọn hảo nơi Chúa Kitô, "Con Vua David".
Dung mạo của Vua David như thế là hình ảnh của sự cao cả trên bình diện lịch sử và tôn giáo của dân Israel. Nhưng trái ngược lại với sư cao cả đó, là lỗi phạm mà Vua David rơi vào khi vua say mê bà Betsabea và cướp bà khỏi tay chồng, một trong những viên quan trung thành của nhà Vua và lạnh lùng ra lệnh ám sát viên quan này. Chúng ta rùng mình thắc mắc: làm sao một Vị được Thiên Chúa chọn, có thể sa ngã xuống thật thấp như thế? Quả thật, con người vừa cao cả vừa thấp hèn: con người là cao cả, bời vì mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu thương; nhưng con người là thấp hèn, bởi vì có thể xử dụng xấu sự tự do, một đặc ân cao cả, để đi đến việc chống lại Ðấng đã tạo dựng mình. Lời kết tội của Thiên Chúa, được tiên tri Nathan nói ra cho Vua David, chiếu vào tận nơi sâu thẳm nhất của lương tâm, nơi mà sức mạnh quân binh, quyền hành và công luận không còn uy lực gì nữa, nhưng là nơi con người một mình đối diện với Thiên Chúa. "Người đó chính là Vua!" Ðây là lời quy trách Vua David về trách nhiệm của mình. Bị đánh động sâu xa bởi lời này, Vua David thành tâm hối lỗi và mở rộng tâm hồn đón nhận tình thương nhân từ của Thiên Chúa. Ðó là con đường ăn năn trở lại.
Ngày hôm nay, thánh Phanxicô mời gọi chúng ta đi trên con đường ăn năn trở lại này, bên cạnh Vua David. Theo các nhà viết tiểu sử thuật lại về những năm tuổi trẻ của thánh Phanxicô, thì không có gì làm ta nghĩ đến những sa ngã trầm trọng như sa ngã của Vua David. Nhưng chính thánh Phanxicô, trong Chúc Thư được viết ra trong những tháng cuối đời, nhìn về 25 năm đầu đời của mình như là thời gian "sống trong tội lỗi" (x. 2 Test 1, FF 110). Vượt qua mọi biểu lộ cụ thể, tội là khi ta quan niệm và tổ chức đời sống mình hoàn toàn quy về mình, vừa chạy theo những mơ ước vô bổ về vinh quang trần thế. Khi còn là "vua của các lễ hội" với các bạn trẻ tại Assisi, thì Phanxicô không phải là không có một tâm hồn quảng đại tự nhiên. Nhưng lòng quảng đại này còn xa với tình yêu kitô, một tình yêu biết trao ban chính mình mà không dè giữ điều chi. Như chính thánh nhân nhớ lại, ngài xem ra như cảm thấy cay đắng khi nhìn thấy những người phong cùi. Tội lỗi ngăn cản ngài làm chủ sự nhờm gớm thể lý, để có thể nhìn thấy nơi những người phong cùi này như là những anh chị em để yêu thương. Sự trở lại đã dẫn đưa thánh Phanxicô đến việc thực hành lòng nhân từ cho anh chị em, vừa đồng thời lãnh nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa. Phục vụ những anh chị em phong cùi, cho đến mức độ ôm hôn họ, không phải chỉ là một nghĩa cử nhân ái, một "sư trở lại" có tính cách xã hội, nhưng như là một kinh nghiệm tôn giáo đích thật, do sự thôi thúc của ân sủng và tình yêu Thiên Chúa; thánh Phanxicô nói: Chúa đã dẫn tôi đến với những anh chị em này!" (2 test 2: FF 110). Lúc đó sự cay đắng được biến đổi thành sự "dịu ngọt trong tinh thần và trong thể xác" (2 test 3: FF110). Phải, thưa anh chị em thân mến, trở về với tình thương, là đi từ sự cay đắng đến sự "dịu ngọt", từ sự ưu buồn đến niềm vui đích thật. Con người thật sự là chính mình, và thực hiện trọn vẹn chính mình, trong mức độ người đó sống với Chúa và sống vì Chúa, vừa nhìn thấy Ngài và yêu mến Ngài trong anh chị em.
Ðến đây, ÐTC nhắc đến dung mạo thứ hai nêu gương sự trở lại, là thánh Phaolô, với những lời như sau:
Trong đoạn trích từ thư Galata, xuất hiện một khía cạnh khác nữa của con đường trở lại. Giải thích cho chúng ta biết khía cạnh này, là vị trở lại nổi tiếng khác nữa; đó là thánh Phaolô tông đồ. Khung cảnh cho những lời của thánh Phaolô là cuộc tranh luận mà cộng đoàn giáo hội tiên khởi gặp phải: trong cộng đoàn này, nhiều người kitô đến từ do thái giáo có khuynh hướng liên kết ơn cứu rỗi với việc chu toàn những công việc của Lề Luật Giao Ước Cũ, và như thế vô ích hoá sự mới mẽ của Chúa Kitô và tính cách phổ quát của sứ điệp cứu rỗi của Chúa. Thánh Phaolô đến như là chứng nhân và là kẻ đề cao ân sủng của Chúa. Trên đường đi Damasco, dung mạo sáng chói và giọng nói mạnh mẽ của Chúa Kitô đã kéo ngài ra khỏi lòng hăng say mạnh bạo của kẻ bách hại, và đã thắp lên trong ngài lòng hăng say mới của Ðấng chịu đóng đinh, Ðấng hoà giải kẻ gần người xa trong thập giá của mình (x. Eph 2,11-12). Thánh Phaolô đã hiểu rõ rằng trong Chúa Kitô, trọn cả Lề Luật đã nên trọn, và ai gắn bó với Chúa Kitô, sống kết hiệp với Người, thì người đó chu toàn Lề Luật. Ðem Chúa Kitô, và cùng với Chúa Kitô đem Thiên Chúa duy nhất đến cho tất cả mọi người, đã trở thành sứ mạng của thánh Phaolô. "Chúa Kitô là thật hoà bình của chúng ta, là Ðấng đã làm cho hai dân tộc trở thành một dân duy nhất, vừa hạ xuống bức tường ngăn cách" (Eph 2,14). Lời tuyên xưng của chính thánh nhân về tình yêu vừa đồng thời diễn tả yếu tính chung của đời sống kitô: "Cuộc sống mà tôi đang sống trong xác thể này, tôi sống nó trong đức tin vào Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu thương tôi và đã hiến dâng chính mình vì tôi" (Gal 2,20). Và thử hỏi làm sao có thể đáp lại tình yêu này, nếu không bằng cách sống gắn bó với Chúa Kitô chịu đóng đinh, đến độ sống chính sự sống của Chúa? Ngài tâm sự trong thư Galata như sau: "Tôi đã chịu đóng đinh cùng với Chúa Kitô; và không còn là tôi sống, nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi." (Gal 2, 20a).
Nói về việc ngài chịu đóng đinh cùng với Chúa Kitô, thánh Phaolô không những ám chỉ đến cuộc tái sinh của ngài trong bí tích Rửa Tội, mà còn nói đến trọn cả cuộc đời ngài để phục vụ Chúa Kitô. Tương quan giữa việc ngài chịu đóng đinh cùng với Chúa Kitô và hoạt động tông đồ của ngài, xuất hiện cách rõ ràng trong những lời kết thúc cuộc bênh vực của ngài cho sự tự do kitô, vào cuối thư Galata như sau: "Từ nay về sau, ước gì không ai làm phiền tôi nữa: quả thật tôi mang lấy những vết đinh của Chúa Giêsu trong thân xác tôi." (6,17). Ðây là lần đầu tiên, trong lịch sử kitô giáo, xuất hiện cụm từ "những vết đinh của Chúa Giêsu". Trong cuộc tranh luận về cách thức đúng để nhìn thấy và sống Tin Mừng, những lý luận của tư tưởng chúng ta không quyết định được gì cả; điều quyết định là chính thực tại đời sống, là sự hiệp thông sống động và chịu đau khổ cùng với Chúa Giêsu, không những trong những ý tưởng hay trong những lời nói, mà còn cho đến tận cõi thâm sâu của hiện hữu chúng ta, với trọn cả thân xác chúng ta nữa. Những "vết thương bầm tím" của một cuộc đời đầy sự thương khó là bằng chứng cho sự hiện diện của thập giá của Chúa Giêsu nơi thân xác của thánh Phaolô; đó là những "dấu thánh" của ngài. Không phải việc "cắt bì" đã cứu rỗi ngài; những "dấu thánh" là hậu quả của bí tích Rửa Tội ngài đã lãnh nhận; những dấu thánh diễn tả việc ngài hằng ngày cùng chịu chết với Chúa Giêsu, là dấu chỉ bảo đảm ngài trở nên một tạo vật mới (x. Gal 6, 15).
Áp dụng ý nghĩa của cụm từ "những dấu đinh", Thánh Phaolô nhắc đến tập tục cổ xưa in vào da thịt của người nô lệ con dấu của ông chủ. Người nô lệ như thế được "in dấu" như là vật sở hữu của chủ và được chủ bảo vệ. Dấu thập tự, được khắc ghi vào da thịt của thánh Phaolô trong những lần chịu khổ, là niềm hãnh diện của ngài: dấu ấn này xác nhận ngài là người tôi tớ đích thực của Chúa Giêsu, và được tình yêu Chúa bảo vệ.
Thưa các bạn thân mến, với chứng tá mạnh mẽ, hôm nay Thánh Phanxicô Assisi gởi lại cho chúng ta tất cả những lời trên của Thánh Phaolô. Kể từ khi dung mạo của những người phong cùi, mà tình yêu Chúa thôi thúc ngài yêu thương, và một cách nào đó làm cho ngài có trực giác về mầu nhiệm "hạ mình" (kenosi) ( x. Phil 2,7), làm cho ngài hiểu về sự hạ mình của Thiên Chúa trong xác thể của Con Thiên Chúa làm người, --- kể từ khi tiếng nói của Ðấng chịu đóng đinh trên thập giá của Thánh Damiano, đặt vào trong tâm hồn ngài chương trình sống: "Phanxicô, con hãy đi sửa lại nhà Ta" (2 Cel I,6,10: FF 593), --- thì con đường sống của ngài không là gì khác hơn là hằng ngày cố gắng để trở nên giống như Chúa Kitô. Thánh Phanxicô say mến Chúa Kitô. Những vết thương của Ðấng chịu đóng đinh, làm cho con tim ngài bị thương tích, trước khi được in vào thân xác ngài tại Verna. Thánh Phanxicô có thể thật sự nói như thánh Phaolô: "Không còn là tôi sống, nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi."
Và như thế chúng ta tiến đến trung tâm Tin Mừng của Lời Chúa dành cho Chủ Nhật hôm nay. Chính Chúa Giêsu, trong đoạn Phúc Âm theo thánh Luca vừa được trích đọc, giải thích cho chúng ta con đường trở lại đích thực, vừa chỉ cho chúng ta thấy mẫu gương của người đàn bà tội lỗi, được tình yêu Chúa cứu chuộc. Người ta phải nhìn nhận rằng người đàn bà này có nhiều can đảm. Cách thức bà đến gặp Chúa Giêsu, lấy nước mắt mình thấm ướt chân Chúa, rồi lấy tóc mình mà lau khô, rồi hôn chân Chúa và lấy dầu thơm xức chân Chúa, (cách thức bà làm như vậy) gây khó chịu nơi những ai nhìn vào những con người như bà, với đôi mắt kiêu hãnh của quan toà. Ngược lại, được nổi bật lên sự dịu dàng của Chúa Giêsu đối với người đàn bà đã bị biết bao người lạm dụng, và bị tất cả lên án. Cuối cùng, Người đàn bà đã gặp được nơi Chúa Giêsu cái nhìn trong sạch, một con tim có sức yêu thương mà không lạm dụng. Trong cái nhìn và trong con tim của Chúa Giêsu, người đàn bà được mạc khải cho biết Thiên Chúa Tình Yêu!
Ðể tránh mọi hiểu lầm, chúng ta cần lưu ý rằng lòng nhân từ của Chúa Giêsu không được biểu lộ bằng cách bỏ qua luật luân lý. Ðối với Chúa Giêsu, điều tốt là điều tốt, điều xấu là điều xấu. Lòng nhân từ không thay đổi những đặc tính của tội lỗi, nhưng đốt tan tội lỗi trong lửa tình yêu. Hiệu quả thanh luyện và chữa lành này được thực hiện, nếu có trong con người một tình thương đáp trả tương xứng, một sự đáp trả biết nhìn nhận luật định của Thiên Chúa, biết chân thành ăn năn, biết đề ra một cuộc sống mới. Người đàn bà tội lỗi trong Phúc Âm đã được tha thứ nhiều, vì bà đã yêu mến nhiều. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đến trao ban cho chúng ta tình yêu và đòi hỏi tình yêu nơi chúng ta.
Thưa anh chị em thân mến của tôi, cuộc đời của Thánh Phanxicô từ khi trở lại, đã là như thế nào, nếu không phải là một hành động thực hiện tình thương? Chúng ta thấy được điều này trong những lời cầu nguyện nồng nhiệt của ngài, những lời cầu nguyện tràn đầy chiêm niệm và chúc tụng; chúng ta thấy được điều này trong cái ôm hôn dịu dàng dành cho Chúa Hài Ðồng nơi máng cỏ tại Greccio, nơi thái độ ngài chiêm ngắm sự Thương Khó Chúa tại Verna, nơi "nếp sống của ngài theo Tin Mừng" (2 test 14: FF 116), nơi sự chọn lựa của ngài sống nghèo hèn, và nơi việc ngài luôn tìm Chúa Kitô trong dung mạo người nghèo.
Ðó là sự trở lại của Thánh Phanxicô với Chúa Kitô, cho đến mức ước ao được biến đổi trong Chúa, được trở nên hình ảnh trọn vẹn của Chúa; và đây là điều giải thích cho cách sống cụ thể của ngài, mà nhờ đó chúng ta nhìn ngài như một nhân vật hết sức thời sự, cả đối với những chủ đề to lớn của thời đại chúng ta, như đề tài về sự tìm kiếm hoà bình, về việc bảo vệ thiên nhiên, về việc cổ võ đối thoại giữa tất cả mọi người. Thánh Phanxicô là vị thầy đích thật trong tất cả những gì vừa nói trên. Nhưng ngài là như vậy, nhờ qua Chúa Kitô. Quả thật , Chúa Kitô là "hoà bình của chúng ta" (x. Eph 2,14). Chính Chúa Kitô là nguyên lý của vũ trụ, bởi vì trong Chúa Kitô, tật cả đã được tạo thành (x. Gn 1,3). Chúa Kitô là sự thật thần thiêng, là Logos, là Lời hằng hữu, trong đó mọi "đối thoại" (dia-logos) trong thời gian, gặp được nền tảng cuối cùng của nó. Thánh Phanxicô là "hiện thân" sâu xa của sự thật Chúa Kitô, sự thật nằm ở gốc rễ của cuộc sống con người, của vũ trụ và của lịch sử.
Nói đến đây, ÐTC nhắc lại sáng kiến có tính cách tiên tri của Ðức Gioan Phaolô II, cách đây 20 năm, quy tụ những đại diện các tôn giáo, và những đại diện các giáo hội và cộng đồng giáo hội đến Assisi, để cầu nguyện cho hoà bình. Tinh thần và gương sống của thánh Phanxicô đã soi chiếu cho sáng kiến nầy. ÐTC giải thích thêm như sau:
Tinh thần Assisi từ biến cố nói trên đã không ngừng được phổ biến trên thế giới; tinh thần này chống lại tinh thần bạo lực, chống lại việc lạm dụng tôn giáo như là lý do biện minh cho bạo động. Assisi nói với chúng ta rằng lòng trung thành với niềm xác tín riêng về tôn giáo, nhất là lòng trung thành với Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã phục sinh, (lòng trung thành đó) không được thể hiện bằng bạo động và bất bao dung, nhưng trong sự thành thật tôn trọng kẻ khác, trong đối thoại, trong lời rao giảng dựa trên sự tự do và lý trí, trong sự dấn thân cho hoà bình và hoà giải. Không thể nào sống phù hợp với Tin Mừng và với tinh thần Phanxicô, nếu không thành công kết hợp sự tiếp đón, đối thoại và tôn trọng tất cả mọi người với niềm xác tín đức tin mà mọi người kitô, --- theo gương thánh Phanxicô Assisi --- có bổn phận vun trồng, vừa rao giảng Chúa Kitọ là đường, là sự thật và là sự sống của con người (x. Gn 14,6), là đấng cứu rỗi duy nhất của thế giới.
Ðức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời nguyện cầu:
Xin Thánh Phanxicô cầu cùng Chúa ban cho giáo hội tại Assisi, cho giáo hội tại Italia, và cho tất cả mọi người trên thế giới đến với ngài, ơn ăn năn trở lại đích thực và trọn vẹn với tình yêu Chúa Kitô.
(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)