Khai mạc Hội Nghị Quốc Tế
của Liên Hiệp Báo Chí Công Giáo Thế Giới (UCIP)
tại Sherbrooke, Canada
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Khai mạc Hội Nghị Quốc Tế của Liên Hiệp Báo Chí Công Giáo Thế Giới (UCIP) tại Sherbrooke, Canada.
Tin Canada (Apic 5/06/2007) - Sáng thứ Hai, ngày 4 tháng 6 năm 2007, gần 200 ký giả và các nhà truyền thông đã tham dự lễ khai mạc Hội Nghị Quốc Tế của Liên Hiệp Báo Chí Công Giáo Thế Giới (International Catholic Union of the Press - UCIP), tại Ðại Học ở Sherbrooke, cách Montréal 180 cây số về phía đông. Hội Nghị Quốc Tế này sẽ kéo dài gần một tuần và theo chủ đề: "Các Phương tiện Truyền Thông và Tôn Giáo: một nguy cơ hay một may mắn?" Ðại Học tại Sherbrooke là Ðại Học Anh Giáo, nằm trong vùng đất phía đông của Canada, nói tiếng Anh, với đa số dân theo Anh Giáo hoặc Tin Lành. Năm nay là năm kỷ niệm 80 năm thành lập Liên Hiệp Báo Chí Công Giáo Thế Giới.
Phát biểu trong buổi lễ khai mạc Hội Nghị, Ðức Tổng Giám Mục André Gaumond, Tổng Giám Mục Sherbrooke và là Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Canada, đã nhận định rằng: trong hoàn cảnh văn hoá ngày nay, việc kiên vững trong thời gian dài là một chiến công! Ðức Tổng Giám Mục ám chỉ đến việc Liên Hiệp Báo Chí Công Giáo đã trải qua 80 năm lịch sử! Ngài nhận định tiếp như sau: trong cảnh sống đang thay đổi như cảnh sống tại vùng Québec này, dưới ảnh hưởng của hiện tượng "đời thường hoá" và " tục hoá", Giáo Hội công giáo phải tìm gặp lại những đặc điểm của mình. Thật vậy, trước thập niên 60, đạo công giáo tại vùng Québec này, đã nổi bật trong các lãnh vực giáo dục, nhà thương và các dịch vụ xã hội. Nhưng giờ đây bị ép "thu hẹp lại". Ngày nay, ngoại trừ những người già, việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật, tại vùng đất này của Canada, không còn là " thói quen" của dân chúng nữa. Hơn nữa, từ tháng 9 năm 2008 sắp tới, việc dạy môn tôn giáo trong các trường học sẽ bị hủy bỏ, và được thay thế bởi việc dạy môn văn hoá, nhắm đến việc trao đổi thông tin và văn hoá, hơn là nhắm đến sự gắn bó Ðức Tin và thực hành tôn giáo.
Theo nhận định của Giáo Sư Guy Laperrière, thuộc phân khoa Sử của Ðại Học Sherbrooke, thì việc "đóng cửa" các họ đạo, đã trở thành một hiện tượng càng ngày càng nhanh, kể từ năm 2000. Khuynh hướng "tục hoá" cũng được ghi nhận trong lãnh vực báo chí tại vùng Québec. Trước năm 1970, các tờ báo lớn trong vùng còn hãnh diện xưng mình là công giáo, hay ít ra ủng hộ những giá trị kitô. Nhưng ngày nay, theo nhận định của giáo sư Laperrière, đa số các tờ báo tại Québec đã "bị trần tục hoá", và tôn giáo bị xem như là chuyện riêng tư. Trong bối cảnh như thế, quả thật là hợp lúc để đặt ra và trả lời cho câu hỏi chủ đề của Hội Nghị: Tương quan giữa tôn giáo và các phương tiện truyền thông là một nguy cơ hay là một điều may lành? Theo Ðức Tổng Giám Mục Gaumond, thì phải cố gắng để thuyết phục mình đây là điều may lành; nhưng đôi khi, chúng ta cảm thấy lo sợ. Kể từ khi các phương tiện truyền thông trở thành lãnh vực của thương mại kiếm tiền và khoe danh, hơn là của "truyền thông", thì chúng ta phải nhìn nhận rằng có nguy cơ trong các phương tiện truyền thông.
(Ðặng Thế Dũng)