Phỏng vấn ÐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
về chuyến viếng thăm mục vụ tại Nhật Bản
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Phỏng vấn Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn về chuyến viếng thăm mục vụ tại Nhật Bản.
Saigòn, Việt Nam (17/04/2007) - Sau đây là cuộc phỏng vấn của BGCG với Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn về chuyến thăm viếng Nhật Bản từ ngày 25 tới 31 tháng 3 năm 2007:
BGCN: Thưa Ðức Hồng Y, được biết Ðức Hồng Y vừa viếng thăm Nhật Bản, xin Ðức Hồng Y vui lòng cho chúng con biết mục đích của chuyến đi là gì?
Ðức Hồng Y trả lời: Tôi cùng đoàn đi Nhật với nhiều mục đích như sau:
1/ Ðáp lại lời mời của gia đình ông Tango (tôi mới cử hành Bí tích Thánh Tẩy cho ông vào cuối năm 2006), và của một số dòng tu Nhật có thành viên Việt Nam;
2/ Ðáp lễ hai Giám mục Giáo phận Osaka và Hiroshima đã đến Việt Nam thăm tôi;
3/ Mở rộng cánh cửa hiệp thông giữa hai Giáo hội Công giáo Nhật và Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam hội nhập vào thế giới toàn cầu hóa ngày nay;
4/ Học hỏi kinh nghiệm của Giáo hội Công giáo Nhật và của Ðại học Sophia của Dòng Tên ở Tokyo, góp phần phát triển vững mạnh Nhật Bản mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là từ sau khi hai thành phố Hiroshima và Nagasaki gánh chịu sức tàn phá vô tiền khoáng hậu của 2 quả bom nguyên tử;
5/ Mời một số Giám mục và dòng tu Nhật hợp tác vào công việc yêu thương và phục vụ nhân dân Việt Nam, đặc biệt người khuyết tật và bệnh nhân.
BGCN: Xin Ðức Hồng Y cho chúng con biết ngài đã đi thăm những nơi nào và gặp gỡ những ai?
ÐHY trả lời: 1/ Sáng sớm thứ Hai 26/3/2007, đoàn chúng tôi (gồm có cha Tổng Ðại diện, cha Hương, cha Nghị từ Mỹ sang, và gia đình ông bà Tango và hai cháu) được Ðức Tổng Giám Mục Osaka - Leo Jun Ikenaga -, một số nữ tu và người Công giáo Việt Nam, ra sân bay đón. Trưa, tất cả dùng cơm trưa với 3 gia đình anh em họ hàng của gia đình Tango. Chiều thăm một số dòng tu Nhật, dâng thánh lễ và gặp gỡ cộng đồng Công giáo Việt Nam gồm hơn 100 người.
2/ Sáng thứ Ba 27/3/2007, đi thăm thành phố Kobê, cạnh Osaka, tham quan Viện bảo tàng triển lãm về địa chấn tháng 1/1995, gây thương vong cho hơn 6,000 sinh mạng, nhưng không ai trong số 700 người Việt Nam sinh sống ở Kobê bị thương tích. Nhà thờ Kobê bị cháy thành đống tro tàn. Nay sau 12 năm, công việc tái thiết sắp hoàn tất. Sau đó đoàn đến thành phố lân cận Himeji có nhà thờ, dâng thánh lễ và gặp gỡ cộng đồng Công giáo Việt Nam hơn 100 người và nhiều tu sĩ Nhật, Việt Nam từ Kobê và Himeji.
3/ Sáng thứ Tư 28/3/2007, đoàn rời Himeji đi Hiroshima bằng tàu hỏa siêu tốc (300 km/giờ). Sau khi gửi hành lý ở khách sạn, đoàn tham quan Viện bảo tàng với nhiều tang vật về thành phố Hiroshima bị quả bom nguyên tử (6/8/1945) tàn phá toàn bộ nhà cửa và gây thương vong cho lối nửa dân số lúc bấy giờ là 350,000. Cạnh Viện bảo tàng là Công viên Hòa Bình rộng bao la tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử. Trưa, tham quan thắng cảnh Miyajama với ngôi đền Itsukushima được xây dựng từ năm 593, được tái thiết năm 1168, gồm 20 tòa nhà với hành lang dài 280 mét. Một di tích văn hóa thu hút khách du lịch từ Nhật và từ nhiều nước trên thế giới. Khách thập phương vãng cảnh giữa đàn nai vàng ngơ ngác nhưng rất gần gũi với mọi du khách. Chiều, đoàn đến chào thăm Ðức Giám mục Hiroshima - Joseph Atsumi Misue -, dùng cơm với ngài và một số Bề trên dòng tu Nhật, tại một khách sạn.
4/ Sáng thứ Năm 29/3/2007, đoàn rời Hiroshima bằng tàu hỏa siêu tốc, đi Nagasaki ở cực Nam nước Nhật. Trước tiên, đoàn đến thăm Tu viện Franciscan Conventual do Thánh Maximilian Kolbe sáng lập năm 1930, nay có mấy tu sĩ Việt Nam tu học tại đó. Sau đó tham quan Viện bảo tàng các Thánh Tử Ðạo Nhật Bản. Từ đó chúng tôi được biết Thánh Phanxicô Xaviê đã đặt chân đến Nagasaki trước năm 1582, thời điểm ngài biên thư tường trình cho Rôma về tình hình đạo lúc bấy giờ. Nagasaki là nôi sinh Kitô giáo tại Nhật Bản. Chúng tôi được biết con đường Nagasaki, Hiroshima, Himeji, Kobe, Osaka, là con đường Ðạo Kitô và các Thánh Tử Ðạo đã đi, đi bộ, đi thuyền, mất nhiều tháng. Nay ngẫu nhiên, chúng tôi đi lại con đường đó, nhưng chỉ mất mấy giờ.
Chiều, đoàn đến thăm Nhà thờ Chánh tòa và Ðức Tổng Giám Mục Nagasaki - Joseph Mitsuaki Takami. Nhà thờ Chánh tòa năm 1945, là nhà thờ duy nhất ở Nagasaki, bị bom nguyên tử biến thành một đống gạch vụn hoang tàn. Nay mọc lại và thêm ba nhà thờ khác trong thành phố Nagasaki. Trước sân tiền đường, có nhiều pho tượng Chúa, Ðức Mẹ, một số các thánh Tông đồ, mất đầu, mất mặt, mất tay chân, chứng tích của sự tàn phá của bom nguyên tử năm 1945. Tôi có nói với Ðức Tổng Giám Mục Nagasaki rằng ở Nagasaki Chúa Giêsu phải chịu nạn lần thứ hai, và lần này không phải một mình, song có Ðức Mẹ và các Tông đồ cùng chung một số phận. Ðức Tổng Giám Mục Nagasaki ý thức tình liên đới hiệp thông giữa hai Giáo hội Nhật Bản và Việt Nam, và thấy có nhiều việc có thể hợp tác với nhau. Chúng tôi thống nhất mở ra con đường hiệp thông và hợp tác cách cụ thể hơn trong tương lai gần. Cuộc gặp gỡ kéo dài và kết thúc bằng bữa ăn tối chung tại một khách sạn gần nhà, cùng với một số Bề trên dòng nữ Nhật Bản, trong số đó có vị đã từng đến Việt Nam.
5/ Sáng thứ Sáu 30/3/2007, đoàn rời Nagasaki, bay lên thủ đô Tokyo, ở phía Bắc. Có cha Hiếu - đặc trách lo mục vụ cho cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở Nhật -, và một số giáo dân Việt Nam, ra đón tại sân bay, đưa về khách sạn Cuore ở trung tâm Thành phố Tokyo với 12 triệu dân, cạnh Ðại học Sophia của Dòng Tên. Sau đó là theo chương trình dày đặc và khít khao, đi chào thăm, gặp gỡ, trao đổi, mời gọi một số nơi:
- 2 giờ 00 : gặp gỡ Bề trên Dòng Tên,
- 2 giờ 30 : gặp gỡ Hội đồng Quản trị và Viện trưởng Ðại học Sophia,
- 3 giờ 00 : gặp gỡ Ðức Khâm sứ Tòa Thánh và Ðức Hồng y Tokyo nay đã nghỉ hưu,
- 4 giờ 30 : gặp gỡ Ðức TGM Tokyo - Peter Takeo Okada,
- 6 giờ 00 : Thánh lễ và gặp gỡ cộng đồng Công giáo Việt Nam và nhiều tu sĩ Nhật và Việt Nam.
- 8 giờ 30 : gặp gỡ một số linh mục, tu sĩ Việt Nam...
BGCN: Xin vui lòng cho chúng con biết cảm nhận của Ðức Hồng Y trong chuyến viếng thăm này.
ÐHY trả lời: 1/ Những nơi chúng tôi đã đi qua, nhà cửa cao tầng, những ngôi làng truyền thống, phố xá, tất cả đều khang trang, gọn gàng, rất sạch sẽ. Con người Nhật Bản, đâu đâu cũng thấy họ lịch sự, hiếu khách, chu đáo, tận tình... Hình như trong xã hội cũng như Giáo hội Nhật Bản, người già đông hơn người trẻ. Người già nói chung được chăm sóc chu đáo. Ở các đường phố đều có nhiều hàng cây hoa anh đào. Ngày 30/3, hoa anh đào ở Tokyo nở rộ, trắng xóa cả một khung trời.
2/ Giáo hội, nhất là các dòng tu Nhật, quan tâm đến Giáo hội Việt Nam, mong có giao lưu nhiều hơn, hỗ trợ nhau nhiều hơn. Tôi sẽ tìm cơ hội thuận lợi để thực hiện điều đó.
3/ Gồm 4,000 trong tổng số 20,000 người Việt Nam định cư, lao động, du học, tu học tại Nhật, cộng đồng Công giáo Việt Nam được Giáo hội Nhật cùng với 17 linh mục Việt Nam tận tình chăm sóc, nâng đỡ. Ðâu đâu cũng vui mừng tiếp đón đoàn đến thăm. Họ mong có nhiều cuộc viếng thăm và gặp gỡ hơn.
Nói chung họ luôn hướng về Giáo hội Mẹ Việt Nam và giữ vững niềm tin của mình. Lúc đến thăm nhà thờ Kobê đang tái thiết, tôi thấy có pho tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu cao lối 1 mét, đứng giữa sân. Người Việt Nam giải thích cho tôi rằng họ mang tượng Chúa từ Việt Nam sang hơn 20 năm nay. Pho tượng vẫn nguyên vẹn đứng giữa nhà thờ bị cháy rụi và đổ nát trong trận động đất 1/1995. Gặp ông người Nhật, được giới thiệu là Chủ tịch Cộng đoàn Giáo xứ Kobê, tôi hỏi ông có bí quyết nào giữ pho tượng nguyên vẹn. Sau ít giây suy nghĩ, ông trả lời bí quyết đó là lòng tin của người Công giáo Việt Nam.
BGCN: Về mặt đức tin, người Kitô hữu Nhật Bản phải vượt qua những thách đố nào để bảo tồn niềm tin và loan truyền niềm tin trong xã hội văn minh tiên tiến ngày nay?
ÐHY trả lời: Ðó là điều tôi muốn học hỏi kinh nghiệm của Cộng đồng Dân Chúa tại Nhật Bản.
Rất tiếc là chuyến đi vừa rồi ngắn ngủi không cho phép tôi tìm hiểu xem coi trong thực tế, sự phát triển kinh tế với những tiến bộ khoa học duy vật chất ảnh hưởng đến lòng đạo truyền thống đến mức nào.
Tôi chỉ thấy thoáng qua hai điểm này:
1/ Về mặt nhân bản và xã hội, trên những đường phố tôi đi qua - Tokyo, Osaka, Kobê, Himeji, Hiroshima, Nagasaki - tôi không thấy sự có mặt của trẻ đường phố, bụi đời, khất thực lang thang. Qua tiếp xúc với người làm các dịch vụ ở hàng quán, sân ga, sân bay, khách sạn, taxi v.v..., tôi thấy họ thanh lịch và hiếu khách, tự trọng, trung thực và tận tình...
2/ Về mặt đạo, tôi thấy nhà thờ Nagasaki, năm 1945 đã bị bom nguyên tử xóa sổ, nay đã được xây dựng lại to lớn không kém nhà thờ Chánh tòa Sàigòn. Ngoài ra, Nagasaki có thêm ba nhà thờ mới mọc lên sau năm 1945.
Nhà thờ Kobê, năm 1995 bị động đất xóa sổ với nhiều ngàn ngôi nhà khác, nay công cuộc tái thiết sắp hoàn tất. Nghe nói kinh phí lên đến nhiều triệu mỹ kim, vượt lên trên khả năng tài chánh của Giáo phận. Ðiều này nói lên sự trân trọng cao độ của Bản quyền Giáo phận đối với niềm tin của cộng đoàn tín hữu Kobê.
Ngoài ra, Giáo hội tại Nhật Bản có nhiều cơ sở giáo dục, bác ái xã hội chăm lo cho người già, khuyết tật, bệnh nhân... Có lẽ đây chính là cách Giáo hội nơi đây làm chứng cho niềm tin, loan truyền Tin mừng Chúa yêu thương và phục vụ cho dân tộc Nhật Bản.
BGCN: Chúng con cám ơn Ðức Hồng Y.
BGCN