Phái đoàn ÐHY Phạm Minh Mẫn
thăm viếng Nhật Bản
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Phái đoàn Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn thăm viếng Nhật Bản.
Osaka, Nhật Bản (26/03/2007)- Trong chương trình thăm viếng cộng đồng người Việt Nam hải ngoại, Ðức Hồng Y Gioan Baotixit Phạm Minh Mẫn, chủ tịch Ủy Ban Di Dân thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, đã tới Osaka, Nhật Bản vào sáng sớm ngày 26/03/2007. Cùng đi với Ðức Hồng Y Saigòn có Linh Mục Huỳnh Công Minh, Tổng Ðại Diện giáo phận Saigòn và Linh Mục Trương Kim Hương, Giám đốc Qũi Linh mục Hưu Dưỡng Saigòn, Linh Mục Cao Sơn Thân, Tuyên úy Cồng Ðồng Công Giáo Việt Nam tại Osaka về Việt Nam đón Ðức Hồng Y qua, và có Linh Mục Trần Công Nghị, giám đốc VietCatholic từ Hoa Kỳ cùng được mời đi tháp tùng phái đoàn trong chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 5 ngày.
Sau khi rời phi trường, Ðức Hồng Y Mẫn cùng phái đoàn đã đến thăm Trung tâm Bác Ái của Dòng Tên do Cha Cao Sơn Thân làm giám đốc. Trung tâm nằm ngay trong khu vực của những người vô gia cư, những bạn trẻ nghiện ngập, những người nghèo của thành phố. Trong nhiều năm nay Cha Thân đã phục vụ công tác xã hội tại đây gồm các công tác như mục vụ, linh hướng và cố vấn, gặp gỡ, phát đồ ăn, dậy giáo lý và rất nhiều các công việc vô tên vô tuổi hầu giúp những người bất hạnh nhất trong xã hội Nhật bản hiện nay. Cha Sơn cho biết Trung Tâm của Cha hợp tác với mười mấy hội đoàn, tôn giáo khác nhau để thực hiện chương trình bác ái xã hội này.
Chúng tôi đến vào đúng lúc có đến cả 100 người đàn ông và bạn trẻ đang xếp hàng nhận chén cháo "miễn phí".
Khu vực này nằm giữa một khu mà Cha Sơn cho biết có thể nói là nghèo nhất thành phố và cũng là nơi của người bụi đời, những người không còn thích hợp hay không muốn sống trong gia đình nữa. Cha nói: "Nhiều người họ có gia đình, hãy xem những ông già đó, họ có gia đình, nhưng họ không về được gia đình của họ, hay họ không muốn về... họ là những người do hoàn cảnh nào đó đưa đẩy tới chỗ bị mất việc, bị sa cơ, và vì văn hóa Nhật bản cho rằng người đàn ông không còn lo được cho gia đình là một điều xỉ nhục... nên họ không muốn về gia đình... không muốn làm ô nhục cho thân nhân gia đình, nên họ tìm tới đây sống cho qua ngày..."
Tiếp đến Ðức Hồng Y Saigòn đi thăm tu viện Nữ Tử Bác Ái người Nhật, hiện có một nữ tu Việt Nam là Sr. Lê Lang đã tận hiến cuộc đời ở đây được trên 15 năm. Trường hợp Sr Lang đi tu cũng thật là lắm điều diệu huyền... Sr Lang trước đây là một Phật tử... rồi trong chuyến vượt biên lênh đênh trên biển cả, phiêu dạt vào đảo Malaysia, và rồi được rửa tội tại đảo... Cuối cùng Sr được sang định cư tại Nhật... Những ngày sống một mình giữa một văn hóa xa lạ, người con gái 18 tuổi đó đã tìm vui trong việc đi phục vụ giúp những trẻ em tàn tật, những em bất hạnh... thế rồi một ngày, tìm được ơn gọi trong cánh cửa mở rộng của các nữ tu Nhật bản, khi cảm nghiệm được gương chứng nhân bác ái của các nữ tu này. Hiện nay nhà Dòng này cũng mới thêm được 2 thỉnh tu người Việt mới đến từ Việt Nam.
Chuyến viếng thăm Nhật Bản lần này được gia đình ông Tango và Dòng Thánh Giuse sắp xếp. Ông Tango là một thương gia người Nhật có vợ Việt Nam cùng 2 con gái sống ở Sàigòn. Năm ngoái ông được Ðức Hồng Y Mẫn rửa tội và hướng dẫn gia nhập Ðạo Chúa. Do vậy trong chuyến thăm Nhật lần này, ông Tango muốn giới thiệu toàn thể gia đình của ông tại Nhật cho Ðức Hồng Y. Trong bữa cơm thân hữu và mang sắc thái truyền thống của Nhật, có sự hiện diện của toàn thể gia quyến họ Tango, và có sự hiện diện qúi báu của Ðức Tổng Giám Mục Ikenaga Jun, Tổng giám mục Osaka nữa. Mọi người ngồi xếp vòng tròn, ăn cơm hộp truyền thống của Nhật Bản, nhiều thực khách Việt Nam tuy dù chưa đổ kềnh càng ra đàng sau nhưng cũng thấy mấy cái chân thừa thãi không biết xép vào đâu cho vừa.
Trong bữa cơm, Ðức Hồng Y Saigòn và Ðức Tổng Giám Mục Osaka đều nói lên niềm mong ước là sự nối kết hôm nay sẽ bắt đầu cho một giai đoàn mới của sự hợp tác hữu hiệu và huynh đệ giữa 2 Giáo hội. Ðức Hồng Y Saigòn ngỏ lời cám ơn Tổng Giáo Phận Osaka trong những năm qua đã cưu mang người Việt Nam trong vòng tay yêu thương... Ngược lại Ðức Tổng Giám Mục Osaka nói lên tâm tình biết ơn đối với Giáo hội Việt Nam vì đã cống hiến cho Giáo hội Nhật những người con ưu tú. Ðó là một số khá đông các linh mục và tu sĩ nam nữ. Năm 2008 sẽ có linh mục gốc Việt Nam đầu tiên của giáo phận. Ðây là em bé đến Nhật 26 năm trước đây khi chỉ mới 3 tuổi đời...
Sau cơm trưa, Ðức Hồng Y Mẫn đi thăm Nhà Dòng Nữ thánh Giuse Truyền Giáo của Nhật, hiện cũng có 2 thỉnh sinh Việt Nam đầu tiên mới đến đây được 4 tháng và còn đang học tiếng Nhật.
Chiều ngày 26/03/2007, vào lúc 6:30, Ðức Hồng Y Saigòn chủ sự thánh lễ bằng tiếng Việt Nam tại nhà thờ Sonoda ở Osaka cho chừng gần 120 người gồm rất nhiều các nữ tu Nhật Bản, trong số đó có cả trên 10 tu sinh Việt Nam mới sang tu nghiệp.
Ðây là dịp hết sức lịch sử vì lần đầu tiên một Hồng Y Việt Nam tới thăm họ và chia sẻ lời Chúa với người Công giáo Việt Nam trên đất Nhật. Nhiều cụ già chống nạng đến dự thánh lễ và các cụ đi rất sớm, đang khi đó có một số em bé tí nheo mặc trang phục áo dài khăn đóng Việt Nam vui chơi chạy nhảy thỏa thích. Một số khác là các em thanh niên thiếu nữ từ Việt sang Nhật theo diện tu nghiệp sinh.
Mở đầu thánh lễ, Ðức Hồng Y Saigòn chia sẻ cảm tình trân qúi ngài muốn dành cho cộng đoàn Việt Nam tại Nhật. Ngài không ngờ tại Osaka lại có một số đông người Việt đến thế. Ngài nói lên ước vọng muốn bắc nhịp cầu giao liên và thân hữu giữa Giáo Hội Nhật và Giáo Hội Việt Nam, mà chính anh chị em Công giáo Việt là chiếc cầu nối đó. Hôm nay (26/03/2007) cử hành ngày lễ Truyền tin (Ngày Lễ Truyền Tin năm 2007 nằm vào Ngày Chúa Nhật 25/03/2007, nên được dời cử hành vào ngày thứ Hai 26/03/2007), Ðức Hồng Y chia sẻ mầu nhiệm phó thác và vâng phục của Ðức Trinh Nữ Maria với cộng đoàn. Trong thánh lễ có múa nến phụng vụ dâng kính Ðức Trinh Nữ Maria trong ngày Truyền tin. Niềm vui của những bà mẹ là khi thấy con em của mình được nữ tu Lang tập múa bài dâng hoa kính Ðức Mẹ trong dịp đặc biệt hôm nay; còn các nữ tu Nhật chú tâm theo dõi từng cử chỉ của các em và hòa mình trong tiếng nhạc Việt Nam truyền thống khi các em nhỏ ở lứa tuổi khác nhau vũ tiến hoa.
Bữa tiệc linh đình sau thánh lễ mừng Ðức Hồng Y Saigòn và phái đoàn nói lên lòng trân trọng qúi yêu của các nữ tu thánh Giuse đôi với Ðức Hồng Y và phái đoàn. Bữa ăn rất thịnh soạn và ngon miệng, trình bầy nghệ thuật nồng ấm. Ai ai cũng vui vẻ quây quần bên nhau còn vui hơn ngày hội Tết, nhất là khi ai nấy đều được chụp hình kỉ niệm với Ðức Hồng Y và quan khách. Mãi tới 10 giờ tối ra về mà mọi người vẫn còn như nuối tiếc sợ mất đi một cái gì đó rất trân qúi và đáng nhớ...
Ngày mai (27/03/2007) phái đoàn sẽ đi thăm Tòa Tổng Giám Mục Osaka, sau đó tới thành phố Kobe và Himeji. Hai nơi này có chừng 500 giáo dân Việt Nam.
Nhân đây, chúng tôi cũng muốn trình bầy sơ qua về sự hình thành của Cộng Ðồng Công Giáo Việt Nam ra sao.
Giáo Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật được chính thức thành lập vào ngày 15 tháng 8 năm 1986. Cho đến hôm nay, sau một thời gian dài hơn 20 năm, Giáo Ðoàn đã có hơn 3,000 anh chị em công giáo sống rải rác trong 16 công đoàn lớn, nhỏ từ nam tới bắc nước Nhật. Tuy là một nhóm nhò, nhưng Giáo Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật vẫn có những sinh hoạt đều đặn, giúp cho anh chị em sống đức tin trong hoàn cảnh và ngôn ngữ khác biệt nơi đất khách quê người.
Giai Ðoạn Hình Thành:
Từ năm 1979, làn sóng người tỵ nạn Việt Nam ào ạt ra đi khỏi nước, trong tâm tình muốn cứu giúp những người vượt biển, các tàu buôn, thuyền đánh cá ngoại quốc đã ra khơi vớt người trên biển cả, nhờ đó, một số anh chị em Việt Nam đã được các tàu Nhật, hoặc các tàu buôn ngoại quốc vớt và đưa về tạm cư trong các thành phố cảng của Nhật. Tại những trung tâm đó, họ được dạy tiếng Nhật, và làm các thủ tục để đi đến các nước khác (nếu họ có điều kiện) hoặc định cư tại Nhật. Trong thời gian này, vì không biết nhà thờ cũng như chưa có một linh mục Việt Nam nào đến Nhật, nên các giáo dân Việt Nam tự quy tụ lại với nhau để cùng đọc kinh, cầu nguyện và nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin. Dần dần với thời gian, con số các người tỵ nạn tăng thêm, chính phủ Nhật lập thêm nhiều trung tâm tỵ nạn mới rải rác khắp nước Nhật, nhờ đó sự hiện diện của người Việt Nam cũng lan rộng ra khắp nước, số người công giáo cũng tăng thêm, Caritas Nhật Bản lúc đó đã mời cha Trần Tử Nhãn, một linh mục dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, lúc đó đang tỵ nạn tại Canada, đến giúp đồng bào công giáo mỗi năm 2 lần vào các dịp Giáng Sinh và Phục Sinh. Từ năm 1982, Cha Vũ Ðình Trác đã đến Tokyo để làm luận án tiến sĩ về triết học đông phương, ngài đã dùng thời gian rãnh rỗi để đi thăm, dâng lễ, và giúp đỡ cho đồng bào Việt Nam, nhờ đó đời sống đức tin của người công giáo được nâng đỡ và phát triển.
Ý thức được nhu cầu đức tin của người Việt Nam, Caritas Nhật Bản đã mời cha Nguyễn Hữu Hiến, lúc đó đang học tại Roma, đến giúp cho đồng bào, và vào cuối năm 1987, cha Hiến đã đến Nhật làm mục vụ cho người Việt Nam suốt từ đó cho đến bây giờ.
Tiếp đến Caritas Nhật cũng đã mời cha Hồng Kim Linh, lúc đó đang ở Pháp, đến Nhật làm việc cho đồng bào công giáo trong một thời gian. Với sự hiện diện của 2 linh mục Việt Nam, đời sống đức tin của người công giáo Việt Nam được nâng đỡ rất nhiều, và nhờ sự hiện diện nâng đỡ đó, anh chị em công giáo Việt Nam sống rãi rác trong các vùng ở Nhật, đã quyết định thành lập các cộng đoàn, để có thể dễ dàng sống đạo và nâng đỡ nhau trong cuộc sống hằng ngày.
Vào dịp lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, ngày 15 tháng 8 năm 1986, các cộng đoàn đã tổ chức 3 ngày đại hội tại giáo xứ Nibuno, thuộc thành phố Himeji, một thành phố nằm phía Nam Nhật, cách Tokyo chừng 600 km, và đã quyết định thành lập Giáo Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật với 2 liên cộng đoàn:
1. Liên Cộng Ðoàn Công Giáo Miền Ðông, gồm các cộng đoàn công giáo thuộc miền Bắc nước Nhật, đó là các cộng đoàn Tokyo (chừng 400 người), Fujisawa (250 người), Yamato (200 người), Mizonoguchi (30 người), Kawaguchi (150 người), Kawagoe (40 người), Hamamatsu (100 người), Nagoya (70 người), Isesaki-Gunma (150 người) và Karasuyama (20 người).
2. Liên Cộng Ðoàn Miền Tây, gồm các cộng đoàn thuộc miền Nam nước Nhật, với các cộng đoàn Osaka (200 người), Kobe (300 ngươi), Himeji (200 người) và Saito (20 người).
Mỗi tháng một lần, vào ngày Chúa Nhật đều có thánh lễ bằng tiếng Việt trong các cộng đoàn, trừ các cộng đoàn nhỏ, cách cha Việt Nam chỉ có thể đến thăm và giải tội trong các ngày thường.
Ngoài ra có một số khá đông anh chị em công giáo, vì công ăn việc làm, sống rãi rác, xa các cộng đoàn Việt Nam, nên họ thường xuyên đi lễ trong các giáo xứ Nhật.
Tuy con số giáo dân Việt Nam rất khiêm tốn, nhưng bù lại, Chúa cho cộng đoàn có rất nhiều ơn gọi. Hiện nay tại Nhật có đến 15 linh mục (gồm cả linh mục triều vừa dòng), 2 phó tế, 5 nữ tu trẻ đã khấn trọn đời trong những năm gần đây, và còn nữ tu đã khấn tạm trong các dòng Trappist hoặc Dòng Nữ Tử Bác Ái. Thêm vào đó Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật còn có 14 đại chủng sinh vừa triều và dòng, và 41 các em thanh tuyển trong các dòng nữ.
Ðây thực sự là một hồng ân Chúa ban và vào tháng 4 năm 2008, với ơn Chúa ban, Giáo Ðoàn sẽ có thêm 2 linh mục.
Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho anh chị em công giáo trong Giáo Ðoàn Việt Nam tại Nhật, để tuy sống xa quê hương, luôn biết hiệp thông với Giáo Hội Mẹ Việt Nam và cố gắng phát huy truyền thống đức tin của các thánh tử đạo để lại, hầu làm sang danh Chúa và ích lợi cho các linh hồn.
Cộng Ðoàn Osaka:
Cộng đoàn Osaka có khoảng 200 người công giáo sống rải rác trong 3 vùng trong thành phố Osaka: Yao, Amagasaki và Kyobashi. Ở đây có 2 linh mục Việt Nam:
Cha Cao Sơn Thân, dòng Tên, đang phụ trách trung tâm bác ái của dòng ở địa phận Osaka và cha Cao Duy Linh, dòng Phanxicô Conventuale, đang làm cha sở của giáo xứ Nigawa, một giáo xứ lớn, với trường trung học trong địa phận Osaka.
Với sự hiện diện của hai linh mục Việt Nam, cộng đoàn có một lịch trình sinh hoạt đều đặn, nhưng vì qúy cha cũng bận rộn với công tác mục vụ của mình, nên mỗi tháng cộng đoàn chỉ có một thánh lễ bằng tiến Việt vào lúc 2g00 chiều Chúa Nhật của tuần thứ 2 trong tháng.
Ở địa phận Osaka, ngoài 2 linh mục Việt Nam, còn có một phó tế, 3 nữ tu Việt Nam và 5 em thanh tuyển.
Anh chị em giáo dân Việt Nam cũng như người Việt Nam sống ở vùng này đã có đời sống ổn định, một số cũng đã mua được nhà riêng, và một số ít anh chị em cũng có cơ sở thương mại riêng như tiệm ăn Việt Nam, tiệm bán thực phẩm Việt Nam, v.v...
Lần đầu tiên được tiếp đón Ðức Hồng Y đến từ Việt Nam, mọi người rất hân hoan và cảm thấy được nâng đỡ, dù sự hiện diện của ngài quá ngắn ngủi, nhưng cũng đã mang lại cho mọi người niềm vui mừng và tình thương.
Kính chúc Ðức Hồng Y luôn khang an và gặt hái được nhiều thành quả trong chuyến viếng thăm Nhật Bản này, cũng như thành công trong công việc mục vụ trong một địa phận rộng lớn với rất nhiều khó khăn và thách đố ở Việt Nam.
Lịch trình Phái đoàn Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn viếng thăm Nhật Bản:
Chuyến thăm viếng Nhật Bản của phái đoàn Ðức Hồng Y Phạm Minh Mẫn tới Nhật bản trong tuần này, ngoài việc gặp một số giám mục các giáo phận Nhật, Bề trên của các dòng tu đang có liên hệ với giáo hội Việt Nam và cũng là để thăm hỏi tình hình của giáo dân, tu sĩ, và cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc trên đất Nhật, cũng là dịp để phái đoàn đi thăm các cơ sở có tính cách lịch sử như Kobe, Hiroshima, Nagasaki...
Tuy chuyến đi chỉ vọn vẹn trong 5 ngày và vào ngày thường trong tuần, nhưng là một chuyến đi có ý nghĩa quan trọng và chính thức mong muốn bác nhịp cầu thân hữu và hợp tác giữa hai Giáo Hội Nhật Bản và Việt Nam, hầu mở ra những chân trời hợp tác về nhiều mặt nhất là cho việc mục vụ Việt-Nhật. Thêm vào đó, với những cửa ngõ đã được mở ra, chương trình cổ động và cung ứng Ơn Kêu Gọi của Việt Nam cho Giáo Hội Nhật sẽ là một bước đi rất có tiềm năng tạo điều kiện cho người Việt Nam đóng góp vào việc truyền giáo tại Nhật.
Trong vài năm qua, Giáo Hội Việt Nam đã cống hiến cho Giáo hội Nhật Bản trên 10 linh mục, 15 nữ tu, và chừng trên 30 đệ tử thỉnh tu đã đến Nhật để dóp góp và làm sinh động các Cộng Ðoàn Dòng Tu tại Nhật bản.
Ngày 26/03/2007:
Như chúng tôi đã tường trình trong bản tin trên: Phái đoàn ÐHY Saigòn đã tới Nhật vào sáng sớm ngày 26/03/2007. Một số đại diện giáo dân Việt Nam đã cùng với Ðức Tổng Giám Mục Ikenaga của Osaka đã tới tận phi trường đón Ðức Hồng Y và phái đoàn. Sau đó Phái đoàn đã có các cuộc thăm viếng và chào đón rất ý nghĩa và cảm động, đặc biệt Thánh Lễ cho giáo dân Việt tại nhà thờ Sonoda ở Osaka vào chiều ngày 26/03/2007 và tiệc khoản đãi rất ấm cúng trong tình nghĩa cha con cùng một Mẹ Việt Nam.
Ngày 27/03/2007:
- Dùng xe hơi đi thăm toà Tổng Giám Mục Osaka.
- Sau đó đi thăm cơ sở triển lãm về địa chấn Kobe, nơi mà năm 1995 có cuộc động đất làm thiệt mạng 6,000 người. Nhưng không một ai trong số 500 người Việt bị thương cả.
- Thăm hội dòng Phanxicô Bệnh viện và dòng Ðức Mẹ Dâng Mình.
- Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Kobe và Himeji đón phái đoàn Ðức Hồng Y tại nhà thờ Takatori. Dâng lễ cho Cộng đoàn tại đây.
- Nghỉ đêm tại khách sạn Himeji.
Ngày 28/03/2007:
- Dùng Shinkansen đi Hiroshima, thăm hội dòng Ánh Sáng Phúc Âm.
- Tham quan thắng cảnh Miyajima.
- Thăm toà giám mục Hiroshima.
-Viếng viện bảo tàng bom nguyên tử Hiroshima.
- Nghỉ tại khách sạn New Hiroden.
Ngày 29/03/2007:
- Dùng xe tốc hành đi Nagasaki để thăm toà giám mục Nagasaki.
- Thăm Viện bảo tàng bom nguyên tử Nagasaki.
- Thăm Viện bảo tàng 26 thánh Tử Ðạo Nhật tại Nagasaki.
- Nghỉ đêm tại khách sạn Coure Nagasaki.
Ngày 30/03/2007:
- Dùng máy bay đi Tokyo.
- Thăm trường đại học Sophia của dòng Tên.
- Thăm Toà khâm sứ Toà Thánh, thăm toà Tổng Giám Mục Hồng Y ở Tokyo.
- Tham quan thành phố Tokyo.
- Chiều tối dâng lễ cho các linh mục và nam nữ tu sĩ cùng giáo dân Cộng đồng người Việt Nam tại nhà thờ Thánh Ignatiô ở Yotsuya.
- Nghỉ đêm tại khách sạn Square Kojimachi, Tokyo.
Ngày 31/03/2007:
- Kết thúc chuyến thăm viếng Nhật Bản và trở về nhiệm sở.
LM. Trần Công Nghị
(VietCatholicNews 26/03/2007)