Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Bangkok
từ nay có nơi ổn định thờ phượng Chúa
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Bangkok từ nay có nơi ổn định thờ phượng Chúa.
Bangkok,
Thái Lan (20/05/2007) -- Sáng ngày Chúa Nhật 20/05/2007, trời
Bangkok nắng như chang. Nhưng cơn nắng gắt đó cũng không ngăn
được dòng người tiến về trường thánh Don Bosco.
Bác Trọng (dấu X) đã ở Thái Lan trên 50 năm. |
Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: "Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!" (Tv122, 1)
Nếu dân Do Thái xưa đi lưu đày và vui mừng được về trẩy hội lên Ðền thánh Chúa ở Giêrusalem, cộng đòan di dân Việt Nam hôm nay khỏang 400 bạn trẻ trong và ngoài thủ đô Bangkok cũng tưng bừng, náo nhiệt trẩy hội tiến về nhà thờ Chúa, đường Phết-Bu-Ri, ở Bangkok để tham dự ngày hội di dân dành cho cộng đoàn Việt Nam.
Thật là trùng hợp! Ngày Chúa nhật hôm nay 20 tháng 5 năm 2007, lễ hội di dân lần thứ 16 cũng được tổ chức tại Rôma. Lễ hội này muốn nói lên hình ảnh Giáo hội luôn mở rộng vòng tay và vượt mọi biên cương để đón nhận người di dân. Thế nhưng cộng đoàn di dân Việt Nam ở Bangkok thì ngược lại.
Cộng đoàn Việt Nam chưa có nhà thờ ổn định làm nơi thờ phượng Chúa. Mỗi lần họp mặt để tham dự lễ tiếng Việt, cộng đoàn phải di chuyển nay đây mai đó.
Mới đây, nhờ có sự can thiệp của Ðức Hồng Y Sài Gòn với Ðức Hồng Y Bangkok, và nhờ sự xúc tiến của bác Trọng và cha Chalerm, là những người Thái gốc Việt, hôm nay cộng đoàn đã chính thức có nơi cử hành thánh lễ thường xuyên. Ðịa điểm là nhà thờ trường thánh Don Bosco nằm trên đường Phết-Bu-Ri ở Bangkok. Thật là một niềm vui lớn cho cộng đoàn Việt Nam.
Ðược biết ở Bangkok hiện nay cả người lương và giáo có khỏang 7,000 Việt kiều, trong số này có chừng 700 người Công giáo Việt Nam.
Từ bốn năm trở lại đây, một số bạn trẻ người Việt do hoàn cảnh khó khăn đã phải sang Thái làm việc. Họ không có giấy phép cư trú cũng như giấy làm việc chính thức nên luôn lo âu và bất ổn vì sợ bị cảnh sát Thái bắt. Do đó, mấy hôm trước lễ, có bạn trẻ gọi điện thoại hỏi: "Loại xe nào có thể tới nơi dự lễ được để tránh bị cảnh sát bắt, thưa cha?"
Lại có một bạn trẻ khác hỏi: "Cha có thể làm lễ sớm hơn không, chỗ con có 30 người Việt muốn đi lễ sớm để về còn đi làm." Ðây cũng là một khó khăn khác cho các bạn trẻ Việt Nam sang Bangkok. Họ phải làm việc cho những người chủ Thái cả ngày Chúa Nhật.
Nhưng những khó khăn trên cũng không ngăn được 400 bạn trẻ di dân, Công giáo cũng như lương giáo đến dự ngày hội này. Tâm tình này giống như câu Thánh vịnh sau:
"Lạy Chúa xin dẫn tù nhân chúng con về, Như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam." (Tv. 125, 4)
Thật là trùng hợp! Chúa nhật 20 tháng 5 năm 2007, cũng là lễ Chúa về trời. Chúa về trời để đổ mưa ơn phúc xuống cho trần gian là hồng ân Chúa Thánh Thần. Vì như lời Ðức Giê-su nói: "Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Ðấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em." (Gio. 16, 7).
Hồng ân Chúa như mưa tuôn đổ tràn trề, như mưa dẫn nước chảy về nơi khô hạn của tâm hồn được diễn tả trong Thánh vịnh ở trên.
Vào lúc 12g trưa, các bạn trẻ đã đến tòa Giải tội để giao hòa lại với Chúa. Hầu hết 400 ban trẻ đều tìm đến tòa Cáo giải. Có bạn quì txuống đất, cúi đầu ăn năn vì đã xúc phạm tới Chúa trước mặt linh mục là người đại diện Chúa Kitô. Với lòng thương xót bao la của Chúa, các linh mục thay mặt Chúa Kitô và đại diên Giáo Hội đón nhận lại các bạn trẻ với lời tuyên bố xá giải. Hôm nay chỉ có hai cha giải tội cho khỏang 400 bạn trẻ và thời gian mất gần 2 giờ để các bạn trẻ xưng tội. Cuối cùng hai cha đành chọn giải pháp cho các bạn xưng tội riêng và giải tội chung.
Các bạn trẻ Việt Nam vì hoàn cảnh éo le đến nỗi đã phải sang Thái và làm bất cứ việc gì có thể làm được để tìm kế sinh nhai. Như "người con hoang đường" được kể trong Tin Mừng, có lúc các bạn cũng rơi vào cảnh đói, thèm và "ăn" những đồ của "heo". Họ đã rời xa "mái ấm gia đình của cha" và nay thực tâm trở về "nhà cha" nơi tòa Cáo giải.
Vào giữa trưa hôm nay (20/05/2007), tại vương cung thánh đường Gioan Laterô, Ðức Ông Mauro Parmeggiani, tổng thư ký giáo phận cử hành thánh lễ cho người di dân ở Rôma. Cùng liên kết với thánh lễ đó, thánh lễ dành cho cộng đoàn di dân Việt Nam cũng được diễn ra lúc 14g cùng ngày tại Bangkok.
Có hai cha đồng tế trong thánh lễ hôm nay là Cha Ðức dòng Ða Minh và cha Trực dòng Ngôi Lời. Trong thánh lễ, các bạn trẻ được cha Trực, dòng Ngôi Lời giảng lễ hướng dẫn: Hôm nay Chúa Về trời. Ðó chính là đích điểm của người Kitô hữu.
Các bạn trẻ cũng được hướng dẫn: Hôm nay Chúa trao cho các môn đệ sứ mạng đi rao giảngTin Mừng và làm chứng cho Chúa. Các bạn trẻ hôm nay đã đón nhận được lòng thương xót Chúa nơi tòa Giải tội, tới lượt mình, các bạn cũng hãy ra đi để làm chứng về lòng thương xót Chúa ngay trong môi trường mình làm việc.
Như lời Ðức Gioan Phao lô II, "Tuổi trẻ là những người tiên phong trong ngàn năm thứ ba", các bạn trẻ cần phải làm chứng tá cho Chúa hôm nay nơi thành phố cũng như ở thôn quê, thay vì để cho ngọn lửa hy vọng nơi các bạn trẻ bị tắt ngúm khi đi ngược lại với phẩm giá con người.
Ðược sống lại với Chúa qua bí tích Hòa Giải, các bạn còn được kín múc sức sống dồi dào qua việc đón nhận Mình Thánh Chúa trong thánh lễ, các bạn có sứ mạng cần phải sống một sức sống tròn đầy. Không chỉ quan tâm tới sự sống hiên tại như cơm ăn, áo mặc, để sống sung mãn và tươi đẹp, các bạn còn cần phải vươn tới và vượt trội hơn sự sống đó, là vươn tới sự sống vĩnh cửu mà chỉ có Ðức Giê-su mới có thể bảo đảm đem lại được cho các bạn.
Giữa một môi trường xa lạ nhiều thử thách và hầu như toàn tòng là Phật giáo, sự hiện diện đông đảo của các bạn trẻ di dân Việt Nam hôm nay tới lãnh nhận Bí tích Hòa Giải và tham dự thánh lễ thật sốt sắng đã gióng lên tiếng nói mạnh mẽ về một đức tin anh dũng, được kế thừa từ giòng máu hào hùng của cha ông, là 117 vị thánh tử đạo Việt Nam.
Ðức Tiến