Bài Giảng của ÐTC trong Thánh lễ Khai Mạc
Hội Nghị lần thứ 5 của Liên HÐGM châu Mỹ Latinh
tại Aparecida, ngày Chúa nhật 13/05/2007
ÐTC cử hành Thánh lễ Khai Mạc Hội Nghị lần thứ 5
của Liên Hội Ðồng Giám Mục châu Mỹ Latinh
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia
Bài
Giảng của Ðức
Thánh Cha Beneđitô XVI trong Thánh lễ Khai Mạc Hội Nghị
lần thứ 5 của Liên Hội Ðồng Giám Mục châu Mỹ Latinh và
miền Caraibi, tại Aparecida, ngày Chúa nhật 13/05/2007.
ÐTC cử hành Thánh lễ Khai Mạc Hội Nghị lần thứ 5 của Liên Hội Ðồng Giám Mục châu Mỹ Latinh, tại lễ đài dựng lên ở cổng hậu của Ðền Thánh Ðức Mẹ Aparecida, Brazil. |
Aparecida, Brazil (13/05/2007) - Chúa nhựt 13/05/2007 là ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức Thánh Cha Beneđitô XVI tại Brasil, nhưng cũng là cao điểm của của chuyến đi này, đó là để khai mạc Hội nghị lần thứ 5 của Liên hiệp các Hội đồng Giám mục châu Mỹ latinh và miền Caraibi, diễn ra tại đền thánh kính Ðức Mẹ Aparecida. Vào buổi sáng, ngài đã chủ sự Thánh lễ tại lễ đài dựng lên ở cổng hậu của đền thánh, với sự tham dự của cộng đoàn dân Chúa, ước lượng khoảng 1 triệu người. Thánh lễ bắt đầu từ lúc 10 sáng và kết thúc với buổi đọc kinh kính Ðức Mẹ lúc 12 giờ trưa. Kế đó ngài trở về dùng bữa trưa và nghỉ ngơi ở chủng viện, cách đền thánh 3 cây số. Ðến 4 giờ chiều, ngài trở lại đền thánh, chủ sự buổi đọc kinh Chiều để khai mạc khóa họp của Hội nghị các giám mục. Trong bài tường thuật hôm nay, chúng tôi chỉ giới hạn vào Thánh lễ, và xin dành lại buổi khai mạc Hội nghị cho buổi khai mạc ngày mai.
Các lời nguyện và bài đọc trong Thánh lễ lấy từ chúa nhựt thứ VI Phục sinh. Dựa theo các bài Sách Thánh, Ðúc Bênêđictô XVI đã áp dụng vào đề tài được chọn cho Hội nghị các giám mục: "Những người môn đệ và thừa sai của Chúa Giêsu Kitô, ngõ hầu trong Người, các dân tộc của chúng ta được sống. Thầy là Ðường, Sự thật và Sự sống".
Sau đây là bản dịch Việt ngữ bài giảng của Ðức Thánh Cha:
Kính thưa anh em quý mến trong hàng giám mục, kính thưa các linh mục và tất cả anh chị em thân mến trong Chúa.
Tôi không biết dùng lời lẽ nào để diễn tả niềm vui được ở với anh chị em, cử hành Thánh lễ long trọng khai mạc Hội nghị lần thứ 5 của hàng giám mục châu Mỹ latinh và Caraibi. Tôi xin gửi đến từng người lời chào thân ái, cách riêng là đến đức tổng giám mục Raymundo Damasceno Assis, và tôi cám ơn Ðức cha vì những lời chào thăm tôi nhân danh toàn thể cử toạ, đến các vị chủ tích hội nghị này. Tôi xin kính chào những nhà cầm quyền dân chính và quân sự vì sự hiện diện của quý vị làm tăng thêm tính cách long trọng cho buổi lễ. Từ thánh điện này, tôi xin mở rộng tư tưởng, tâm tình và lời nguyện đến hết mọi người đang kết hợp với chúng tôi trong tinh thần, cách riêng là các cộng đoàn đời thánh hiến, các bạn trẻ dấn thân trong các hội đoàn và phong trào, các gia đình, cũng như những người ốm đau già cả. Tôi xin được nói với tất cả rằng "Nguyện xin ân sủng và bình an bởi Thiên Chúa là Cha và bởi Ðức Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh chị em" (1Cr 1,3).
Thật
là hồng ân của Chúa quan phòng dành cho tôi vì được cử
hành Thánh Lễ vào thời này và tại nơi này. Thời này
là mùa Phục sinh, đã đến chúa nhật thứ 6 và gần kề lễ
Chúa Thánh Thần Hiện xuống, và Hội thánh được mời gọi
hãy tăng gia việc kêu cầu Chúa Thánh Thần. Nơi là thánh
điện toàn quốc dâng kính Ðức Mẹ Aparecida, trung tâm Thánh
mẫu của nước Brasil. Ðức Maria đón tiếp chúng ta trong nhà
Tiệc ly này, và như một người Mẹ và Giáo viên, Người
giúp chúng ta nâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện đồng
tâm và tin tưởng, Buổi cử hành phụng vụ này trở thành
nền móng kiên cố của Hội nghị lần thứ 5 bởi vì đặt
nền trên sự cầu nguyện và Thánh thể, bí tích Tình yêu (sacramentum
caritatis). Thực vậy, duy chỉ có tình yêu của Chúa Kitô,
được Thánh Thần phú ban, mới có thể biến cuộc họp này
thành một biến cố của Hộí thánh, một thời điểm của ân
sủng cho đại lục này và cho toàn thế giới. Chiều nay tôi
sẽ có cơ hội đi vào những đề tài thảo luận tại Hội
nghị. Bây giờ chúng ta hãy dành chỗ cho Lời Chúa mà chúng
ta đã hoan hỉ cùng nhau đón nhận, theo gương của Ðức Maria,
người nữ thụ thai, với con tim cởi mở và ngoan ngoãn,
để nhờ quyền năng của Thánh Thần, Ðức Kitô có thể
"nhâp thể" lần nữa vào ngày hôm nay của lịch sử
chúng ta.
ÐTC cử hành Thánh lễ Khai Mạc Hội Nghị lần thứ 5 của Liên Hội Ðồng Giám Mục châu Mỹ Latinh, tại lễ đài dựng lên ở cổng hậu của Ðền Thánh Ðức Mẹ Aparecida, Brazil. |
Bài đọc Một, trích từ sách Công vụ tông đồ, nhắc lại "công đồng Giêrusalem" (theo như quen được đặt tên), nhằm giải quyết vấn đề xem những người ngoại khi trở lại Kitô giáo có buộc phải giữ luật Moisen hay không. Bài đọc đã bỏ qua cuộc tranh luận giữa các "tông đồ và kỳ mục" (câu 4-21) và kể lại quyết định chung kết, được thảo ra văn thư và trao cho hai đại biểu mang về cộng đoàn Antiokia (câu 22-29). Trang sách Tông đồ công vụ này rất thích hợp với chúng ta, bởi vì chúng ta cũng được quy tụ tại đây như một cuộc họp của Hội thánh. Nó nhắc nhớ chúng ta cảm thức về sự biện phân cộng đoàn liên quan đến những vấn đề trọng yếu mà Giáo hội gặp trên đường, và cần được phân định bởi các "tông đồ" và "kỳ mục" nhờ ánh sáng của Thánh Thần, Ðấng mà theo bài sách Tin mừng hôm nay, nhắc lại lời dạy của Chúa Giêsu Kitô (xc Ga 14,26) và như thế Người giúp cho cộng đoàn Kitô hữu tiến bước đến chân lý sung mãn (xc Ga 16,13). Các nhà lãnh đạo Giáo hội tranh biện và đối chất với nhau, nhưng luôn luôn trong thái độ kính cẩn lắng nghe Lời Chúa Kitô trong Thánh Thần. Vì thế sau cùng họ có thể quả quyết rằng: "Chúng tôi đã quyết định, Thánh Thần và chúng tôi..." (Cv 15,28).
Ðây là "phương pháp" mà chúng ta thực hành trong Giáo hội, trong những buổi họp lớn hay nhỏ. Ðây không chỉ là chuyện thủ tục tiến hành, nhưng phản ánh bản tính của Giáo hội, là mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Kitô trong Thánh Thần. Trong trường hợp những Hội nghị của hàng giám mục châu Mỹ Latinh và Caraibi, lần đầu tiên vào năm 1955 tại Rio de Janeiro, Ðức giáo hoàng Piô XII đã gửi một bức thư. Tại những hội nghị kế tiếp, chính đức giám mục Rôma đích thân đến địa điểm nhóm họp để chủ toạ những phiên khai mạc. Với niềm biết ơn, chúng ta nghĩ đến các Tôi tớ Chúa đức Phaolô VI và Gioan Phaolô II, tại các Hội nghị ở Medellin, Puebla, và Santo Domingo đã mang đến chứng tá của Giáo hội hoàn vũ gần gũi với các Giáo hội tại châu Mỹ Latinh, chiếm phần đa số trong Cộng đoàn Công giáo.
"Chúa Thánh Thần và chúng ta". Ðó là Giáo hội: chúng ta, cộng đoàn Dân Chúa, cùng với các mục tử được kêu gọi hướng dẫn chỉ đường, cùng với Chúa Thánh Thần, Thần khí của Chúa Cha được phái đến nhân danh Ðức Giêsu là Con Chúa, Thần khí của Ðấng "lớn hơn" tất cả mọi người và được ban cho chúng ta nhờ Ðức Kitô, kẻ trở nên "bé nhỏ" vì chúng ta. Thần khí là Ðấng Paraclitus, Bào chữa và An ủi. Người giúp chúng ta sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa, lắng nghe Lời của Chúa, không bị ám ảnh bởi âu lo sợ hãi nhờ mang trong mình sự bình an mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta, bình an mà thế gian không thể nào ban được (xc Ga 14,26-2). Thần khi đồng hành Giáo hội trong suốt quãng đường kéo dài từ khi Ðức Giêsu đến lần thứ nhất cho tới khi Người đến lần thứ hai. Người đã nói với các môn đệ: "Thầy ra đi và sẽ trở lại với các con" (Ga 14,28). Giữa cuộc ra đi và trở lại của Chúa Kitô thì có thời điểm của Giáo hội là Thân thể của Người, đã có hai ngàn năm lịch sử đã trôi qua; đã có 5 thế kỷ trong đó Giáo hội trở nên kẻ lữ hành tại châu Mỹ, ban phát cho các tín hữu sức sống của Chúa Kitô nhờ các bí tích và gieo vãi trên mảnh đất này hạt giống Tin mừng, hạt giống đã mang lại kết quả có nơi gấp 30, có nơi 60, có nơi 100 lần. Thời kỳ của Giáo hội, thời kỳ của Thánh Thần: chính Ngài là Thầy giáo huấn luuyện các môn sinh: Ngài làm cho họ yêu mến Ðức Kitô; Ngài dạy dỗ họ lắng nghe Lời Chúa, chiêm ngắm Dung Nhan Chúa: Ngài uốn nắn họ nên hòa hợp với nhân loại của các mối phúc thật, tinh thần nghèo khó, âu sầu, hiền từ, khát khao công chính, khoan nhân, con tim trong trắng, kiến tạo hoà bình, bị bách hại vì công lý (xc Mt 5,3-10). Như vậy, nhờ tác động của Thánh Thần, Ðức Giêsu trở thành "Ðạo", con đường đi của người môn sinh. "Nếu ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy", Chúa Giêsu đã nói như vậy trong bài Tin mừng hôm nay. "Lời mà các con đã nghe không phải là của Thầy, nhưng là của Cha là Ðấng đã sai Thầy" (Ga 14,23-24). Như Chúa Giêsu đã truyền thông lời của Chúa Cha thế nào, thì Thánh Thần cũng nhắc nhớ cho Giáo hội những lời của Chúa Kitô như vậy (xc Ga 14,26). Và cũng như việc Ðức Giêsu yêu mến Chúa Cha đưa Người đến chỗ lấy việc tuân theo ý Cha làm lương thực như thế nào, thì việc chúng ta yêu mến Chúa Giêsu cũng được chứng tỏ qua việc vâng theo lời Chúa như vậy. Lòng trung thành của Ðức Giêsu với ý muốn Chúa Cha có thể được thông đạt cho các môn sinh nhờ Thánh Thần, Ðấng đô tràn lòng yêu mến Chúa vào lòng chúng ta (xc Rm 5,5).
Tân
ước trình bày cho chúng ta Ðức Kitô như là vị Thừa sai
của Chúa Cha. Ðặc biệt trong sách Tin mừng thánh Gioan, nhiều
lần Ðức Giêsu nói đến mối tương quan của mình với Chúa
Cha Ðấng đã sai mình đến thế gian. Trong đoạn văn hôm nay,
Người nói: "lời mà Thầy nói với các con, không phải
là của Thầy, nhưng là lời của Cha Ðấng đã sai Thầy" (Ga
14,24). Giờ đây, các bạn thân mến, chúng ta được mời
gọi hãy cắm mắt nhìn vào Người, bởi vì sứ vụ của
Giáo hội chỉ tồn tại được trong tầm mức nối dài sứ
vụ của Ðức Kitô: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai
các con" (Ga 20,21). Và tác giả Tin mừng nêu bật rằng
việc chuyển thông này diễn ra trong Thánh Thần: "Chúa
Kitô đã thổi hơi lên họ và nói: hãy nhận lấy Thánh
Thần" (Ga 20,22) . Ðức Kitô đã thi hành sứ vụ trong tình
yêu: Ngài đã thắp lên trong thế gian ngọn lửa của tình
yêu Chúa (xc Lc 12,49). Chính tình yêu đem lại sự sống: vi vậy
Giáo hội được mời gọi hãy truyền bá khắp thế gian tình
yêu của Chúa Kitô, ngõ hầu mọi người và mọi dân "nhận
được sự sống va sự sống dồi dào" (Ga 10.10). Cả với
anh em nữa, những người đại diện của Giáo hội tại châu
Mỹ latinh, tôi hân hạnh trao thông điệp "Thiên Chúa Là
Tình Yêu" (Deus caritas est) trong đó tôi muốn giới thiệu
điều gì là thiết yếu trong sứ điệp của Kitô giáo. Hội
thánh cảm thấy mình là môn sinh và thừa sai của Tình yêu
đó: thừa sai vì là môn sinh, nghĩa là có khả năng để cho
mình bị quyến rũ bởi Thiên Chúa, Ðấng đã yêu thương
chúng ta và đã đi bước trước trong tình yêu (xc 1Ga 4,10),
Giáo hội không làm công tác tuyên truyên chiêu dụ. Giáo
hội tăng trưởng bằng cách thu hút: cũng như Ðức Kitô
đã thu hút tất cả chúng ta bằng mãnh lực tình yêu với
chóp đỉnh là hy lễ Thập giá, thì Giáo hội cũng thực hiện
sứ vụ trong mức độ thực hiện mọi công tác họa theo tình
yêu của Ðức Kitô là Chúa mình.
ÐTC cử hành Thánh lễ Khai Mạc Hội Nghị lần thứ 5 của Liên Hội Ðồng Giám Mục châu Mỹ Latinh, tại lễ đài dựng lên ở cổng hậu của Ðền Thánh Ðức Mẹ Aparecida, Brazil. |
Anh em thân mến,! Ðó là kho tàng vô giá của đại lục Mỹ châu, đây là gia sản quý báu nhất: lòng tin vào Thiên Chúa là Tình Yêu, Ðấng đã biểu lộ khuôn mặt nơi Ðức Kitô Giêsu. Anh em đã tin vào Thiên Chúa Tình yêu; đây là sức mạnh của anh em, sức mạnh chiến thắng thế gian, niềm vui này không ai và không gì có thể cướp đoạt, sự bình an mà Ðức Kitô đã tranh thủ cho anh em nhờ Thập giá! Ðây là niềm tin biến đổi châu Mỹ thành đại lục của Hy vọng. Ðây không phải là ý thức hệ chính trị, không phải là một phong trào xã hội, một chính sách kinh tế; đó là niềm tin vào Thiên Chúa Tình Yêu, đã nhập thể, chết và sống lại nơi đức Giêsu Kitô, nền tảng chính đáng của niềm hy vọng đã mang lại biết bao hoa trái kỳ diệu, kể từ khi rao giảng Phúc âm lần đầu cho đến nay, như được chứng tỏ qua đoàn ngũ các thánh và chân phước mà Thánh Thần đã gợi lên khắp nơi ở đại lục. Ðức Gioan Phaolô II đã kêu gọi anh em hãy thực hiện một cuộc rao truyền Tin mừng mới, và anh em đã đón nhận uỷ nhiệm đó với lòng quảng đại và dấn thân. Tôi xin khẳng định điều đó, và với những lời của Hội nghị lần thứ 5, tôi xin nói với anh em "Hãy trở nên những môn đệ trung tín, ngõ hầu trở thành những thừa sai can đảm và hữu hiệu.
Bài đọc thứ hai đã trình bày thị kiến tuyệt vời về thành Giêrusalêm trên trời. Thực là một bức tranh tuyệt đẹp, nơi mà không cần đồ trang hoàng nữa, những tất cả đều phản ánh sự hoà điệu của Thành Thánh. Thánh Gioan viết rằng thành này từ trời xuống, rạng ngời vinh quang Thiên Chúa (Kh 20,10). Thế nhưng vinh quang Thiên Chúa là Tình Yêu; vì thế thành thánh Giêrusalem trên trời là bức icon của Hội thánh thánh thiện và rạng rỡ, không còn tì ố vết nhăn (xc Ep 5,27), được Thiên Chúa Tình Yêu chiếu rực ở trung tâm và ở khắp chốn. Hội thánh được mang tên là "hiền thê", hiền thê của Chiên (Kh 20,9), bởi vì thể hiện hình ảnh hiền thê đã trải dài lịch sử mặc khải từ đầu cho đến cuối. Kinh thành Hiền thê là xứ sở của việc Thiên Chúa hiệp thông với con người; ở trong đó, không cần đền thờ hoặc nguồn ánh sáng nào nữa, bởi vì sự hiện diện của Thiên Chúa và của Chiên đã hiện thực và chiếu sáng.
Bức icon này mang tính cách cánh chung: nó diễn tả mầu nhiệm của vẻ đẹp hiện nay đã nặn lên Hội thánh, tuy chưa đạt tới mức độ viên mãn. Ðây là đích điểm của cuộc lữ hành của chúng ta, quê hương đang chờ đợi chúng ta và chúng ta hiện đang mong mỏi. Nhìn nó với cặp mắt đức tin, chiêm ngưỡng và ước ao nó, không trở nên lý do để trốn tránh thoát khỏi lịch sử nơi Giáo hội sinh sống, và chia sẻ những niềm vui và hy vọng, những đau khổ và lo âu của nhân loại, cách riêng của những người nghèo khổ (xc Gaudium et spes 1). Nếu vẻ đẹp của Giêrusalem trên trời là vinh quang của Thiên Chúa, nghĩa là tình yêu, thì duy chỉ trong tình yêu mà chúng ta có thể đến gần nó và cách nào đó cư ngự trong nó. Ai yêu mến Chúa Giêsu và tuân giữ lời Người thì có thể cảm nhận ngay từ đời này sự hiện diện huyền nhiệm của Thiên Chúa Ba ngôi, như chúng ta đã nghe trong Phúc âm, "Chúng ta sẽ đến và cư ngụ ở nơi họ" (Ga 14,23). Vì thế mỗi nguời Kitô hữu được mời gọi hãy trở nên viên đá sống động của toà nhà tuyệt diệu của nơi Thiên Chúa cư ngự giữa loài người. Ôi ơn gọi cao quý biết chừng nào!
Một Giáo hội hoàn toàn được linh hoạt và huy động nhờ tình yêu Chúa Kitô, Chiên được hiến tế vì tình yêu, là hình ảnh trong lịch sử của thành Giêrusalem trên trời, tiền báo Thành thánh, rực rỡ bởi vinh quang của Thiên Chúa. Hội thánh bung ra một sức mạnh vô địch, đó là sức mạnh của sự thánh thiện. Xin Mẹ Maria cầu cho Hội thánh tại châu Mỹ latinh và Caraibi được khoác lấy sức mạnh từ trời cao (xc Lc 24,49) để chiếu tỏa trong lục địa này và trong toàn thế giới sư thánh thiện của Chúa Kitô. Nguyện chúc cho Người vinh quang, cùng với Chúa Cha và Thánh Thần, đế muôn thuở muôn đời. Amen.
Những ý chỉ của lời nguyện phổ quát được dâng lên bằng những ngôn ngữ thông dụng của châu Mỹ: Tây ban nha, Pháp, Anh. Vào cuối Thánh lễ, Ðức Thánh Cha cũng đã ngỏ lời chào bằng các ngôn ngữ đó trước khi xướng kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng bằng tiếng Bồ đào nha.
(Radio Vatican)