Con đường nào

bảo vệ tự do và xây dựng hoà bình?

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Con đường nào bảo vệ tự do và xây dựng hoà bình?

Saigòn, Việt Nam (29/04/2007) - Tháng Tư Saigòn độ nầy nóng bức. Theo kinh nghiệm cá nhân trong quá khứ hoặc hiện tại, người nầy gọi là tháng Tư đen, người kia gọi là tháng Tư đỏ, người khác gọi là tháng tăng nhiệt. Trong tháng đen đỏ và tăng nhiệt nầy, những gì tôi đọc được từ những tiếng nói khác nhau qua thư tín hoặc qua phương tiện truyền thông, mở đường cho tôi chia sẻ mấy suy nghĩ về công cuộc bảo vệ tự do và xây dựng hoà bình trong thế giới hôm nay.

Cao quý thay lẽ sống vì tự do và hoà bình cho nhân loại, vì sự sống và hạnh phúc của mọi người anh em đồng bào và đồng loại! Xem ra trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay, mọi người thiện tâm, tư bản hay cộng sản, ai ai cũng ước mơ và chọn lý tưởng đó. Nếu lý tưởng đã được thống nhất, thì điều còn lại là phân định tình hình, chọn đường lối thích hợp, và kiên trì thực hiện.

1. Tình hình thế giới hôm nay

Ðiều nghịch lý là trong thế giới hôm nay gọi là văn minh tiến bộ lại thường xuyên phát sinh khá nhiều bạo lực khủng bố và chiến tranh! Bạo lực từ trong gia đình đến trường học và công sở, từ trên màn hình đến trên mạng internet, từ Trung tâm thương mại thế giới trên đất nước của nữ thần Tự Do đến Tiểu Á và các châu lục. Bạo lực đối kháng nhỏ, gọi là bạo hành trong gia đình, phá thai, ly dị, "bịt miệng", "cạy răng", vu khống, đe dọa, đấu đá, bắn tẻ, bất công, áp bức, ép cung, tra tấn, quản chế, tù đày... Bạo lực đối kháng lớn gọi là chuyên chế đàn áp, chiến tranh xâm lược hoặc tự vệ, chiến tranh vũ khí, chiến tranh kinh tế, cá lớn nuốt cá bé... Dưới bất cứ hình thức nào, bạo lực đối kháng vẫn là con đường hủy diệt lẫn nhau. Tại sao trong thế giới gọi là văn minh tiến bộ lại có nhiều người, nhiều tổ chức lớn nhỏ, lựa chọn con đường đó? Và đâu là nguyên nhân của lựa chọn? Tâm lý học cho rằng hành vi của con người được hình thành trên cơ sở di truyền và tính khí, ý thức và tự do, văn hoá và môi trường.

Với kinh nghiệm lâu dài của mình, người Israel mà ta thường gọi là Do Thái, nhận thấy rằng nguyên nhân của bạo lực khủng bố và chiến tranh giữa những sắc tộc khác nhau, song cùng thờ một Chúa, một lý tưởng, không phải là niềm tin vào một Chúa, một lý tưởng, song là do thiếu nhận thức, thiếu tìm hiểu học hỏi, thiếu nghiên cứu thấu đáo, nên phe nầy cho rằng Chúa mình, lý tưởng mình đúng hơn Chúa, lý tưởng của nhóm kia. Thiếu giáo dục, thiếu rèn luyện đạo đức, tính đối kháng cố hữu trong con người điều khiển hành vi của họ và dẫn họ đi đến con đường bạo lực đấu đá, rồi loại trừ nhau. Như thế, nguyên nhân sâu xa của bạo lực khủng bố và chiến tranh là vì con người thiếu ý thức và tự do trong trách nhiệm giáo dục bản thân và niềm tin của mình. Sự phân rẽ và bất ổn trong gia đình thờ một Chúa, trong tổ chức hay sắc tộc theo một lý tưởng, xem ra cũng do cùng một nguyên nhân.

Những người có kinh nghiệm nuôi gà chỉ ra một nguyên nhân khác xem ra khá phổ biến trong xã hội công nghiệp hoá và cơ giới hoá ngày nay. Gà ta được thả đi ăn ngoài vườn, thì kiếm ăn vui vẻ, thịt lại ngon. Gà công nghiệp bị nhốt dày đặc trong một ô chuồng chật hẹp, lâu ngày sanh ra bực bội, phát điên lên và mổ nhau liên tục. Tạm gọi đó là bệnh gà công nghiệp, một thứ dịch cúm gia cầm rất dễ lây lan. Như thế, nguyên nhân của lựa chọn bạo lực và khủng bố có phải vì nhiều nơi trên thế giới ngày nay đã trở thành chuồng gà công nghiệp?

Nếu tất cả nguyên nhân trên định hình cho hành vi lựa chọn của con người, thì đâu là vai trò giáo dục trong gia đình và trong cộng đoàn, trong học đường và trong xã hội? Phải chăng cần xét lại chủ trương, đường lối giáo dục ở những nơi đó? Dân tộc Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong công cuộc đổi mới giáo dục nầy. Họ có kinh nghiệm xây thêm nhà trường để giảm bớt nhà tù.

2. Con đường Ðức Giêsu chọn cho mình

Khi linh cảm Thầy mình trở thành đối tượng của bạo lực, nhóm môn đệ của Chúa đã làm gì?

- Người thì theo chủ nghĩa thực dụng và thời cơ, như Giuđa, trở mặt phản Thầy, bán Thầy.

- Người thì theo tập quán dùng bạo lực chống lại khủng bố, như Phêrô, lúc đầu sắm gươm tự vệ, sau nghe theo lời Thầy bỏ gươm, cảm thấy không an toàn, rồi chối Thầy.

- Những vị khác, cảm thấy niềm tin không còn chỗ dựa, nên hoảng sợ, tháo chạy, bỏ rơi Thầy.

- Chỉ có Gioan đồng hành với Ðức Maria là theo Thầy từ xa đến tận dưới chân thập giá.

Còn Ðức Giêsu, khi bị xử oan sai và bị hành hình cách bất công, trước sau vẫn một mực bao dung đối với bạo lực, cho dù Ngài có đủ lực lượng thiên binh để "bịt miệng", để loại trừ những kẻ phản bội, những kẻ vu khống và bất công kết án Ngài. Và sau khi Phục Sinh, Ngài cũng vẫn bao dung quy tụ các môn đệ lại, trao ban bình an và Thánh Thần là nguồn lực tình yêu cho các ông, các ông đón nhận rồi dần dần mới hoàn hồn và được Tình Yêu đổi mới thành chứng nhân can trường của Tin Mừng Chúa Phục Sinh.

Có đủ lực lượng thiên binh để khoá miệng những kẻ vu khống, để loại trừ những kẻ bất công kết án và hành hình mình, tại sao Ðức Giêsu không chọn con đường bạo lực để tiêu diệt họ? Phải chăng vì sứ mạng của Ngài là đến để mọi người được sống và sống dồi dào? Phải chăng vì Ngài đã chọn con đường khác, là đường Tình Yêu có sức vạn năng hoán cải và đổi mới con người? Phải chăng vì chọn con đường bạo lực đối kháng là lọt vào vòng lẫn quẫn không có lối ra như những kẻ giết hại Ngài? Lịch sử xác minh rằng những kẻ độc tài, bạo chúa và hận thù không tồn tại lâu dài, còn Ngài và Tình Yêu thì tồn tại không chỉ cho đến tận cùng thời gian, song mãi mãi. Hình như nhiều người thiện tâm, vì vẫn bị kẹt trong thế đối kháng và trong quán tính sử dụng bạo lực, nên không thể ý thức và tự do lựa chọn con đường tình yêu hoán cải và đổi mới của Ngài!

3. Một bài học lịch sử hôm nay

Giống như Việt Nam, và còn hơn Việt Nam, dân tộc Do Thái trãi qua nhiều thời kỳ chiến tranh hủy diệt, gần nhất là thế chiến II và cuộc chiến dai dẳng hiện nay. Bí quyết nào, sức mạnh nào giúp họ tồn tại? Người Do Thái xác tín rằng bí quyết và sức mạnh giúp họ không những tồn tại mà còn phát triển vững bền, không phải là súng đạn, bạo lực và khủng bố, song là niềm tin vào Thiên Chúa của Abraham, Isaác và Giacóp. Và họ xác quyết rằng bí quyết bảo vệ tự do và sức mạnh xây dựng hoà bình vững bền, đó là giáo dục con người và củng cố niềm tin trong gia đình cũng như trong cộng đồng xã hội. Giáo dục toàn diện mọi mặt, trí dục, thể dục, kỹ dục, đức dục.

4. Thực hành

Với niềm tin Ngôi Cha là Tình Yêu, Ngôi Con là hiện thân của Tình Yêu, Ngôi Thánh Thần là nguồn lực Tình Yêu, Giáo Hội công giáo trên khắp hoàn cầu, trong nước tư bản cũng như cộng sản, đã chọn cho mình con đường Tình Yêu đổi mới, con đường bao dung, đối thoại thẳng thắn và hợp tác lành mạnh với mọi người thiện tâm nhằm xây dựng một cộng đồng nhân loại mới sống những giá trị Tin Mừng, sống và làm chứng cho sự thật và công bằng, sống và làm men thánh thiện và hiệp nhất, sống và làm ánh sáng chiếu toả yêu thương và bình an của Chúa.

Nếu thấy rằng không có con đường nào khác có hiệu quả hơn cho công cuộc bảo vệ tự do và xây dựng hoà bình lâu dài trong ngôi nhà toàn cầu hoá hôm nay, người thiện tâm cảm thấy có trách nhiệm gì trong công cuộc giáo dục đổi mới con người và củng cố niềm tin đối với con em và thế hệ hậu sinh, đối với đồng đạo, đồng bào và đồng loại? Có thể làm gì, để có đủ sức chu toàn sứ mạng vừa cao cả vừa khó khăn nầy?

 

(Chúa Nhật Người Mục Tử nhân lành, 29.4.2007)

+ ÐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn

Tổng Giám Mục Saigòn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page