Phụ tá Bộ Trưởng ngoại giao Hoa Kỳ

tường trình về tình hình nhân quyền tại Việt Nam

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Phụ tá Bộ Trưởng ngoại giao Hoa Kỳ tường trình về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Tin Hoa Kỳ (RFA 03/05/2007) - Gần như cùng lúc với việc Uỷ Ban Hoa Kỳ về tự do tôn giáo công bố phúc trình thường niên tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia, thì ông Barry F. Lowenkron, phụ tá Bộ Trưởng ngoại giao phụ trách về các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động đã tường trình về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2006 trước Tiểu ban ngoại giao Hạ viện Mỹ phụ trách về các tổ chức quốc tế và nhân quyền.

Viên chức ngoại giao cao cấp này đã phải trả lời những câu hỏi của Tiểu ban, liên quan đến Việt Nam. Trường Văn có thêm chi tiết về việc này, trình bày hiến quý vị. Bản tường trình năm nay của bộ ngoại giao Hoa Kỳ không đề cập đến Việt Nam trong số những nước có vấn đề về nhân quyền và dân chủ. Nhưng những sự kiện liên quan đến linh mục Nguyễn Văn Lý đã được nêu lên trong trong phần chất vấn của Tỉểu ban nhân quyền Hạ viện Hoa Kỳ.

Một số câu hỏi:

Lúc gần 12 giờ trưa thứ tư, giờ Washington, Dân biểu bang New Jersey Chris Smith nêu ra vấn đề này với phụ tá Ngoại trưởng Mỹ: "Chỉ còn hai giờ đồng hồ nữa là nghị quyết 243 yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho nhà tranh đấu cho nhân quyền Linh Mục Nguyễn Văn Lý và một số người nữa đã ký vào bản tuyên ngôn 8406 hiện đã được hàng ngàn người ký tên ủng hộ sẽ được đưa ra biểu quyết tại phiên họp toàn thể của Hạ Viện.

Những người này làm tôi nhớ lại Hiến chương 77 kêu gọi hoà bình và dân chủ cho Tiệp Khắc và thời kỳ đen tối dưới chế độ cộng sản trước đây tại Liên Xô. Hoạt cảnh này tái diễn y hệt tại Việt Nam.

Việt Nam sau khi được vào tổ chức Thương Mại Thế giới và đựợc hưởng qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn đã trở lại đàn áp bắt bớ những nhà đấu tranh cho dân chủ. Linh mục Nguyễn Văn Lý bị kết án 8 năm tù và những người khác như Luật sư Nguyễn Văn Ðài cũng đang chờ xét xử."

Ðáp lời, Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết trong cuộc thảo luận về nhân quyền với đoàn đại diện Hà Nội mới đây, ông đã đưa ra một số câu hỏi để yêu cầu phía Việt Nam trả lời. Ông Lowenkron nói: "Chúng tôi có cả một ngày thảo luận về nhân quyền với Việt Nam tuần trước. Chúng tôi xem xét cả một danh sách và tôi nói rõ ràng là đáng lẻ chúng ta không phải ở trong hoàn cảnh mà chúng ta phải đối phó ngày hôm nay đây. Năm ngoái chúng ta đã có những tiến bộ nhưng khuynh hướng hiện tại không lấy gì là tốt đẹp.

Tôi hỏi phía Việt Nam là có phải họ có ý định đưa ra những chỉ dấu cho chính phủ Mỹ, người dân cũng như Quốc hội Hoa Kỳ về những bước mà chính phủ Việt Nam tiếp tục sau khi gia nhập WTO và tổ chức thành công hội nghị APEC."

Hai sáng kiến:

Bản tường trình cho thấy trong năm 2006 một vài quốc gia có những tiến bộ rõ rệt về nhân quyền trong khi một số nước khác lại có những bước thụt lùi. Những nước cộng sản và độc tài, ngoại trừ Việt Nam, đều có tên trong số những quốc gia bị chỉ trích về nhân quyền, dân chủ.

Trong khi Liên Bang Nga và Venezuela được coi là điển hình về sự thụt lùi trong lãnh vực nhân quyền, dân chủ, thì bản tường trình đưa ra danh sách một số quốc gia vi phạm nhân quyền có hệ thống như Miến Ðiện. Cuba, Bắc Hàn, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Belarus và Zimbabuê. Nhưng tệ hại hơn cả vẫn là Sudan. Việc diệt chủng vẫn tiếp tục thực hiện tại vùng Dafur và chính quyền Sudan còn ra sức ngăn cản hoạt động cứu trợ của Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức phi chính phủ dành cho người tị nạn. Kết thúc bản tường trình là hai sáng kiến được Ngoại trưởng Hoa Kỳ bà Condoleezza đưa ra trong năm 2006. Sáng kiến thứ nhất là việc thành lập "Quỹ Bảo vệ Nhân quyền" do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ quản lý. Quỹ này nhằm mục đích phân phối một cách nhanh chóng những khỏan tiền nhỏ nhằm giúp cho những nhà đấu tranh cho nhân quyền trong nhu cầu sinh sống trước sự đàn áp của chính quyền nước họ. Sáng kiến thứ hai của bà Condoleezza Rice là nêu lên 10 nguyên tắc chỉ đạo của chính phủ đối với các tổ chức phi chính phủ. 10 nguyên tắc chỉ đạo này đã được đưa lên mạng Internet và được dịch ra 6 thứ tiếng Ả rập, Trung Quốc, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Farsi.

 

Trường Văn, phóng viên đài RFA

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page