Nhận Ðịnh của

Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Nhận Ðịnh của Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam (LHTT CGVN).

(LHTT CGVN 1/05/2007) - Tháng Năm là tháng kính Ðức Mẹ, chúng ta hãy hướng về Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, nơi đó Ðức Mẹ đã cứu chữa con cái trong cơn gian nan thử thách. Nay xin Mẹ an ủi và phù trì Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam để dân tộc mau được hưởng nền tự do và công lý đích thực. Ðồng thời nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc Hận 30.4.1975, chúng tôi những linh mục, tu sĩ, giáo dân trong Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam xin thành kính nghiêng mình trước anh linh của các chiến sĩ quốc gia đã bỏ mình vì chính nghĩa tự do, trước vong linh của hàng trăm ngàn thuyền nhân bị vùi lấp trong lòng biển cả, trên đất Lào và Kampuchia... Chúng tôi cũng xin thành kính dâng nén hương lòng tưởng nhớ đến những tù nhân cải tạo đã chết trong lao tù Cộng Sản từ Bắc chí Nam.

Trong tâm tình đó, chúng tôi nghĩ đây là thời điểm (1) để hiệp thông cầu nguyện; (2) để tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn các quốc gia đã tiếp nhận người Việt Nam tị nạn; (3) để nối kết với Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam; (4) để xây dựng tình đoàn kết và yêu thương với các cộng đồng Việt Nam trên khắp thế giới.

1) Hiệp thông cầu nguyện:

Trong các thánh lễ cuối tuần qua, các cộng đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại đã cầu nguyện cho Quê Hương, cho toàn dân được hưởng tự do, nhân quyền, nhất là quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận. Các cộng đoàn cũng đặc biệt cầu nguyện cho tất cả những chiến sĩ đang tranh đấu cho tự do dân chủ, cho công lý và hoà bình, trong đó có linh mục Tađêo Nguyễn Văn Lý và những chiến sĩ khác đang bị truy nã, bị đàn áp, bị giam cầm trong ngục tù Cộng Sản. Chúng tôi nghiêm khắc lên án những phiên tòa của chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã xử một cách bất công đối với các người tranh đấu cho tự do dân chủ. Nguyện xin những hy sinh của các vị trên đây góp phần mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam.

2) Tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn các quốc gia đã tiếp nhận người tị nạn:

Lập cư trên xứ lạ quê người, cộng đồng Việt Nam hải ngoại đang trưởng thành, đang đạt được những thành quả thật tốt đẹp trên mọi lãnh vực văn hóa cũng như kinh tế. Tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại đang chứng tỏ cho thế giới thấy những khả năng trí tuệ trổi vượt. Thành quả đó là nhờ sự hy sinh gian khổ của ông bà cha mẹ, nhờ vào lòng hảo tâm của các nước tiếp cư. Thế hệ trẻ Việt Nam đã tạo được một tương lai vững chắc và sáng ngời.

Các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam khắp nơi cũng đang chứng tỏ nếp sống đạo kiên vững, được xây dựng trên truyền thống đức tin hào hùng. Nhiều Hội Ðồng Giám Mục các quốc gia trên thế giới đã lên tiếng ca ngợi tinh thần sống đạo tốt đẹp của người Công Giáo Việt Nam. Do vậy đã đến lúc chúng ta phải lãnh trách nhiệm truyền giáo trong xã hội mới ngày hôm nay và tiếp tục tích cực góp phần xây dựng Giáo Hội và Quê Hương.

3) Nối kết với Giáo Hội và Quê Hương:

Trước năm 1975, chúng ta phải hãnh diện nói rằng, miền Nam Việt Nam không thua kém nước láng giềng nào, trái lại có phần trổi vượt hơn. Nhưng hôm nay, sau 32 năm dưới ách thống trị độc tài của đảng Cộng Sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam vẫn nghèo đói, tham nhũng trở thành dịch bệnh vô phương cứu chữa, tập đoàn tư bản đỏ lộng hành, giá trị đạo đức suy đồi, thanh thiếu niên hư hỏng, nền giáo dục bị phá sản, tôn giáo bị đàn áp.

Trước tình trạng đó, chúng ta có thể nói rằng nhờ dòng máu Anh Hùng Tử Ðạo, nhờ lòng trung kiên sắt son của hàng giáo phẩm, của đại đa số các linh mục, tu sĩ và giáo dân, nên Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vẫn giữ được bộ mặt kiên cường và phong phú như ngày hôm nay. Giáo Hội đã không bị "quốc doanh hóa" như trường hợp Trung Quốc.

Chúng ta cũng phải khẳng định rằng trong 32 năm qua các vị Giám Mục Việt Nam đã nhiều lần nghiêm khắc lên tiếng đòi hỏi tự do tôn giáo và nhân quyền cho Việt Nam. Mới đây, Ðức Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, nói rằng: "Còn đối với nhà nước thì hằng năm chúng tôi vẫn có cuộc gặp gỡ hoặc có những đề nghị với nhà nước về các vấn đề tự do tôn giáo, văn hóa, đạo đức, luân lý, giáo dục giới trẻ, vấn đề công bằng sự thật. Có khi chúng tôi là đơn vị duy nhất dám nói lên điều đó với nhà nước và chúng tôi vẫn còn tiếp tục nói những điều như vậy." Do đó, nhà cầm quyền Cộng Sản đã phải lắng nghe, phải thay đổi, phải nhìn nhận vai trò của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong lòng đất nước.

Chúng ta cũng ghi nhận những tia hy vọng nhỏ như việc thủ tướng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sang Rôma gặp Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI; việc Việt Nam được gia nhập WTO; và cuộc viếng thăm của Phái Ðoàn Tòa Thánh Vatican đến Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, từ hơn tháng qua, chúng ta đau lòng chứng kiến một số bài phỏng vấn, bài báo và tài liệu, nhân danh quyền tự do ngôn luận ở hải ngoại, đã chĩa mũi dùi vào các vị giám mục, chủ chăn của dân Chúa, thay vì công kích vào thủ phạm chính là nhà cầm quyền quyền Cộng Sản Việt Nam. Lý do có thể là vì họ cho là hàng giáo phẩm đã không lên tiếng theo cách thức họ mong muốn. Chúng tôi chia sẻ với những người đang nhiệt tình ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa cho nhân quyền và tự do dân chủ cho Việt Nam. Chúng tôi cũng nhận định rằng: lịch sử đã chứng minh cho thấy có nhiều cách tranh đấu và cách thế nào cũng góp phần vào việc đem lại tự do dân chủ cho dân chúng. Chúng ta cần bảo vệ lực lượng để có thể theo đuổi cuộc đấu tranh lâu dài. Vì thế chúng tôi khẳng định lập trường ủng hộ Giáo Hội Việt Nam và Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.

Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho các vị giám mục tiếp tục can đảm trong sứ mệnh mục tử và tiên tri của mình theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trước vận nước nổi trôi, Giáo Hội luôn đồng hành trong vui mừng và hy vọng, trong đau buồn và âu lo của đồng bào như đã được khẳng định trong Hiến chế "Vui Mừng và Hy vọng" như sau: "Vui mừng và hy vọng, đau buồn và âu lo của con người thời đại này, đặc biệt của người nghèo và những người đang đau khổ cách này cách khác, là vui mừng và hy vọng, đau buồn và âu lo của những tín hữu Chúa Kitô. Thật vậy, không có gì là nhân bản đích thực lại không gieo âm hưởng trong lòng họ vì cộng đoàn các tín hữu Chúa Kitô được tạo nên bởi những con người trần thế. Hiệp nhất trong Chúa Kitô, họ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi dành cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy nhận thấy mình thực sự liên kết với loài người và lịch sử nhân loại ở mức sâu xa nhất." (Gaudium et Spes -- Vui Mừng và Hy Vọng, số 1).

Chúng ta cũng hãy ghi nhớ lời Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong lễ phong Thánh cho 117 Vị Tử Ðạo Việt Nam rằng: "Hỡi giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng: Máu các vị Tử Ðạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong đức tin. Giữa anh em, Ðức Tin của Tổ Tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Ðức Tin này tồn tại như nền tảng xây dựng lòng trung thành đến cùng với Quê Hương Ðất Nước trong tư cách là các tín hữu của Chúa Kitô. Do đó, trong khi công ích của quốc gia vẫn là điểm người công dân có đạo phải dấn thân, họ phải được tự do tuyên xưng chân lý của Thiên Chúa, được cảm thông với các vị chủ chăn và anh em đồng tín ngưỡng, và như thế họ có thể sống an bình với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân".

Cùng với Tòa Thánh Vatican, hợp nhất với Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, với toàn thể Giáo Hội Công Giáo, với các quốc gia và các tổ chức yêu chuộng hòa bình tự do trên thế giới, chúng ta đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam phải nghiêm chỉnh tôn trọng quyền tự do tôn giáo, thực thi các đòi hỏi chính đáng của Giáo Hội:

- Yêu cầu chính quyền Việt Nam trả lại tất cả các cơ sở tôn giáo của Giáo Hội, đặc biệt là trả lại Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh tại Hà Nội và đất đai thuộc Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang để thiết lập Trung tâm Hành hương và Hội nghị Tôn giáo toàn quốc.

- Giáo Hội phải được tự quyền tuyển chọn chủng sinh, phong chức linh mục và chọn giám mục; phải được tham gia vào việc giáo dục như mở các trường để góp phần vào việc giáo dục thanh thiếu niên thành người hữu ích cho đất nước và Giáo Hội.

- Giáo Hội phải được tham gia vào các công tác từ thiện, bác ái, như mở bệnh viện, cô nhi viện, nhà phát thuốc, v.v... hầu phục vụ dân nghèo và những người bị xã hội bỏ rơi...

4) Ðoàn kết với các cộng đồng xây dựng Tổ Quốc Việt Nam:

Ðất nước là sản nghiệp chung. Xây dựng và phục vụ Tổ Quốc là bổn phận của mỗi công dân. Không ai, không đảng phải hay tổ chức chính trị nào được phép nhân danh bất cứ lý tưởng, học thuyết nào để độc quyền làm chủ Ðất Nước, được quyền đồng hóa mình với Tổ Quốc như nhà nước Chủ Nghĩa Xã Hội và Ðảng Cộng Sản Việt Nam đang chủ trương.

Người Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại cần ý thức rõ rệt nhiệm vụ:

1/ Phải bảo tồn truyền thống hào hùng của Tổ Tiên, phải phát huy và truyền thừa di sản ngôn ngữ, những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc Việt Nam cho các thế hệ tương lai.

2/ Cùng với đồng bào cả nước tranh đấu cho nền tự do dân chủ. Phải tích cực hỗ trợ tất cả những ai đang tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, nhất là quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do phát biểu, quyền tự do báo chí, quyền tự do được chọn thể chế chính trị dân chủ.

3/ Là người Công Giáo, chúng ta phải một lòng son sắt với đức tin, trung thành với hàng giáo phẩm, làm chứng cho Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh để làm thăng tiến Giáo Hội và Quê Hương Việt Nam.

Nguyện xin Thiên Chúa và Ðức Mẹ La Vang ban nhiều ơn lành xuống cho quê hương và dân tộc Việt Nam.

 

Manila, Philippines, ngày 1.5.2007

Ban Ðại Diện Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo Việt Nam:

(đồng ký tên)

Ðức Ông Nguyễn văn Tài (Trưởng Ban)

LM Trần Công Nghị (Phó Ban)

Ông Ðặng Minh An

LM Nguyễn Ðức Việt Châu

LM Nguyễn Ngọc Chuẩn

Ông Phạm Hợp

Cô Nguyễn Kim Loan

LM Bùi Thượng Lưu

LM Nguyễn Hữu Quảng

LM Phạm Văn Tuệ

LM Trần Cao Tường

Cô Lương Bích Vi

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page