Phái đoàn Ðại học Công giáo Paris

thăm Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phái đoàn Ðại học Công giáo Paris thăm Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội.

Hà Nội, Việt Nam (15/04/2007) - Chiều thứ Sáu 13/04/2007, phái đoàn các giảng viên Ðại học Công giáo Paris đã có buổi nói chuyện với Chủng sinh Ðại Chủng Viện Hà Nội trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Việt Nam.


Phái đoàn các giảng viên Ðại học Công giáo Paris nói chuyện với Chủng sinh Ðại Chủng Viện Hà Nội.


Thành viên phái đoàn gồm có:

- Cha Philippe Bordeyne, linh mục Giáo phận Nanterre, tiến sĩ thần học, hiện đang là giáo sư thần học luân lí và trưởng khoa Thần học cùng các khoa học về tôn giáo Ðại học Công giáo Paris;

- Cha Michel Berder, linh mục Giáo phận Quimper-Léon, tiến sĩ thần học, hiện đang giữ chức vụ Giám đốc chương trình 2 S.T.B.S và giảng viên Ðại học Công giáo Paris.

- Soeur Sophie Ramond, nữ tu dòng Ðức Mẹ Lên Trời, thạc sĩ triết học, giảng viên và Phó giám đốc Tiểu ban Thần học Kinh Thánh Ðại học Công giáo Paris.

- Ông Denis Villeppelet, thạc sĩ triết học, hiện đang là giảng viên, Giám đốc viện Mục vụ Giáo lí cao cấp Ðại học Công giáo Paris.

Ðược biết, đoàn đến Hà Nội từ ngày 12/04/2007 sau khi đã tới thăm một số Giáo phận.

Theo lời mời của Ban giám đốc Ðại Chủng Viện, đồng thời cũng là một điểm đến quan trọng trong mục đích chuyến đi, phái đoàn đã có buổi nói chuyện với các Chủng sinh vào lúc 18 giờ 15, chiều thứ Sáu 13/04/2007, tại Hội trường Ðại Chủng Viện. Tới tham dự buổi nói chuyện hôm nay còn có Ðức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt và các cha trong Ban Giám đốc, Ban Giáo sư nhà trường.

Mở đầu bài nói chuyện, cha Philippe Bordeyne, trưởng đoàn, thân tình trao tặng quà lưu niệm của Khoa Thần học Ðại học Công giáo Paris tới cha Giám đốc và Chủng viện. Sau đó cha giới thiệu qua về Phân khoa Thần học của Trường. Nói chung Ðại học Công giáo Paris đã có những đổi mới rõ rệt sau Công đồng Vaticanô II. Gợi hứng từ những thông điệp của các văn kiện Công đồng này, cách đặc biệt trong Hiến chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay, cha kêu mời mọi người đọc lại những chương đầu của Hiến chế vì cha cho rằng văn hóa có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm thức con người. Hơn nữa, khoa học cũng đã và còn phát triển nhanh đến chóng mặt, cũng là những lí do cho mỗi người nhìn nhận tầm quan trọng của thông điệp này của Hiến chế. Ðiều đó cho hay rằng vấn đề đối thoại tôn giáo cần thiết cho hết mọi người ở mọi nền văn hóa.

Cuối cùng cha cũng tin tưởng và mong muốn mối liên hệ giữa Ðại học Công giáo Paris và Ðại Chủng Viện Hà Nội sẽ tiến triển tốt đẹp sau lần gặp gỡ này, một mối liên hệ thâm sâu đã được các nhà truyền giáo Pháp đặt cơ sở từ nhiều thế kỉ.

Tiếp theo là những câu hỏi giao lưu của Chủng sinh với các vị trong phái đoàn về các vấn đề như: phương pháp học hỏi, chia sẻ một bài Kinh Thánh, Giáo lí; chương trình đào tạo của Ðại học Công giáo Paris; tình hình đời sống đạo của giới trẻ Pháp và những dự phóng tương lai...

Tưởng cũng nên biết thêm thông tin về Ðại học Công giáo Paris. Trường được thành lập ngày 11/08/1875. Năm 1880, đổi tên thành Học viện Công giáo Paris. Khi mới thành lập, trường gồm ba khoa: Khoa Luật, khoa Văn, và khoa Tự nhiên. Năm 1889 có thêm khoa Thần học. Năm 1895, Tòa Thánh thành lập thêm khoa Giáo luật và khoa Triết. Năm 1980 có thêm khoa Tự nhiên. Hiện Ðại học Công giáo Paris có 6 khoa, 16 học viện, 16 trường cao cấp, 30 phòng nghiên cứu, 750 giảng viên và nhà nghiên cứu, 23,000 sinh viên. Nhiều đấng bậc trong Giáo Hội Việt Nam cũng đã đến tu học tại đây và được Nhà trường đánh giá cao về khả năng và tinh thần hiếu học. Phần lớn các cha giáo của Ðại Chủng Viện Hà Nội đã qua thời gian tu luyện ở đây.

Sáng thứ Bảy ngày 14/04/2007, phái đoàn các giảng viên Ðại học Công giáo Paris đã hiệp dâng Thánh Lễ cùng với gia đình Ðại Chủng Viện Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của các ngài.

Sau buổi nói chuyện bổ ích và thân tình tại Ðại Chủng Viện với các Chủng sinh vào chiều qua thứ Sáu ngày 13/04/2007, Sáng nay, thứ Bảy ngày 14/04/2007, Phái đoàn các vị khách quý của chúng ta ở lại dâng Thánh lễ thứ Bảy tuần Bát nhật Phục sinh với Gia đình Ðại Chủng Viện.


Phái đoàn các giảng viên Ðại học Công giáo Paris hiệp dâng Thánh Lễ cùng với gia đình Ðại Chủng Viện Hà Nội.


Chủ tế Thánh lễ là Cha Philippe Bordeyne làm trưởng đoàn. Cùng đồng tế với ngài có Cha Michel Berder và các Cha giáo trong trường.

Phải nói bài giảng của cha chủ tế hôm nay rất ấn tượng! Tuy ngài chỉ chia sẻ rất ngắn gọn nhưng nội dung súc tích, gợi mở nhiều ý tưởng. Ngài nhấn mạnh đến vai trò của tất cả mọi người trong việc rao giảng Tin Mừng Ðức Kitô Phục Sinh. Công cuộc truyền giáo không phải dành riêng cho một giới hay một tầng lớp người nào, nhưng trách nhiệm này đã được trao cho tất cả mọi Kitô hữu trong ngày họ lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Ðặc biệt, nhà truyền giáo phải có thái độ tôn trọng, lắng nghe chứng từ của những người bé mọn trong xã hội. Cha đã nói như sau: "Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay về thần học truyền giáo (Mc 16, 9-15). Chúa Giêsu đã chọn để hiện ra với những người có học thức và địa vị bình thường trong xã hội như bà Maria Mađalêna hay hai môn đệ trên đường Emmau. Họ là những chứng nhân đã can đảm nói lên sự thật và niềm vui vì đã được gặp Chúa. Tuy nhiên, chính các Tông Ðồ, những người đã từng gắn bó với Chúa, thì lại không tin những lời họ kể. Có lẽ họ cho rằng những người nhỏ bé này thì làm gì được Chúa hiện ra. Chúa Giêsu đã khiển trách các Tông Ðồ vì sự cứng tin của các ông. Ngày nay, người ta cũng ít để ý, đôi khi coi thường lời nói, chứng tá của những người bé nhỏ, nghèo hèn trong xã hội. Bài Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta một bài học về tinh thần khiêm nhường khi đón nhận đức tin. Chính những người đơn sơ nhỏ bé cũng có thể nói về Chúa và sống đức tin một cách sống động".

Vị linh mục trưởng Khoa Thần học Ðại học Công giáo Paris cũng nêu lên mối liên hệ giữa giá trị của Tin Mừng với những hy sinh cho việc truyền giáo. Chính Ðức Kitô Phục Sinh đã là nguồn sức mạnh thúc giục chúng ta sống cho Ngài và đem niềm vui này chia sẻ cho những anh chị em khác. Việc sống chứng nhân này có thể làm cho chúng ta gặp phải nhiều khó khăn thử thách, thậm chí phải đánh đổi cả mạng sống mình. Ðó là đời sống mà các vị Tử đạo Việt Nam đã trải qua và để lại gương sáng cho các thế hệ. Cha chia sẻ như sau: "Bài đọc sách Công vụ tông đồ hôm nay (Cv 16,10) thật ý nghĩa đối với hoàn cảnh của chúng ta. Thánh Gioan và Phê rô đã nêu gương mẫu cho chúng ta về con đường sống chứng tá tông đồ. Các ngài đã gặp biết bao khó khăn, chống đối nhưng vẫn can đảm, một lòng quyết tâm đem ánh sáng Tin Mừng đến cho muôn dân. Gần gũi hơn nữa, chính các thánh Tử đạo Việt Nam là những chứng nhân anh dũng đã can đảm tuyên xưng Ðức tin của mình cách hùng hồn nhất. Cái chết của các Ngài để lại cho chúng ta bài học sống động về tinh thần truyền giáo ngày hôm nay".

Sau Thánh lễ, các Cha đã có lời bày tỏ sự hài lòng và ngạc nhiên khi được dâng lễ tiếng Pháp giữa lòng đất Việt. Các ngài cũng khuyến khích anh em Chủng sinh cố gắng trau dồi khả năng tiếng Pháp để hy vọng được đón nhận anh em tiếp tục đào sâu kiến thức tại Ðại học Công giáo ở Pháp quốc.

Ðược biết, chiều Chúa nhật 15/04/2007, phái đoàn đã kết thúc chuyến thăm Việt Nam quay trở về Pháp quốc. Xin cám ơn chuyến viếng thăm của các ngài và nguyện chúc các ngài một hành trình bình an.

 

Ban Thông Tin Ðại Chủng Viện Hà Nội

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page