Tại sao khoa học gia nầy tin vào Thiên Chúa

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Collins: Tại sao khoa học gia nầy tin vào Thiên Chúa (Bài của Tiến sĩ Francis Collins, Viết đặc biệt cho CNN)

Lời giới thiệu: Tiến sĩ Francis S. Collins là Giám đốc viện Nghiên cứu Di truyền Quốc gia. Cuốn sách mới nhất của ông mang tựa đề: "Ngôn ngữ của Thiên Chúa: Một Khoa học gia Trình Bày Bằng chứng của Niềm tin" (The Language of God: A Scientist Presents Evidence for Belief).

Rochville, Maryland (CNN 6/04/2007) - Là một khoa học gia và cũng là một tín hữu, tôi không thấy có xung khắc giữa hai quan điểm phổ cập nầy. Là giám đốc Ðề án Nghiên cứu Di truyền của Con người, tôi đứng đầu một tổ hợp các khoa học gia chuyên phân tích 3.1 tỉ lá thư viết về di truyên của con người, được coi như cuốn cẩm nang DNA riêng của chúng tôi. Là một tín hữu, tôi xem DNA - phân tích tế tào sống - là tiếng nói của Thiên Chúa, và thân thể mỹ miều nhưng phức tạp của chúng ta cũng như của mọi sinh vật khác, là phản ảnh kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa.

Trước đây không phải tôi luôn luôn chấp nhận các quan điểm nầy. Là một sinh viên vừa tốt nghiệp môn sinh hóa vào thập niên 1970, tôi là một người vô thần, tôi đã không tìm ra lý do để mặc nhiên công nhận bất cứ chân lý nào ngoài phạm vi toán học, vật lý học và hóa học. Nhưng sau đó tôi theo học trường thuốc, phải đối diện với các vấn đề sống và chết bên giường các bệnh nhân của tôi. Câu hỏi của một bệnh nhân: "Thưa bác sĩ, ông tin gì?" làm cho tôi bắt đầu tìm kiếm câu trả lời.

Tôi phải thú nhận rằng khoa học mà tôi hằng ấp yêu, không có khả năng giải đáp các thắc mắc như "Cuộc đời có ý nghĩa gì?", "Tại sao tôi hiện hữu nơi đây?", "Vì lý do nào mà toán học lại đúng?", "Nếu vũ trụ có khởi nguyên, vậy ai đã tạo dựng nó?", "Tại sao những yếu tố vật lý bất biến trong vũ trụ lại được phối trí tốt đẹp dường ấy để có thể sản sinh các hình thái sinh vật phức tạp?", "Tại sao con người lại có cảm quan luân lý?", "Việc gì sẽ đến sau khi chúng ta chết?".

Trước đây tôi thường cho rằng lòng tin được đặt nền tảng trên các lý luận đầy cảm tính và phi lý, và đã phải sững sờ mà khám phá ra - đầu tiên là do các bài viết của học giả C.S. Lewis của Ðại học Oxford, và tiếp theo là từ nhiều nguồn tài liệu khác - rằng con người có thể tạo được một lập luận rất vững chắc và khả tín về sự hiện hữu của Thiên Chúa trên căn bản lý luận thuần túy. Sự khẳng định vô thần trước kia của tôi rằng "Tôi biết chắc không có Thiên Chúa" giờ đây khó mà biện minh được. Tác giả người Anh G.K. Chesterton đã nổi tiếng với nhận xét: "Thuyết vô thần là một ‘tín lý’ táo bạo nhất bởi vì đó là một điều quả quyết hoàn toàn tiêu cực".

Tuy nhiên, chỉ lý trí mà thôi không đủ chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ðức tin là lý trí phối hợp với mặc khải, và mặc khải đòi hỏi phải suy nghĩ bằng cả tâm linh và trí óc. Khi bạn nghe nhạc, bạn không phải chỉ đọc nốt nhạc trên trang giấy. Chủ yếu là phải có bước đột tiến lòng tin.

Ðối với tôi, bước đột tiến lòng tin nầy xảy ra lúc tôi 27 tuổi, do sự tìm hiểu sâu xa hơn về bản thể của Thiên Chúa dẫn dắt tôi đến với nhân tính của Ðức Giêsu Kitô. Ðây là một con người với những bằng chứng lịch sử hùng hồn về cuộc đời của Ngài, một con người đã ban những giáo huấn về thương yêu tha nhân, một con người mà việc tự nhận là Con Thiên Chúa dường như đòi hỏi một quyết định [của tôi] xem Ngài có thật hay là lừa dối. Sau gần hai năm đắn đo suy nghĩ, tôi phát hiện rằng mình không thể sống mãi trong tình trạng bất ổn tâm trí nầy, thế là tôi trở thành một tín hữu của Chúa Giêsu.

Một vài người hỏi tôi: bộ trí óc của ông đã nổ tung rồi sao? Có thể nào ông vừa dùng phương pháp [khoa học là] di truyền và tế bào sinh vật để cắt nghĩa cuộc sống, vừa tôn thờ một Ðấng Tạo Hóa?

Có phải thuyết tiến hóa và lòng tin vào Thiên Chúa mâu thuẩn nhau hay không? Có lẽ nào một khoa học gia lại tin vào các phép lạ như sự phục sinh?

Thực ra, tôi không thấy có xung khắc nào, và rõ ràng 40 phần trăm các khoa học gia - tín hữu làm việc với tôi cũng nhận thấy như thế. Vâng, thuyết tiến hóa cho rằng hậu duệ phát xuất từ cùng một nguyên tổ quả là đúng. Nếu còn có nghi vấn dây dưa nào về bằng chứng từ các di tích hóa thạnh thì sự nghiên cứu DNA ngày nay là một chứng minh hùng hồn nhất về tương quan giữa chúng ta với các sinh vật khác.

Tuy nhiên, tại sao sự tiến hóa nầy lại không thể nằm trong kế hoạch của Tạo Hóa? Ðúng, sự tiến hóa quả có xung khắc với cách giải thích quá ư một chiều về sách Sáng Thế ký, nhưng ngay từ lâu trước Darwin đã có nhiều nhà giải thích chín chắn như Thánh Augustin, cho rằng không thể nào chắc chắn nên hiểu công trình tạo dựng kỳ diệu đó như thế nào. Vì vậy, nếu cứ khăng khăng theo lối giải thích một chiều đó mà không chấp nhận bằng chứng hiển nhiên của khoa học xác định được tuổi của Ðịa cầu và mối tương quan giữa các sinh vật theo sự tiến hóa, thì xem ra không khôn ngoan mà cũng chẳng cần thiết cho người có lòng tin.

Tôi nhận ra sự hài hòa bổ sung tuyệt vời giữa chân lý khoa học và lòng tin. Thiên Chúa của Kinh Thánh cũng là Thiên Chúa của Di truyền. Có thể tìm thấy Thiên Chúa trong thánh đường cũng như trong phòng thí nghiệm. Tìm hiểu công trình tạo dựng hùng vĩ và kỳ diệu của Thiên Chúa, khoa học thực ra chỉ là một cách thế để tôn thờ Ngài.

 

Dr. Francis Collins

(F.X. Hoàng Ðình Cảnh chuyển dịch Việt ngữ)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page