Ngày Quốc Tế Giới Trẻ
tại Ðan Viện Thiên An, Huế
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Hàng Trăm Sinh Viên tại Huế đã sốt sắng lãnh Nhận Bí Tích Cáo Giải nhân ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Ðan Viện Thiên An, Huế.
Huế, Việt Nam (1/04/2007) - Chúa nhật Lễ Lá, ngày mùng 1 tháng 4 năm 2007, cũng là ngày Quốc Tế Giới Trẻ, dưới trời nắng nóng và mặc dù phải đạp xe lên nhiều đọan đường dốc cao, đã có hơn 550 Sinh viên Công giáo từ các trường Ðại học và Cao đẳng Huế đến tham dự ngày tĩnh tâm Mùa Chay tại Ðan Viện Thiên An Huế, cách Hà nội 665 kilômét về phía nam. Chào mừng Ðức Ðan Viện Phụ và Cộng Ðòan Ðan Viện, bạn Ðạt, thay mặt cho tất cả sinh viên hiện diện nói: "Lời Chúa Giêsu nói với người trộm lành xưa kia từ trên Thập Giá: - "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng" - cũng đang thôi thúc chúng con hạnh phúc tìm lên với bầu khí tĩnh lặng của Ðan Viện để được gặp Chúa và lãnh nhận Ơn Tha Thứ của Ngài."
Nội dung chính là bài chia sẻ sâu sắc của Cha Giáo Anphong Nguyễn Hữu Long về đề tài "Sinh viên Công Giáo và Bí Tích Hòa Giải" đã thực sự giúp cho sinh viên tại Huế đối mặt với một thách đố mang tính thời đại của đời sống đạo. Thực vậy, xu hướng tục hóa hôm nay như đang đẩy con người đến khủng hoảng luân lý và khiến họ đánh mất cảm thức về tội lỗi như lời ÐTC Piô XII đã tố cáo: "Tội của thế kỷ là đánh mất cảm thức về tội".
Bài nói chuyện mang đậm tính thần học được Cha Giáo khai triễn dựa trên hai Văn Kiện Huấn Quyền là Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xuất bản năm 1997 và Tông Huấn Sám Hối và Hòa Giải được Ðức Gioan-Phaolô II ban hành năm 1998. Bằng những câu chuyện minh họa, ngài đã giúp cho cử tọa sinh viên hiểu đúng một số khái niệm liên quan đến Bí Tích Cáo Giải và nhận ra rằng "càng năng xưng tội, lương tâm càng nhạy bén và dễ chừa bỏ tội lỗi hơn". Ngài cũng nhắc "việc xưng thú tội lỗi của mình với Linh Mục vừa là một hành vi đức tin, mà cũng là một hành vi khiêm nhượng, qua đó biểu thị lòng thống hối chân thành" (xem GLHTCG các số 1441-1442).
Tuy nhiên, cũng cần phải tránh hai thái độ cực đoan hoặc lương tâm bén nhạy thái quá tới mức cho rằng tội nào cũng nặng hoặc lương tâm quá rộng rãi nên cho rằng không có chi là tội lỗi. Dó đó, mỗi sinh viên hãy biết lắng nghe, học hỏi để có được một lương tâm đúng đắn, trung thực, khách quan, không thái quá mà cũng không bất cập."
Tiếp đến, trước Mình Thánh Chúa, các bạn sinh viên đã được cha Giáo hướng dẫn xét mình cách nghiêm túc. Và rồi, trong tiếng nhạc suy niệm của Ðường Thập Tự Hôm Nay, từng hàng dài sinh viên đã sốt sắng tìm đến với Tòa Cáo Giải. Năm nay đã có 14 cha dòng triều đến ngồi tòa suốt hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ.
Bạn Trịnh thị Hồng Hà, Sinh viên năm 1 khoa Anh cho biết, hồi bạn còn sống với gia đình tại Hà Nội, bạn thường được bố mẹ nhắc nhở đi Xưng tội hằng tháng vào các ngày thứ Bảy. Tuy nhiên, Bạn Hồng Hà chân thành tâm sự: "Nhiều lần em đã chỉ làm cho qua chuyện. Hôm nay, nhờ những giây phút hồi tâm tại Ðan Viện, em ý thức hơn khi tự quyết đến với Bí Tích Hòa Giải."
Bạn Maria Nguyễn Thị Thọ, Sinh viên năm 4 khoa Pháp cho biết, mỗi năm bạn đến với Tòa Giải Tội hai lần là Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh vì thông thường bạn xin Chúa thứ tha, bạn Thọ nói rằng: "Em gom các tội lại để xin Chúa tha cho một lần!"
Bạn Trần Minh Quân, Sinh viên năm 2 Toán Tin cho biết, bạn cảm thấy xót xa khi xem cuốn phim Cuộc Khổ Nạn Của Chúa, bạn Quân nói rằng: ''Mọi tội chúng ta phạm đều làm tổn thương đến Chúa Kitô."
Tuy nhiên, các bạn Sinh viên vẫn còn nhiều vấn nạn muốn hỏi các vị Linh hướng của mình như làm sao phân biệt được tội nặng và tội nhẹ, tội là gì, vạ là thế nào hoặc ông tông đồ Giuđa bây giờ đang ở Thiên đàng hoặc xuống Hỏa ngục... Các bạn sinh viên đã có hơn một giờ gặp gỡ chung sau cơm trưa để cởi mở lòng mình khỏi những thắc mắc và trăn trở.
Trong Thánh Lễ đồng tế vào cuối ngày tĩnh tâm, Ðức Ðan Viện Phụ Stêphanô Huỳnh Quang Sanh đã chuyển đạt đến sinh viên tại Huế nội dung Sứ Ðiệp của Ðức Thánh Cha Bênêđitô 16 nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 22 được cử hành tại các Giáo Phận: "Các bạn trẻ sinh viên yêu quí, Ðức Thánh Cha hôm nay mời gọi người trẻ chúng ta hãy biết yêu và hãy dám yêu như các thánh... Bởi vì, tình yêu là sức mạnh duy nhất có khả năng thay đổi tâm hồn con người và toàn thể nhân lọai... Các bạn hãy nỗ lực phát triễn khả năng của bản thân, không những để cạnh tranh tốt hơn và làm ra nhiều sản phẩm tốt hơn, nhưng còn để trở nên những chứng nhân của Bác Ái... Trên những bước đường tạo dựng sự nghiệp, các bạn hãy cố gắng thủ đắc những kiến thức tôn giáo hữu ích và hãy đào sâu đạo lý xã hội của Hội Thánh,... để có thể góp phần xây dựng nền văn minh tình thương"...
Cũng thật tình cờ, 12 Tu Sĩ Phật Giáo từ thành phố Saigòn, trong số đó có 8 vị thuộc phái đoàn Phật Giáo Quốc tế Ðạo Tràng Mai Thôn, đến thăm Ðan Viện và mong muốn được sống bầu khí cầu nguyện với các bạn sinh viên tại Huế.
Chia sẻ cảm nghiệm, Thầy Pháp Ðệ, một sư người Mỹ cho biết, Thầy rất vinh dự và hạnh phúc được tham dự ngày tĩnh tâm này với các bạn Sinh viên Công giáo Huế. Thầy nói: "Mong rằng cuộc tĩnh tâm này giúp các bạn thực sự trở về với Chúa và gặp được chính mình''.
Thầy Giác Thiện, 30 tuổi hiện là chủ trì chùa Giác Quang ở thành phố Saigòn nói:''Tôi rất mừng khi thấy các bạn trẻ của xã hội ngày nay tìm về với đời sống tâm linh. Bởi vì, nếu đánh mất tâm linh, con người sẽ rất đau khổ''.
Trước giờ chia tay, bằng giọng nói hết sức xúc động và chân thành, Cha đặc trách Sinh viên đã xin tri ân Cộng Ðoàn Ðan Viện và nhất là quý Cha Giải tội đã thương giúp cho các bạn sinh viên Huế có được một ngày sống thánh thiện và bỗ ích.
Niềm vui càng dâng trào khi Ban Tổ Chức Thể Thao công bố lịch tranh Giải Bóng Ðá Sinh Viên Công Giáo tại Huế và đã được Ðức Viện Phụ ủng hộ ngay một bì thư sáu trăm ngàn mở hàng! Thầy Ðặc Trách Sinh Viên của Ðan Viện cũng vui vẻ thông báo là hiện đã có hai nồi sắn mì nấu chín để sẵn trước cỗng Ðan Viện và thân mời mọi người trước lúc xuống núi.
Và trong tiếng nhạc reo vui, các bạn sinh viên cùng hát vang, cùng vỗ tay, cùng nắm tay đưa nhau về và hẹn gặp lại nhau vào ngày 22 tháng 04 năm 2007 tại Dòng Chúa Cứu Thế, như đã quyết định từ đầu niên khóa.
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo