Phỏng Vấn Ðức Ông Pietro Parolin

về Cuộc viếng thăm của Phái Ðoàn Tòa Thánh

tại Việt Nam từ ngày 5 đến 11/03/2007

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Phỏng Vấn Ðức Ông Pietro Parolin về Cuộc viếng thăm của Phái Ðoàn Tòa Thánh tại Việt Nam từ ngày 5 đến 11 tháng 3 năm 2007.

"Giáo Hội Việt Nam là một Giáo Hội dũng cảm, năng động và đầy sức sống" (Msgr. Parolin)

Rôma, (Zenit - Thứ Hai, 26-03-2007) - Tương quan giữa Việt Nam và Toà Thánh đã tiến những bước lớn, dù hai bên chưa đưa ra một thời hạn cho ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Ðấy là điều mà Ðức Ông Pietro Parolin, phó bí thư đặc trách Quan Hệ với các Quốc gia, đã khẳng định trong buổi phỏng vấn của Radio Vatican ngày 17 tháng 3 năm 2007. Sau đây chúng tôi trích một vài đoạn. Ðức Ông Parolin đã hướng dẫn phái đoàn Toà Thánh đến Việt Nam từ 5 đến 11 tháng 3 năm 2007.

Radio Vatican: Xin đức ông nói về chuyến đi này.

Ðức Ông Parolin: Từ năm 1989 - năm Ðức Hồng Y Roger Etchegary viếng thăm - cho đến nay, Tòa Thánh đã cử 14 phái đoàn đến Việt Nam; thường thường vị trưởng đoàn là phó bí thư đặc trách Quan Hệ với các Quốc gia, Ðức Ông Claudio Maria Celli và Ðức Ông Celestino Migliore. Phần tôi, đây là lần thứ hai tôi đến Việt Nam, sau lần năm 2004. Năm 2005, thì một phái đoàn Việt Nam lại đến Rôma. Năm 2006, tôi không thể sang Việt Nam vì những lý do nho nhỏ, và năm nay tôi đã sang. Cùng đi với tôi có Ðức Ông Luis Mariano Montemayor, cố vấn văn phòng Sứ Thần tại tòa Quốc Vụ Khanh, và Ðức Ông Banabê Nguyễn Văn Phương, người Việt, trưởng phòng trong Thánh Bộ Truyền Giảng Phúc Âm cho các Dân Tộc.

Như mọi người đã biết, cuộc viếng thăm này có hai mục tiêu chính: liên hệ với Chính Quyền Việt Nam và gặp gỡ Giáo Hội địa phương. Thực vậy, suốt tuần ấy, phái đoàn Toà Thánh đã làm những gì mà các sứ thần toà thánh thường làm ở các nước khác, bởi lẽ Việt Nam chưa có sứ thần. Do đó, phái đoàn gặp gỡ đối thoại với chính quyền về những vấn đề liên quan đến Giáo Hội và những tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước, và đi viếng thăm nhiều giáo phận, điều này cho chúng tôi có cơ hội củng cố và nâng cao mối dây hiệp nhất vốn có giữa Toà Thánh và Giáo Hội địa phương.

Năm nay, chúng tôi đã đến Quy Nhơn và Kontum, trong tổng giáo phận Huế, nằm giữa nước Việt Nam. Hai giáo phận này chưa từng có dịp được một phái đoàn Tòa Thánh viếng thăm. Cuộc viếng thăm lần này hẳn là một cơ hội để tiến hành cuộc tiếp xúc và đối thoại, mà trong vòng 20 năm, đã giúp bước đi những bước dài theo hướng này; phần chúng tôi, chúng tôi hy vọng rằng cuộc viếng thăm này có thể đưa đến những hình thức hiện diện ổn định và thường xuyên hơn của một đại diện Toà Thánh ở trong nước, dĩ nhiên, cho đến ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, lúc ấy sẽ có một khâm sứ hay một sứ thần tòa thánh.

Radio Vatican: Theo Ðức Ông, cuộc gặp gỡ gần đây giữa Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðức Giáo Hoàng có ảnh hưởng gì không đối với chuyến viếng thăm này?

Ðức Ông Parolin: Tôi phải nói rằng, trong chuyến viếng thăm lần thứ hai này, tôi cũng nhận được sự đón tiếp niềm nở như lần đầu tiên, năm 2004. Với những nhân vật mà tôi gặp gỡ, chúng tôi đã có thể thắt chặt mối dây tôn trọng, thân thiện và tin tưởng, những giá trị rất quí báu của xã hội Việt Nam, khiến cho suốt cuộc đối thoại trở nên thoải mái, nhất là khi phải đề cập đến những vấn đề gai góc.

Mặt khác, tôi nghĩ rằng họ muốn đặc biệt làm nổi bật cuộc viếng thăm này trong bối cảnh mà, vào tháng Giêng vừa qua, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Vatican gặp gỡ Ðức Thánh Cha và những nhân vật cao cấp trong tòa Quốc Vụ Khanh. Nhiều chi tiết nhỏ cho thấy điều đó: cách mà họ tiếp đãi chúng tôi, tiếng nói của các phương tiện truyền thông liên quan đến cuộc thăm viếng ấy. Ngoài ra, chúng tôi cũng biết ơn chính quyền Việt Nam và quả là công bình khi chúng tôi biểu lộ công khai lòng biết ơn đó. Chúng tôi đã nói về cuộc viếng thăm của Thủ Tướng trong nhiều bối cảnh, ngay cả trong bối cảnh nhà thờ - tôi nhớ, chẳng hạn, khi vị đại diện giáo dân lên chào mừng chúng tôi cuối thánh lễ tại thánh đường Hà Hội, ông đã nói lên điều đó một cách minh nhiên. Người ta nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc viếng thăm ấy và đến niềm hy vọng rằng đó thực sự là một chặng đường mới cho tương lai, mà ý chí vươn lên giúp vượt qua những khó khăn còn tồn tại.

Radio Vatican: Ðức ông có đề cập đến khả năng thiết lập nhanh quan hệ ngoại giao không?

Ðức Ông Parolin: Chúng tôi có nói đến quan hệ ngoại giao, nhưng hiện tại, chúng tôi không xác định một thời hạn. Một số người hẳn chờ mong một sự tiến triển rõ nét, bởi vì trong lần viếng thăm của Thủ Tướng, vấn đề này đã được Hồng Y Quốc Vụ Khanh nêu ra minh nhiên, và trước đó, nhiều nhân vật chính trị đã tỏ ra thuận lợi, cũng như Giáo Hội địa phương đã nói lên sự ủng hộ rõ ràng.

Dù sao, tôi nghĩ rằng một bước quan trọng đã được thực hiện, bởi lẽ theo như phía Việt Nam cho chúng tôi biết, thì Thủ Tướng, như ông từng hứa tại Rôma, đã ủy cho các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu vấn đề này. Chúng tôi cũng đã đề nghị thành lập, ngay từ tháng sau, một nhóm chuyên viên nghiên cứu thời gian và cách thức cụ thể cần thiết để đi vào tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao.

Về điểm này, tôi cần nhắc lại rằng thiết lập quan hệ ngoại giao không có nghĩa là mọi vấn đề còn tồn đọng đã được giải quyết hết. Quan hệ ngoại giao không chỉ là một điểm đến, nhưng còn là và nhất là một điểm khởi hành. Ðấy là một dấu chỉ rõ ràng! Dấu chỉ rằng ta có thể đối diện với nhau trong tinh thần xây dựng để thiết lập những tương quan mới, và ta cũng sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn. Qua quan hệ ấy, và nhờ việc trao đổi giữa các đại diện, hai bên sẽ có những kênh đặc biệt để có được thông tin về nhau, những thông tin đúng đắn và tích cực. Ðiều này rất là quan trọng để có thể giữ gìn một quan hệ tốt đẹp đối với nhau.

Radio Vatican: Ðối với vấn đề tự do tôn giáo, Ðức ông cảm thấy thế nào về những tiến bộ đã được thực hiện?

Ðức Ông Parolin: Tôi nghĩ rằng thông tri của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh, phát hành sau khi Thủ Tướng viếng thăm Vatican, đã phản ánh đúng đắn tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam. Trong thông tri đó, người ta nói đến 'những không gian đã mở ra' và tôi có thể bảo đảm rằng, dựa trên chứng từ các giám mục, một số vấn đề đã được giải quyết và một số khác đang được giải quyết. Chẳng hạn, tôi nghĩ đến vấn đề tái thiết các nhà thờ bị phá hủy trong chiến tranh và xây dựng những nơi thờ phượng mới cho di dân. Ðối với các vấn đề còn tồn đọng, chúng tôi hy vọng rằng, qua đối thoại và thiện chí, chúng tôi sẽ tìm được một giải đáp ổn thoả.

Như ta biết, chính sách tôn giáo của chính quyền Việt Nam được xác định bởi Pháp Lệnh tín ngưỡng tôn giáo ban hành ngày 18-06-2004, dựa trên hai nguyên tắc theo đó những người có tín ngưỡng - và như thế cũng bao gồm người công giáo - là một thành phần của Dân Tộc, và Nhà Nước cam kết đáp ứng những yêu cầu chính đáng của họ. Trong lần gặp gỡ với Ủy Ban Tôn Giáo, chúng tôi được thông báo về tình trạng áp dụng luật này, và đó cũng là nội dung của một tập sách nhỏ: Tôn giáo và chính sách tôn giáo tại Việt Nam (Religion and policies regarding religion in Vietnam) Bởi lẽ một số thẩm quyền trong lãnh vực tôn giáo được ủy thác cho chính quyền địa phương, nên điều quan trọng là phải đảm bảo áp dụng luật một cách đồng đều, hầu tránh tình trạng những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, lại bị gò bó so với những vùng thành thị phát triển hơn. Tôi nghĩ rằng cần phải lưu ý đến những nhận xét mà các cộng đồng tôn giáo nêu lên liên quan đến việc áp dụng luật này. Những nhận xét đó xuất phát từ kinh nghiệm của họ và giúp cải thiện tại những nơi cần thiết, hầu cho tự do tôn giáo, vốn là một quyền căn bản của mỗi người và mỗi cộng đồng, có thể được tôn trọng và thể hiện trong việc làm cụ thể.

Radio Vatican: Ðức ông có cảm tưởng gì về sức sống của Giáo Hội Việt Nam?

Ðức Ông Parolin: Tôi đã nói nhiều dịp, trong những lần gặp gỡ các tín hữu, rằng điều chúng tôi nhận thì nhiều hơn gấp bội so với điều chúng tôi cho. Thật vậy, không thể nào vô cảm trước những kinh nghiệm và những chứng tích của người công giáo Việt Nam.

Tôi vẫn còn thấy trước mắt và trong lòng mình hình ảnh các cộng đoàn phụng vụ ở Quy Nhơn, Pleichuet, Hànội, v.v...; hình ảnh các tín hữu này, mà nhiều người thuộc dân tộc thiểu số, tràn ngập sân nhà thờ Kontum vào ngày 8 tháng 3; tôi còn thấy trước mắt hình ảnh của cộng đồng Hạ Long thật sốt mến, một cộng đồng từng gánh chịu bao nhiêu là khổ đau.

Cách họ cầu nguyện gây ấn tượng mạnh nơi tôi. Họ thật lắng đọng, chăm chú, thật sốt sắng nhưng đồng thời rất hiện diện trong cộng đoàn mình. Mọi người, lớn nhỏ, già trẻ, nam nữ, đều đồng thanh hát ca và đáp lễ.

Và làm sao không nhắc đến lòng yêu mến của người công giáo Việt Nam đối với Ðức Thánh Cha, một lòng mến mà họ không ngừng biểu lộ suốt cuộc viếng thăm của Phái Ðoàn Tòa Thánh.

Giáo Hội Việt Nam là một Giáo Hội dũng cảm, năng động và đầy sức sống, mà một dấu chỉ là số lượng đông đảo các ứng sinh vào tác vụ linh mục và đời sống tu trì. Ðấy cũng là một Giáo Hội rất dấn thân vào xã hội. Chăm sóc những người thiếu thốn, và ước ao cống hiến nhiều hơn trong giáo dục và trong các vấn đề xã hội, hầu được đóng góp nhiều hơn, chất lượng hơn và hiệu quả hơn cho đất nước và người dân, không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo. Cuối cùng đấy là một Giáo Hội ý thức những vấn đề liên quan đến việc công nghiệp hóa nhanh chóng của đất nước và đến cái sục sôi của việc phát triển kinh tế (với một tỉ lệ phát triển 8.4% dự kiến trong năm 2007, nước Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh thứ nhì trên thế giới); một Giáo Hội đang chuẩn bị để đối đầu với mọi thách thức.

 

Trần Duy Nhiên (chuyển dịch Việt ngữ từ bản tin tiếng Pháp)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page