Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Kỷ Niệm 120 Năm

Cộng đoàn Kon Hngo Kơtu

Giáo xứ Phương Quý (1887-2007)

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Kỷ Niệm Một Trăm Hai Mươi Năm Cộng đoàn Kon Hngo Kơtu - Giáo xứ Phương Quý (1887-2007).


Cộng đoàn Kon Hngo Kơtu - Giáo xứ Phương Quý, Giáo hạt Kontum, Giáo phận Kontum, Việt Nam, mừng Một Trăm Hai Mươi Năm Hành Trình Ðức Tin, Tôn Tạo Thánh Ðường. Trong hình: Ðoàn rước đầu thánh lễ.


Phương Quý, Kontum, Việt Nam (26/03/2007) - Cộng đoàn Kon Hngo Kơtu - Giáo xứ Phương Quý, Giáo hạt Kontum, Giáo phận Kontum, Việt Nam, mừng Một Trăm Hai Mươi Năm Hành Trình Ðức Tin, Tôn Tạo Thánh Ðường.

Ðúng 9 giờ 00: Ðoàn đồng tế gồm có Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum, Cha Giuse Ðỗ Hiệu - hạt trưởng Kontum, Cha Phêrô Nguyễn Vân Ðông, hạt trưởng Pleiku, linh mục Chánh xứ Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn cùng hơn 30 linh mục tiến đến trước tượng đài Ðức Mẹ Truyền Tin - nằm bên phải tiền sảnh nhà thờ - là thánh hiệu bổn mạng của Giáo xứ Phương Quý - Cộng đoàn Kon Hngo Kơtu. Ở nơi tượng đài này, Ðức Cha Micae làm dấu thánh giá đầu lễ và làm phép tượng đài. Tiếp đến, Ðức Cha Micae và đoàn đồng tế tiến ra chính giữa trước cửa nhà thờ, Ðức Cha Micae đã chào mừng Quý Cha, cùng cộng đoàn hiện diện, ngài nói: "Kính thưa Quý Cha Quản hạt, Quý Cha, Quý Bề Trên các Hội dòng và anh chị em tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa hiện diện nơi đây. Hôm nay, chúng ta đến đây để chia sẻ niềm vui với cộng đoàn Kon Hngo Kơtu - Phương Quý, xin chung vui với anh chị em địa sở Kon Hngo Kơtu - Phương Quý nhân ngày bổn mạng Ðức Mẹ Truyền Tin, xin chung vui với anh chị em vì hôm nay cũng là kỷ niệm 120 năm thành lập địa sở này, và cũng xin chung vui vì hôm nay anh chị em có một ngôi nhà thờ mới; với những niềm vui này chúng ta hãy ý thức niềm vui căn bản của chúng ta hơn cả là được làm con cái của Chúa, làm con cái trong Hội Thánh, trong tâm tình đó chúng ta tiếp tục dâng lời tạ ơn trong thánh lễ hôm nay..." Tiếp đến, Cha Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn, chánh xứ Phương Quý xin Ðức Giám mục mở cửa nhà thờ, ngài nói: "Kính thưa Ðức Cha, cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Kính thưa Ðức Cha, với niềm tin vào Thiên Chúa và Mẹ Hội Thánh, chúng con tin rằng nguồn sự sống đích thực từ Thiên Chúa ban cho nhân loại suốt dòng lịch sử từ thời Giáo Hội Sơ Khai cho đến nay và mãi mãi có được qua là qua Chúa Kitô, qua các Tông Ðồ và các Giám mục kế vị các tông đồ; Hôm nay, nguồn sống đích thực từ Thiên Chúa lại đến với chúng con là qua Ðức Cha. Nhà thờ biểu tượng của Giáo Hội thu nhỏ, chúng con nài nỉ xin Ðức Cha mở cửa nhà thờ này để từ nguồn sức sống của Thiên Chúa qua Ðức Cha mà tồn tại trong ngôi nhà thờ này khi Ðức Cha thánh hiến, để chúng con hưởng Ơn Cứu Ðộ tại đây".

Sau đó, đoàn đồng tế tiến vào nhà thờ, cùng theo sau là đoàn múa nhảy trong nhịp điệu của tiếng cồng chiêng dân tộc Rơngao và Bahnar, tiếp sau đoàn cồng chiêng có rất đông nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân Kinh - Rơngao - Bahnar cũng như quan khách tiến vào ngôi thánh đường.

Ðược biết cộng đoàn Kon Hngo Kơtu khi mới hình thành cho đến Giáo xứ Phương Quý ngày nay đã trải qua nhiều thăng trầm trong suốt 120 năm. Trong cuộc hành trình đức tin 120 năm ấy, những ngày đầu hạt giống đức tin được gieo vãi nơi Kon Hngo Kơtu đã khó khăn thế nào vì chế độ buôn bán nô lệ, thì hôm nay giữ vững đức tin ấy bằng cách giải thoát tín hữu khỏi nô lệ ma quỷ trong thế giới hưởng thụ này càng khó hơn.

Theo dòng lịch sử, các Cha thừa sai Paris (MEP) đến nơi này vào năm 1887 gọi là làng Kon Hngo. Ðến năm 1925: gọi là Tơring Kon Hngo, có 814 tín hữu; Năm 1937: có 4 họ đạo với 1,166 tín hữu (gồm 779 dân tộc; 387 kinh); Ðến năm 1937 được gọi là giáo xứ Phương Quý cho đến nay. Năm 1939: có 5 họ đạo, với 1,414 tín hữu (gồm: 1,007 dân tộc, 407 kinh); Vào năm 1946, có 1,752 tín hữu trong đó có 360 người Kinh, và 154 tân tòng; Năm 1956, Tơring Phương Quý thời cha sở Tôma Lê Thành Ánh, có 2,110 giáo dân nằm trên 2 họ đạo: Kon Hngo (dân tộc Rơngao) và Phương Quý (Kinh). Hiện nay Ðịa sở Phương Quý có 3,792 tín hữu; trong đó Kon Hngo Kơtu (dân tộc Rơnao) là 1,386 tín hữu, và số tín hữu người Kinh là 2,406. Trải qua 120 năm có 6 linh mục thừa sai Paris (MEP) và 13 linh mục Việt Nam coi sóc.


Ðức Cha Micae Hoàng Ðức Oanh cùng hơn 30 linh mục đồng tế tiến đến trước tượng đài Ðức Mẹ Truyền Tin - nằm bên phải tiền sảnh nhà thờ - là thánh hiệu bổn mạng của Giáo xứ Phương Quý - Cộng đoàn Kon Hngo Kơtu. Ở nơi tượng đài này, Ðức Cha Micae làm dấu thánh giá đầu lễ và làm phép tượng đài.


Trong 120 năm qua đã có 7 nữ tu là người dân tộc xuất thân từ đây, trong đó có 5 chị thuộc Dòng Ảnh Phép Lạ và 2 chị Dòng Chúa Quang Phòng. Người Kinh thì có 11 chị đã khấn dòng thuộc các hội dòng: Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm, Chúa Quan Phòng, Phan Sinh và Vinh Sơn. Ngoài ra có 4 linh mục xuất thân từ Giáo Xứ Phương Quý, đặc biệt trong ngày vui hôm nay của Giáo xứ có Cha F.X Trần Anh Duy, ở Sài Gòn, và Cha Phaolô Nguyễn Văn Thạch, CSsR, ở Mỹ cũng về tham dự.

Theo Cha Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn, hiện đang chánh xứ Phương Quý, ngài cho biết: Nét đặc biệt trong hành trình đức tin 120 năm này là: "từ nô lệ đến tự do". Nó vừa mang ý nghĩa xã hội vừa mang ý nghĩa đức tin Kitô giáo. Nghĩa là, khi đến vùng Kon Hngo Kơtu này, các vị thừa sai đã phải mua lại những người nô lệ Kinh cũng như dân tộc, các Ngài đã chuyển đổi, đã đấu tranh, đã đưa ánh sáng Kitô giáo vào vùng đất hoang sơ này.

Lần giở lại những trang đầu của cuốn "Lược Sử hành trình đức tin 120 năm của Cộng đoàn Kon Hngo - Phương Quý", ta thấy Cộng đồng Kitô hữu ở đây hình thành trong tình trạng của một xã hội Tây Nguyên vào thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 có nhiều bất ổn về các bộ lạc với nhau, đặc biệt là đường dây buôn bán nô lệ, các vị thừa sai phải dùng nhiều cách thế để đưa Tin Mừng vào cho thích hợp.

Về Tình trạng xã hội. Kon Hngo Kơtu vào thời kỳ trước giai đoạn tòng giáo cách đây trên 120 năm là vùng đất Tây Nguyên bất ổn, các làng quấy nhiễu, cướp bốc lẫn nhau liên tục: phía bắc có các bộ tộc Sơđăng, phía nam có những bộ tộc người thuộc Hơdrung. Chuyện đánh nhau, cướp của, cướp người chẳng phải chỉ vì tính khí còn rừng rú, chưa được khai hóa, mà còn là cách thức tuyển lựa đàn bà làm cho dòng dõi tốt hơn nhờ pha trộn phối ngẫu giữa các chủng tộc khác nhau. Và chuyện buôn bán nô lệ là nguyên nhân chính của xã hội thời đó tạo nên chiến tranh giữa các bộ lạc trên vùng Tây Nguyên. Vào thời đó, đường dây buôn bán nô lệ thịnh hành chẳng những giữa các vùng dân tộc Tây Nguyên mà còn phát đạt và thường xuyên tại Xứ Ðàng Trong do sự cấu kết của các vùng giữa các quan chức có quyền, hoặc giữa những người giàu. Vì vùng đồng bằng cần nhiều nô lệ để phục dịch, xây dựng. Ðường dây buôn bán nô lệ như vậy được kết nối với những người có quyền trong vương quốc chúa Nguyễn. Chân rít đường dây được vững chắc và khá quen thuộc từ phủ chúa đến hạng con buôn và khai thác chủ yếu là từ vùng Tây Nguyên, hoặc từ đồng bằng Cửu Long. Chế độ buôn bán nô lệ tại vùng dân tộc bắt nguồn và được dung dưỡng từ người Miền Xuôi với nhiều lý do được đưa ra để biện bạch xem như chính đáng, nhưng thực chất là kiếm lợi nhuận, bất chấp nhâm phẩm con người.

Trong bối cảnh xã hội bán khai như thế nên việc Truyền giáo vùng Tây Nguyên gặp phải nhiều khó khăn từ tập tục buôn bán nô lệ này, bởi đường dây buôn bán này dính dáng chặt chẽ với quan quyền và những con buôn Miền Xuôi. Một số thừa sai nhấn mạnh rằng "việc buôn bán nô lệ bao gồm trước tiên việc người miền xuôi săn đuổi số dân cư 'mọi rợ' ở vùng sâu và bán họ làm nô lệ. Và Cả người Thượng cũng tham gia vào việc buôn bán này. Người ta nói là KonTrang, một làng của người Sêđăng trong vùng sông Bla, đã hoạt động như là một trung tâm của những người buôn bán nô lệ người Sêđăng, Renjao và Lào. Những người này thường tới các con sông nhánh của sông Cửu Long để săn lùng nô lệ". Trong sách của Cha Dourisboure cũng đã ghi lại nhiều trang nói về tệ nạn buôn bán nô lệ kéo theo bao nhiêu tệ đoan khác cho dân tộc ít người trên vùng truyền giáo này.

Khó khăn như thế, nhưng với ý Chúa nhiệm mầu, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các Thừa Sai Paris (MEP) và hoạt động nơi dân tộc các bộ lạc này, mà ánh sáng Ðức Tin Kitô giáo đã được ăn rể sâu vào các bộ lạc Tây Nguyên này và giờ đây đang phát triển. Mới ngày nào đó là chiến tranh, giờ đây sống chung hòa bình, ngày nào đó chưa biết Ðức Kitô là Cứu Chúa, giờ đây sống hòa bình trong Ðức Kitô. Không chỉ vùng Kon Hngo mà các vùng lân cận, các bộ tộc Bahnar, Rơngao, Jrai... đã sống chung được với nhau. Theo thống kê 31.12.2005 thì dân số Tỉnh Kontum là 377,590 người, trong đó có 201,022 người là thuộc các bộ tộc Bahnar, Sêđăng, Rơngao, Jrai... người Kinh là 176,568 người. Tổng số tín hữu Công Giáo là 112,376 người, trong đó 88,727 người dân tộc, 23,649 người Kinh. Như thế, gần một nữa các Bộ Tộc trên Tây Nguyên Kontum được ánh sáng đức tin Kitô giáo soi chiếu. Họ được làm con cái Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa.

Sau khi đoàn đồng tế và giáo dân tiến vào nhà thờ, Ðức Cha Micae đã làm phép và rảy nước thánh nhà tạm, bàn thờ và tường nhà thờ mới.


Sau thánh lễ Ðức Cha Micae chụp hình lưu niệm với linh mục đoàn trước gian cung thánh.


Tiếp sau các bài đọc Lời Chúa là bài giảng của Ðức Cha Micae. Trong bài giảng Ngài chia sẻ 2 ý chính:

1. Ðức Cha Micae đã diễn giảng về "2 nhân vật" Sứ thần Gabriel và Ðức Maria, ngài nhấn mạnh đến khía cạnh Ðức Maria đã đón nhận đức tin như thế nào dựa trên trình thuật Tin Mừng Lc 1,26-38. Sau khi diễn giảng Lời Chúa, ngài đặt những câu hỏi cho mỗi người tham dự: "Chúng ta đón nhận đức tin đó như thế nào, có giống Mẹ Maria không? Chúng ta có đón nhận và chấp nhận một Thiên Chúa thông suốt và chân thật như mẹ đã tin và đón nhận không? Và khi đón nhận rồi, chúng ta làm gì? hay nói đúng hơn là sống như thế nào? và chúng ta có truyền tin đó cho anh chị em lương dân sống quanh ta không. Chúng ta có gì ? Phải chăng là tài đức, là khôn ngoan, là tài ba. Cái chúng ta cần có và phải có là đức Tin, là phải có Thiên Chúa là Ðấng chân thật, là Tình yêu. Và tất cả những cái "có" đó phải thể hiện qua đời sống chúng ta..."

2. Liên hệ đến mỗi người tín hữu là một "thứ, kiểu" Gabriel mới trong xã hội hôm nay. Ðức Cha Micae nói: "Chúng ta đem Tin Mừng về tình yêu đó, đem sứ điệp về Thiên Chúa chân thật đó đến với người khác chưa? Phải đến với người khác là yêu thương như Chúa yêu thương, phục vụ như Chúa phục vụ....

Hôm nay lễ bổn mạng Truyền tin là bổn mạng của giáo xứ anh chị em, anh chị càng phải thể hiện sứ mạng mình chọn ấy hơn, như Sứ thần truyền tin. Và hơn thể nữa sống đức tin vào Thiên Chúa như Mẹ Maria. Thể hiện niềm tin ấy hơn nữa như Ðức Mẹ sau biến cố truyền tin đã đến với Chị họ Elisabét để yêu thương và phục vụ. Chúng ta hãy theo gương Mẹ mà phục vụ và yêu thương những người quanh ta như Mẹ. Xin Mẹ Maria giúp chúng sống được tinh thần như Mẹ..."

Sau lời nguyện hiệp lễ, một giáo dân đã cám ơn Ðức Cha và Công Ðoàn. Nội dung như sau:

"Trọng kính Ðức Cha Micae,

Quý Cha Hạt Trưởng, Quý Cha , Quý nam nữ tu sĩ và cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài Giáo xứ,

Bài ca "Ngợi Khen" (Magnificat) của Ðức Trinh Nữ Maria đã nói lên và còn sẽ nói lên mãi mãi những tâm tình sâu kín nhất trong lời tạ ơn nguyện cầu. Lời hát của Mẹ vang dội tâm tình của Giáo hội hoàn vũ, của mọi người và của mỗi người được Thiên Chúa đoái thương lắng nghe và nhận lời. Vì thế, tâm tình đó thể hiện khía cạnh tập thể trong giáo xứ Phương Quý hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Vào dịp mừng 120 năm hành trình Ðức Tin, và tôn tạo Thánh Ðường Giáo xứ , xin mượn bài hát mừng của Mẹ Maria (Lc. 1, 49) như sau:

"Ðấng Toàn Năng đã làm cho chúng tôi

biết bao điều cao cả,

Danh Người thật chí thánh chí tôn..." (Lc 1, 49).

Trong suốt 120 năm, giáo xứ Phương Quý đã lãnh nhận được bao ơn huệ. Xin dâng lời tạ ơn: xin tạ ơn Chúa, tạ ơn Ðức Mẹ và tạ ơn Thánh Cả Giuse.

Với lòng quí mến và biết ơn sâu sắc, giáo xứ Phương Quý chúng con chân thành cảm ơn Ðức Giám mục Giáo Phận đã quan tâm đặc biệt và cho phép tôn tạo Thánh Ðường Phương Quý chúng con.

Chúng con luôn ghi lòng hình ảnh cha Tổng Ðại Diện đến cầu nguyện trước tượng đài Thánh Cả Giuse để bắt đầu khai mống dưới sự dẫn dắt của thánh Cả Bảo Trợ.

Xin chân thành cảm ơn quí cha, quí ân nhân gần xa, trong cũng như ở hải ngoại góp công sức bằng vật chất, nhất là bằng khuyến khích cũng như bằng lời cầu nguyện để công trình nay được hoàn thành tốt đẹp; Công trình xây dựng ngôi Thánh đường Giáo xứ được an yêu và nhiệt tình.

Xin dâng lời tạ ơn:

"Xin Tạ Ơn Thiên Chúa ,

Xin Cảm Ơn quí Ngài"...

Sau thánh lễ Ðức Cha Micae chụp hình lưu niệm với linh mục đoàn trước gian cung thánh, và sau đó tất cả cộng đoàn dùng bữa tiệc thân mật tại khuôn viên nhà xứ.

 

Hình Ảnh Nhà Thờ Qua Các Thời Kỳ:

Từ trước đến nay, giáo xứ có tất cả là 4 ngôi nhà thờ:

1 - Nhà thờ thứ nhất: 1889-1893.

Nhà thờ đầu tiên làm bằng tranh, vách đất. Xây từ năm 1889, sử dụng đến năm 1893 được gần 5 năm.

2 - Nhà thờ thứ hai: 1893-1968

Nhà thờ thứ hai làm bằng rầm ván, xây dựng năm 1893 và xử dụng đến năm 1968, được 75 năm.

3 - Nhà thờ thứ ba: 1969-2006

Nhà thờ thứ ba: xây cất hiện đại từ năm 1969 và được xử dụng đến năm 2006.

4 - Nhà thờ thứ tư : 04. 2006 đến 03.2007

Nhà thờ thứ tư: được tôn tạo từ đầu tháng Tư năm 2006 đến 25 tháng 03 năm 2007, và Thánh Lễ Tạ Ơn vào thứ Hai, ngày 26 tháng 03 năm 2007, lễ Truyền Tin, Bổn Mạng giáo xứ.

 

Tạ ơn Chúa, Công Trình Chúa thực hiện tốt đẹp nhường bao.

Khép lại một hành trình 120 năm đức tin,

lại bắt đầu một giai đoạn mới của hành trình đức tin...

 

Lm. Bart Nguyễn Ðình Phước, C.Ss.R

Vp TGM Kontum

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page