Diễn biến mới nhất xung quanh biến cố

tượng Pieta bị đập phá ở Ðồng Ðinh Phát Diệm

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Diễn biến mới nhất xung quanh biến cố tượng Pieta bị đập phá ở Ðồng Ðinh Phát Diệm.

Ðồng Ðinh, Việt Nam (22/03/2007) - Tháng Giêng mùa lễ hội. Thiên hạ nô nức kéo nhau đi hành hương đây đó. Chúng tôi cũng lên đường đi hành hương kính viếng Ðức Mẹ Sầu Bi ở Giáo xứ Ðồng Ðinh, Giáo phận Phát Diệm.

Giữa mùa xuân đồng xanh, nước trong, trời ấm áp, con người và cảnh vật trông tươi tỉnh lạ lùng. Giữa cổng nhà thờ có mấy em nhỏ đang vui đùa và mấy bà bán hương hoa bánh kẹo. Trong sân nhà thờ có một xe ô tô vừa chở một đoàn hành hương đến từ Thừa Thiên - Huế. Ðức Mẹ La Vang đang hiệp thông với Ðức Mẹ Sầu Bi ở Ðồng Ðinh vậy.

Ở sân trước nhà thờ có dán một số bức ảnh chụp cảnh các thành phần dân Chúa ở Giáo phận Phát Diệm đang nô nức đi hành hương Ðức Mẹ Sầu Bi ở núi Gò trong đó có ảnh quý cha quý thầy Dòng Châu Sơn Ninh Bình, quý cha quý xơ của Giáo phận Phát Diệm.

Nhà thờ cửa mở. Có hai bà đang quét dọn bên trong. Nhà xứ thì ồn ào như làng có đám. Ðấy là các giáo dân trong xứ được chia phiên túc trực đón tiếp khách hành hương. Lo nước nôi và thuyền đò cho khách. Miễn phí. Tấm bảng thông báo của giáo xứ ở cuối nhà thờ ghi rõ thế.

Có cả bức hình chụp cảnh Ðức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Giám mục Giáo phận Phát Diệm và bà con giáo dân đang đặt tượng hôm nào. Cũng có hình chụp cảnh giáo dân trong giáo xứ đang vây thuyền xung quanh Núi Gò để cử hành thánh lễ sau khi bức tượng bị đập phá.

Các thiếu nhi thì vui chơi vô tư và cười đùa vui vẻ khi thấy khách hành hương. Nhưng các ông chức việc trong Hội đồng Giáo xứ thì có vẻ căng thẳng và mệt mỏi. Các ông tiếp đón rất nồng hậu và mau chóng sắp đặt thuyền bè cho khách viếng Ðức Mẹ Sầu Bi cũng như sẵn sàng trả lời các câu hỏi của mọi người.

Các ông cho biết từ khi xảy ra vụ việc đến giờ, các ông không ngừng phải ở thế khó xử khi ở giữa các quan điểm và ý kiến khác nhau của chính quyền, giáo quyền và giáo dân. Trò chuyện với các ông người ta biết thêm nhiều thông tin cụ thể thú vị xung quanh vụ đập phá tượng và tiến trình giải quyết.

Chúng tôi lên thuyền, chạy xuôi theo dòng sông Hoàng Long, đến Núi Gò. Thuyền bè đi lại khá tập nập. Từ hạ lưu lên, từ thượng lưu xuống. Thuyền phía hạ lưu lên thường chở khách du lịch trong ngoài nước. Cả hai đều tiến về Nùi Gò.

Sau khi kính viếng Ðức Mẹ. Chúng tôi đi tìm hiểu sự việc đây đó, trong giáo phận. Theo như chúng tôi được biết vụ việc diễn tiến như sau cho đến ngày 13.03.2007:

1. Ngày 05.11.2006 Ðức Giám Mục Phát Diệm và giáo dân Ðồng Ðinh tạm đặt tượng Pieta ở chân thánh giá Núi Gò.

2. Tối 29.01.2007 giáo dân làm nghề cá ở khúc sông đặt tượng bị cán bộ chính quyền địa phương bắt dụng cụ hành nghề và bị xua đuổi khỏi khu vực đặt tượng.

3. Sáng ngày 30.01.2007 khi thức dậy, giáo dân thấy tượng Pieta đã bị đập phá. Công an huyện Nho quan đã tới hiện trường lập biên bản.

4. Ngày 01.02.2007 cha Giuse Lê Ðức Năng và giáo dân Ðồng Ðinh làm đơn gửi đến Tòa Giám Mục và các cơ quan chính quyền liên quan để xin "điều tra và xử lý kẻ xấu đã phá tượng".

5. Ngày 07.02.2007 Công an huyện Nho Quan ra thông báo số 46/CANQ: Nội dung khẳng định một số điều khác nhau trong đó có cho biết đã tìm ra 10 đối tượng đập phá tượng. Một nội dung khẳng định khác là: "Việc đập phá tượng không có sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương mà do 10 đối tượng thực hiện, trong đó có sự tham gia của cá nhân một số lãnh đạo xã Thượng Hoà..."

6. Ngày (không xác định) tháng 03.2007 Công an huyện Nho Quan ra thông báo số 76/TB-CANQ: Thông báo kết quả xử lý số đối tượng tham gia vụ đập phá tượng xảy ra đêm 29.01.2007 tại xã Thượng Hoà, huyện Nho Quan. Thông báo kể rõ tên tuổi 10 đối tượng, đọc hết thì biết trong đó có 7/10 là cán bộ xã, cụ thể là có chủ tịch, bí thư, phó trưởng công an và 4 công an viên. Thông báo cho biết cấp uỷ và chính quyền huyện Nho Quan đã cách chức Bí thư Ðảng uỷ và Chủ tịch UBND và Phó Trưởng CA và các CA viên xã Thượng Hoà. Cũng cần nói thêm là các công an viên này đều là các đối tượng từng có những hành động bất hảo tại địa phương mà không hiểu vì lý do gì đã được đưa vào làm CA. Thông báo cho biết căn cứ theo pháp luật hiện hành, số người tham gia đập phá tượng phải bồi thường tiền để sửa chữa bức tượng bị hư hỏng. Rồi đề nghị Ban chấp hành giáo xứ Ðồng Ðinh hợp tác sửa chữa bức tượng, bảo đảm tình hình ANTT và các sinh họat tôn giáo bình thường tại địa phương.

7. Ngày 01.03.2007 UBND huyện Nho Quan đã tổ chức hội nghị tại UBND xã Thượng Hoà, công bố công khai các quyết định kỷ luật đối với các đương sự đập phá tượng.

8. Ngày 05.03.2007 Ðức Giám Mục Giáo phận Phát Diệm cùng các linh mục trong Ban Tư vấn và Hội đồng Linh mục của Giáo phận đã nhóm họp nhằm giải quyết về vụ đập phá tượng Pieta ở Ðồng Ðinh. Biên bản cuộc họp sau đó đã được thông báo rộng rãi tại các nhà thờ trong Giáo phận. Nội dung biên bản cho rằng:

9. "Nên khép lại sự việc vì cách xử lý vi phạm của CA huyện Nho Quan đã đáp ứng đơn đề nghị của giáo xứ Ðồng Ðinh. Việc sửa tượng nên tiến hành ngay để khép lại đau thương và mở ra tinh thần Kitô giáo; Việc chuyển tượng đến vị trí mới trên triền núi cách vị trí cũ khoảng 200 mét là hướng tích cực. Tuy nhiên cũng tham khảo ý kiến giáo dân xứ Ðồng Ðinh để giải quyết cộng đồng".

10. Ngày 08.03.2007 UBND tỉnh Ninh Bình ra công văn số 56/UBND-VP 7, nội dung trả lời Ðơn đề nghị của linh mục Lê Ðức Năng và Ban Chấp hành giáo xứ Ðồng Ðinh. Nội dung lặp lại thông báo số 76/TB-CANQ của Công an Nho Quan. Có khác chăng là người ký là ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.

Vụ việc khép lại. Giáo dân đã có đơn từ xin điều tra và xử lý. Chính quyền và giáo quyền đều đã có tiếng nói. Tạ ơn Chúa vì cách thức ứng xử tốt đẹp của cộng đồng giáo dân sở tại. Không có vụ xô xát hay có hành động quá khích nào.

Vụ việc khép lại. Nhưng...

Nhiều người vẫn đang mong đợi ngày Giáo phận tổ chức công khai công cộng một buổi lễ phạt tạ có đại diện các thành phần dân Chúa trong Giáo phận tham dự tại nơi tượng Ðức Mẹ Sầu Bi bị đập phá.

Nhiều người vẫn nghĩ rằng theo tinh thần Kitô giáo, các đối tượng đập phá tượng cần được sám hối và hoà giải cho cõi lòng thanh thản bằng cách xin lỗi công khai trước cộng đồng hiện diện ở nhà thờ Ðồng Ðinh hay tại núi Gò.

Nhưng đông đảo tín hữu đang từ các nơi đổ về Ðồng Ðinh kính viếng Ðức Mẹ Sầu Bi để cầu nguyện và tỏ lòng sám hối. Bằng xe máy, xe đạp, xe hơi, thuyền máy, thuyền nan. Họ từ đâu mà tới? Từ Ninh Bình, Nam Ðịnh, Thanh Hoá, Hà Nam, Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, Nha Trang, Hoa Kỳ, v.v... Họ từ đau khổ mà tới. Họ đồng cảm với những đau khổ của Ðức Mẹ Sầu Bi ở Ðồng Ðinh./.

 

22/03/2007

Lương Ðiền

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page