Ðức Hồng Y Renato Raffaele Martino

chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Mục Vụ Di Dân

tham dự Hội Nghị về vấn đề Di Dân Tại Ðài Loan

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Ðức Hồng Y Renato Raffaele Martino, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Mục Vụ Di Dân, tham dự Hội Nghị về vấn đề Di Dân Tại Ðài Loan.

Ðài Loan, Việt Nam (23/03/2007) - Từ ngày 16 đến 19 tháng 3 năm 2007, Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan tổ chức những ngày hội nghị thảo luận về những vấn đề di dân tại Ðài Loan. Ðức Hồng Y Renato Raffaele Martino, người Ý, 75 tuổi, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Mục Vụ Di Dân, từ Vatican đã đến Ðài Loan ngày 14 tháng 3 năm 2007 để tham dự Hội Nghị này. Chính quyền Ðài Loan và Giáo Hội Ðài Loan đã đặc biệt hoan nghênh viên chức cao cấp của Tòa Thánh Vatican.

Trước cuộc hội nghị, Tổng Thống Trần Thủy Biển của Ðài Loan và Ngoại Trưởng James Huang Chih Fang đã đón tiếp Ðức Hồng Y Martino tại văn phòng tổng thống. Tổng thống Trần Thủy Biển đã nói với Ðức Hồng Y rằng chuyến thăm của ngài sẽ làm cho các di dân ở Ðài Loan "cảm nhận được sự ấm áp, tình thương và quan tâm của Tòa Thánh". Tổng thống còn cám ơn Giáo hội địa phương đã mở các trường học và bệnh viện, và chăm sóc những người bị xã hội bỏ rơi, người ngoại quốc lấy chồng Ðài Loan, người nghèo nông thôn và di dân. Theo Tổng thống, chính quyền và người dân Ðài Loan "duy trì mối quan hệ hết sức nhân đạo và rộng lượng với Tòa Thánh". Tổng thống hy vọng Ðài Loan và Tòa Thánh sẽ tiếp tục đẩy mạnh giao lưu và hợp tác.

Tổng Thống Ðài Loan còn nhờ Ðức Hồng Y chuyển lởi thỉnh cầu của ông đến Ngoại Trưởng Tòa Thánh xin thay đổi lập trường khép kín với Ðài Loan và nới lỏng những điều hạn chế với các giới chức chính quyền Ðài Loan viếng thăm Vatican.

Sau cuộc gặp gỡ Tổng Thống Ðài Loan vào buổi sáng, chiều hôm đó, trường Ðại Học Công Giáo Phụ Nhân ở Ðài Bắc đã có buổi lễ trao tặng Ðức Hồng Y Martino Văn Bằng Tiến Sĩ Danh Dự về Triết Học. Hiệu Trưởng trường Ðại Học là Ông Li Chien Chiu nói rằng văn bằng này tôn vinh sự đóng góp của Ðức Hồng Y cho hòa bình và công lý trong xã hội nhân loại.

Phát biểu tại buổi lễ trao tặng này, Ðức Hồng Y Paul Shan Kuo-Hsi của Ðài Loan trích dẫn lời của Ðức Hồng Y Martino cam kết trong các vấn đề như giải trừ quân bị, phát triển, giải quyết vấn đề đói nghèo, nhân quyền, người tị nạn và tự do tôn giáo. Ðức Hồng Y Ðài Loan năm nay đã 83 tuổi và đã về hưu vào tháng1 năm 2006.

Sau các buổi gặp gỡ trên, Ðức Hồng Y Martino đã tham dự Hội Nghị về vấn đề Di Dân do Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan tổ chức tại Ðài Bắc từ ngày 16 đến 19 tháng 3 năm 2007. Ðức Hồng Y đã có một bài thuyết trình. Ngài đã nói về "Hoan nghênh và coi sóc người ngoại quốc trong Erga migrantes caritas Christi" (tình yêu Chúa Kitô dành cho di dân).

Các Giám Mục và các nhân viên Giáo hội phụ trách vấn đề di dân của các nước chung quanh Ðài Loan: Thái Lan, Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Indonesia... cũng được mời đến tham dự hội nghị này. Ðại diện cho Việt Nam có Ðức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám Mục phó Giáo phận Cần Thơ, Cha Hoàng Văn Trụ, linh mục chánh xứ cộng đoàn người Hoa tại Nhà Thờ Phanxicô Xaviê Saigòn (Nhà Thờ Cha Tam), Cha Ðổ Văn Ánh, giáo sư môn Thần học Tôn giáo và môn Di dân tại Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Saigòn. Phái đoàn từ Việt Nam đã có những bài thuyết trình nói về tình hình di dân Việt Nam tại Ðài Loan và cuối bài có nói lên ước vọng, mong rằng Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan sẽ có những cố gắng để giúp đỡ cho các di dân Việt Nam tại Ðài Loan. Ngoài ra những linh mục Việt Nam đang phụ trách các văn phòng di dân tại Ðài Loan cũng có những bài trình bày về những vấn nạn đang xảy ra cho các di dân Việt Nam tại Ðài Loan hiện nay.

Sau cuộc họp, Linh mục Bruno Ciceri, thư ký điều hành ủy ban di dân của Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan phát biểu rằng vì Giáo hội Á Châu nhỏ, nên sự hiện diện của Ðức Hồng Y Martino là "dấu hiệu thể hiện ủng hộ và quan tâm của Giáo hội hoàn vũ và Ðức Thánh Cha dành cho di dân". Ðức Cha Gioan Bosco Lin Chi Nan, Giám Mục đặc trách Ủy Ban Di Dân của Hội Ðồng Giám Mục Ðài Loan, nói rằng: "Nếu Ðức Hồng Y Martino hiểu hơn về tình hình Giáo Hội Ðài Loan qua chuyến viếng thăm này thì đây là điều đáng mừng".

Sau khi kết thúc cuộc hội nghị về vấn đề di dân, để giúp các giám mục và các phái đoàn từ các nước đến tham dự hội nghị hiểu rõ hơn về tình hình Ðài Loan, hội nghị đã dẫn các phái đoàn đi thăm một vài nơi quan trọng của Ðài Loan. Ðặc biệt, Ðức Giám Mục Stêphanô Tri Bửu Thiên và phái đoàn các linh mục Việt Nam cũng đã đến dâng thánh lễ Chúa Nhật ngày 18 tháng 3 năm 2007 tại Cộng Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Thành Phố Taoyuan (Ðào Viên). Có rất nhiều công nhân Việt Nam và các chị em Việt Nam thuộc diện lấy chồng Ðài Loan đến tham dự Thánh lễ và chuyện trò gặp gỡ Ðức Giám Mục. Ðược biết, Huyện Taoyuan là khu vực công nghiệp có số lượng di dân lao động đông nhất ở Ðài Loan. Sau Thánh Lễ, Phái đoàn đã viếng thăm các trung tâm trợ giúp pháp lý cho các di dân Việt Nam tại huyện Taoyuan. Phái đoàn đã có dịp tiếp xúc với những người đang tạm trú tại trung tâm này trong thời gian chờ đợi giải quyết những tranh chấp về vấn đề lương bổng hay vấn đề công bằng và quyền lợi.

Ðể tìm hiểu rõ hơn, những ngày còn lại sau cuộc Hội Nghị, Ðức Giám Mục Việt Nam và phái đoàn đã viếng thăm và dâng thánh lễ tại một số vùng có đông người Việt Nam sinh sống.

Sáng ngày 20/03/2007, Phái đoàn Việt Nam từ Ðài Bắc đi xe tiến về hướng Nam, đến thăm Giáo Xứ Toufen Giáo Phận Tân Trúc (Hsinchu), cộng đoàn Việt Nam tại giáo xứ Tông Shư Giáo Phận Ðài Trung, Tòa Giám Mục Giáo Phận Ðài Nam, Trường Trung Học Salesien Don Bosco tại Thành Phố Ðài Nam, dâng thánh lễ cho cộng đoàn Việt Nam tại giáo xứ Tân Thuận Ðài Nam.

Tối ngày 20/03/2007, Phái đoàn quay xe ngược lại về hướng Bắc, đến Giáo Xứ Thủ Khu Giáo Phận Gia Nghĩa (Chia-Yi) và nghỉ đêm tại đây.

Qua ngày 21/03/2007, Phái đoàn cũng viếng thăm ngọn núi phun lửa "Thủy Hỏa Ðồng Nguyên" tại biên giới Ðài Nam - Gia Nghĩa. Nơi đây có lẽ là tàn tích của một ngọn núi lửa lâu đời, từ bên sườn núi có một ngọn lửa nhỏ phun ra bên giòng suối nước, và cứ cháy mãi như vậy chưa bao giờ tắt. Lửa và Nước cùng sống chung bên nhau nên người ta gọi là "Hỏa Thủy Ðồng Nguyên". Sau khi xem tàn tích của ngọn núi lửa, Phái đoàn ghé thăm Thôn Văn Hóa Việt Nam tại Gia Nghĩa (Chia-yi), đây là một khu vực tập trung tất cả các cửa hàng ăn uống Việt Nam có đủ tất cả các hàng tạp hóa Việt Nam: Áo dài, nón, bún khô, tạp chí phụ nữ Việt Nam... Buổi trưa Ðức Cha và Phái đoàn được các Linh Mục Giáo Phận Gia Nghĩa mời ăn trưa tại nhà hàng với các món rất độc đáo như Gà đi bộ, Dế rang, Ếch xào, rau lang luộc... Sau bữa ăn trưa thân mật, Phái đoàn tiếp tục viếng thăm một vài Giáo xứ trong Giáo Phận Gia Nghĩa: Giáo Xứ Lu Lieo, Giáo Xứ Minh Xung (Têrêxa), Giáo Xứ Talin... Buổi chiều cùng ngày, Phái đoàn tiếp tục lên đường trở về lại Ðài Bắc. Tại đây, Phái đoàn được Cộng đoàn các Nữ Tu Chúa Quan Phòng mời ăn tối tại Nhà Hàng Ðài Bắc.

Sáng ngày 22/03/2007, Phái đoàn ghé thăm Tòa Nhà Chọc Trời cao nhất thế giới "Tòa Nhà 101" (gồm 101 tầng lầu). Và buổi trưa cùng ngày được các Linh Mục Giáo Phận Ðài Bắc mời ăn trưa tại nhà hàng của Nhật Bản trong khu vực "Tòa Nhà 101". Buổi chiều cùng ngày, Phái đoàn viếng thăm cộng đoàn các nữ tu Têrêxa và ăn tối cùng cộng đoàn Têrêxa.

Ðức Hồng Y Martino đã trở về lại Vatican sau khi kết thúc chuyến thăm Ðài Loan để tham dự hội nghị và tìm hiểu về vấn đề di dân tại đây. Ðức Giám Mục Việt Nam và các linh mục trong Phái Ðoàn Việt Nam cũng đã chia tay với các anh chị em Việt Nam tại Ðài Loan để lên đường trở về Việt Nam vào ngày thứ Sáu, 23 tháng 3 năm 2007. Hy vọng sau cuộc hội nghị về vấn đề di dân này, cuộc sống của các di dân tại Ðài Loan và đặc biệt là các anh chị em Việt Nam tại Ðài Loan sẽ được tôn trọng và được bảo vệ nhiều hơn. Nguyện xin Chúa chúc lành cho tất cả các anh chị em Việt Nam đang lao động hay lấy chồng tại Ðài Loan luôn được vui khỏe và bình an. Cũng ước mong tất cả những người chủ Ðài Loan biết nhận ra rằng những công nhân hay những người lấy chồng Ðài Loan cũng là những con người cần phải được tôn trọng và họ cũng là những con cái của Thượng Ðế, luôn được Thượng Ðế yêu thương và chăm sóc bảo vệ.

 

(Joseph Trương)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page