Vài nét về cuộc Họp Báo tại Roma
để giới thiệu Tông Huấn
Hậu THÐGM về Bí Tích Thánh Thể
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Giới Thiệu về Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về bí tích Thánh Thể, Bí Tích của Tình Thương. (Bài IV).
(Radio Veritas Asia 17/03/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong mục thời sự lần trước, chúng ta đã theo dõi nhận định của Ðức Hồng Y Angelo Scola về một trong những đặc điểm của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về bí tích Thánh Thể. Ðặc điểm đó, là việc Tông Huấn nhấn mạnh rằng việc cử hành phụng vụ Thánh Thể làm cho đời sống kitô trở nên phù hợp với Ðức Tin vào Bí Tích Thánh Thể. Luật Ðức Tin là Luật Cầu nguyện. Ðức Tin là quy phạm cho việc cầu nguyện. Và Cầu nguyện giúp cho tín hữu sống phù hợp với đức tin.
Hôm nay, chúng ta sẽ nghe Ðức Hồng Y nhận định tiếp về một điểm mới mẽ khác nữa trong kho tàng giáo huấn của Tông Huấn. Ðiểm mới đó hệ tại ở chổ Tông Huấn xác nhận rằng "Cung Cách Cử Hành Phụng Vụ (ars celebrandi) sẽ giúp cho việc tham dự được trọn vẹn, tích cực, và trổ sinh ơn ích. Ðây là điểm giáo lý căn bản và quan trọng được tông huấn trình bày, nhắm cổ võ việc đào sâu hơn nữa công cuộc canh tân phụng vụ và canh tân việc cử hành nghi lễ phụng vụ nơi các cộng đoàn kitô. Theo nhận định của Ðức Hồng Y Scola, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI xác nhận rằng "Cung Cách Cử hành Phụng Vụ (Ars Celebrandi) là điều kiện tốt nhất cho việc tham dự trọn vẹn, tích cực, của tín hữu. Cung Cách Cử hành phát xuất từ việc trung thành tuân giữ những quy định phụng vụ, bởi vì chính "cung cách" cử hành này, từ hai ngàn năm qua, đã bảo đảm cho đời sống đức tin của tất cả các tín hữu.
Những gì Ðức Bênêđitô XVI quả quyết trong Tông Huấn về sự hiệp nhất chặt chẽ giữa Ðức Tin, Việc Cử hành Phụng Vụ, và Lòng Tôn Sùng Thánh Thể, là một khai triển của số 7 Hiến Chế của Công Ðồng Vaticanô II về Phụng Vụ Thánh, như sau: "Mọi cử hành phụng vụ, xét như là việc làm của Chúa Kitô Tư Tế và của Nhiệm Thể Chúa, --- là Giáo Hội ---, (mọi cử hành phụng vụ) là một hành động thánh thiêng tuyệt vời nhất; và không có hành động nào khác của Giáo Hội, có giá trị hữu hiệu bằng như vậy". Như thế, giáo huấn của Ðức Bênêđitô XVI trong tông huấn về Bí Tích Thánh Thể, tiếp nối với giáo huấn của Công Ðồng Vaticanô II.
Sau khi lướt qua toàn bộ ba phần chính của Tông Huấn, Ðức Hồng Y Scola kết thúc bài thuyết trình của ngài bằng nhận định rằng bí quyết canh tân dân Chúa hệ tại trong tính cách trung thực của Ðức Tin và Lòng Tôn Sùng Thánh Thể. Trong mầu nhiệm Thánh Thể, được mở ra con đường tiếp xúc với Thiên Chúa, Ðấng là Tình Yêu. Và từ đó, các tín hữu hiểu được các thực tại trần gian một cách đúng thật hơn.
Số 92 của Tông Huấn kết luận như sau: trong viễn tượng vừa nói trên, "bí tích Thánh Thể chiếu dọi một ánh sáng mạnh rõ trên lịch sử nhân loại cũng như trên toàn thể vũ trụ". (số 92) Ðiểm nội dung này nhắc lại giáo huấn của Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp "Ðức Tin và Lý Trí". Các tín hữu, ngày qua ngày, học được rằng mọi biến cố đều có mang tính cách dấu chỉ, qua đó Thiên Chúa thông ban chính mình và thức tỉnh chúng ta đáp lại hành động của ngài. Chiều kích Thánh Thể của cuộc sống có thể cổ võ cho một sự thay đổi đích thực về tâm thức, trong đó chúng ta đọc và hiểu được lịch sử và thế giới.
Như là một kết luận tổng quát, Ðức Hồng Y Scola đặt ra câu hỏi như sau: "Chúng ta có thể chiêm ngắm sự thật của tất cả những gì được trình bày trong Tông Huấn về Bí Tích Thánh Thể, ở đâu? Và Ðức Hồng Y đã trả lời cho câu hỏi này như sau: Nơi Một Người Cụ Thể. Và Người đó là Ðức Maria rất thánh. Thật ra, đây không phải là câu trả lời riêng của Ðức Hồng Y, mà là câu trả lời của chính Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, được nói ra nơi số 33 và số 96 của Tông Huấn đang được giới thiệu. Nơi số 33, chúng ta đọc được lời quả quyết như sau: "Nơi Mẹ Maria rất thánh, chúng ta thấy được thể hiện "thực tại bí tích", mà nhờ đó Thiên Chúa đến với tạo vật con người và liên hệ tạo vật con người này vào trong sáng kiến cứu rỗi của ngài." Nơi số 96, chúng ta đọc được lời quả quyết như sau: "Từ Mẹ Maria, chúng ta cần học biết cách trở nên những "con ngưòi của thánh thể", và cũng vừa là những "con người của giáo hội" (96). Bí Tích Thánh Thể giúp tín hữu khám phá rằng mọi hoàn cảnh cuộc sống đều được khắc ghi vào trong chiều kích bí tích. Chúa Kitô không ngừng đứng gõ ngoài cửa sự tự do chúng ta, ngõ hầu chúng ta mở cửa đón nhận Người vào, và để cho tình yêu cứu chuộc của Người biến đổi chúng ta.
Quý vị và các bạn thân mến. Trong mục thời sự lần tới, chúng ta sẽ đọc những lời giới thiệu của Ðức Tổng Giám Mục Nicola Eterovic về Tông Huấn này. Mong quý vị và các bạn sẽ theo dõi.
(Ðặng Thế Dũng)