Phái đoàn Toà Thánh mang về tin tức tốt đẹp

trong chuyến thăm Việt Nam

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phái đoàn Toà Thánh mang về tin tức tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam.

Bài của Gerard O'Connell, Ðặc Phái viên tại Rôma

Thành Phố Vatican (UCAN ZY02090.1436 Ngày 13-3-2007) - Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam sáu ngày, phái đoàn Tòa Thánh và các viên chức nhà nước Việt Nam đã thảo luận về việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, "và cùng nhau nghiên cứu một số cách thức cụ thể để tiến hành thiết lập quan hệ ngoại giao".

Tòa Thánh ra tuyên bố sau khi phái đoàn trở về Rôma hôm 12-3-2007 rằng Việt Nam "quả quyết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, các viên chức có thẩm quyền đã tiến hành làm việc" về vấn đề này.

Ðức ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh, dẫn đầu chuyến viếng thăm từ ngày 6-11/3/2007. Cùng đi với ngài có Ðức ông Luis Mariano Montemayor của văn phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Ðức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương của Thánh bộ Truyền giáo, người luôn có mặt trong các phái đoàn Tòa Thánh sang thăm Việt Nam từ năm 1989.

Tòa Thánh cho biết, các giới chức Việt Nam "đặc biệt chú trọng đến chuyến thăm lần này, chuyến thăm chính thức thứ 14 của phái đoàn Tòa Thánh", diễn ta ngay sau khi Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm 25-1-2007.

Theo tuyên bố của Tòa Thánh, phái đoàn đã có "các buổi làm việc" với Ban Tôn Giáo chính phủ, do ông Nguyễn Thế Doanh đứng đầu, và các buổi làm việc này được tổ chức trong "bầu khí thân mật, thẳng thắn và tôn trọng".

Các vị đại diện Tòa Thánh cùng các viên chức chính quyền đồng cấp xem xét "việc thực thi Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo ban hành ngày 18-6-2004, vốn phác thảo chính sách của chính phủ Việt Nam về các vấn đề tôn giáo". Họ còn thảo luận "một số bổ nhiệm giám mục đang chờ cứu xét" và "các đề tài khác liên quan đến đời sống và hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam".

Tòa Thánh cho biết, phía chính quyền "đánh giá cao vai trò của Giáo hội Công giáo trong nước", trong khi phía Tòa Thánh hy vọng các tín hữu Việt Nam có thể tăng cường "phổ biến các giá trị đạo đức, đặc biệt là đào tạo giới trẻ và tăng cường đoàn kết với những người yếu kém nhất" trong thời kỳ "thay đổi kinh tế - xã hội nhanh chóng trong xã hội Việt Nam" hiện nay.

Theo Tòa Thánh, hai bên nhấn mạnh những vấn đề nổi bật "có thể gặp phải và có thể được giải quyết kịp thời trong sự đồng tình, thông qua đối thoại, khiên nhẫn và xây dựng". Phái đoàn đã thảo luận việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, một ưu tiên hàng đầu trong nghị trình, khi gặp ông Lê Công Phụng, Thứ trưởng ngoại giao, cũng như ông Phạm Xuân Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Ðối ngoại Trung ương, và ông Vũ Mão, Chủ tịch Ban Ðối ngoại của Quốc hội.

Ngoài gặp gỡ các viên chức nhà nước, phái đoàn Tòa Thánh còn gặp Ðức Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa của giáo phận Nha Trang, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và Ủy ban thường trực của hội đồng.

Tòa Thánh mô tả việc các vị đại diện Tòa Thánh viếng thăm Quy Nhơn và Kontum, hai giáo phận chưa được một phái đoàn Tòa Thánh nào viếng thăm trước đây, là "hết sức cảm động". Ðức ông Parolin và các vị tháp tùng với ngài đã dâng thánh lễ với các giám mục của hai giáo phận và hầu hết các giáo sĩ, trong bầu khí được Tòa Thánh gọi là "một tinh thần hết sức vui mừng và hiệp thông Giáo Hội".

Giáo phận Kontum "có giáo dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số, họ tham gia rất đông trong các buổi đọc kinh cầu nguyện khác nhau", theo bản tuyên bố của Tòa Thánh.

Phái đoàn còn gặp các chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh trong khi thăm mỗi giáo phận, và cử hành Bí Tích thánh Thể cho các tín hữu tại Nhà Thờ Lớn Thánh Giuse ở Hà Nội và tại giáo xứ Hòn Gai ở Hạ Long thuộc giáo phận Hải Phòng, gần biên giới Trung Quốc.

Phái đoàn thăm "nhiều nhà dòng, cơ sở từ thiện, trường nội trú và trường mẫu giáo được điều hành bởi một Giáo hội không ngừng khơi dậy lòng khâm phục vì sự can đảm, sức sống và năng động của mình".

Phái đoàn "đã chuyển lời cổ vũ và phép lành của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI, người được các tín hữu bày tỏ lòng yêu mến, hiếu thảo và trung thành sâu sắc, với hy vọng một ngày nào đó Ðức Thánh Cha có thể viếng thăm mục vụ đất nước này".

 

UCAN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page