Vài nét về cuộc Họp Báo tại Roma

để giới thiệu Tông Huấn

Hậu THÐGM về Bí Tích Thánh Thể

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài nét về cuộc Họp Báo tại Roma để giới thiệu Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể. Vào sáng thứ Ba, ngày 13 tháng 3 năm 2007. (bài II)

(Radio Veritas Asia 15/03/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong mục thời sự lần trước đã đọc những lời đầu tiên của Ðức Hồng Y Angelo Scola giải thích "tựa đề" của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Bí Tích Thánh Thể: Sacramentum Caritatis, Bí Tích của Tình Thương. Ðây là tựa đề lấy từ cách nói của Thánh Tomasô Aquinô, gọi Bí Tích Thánh Thể là "Bí Tích của Tình Thương". Và Tình Thương ở đây được hiểu là tình thương của Thiên Chúa, tình thương bác ái. Tiếng latinh đã dùng từø Caritas, (Caritatis), để nói về tình thương bác ái này.

Hơn nữa, Ðức Hồng Y Angelo Scola, cũng đã lưu ý rằng Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục về bí tích Thánh Thể, Sacramentum Caritatis, Bí tích của Tình Thương, là Văn Kiện thứ hai của Ðức Bênêditô XVI, trong hai năm làm giáo hoàng, nói về chủ đề "Tình Thương", một chủ đề trọng yếu cho tương lai của Giáo Hội và của nhân loại.

Văn Kiện thứ nhất là Thông Ðiệp "Thiên Chúa là Tình Yêu". Văn kiện thứ hai là Tông Huấn về Bí Tích Thánh Thể: " Bí Tích của Tình Thương", "Sacramentum Caritatis". Hai văn kiện này có liên hệ với nhau. Ðức Hồng Y Scola đã nói trong bài giới thiệu rằng nơi các số 5, 9, 11, 82,88, 89 của Tông Huấn, người ta có thể nhận ra những quy chiếu về Thông Ðiệp "Thiên Chúa Là Tình yêu". Nơi số 5 của Tông Huấn, Ðức Thánh Cha đã viết như sau: "Tôi muốn đặt Tông Huấn này trong tương quan với thông điệp đầu tiên của tôi "Thiên Chúa là Tình Thương".

Về đề tài "tình thương", Ðức Hồng Y Scola đã giải thích thêm như sau:

"Tình thương thánh thể của Chúa Giêsu tiếp tục làm cho con người kinh ngạc. Tình thương đó đã làm cho 12 tông đồ ngạc nhiên, khi Chúa Giêsu cúi mình xuống rửa chân cho các ông, vừa "yêu thương họ cho đến cùng"; tình thương đó đã làm cho các môn đệ trên đường Emmau kinh ngạc, trong biến cố Bẻ Bánh. Ðó là tình thương nhập thể của Thiên Chúa, một tình thương, tự bản chất của nó, là tình thương gây kinh ngạc. Sự "kinh ngạc thánh thể" này, --- mà Ðức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II, người tôi tớ của Thiên Chúa, đã nói lên cách thật hữu hiệu, --- nay được trình bày như là "con đường chính", được những con người nam nữ của thời đại chúng ta bước vào cách dễ dàng, để có cảm nghiệm về tình thương."

Ðiểm thứ hai được Ðức Hồng Y Scola nhắc đến trong bài giới thiệu Tông Huấn về Bí Tích Thánh Thể của Ðức Bênêđitô XVI, là con đường khai triển dài của Khoá Họp Thông Thường lần thứ XI, từ lúc chuẩn bị khoá họp bằng hai Văn kiện, tức "Văn Kiện Gợi Ý Tổng Quát" và "Tài Liệu Làm Việc", cho đến những thảo luận trong khoá họp, rồi những đề nghị lúc kết thúc Khoá Họp, và cuối cùng Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục, được xem như là "kết quả chín mùi" của khoá họp. Ðức Hồng Y đã phát biểu như sau:

"Trong bản văn của Tông Huấn "Sacramentum Caritatis", "Bí Tích của Tình Thương", người ta có cảm giác như nghe vọng lại nơi đó những văn kiện khác nhau đã đồng hành với công việc của khoá họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục: từ Văn Kiện Tổng Quát đến "Tài Liệu làm Việc", từ hai bài Tường Trình, vào lúc bắt đầu và lúc kết thúc giai đoạn các nghị phụ phát biểu ý kiến, cho đến bản "50 Ðề Nghị" được đúc kết từ những thảo luận nơi các nhóm ngôn ngữ và được chấp thuận trong phiên họp khoáng đại."

Nhìn về con đường đã trải qua, Tông huấn được nhận định như là " kết quả chín mùi" của những công việc và văn kiện khác nhau. Nhưng không phải chỉ có thế mà thôi! Tông huấn còn hướng đến tương lai, hướng đến mục tiêu "mở ra con đường cho những suy tư đào sâu thêm nữa". Tông Huấn nhắm đến việc khai triển thêm vài hướng dấn thân căn bản, để mang đến trong giáo hội sức sống động và sự hăng say mới đối với bí tích Thánh Thể. Trong cái nhìn hướng đến những sáng kiến trong tương lai, người ta lưu ý đến việc "phát hành" một "Tổng Tập" gom lại tất cả những Văn Bản về Bí Tích Thánh Thể, như được nhắc đến trong phần cuối của Tông Huấn, nơi số 92.

Trong mục thời sự lần tới, chúng tôi sẽ gởi đến quý vị và các bạn những giải thích của Ðức Hồng Y Scola về ba phần chính của Tông Huấn, nói lên ba khiá cạnh của Bí Tích Thánh Thể; đó là khía cạnh Mầu Nhiệm Ðức Tin của Bí Tích Thánh Thể, rồi đến khía cạnh "cử hành phụng vụ" của Bí Tích Thánh Thể, và cuối cùng, khía cạnh thứ ba là khía cạnh đạo đức của việc sống mầu nhiệm bí tích Thánh Thể. Mong quý vị và các bạn sẽ đón nghe.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page