Vài lời bàn hậu trường sau sự kiện

Ðức Mẹ Pieta ở Ninh Bình Phát Diệm bị đập phá

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Vài lời bàn hậu trường sau sự kiện Ðức Mẹ Pieta ở Ninh Bình Phát Diệm bị đập phá.

Ninh Bình, Việt Nam (5/03/2007) - Trong những ngày này, Giáo Hội miền Bắc nói chung và Giáo phận Phát Diệm nói riêng đang sống trước một sự kiện hết sức đáng tiếc. Ðó là việc các nhà chức trách địa phương tại xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình ngang ngược cho đập phá tượng Ðức Mẹ Pietà (Ðức Mẹ sầu bi) thuộc giáo xứ Ðồng Ðinh - Phát Diệm. Nội dung của sự kiện này, chúng tôi không kể lại vì nó đang là hiện tượng thời sự chấn động nên có lẽ ai cũng biết. Bài viết này xin được bàn tới những điều tạm gọi là hậu trường của sự kiện mà dư luận đang xôn xao với nhiều ý kiến khác nhau.

Theo nguồn tin từ Ðài phát thanh Chân lý Á châu trong bản tin phát thanh ngày 27/02/2007, sau khi vụ đập phá tượng xảy ra, một số người liên can xuất hiện "hiện tượng bần thần", "ngơ ngơ" nên sợ hãi tự khai báo ra người chủ mưu chính là ông chủ tịch xã. Lại có hai người trong nhóm này bị tai nạn xe máy một bị chấn thương sọ não, một phải khâu nhiều mũi... Theo nguồn tin tại địa phương, thì ngay sau đó mấy ngày, chính mẹ của viên chủ tịch xã đã tử vong rất thương tâm do một tai nạn ô tô. Trong số hai người bị tai nạn xe máy trên thì một người đã chết còn một người bị chấn thương sọ não. Tất cả những người tham gia vụ việc còn lại đều rơi vào tình trạng ngơ ngơ ngác ngác. Các quan chức địa phương bị cắt chức hết lượt.

Trước tình trạng này, Dư luận quần chúng hả hê rằng: những người này đáng tội nên bị Chúa, Ðức Mẹ phạt nhãn tiền. Ðó, những kẻ cả gan dám xúc phạm Ðạo Chúa hãy sáng mắt ra mà nhìn...! Nhưng có thật là Chúa và Ðức Mẹ trừng phạt nhãn tiền? Chúng ta nên hiểu sự kiện này như thế nào?

Quả thật, không ai biết được chính xác ý Thiên Chúa, cũng không ai có quyền xét đoán ý Ngài. Mọi khẳng định về ý muốn của Ngài sẽ chỉ "làm mờ tối kế đồ của Chúa bằng những lời thiếu hiểu biết" (Job 38,2). Tuy nhiên, dựa trên những mạc khải của Kinh Thánh, ta có thể mạnh dạn đi tìm câu trả lời.

Thiết tưởng, dù gì chúng ta cũng phải chấp nhận có sự sửa phạt và sửa phạt chính là dấu chỉ cùng hậu quả của tội lỗi. Xét trên bình diện luân lí, công bằng xã hội, thì công tội phân minh là lẽ đương nhiên. Còn trước mặt Thiên Chúa, thì chính "cái ác giết chết ác nhân, ai ghét người lành thì chuốc họa vào thân" (Tv 34,22). Không cần Thiên Chúa phải ra tay trừng phạt, nhưng trước sự công minh của Ngài thì chính hậu quả của việc ác quay lại với người ác. Tư tưởng này thật trùng khớp với kinh nghiệm của cha ông ta trong các câu tục ngữ: "ác báo ác", "ác giả ác báo" hay "gieo gió gặt bão"... Sửa phạt cũng là kinh nghiệm chung của toàn thể tạo vật qua câu chuyện con rắn Satan và ông bà nguyên tổ phải gánh chịu trong sách Sáng thế kí. Kinh Thánh Cựu Ước còn kể trường hợp cả thành bị phạt vì cứng lòng tin, như: các tàhnh Babel, Sôđôma, Capharnaum, Ninivê... Mặc dầu vậy, ta nhìn thấy một cách sửa phạt rất đặc biệt của Thiên Chúa. Tiến trình sửa phạt luôn trải qua ba giai đoạn: Khởi đầu là ân huệ của Chúa con người thụ hưởng nhưng rồi sa ngã theo hướng tội; tiếp theo là lời Thiên Chúa mời gọi hoán cải nhưng bị tội nhân khước từ, bất chấp cảm nhận được một tiên báo về hình phạt (x. Is 8,5-8; Br 2,22tt); Bấy giờ, trước thái độ cứng lòng như thế, Ðấng phán xét mới quyết định sửa phạt: "Ồ thế thì, chúng sẽ như cọng rác bị gió cuốn khỏi sân, như khói bốc đi khỏi ống tò vò mái bếp" (Hs 13,2tt). Như thế, Thiên Chúa luôn mở ra một con đường và một thời gian khả dĩ để tội nhân nhận biết, ăn năn, hoán cải. Quả thực, tội lỗi không thể đi đôi với sự thánh thiện của Thiên Chúa, nên sửa phạt là một hàng rào ngăn cản tội lỗi. Tội lỗi làm cách xa Thiên Chúa, nhưng sửa phạt lại mang chủ ý là một lời mời gọi trở về với Ngài. Chỉ trừ những người kiên quyết từ chối lòng yêu thương của Thiên Chúa.

Thế nhưng, trong các trường hợp cụ thể, làm sao ta khẳng định được đó là công việc sửa phạt của Thiên Chúa? Chẳng lẽ tất cả các đau khổ trên trần gian đều là kết quả của tội lỗi? Theo lập luận của Hitler, phát xít Ðức đã giết hơn 6 triệu người Dothái trong thế chiến thứ nhất vì hậu quả tội lỗi của cha ông họ. Vậy 2 triệu người Campuchia bị Pônpốt giết hại là do đâu? Mới đây nhất, vụ khủng bố tại toà tháp đôi ở Hoa Kì tháng 11 năm 2001 làm hàng nghìn người chết; rồi nạn hồng thủy sóng thần tại một số nước châu Á, sụt lở đất tại Philíppin hồi cuối năm 2004 làm hàng chục nghìn người chết... Họ đều bị trừng phạt do tội lỗi? Nếu giải thích như vậy thì còn đâu hình ảnh một Thiên Chúa nhân lành, nhẫn nại, khoan dung của Ðức Kitô?

Trở lại với hai trường hợp tai nạn và những cá nhân đang bị "ngơ ngơ, ngác ngác" liên quan đến vụ đập phá tượng Ðức Mẹ Sầu Bi (Pieta) ở Ðồng Ðinh. Nếu nói đây là trùng hợp thì đúng quả là một trùng hợp lạ lùng. Nếu nói là ngẫu nhiên thì quả là một sự ngẫu nhiên không thể giải thích được bằng xác suất thống kê. Vậy thì sao? Họ bị Chúa và Ðức Mẹ trừng phạt do tội lỗi họ gây ra mà hiển nhiên ai cũng biết? Thật không dễ khẳng định, vì theo thống kê của Cục Công an giao thông, chỉ trong 2 ngày Tết Ðinh Hợi 2007 có tới 300 người bị tử vong do tai nạn. Những vụ tai nạn này cũng xảy ra cùng thời kì với hai vụ tai nạn trên, chẳng lẽ những người này cũng bị Thiên Chúa và Ðức Mẹ trừng phạt? Ðể trả lời câu hỏi này, ta có thể xét đến hai khía cạnh:

Thứ nhất, những người này làm một việc xấu hiển nhiên nên hoang mang lo sợ trở nên "ngơ ngơ, ngác ngác". Trường hợp cái chết của mẹ ông chủ tịch là do khi vụ việc xảy ra, bà buồn quá bỏ đi vào Nam và vì trong trạng thái như vậy, hoặc vì chiếc ôtô gây tai nạn không tuân giữ luật lệ giao thông nên tai nạn thương tâm xảy ra. Còn tai nạn của hai người liên can vụ đập tượng là do điều khiển xe trong khi say rượu... Tóm lại, theo lí giải tự nhiên, sự dữ này do chính con người không sử dụng đúng tự do và tài trí mình làm phá vỡ trật tự của đời sống, của xã hội và của sinh tồn. Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người nên sau khi đã dùng những lời khuyên bảo, can gián của người dân và những đấng bậc giáo quyền địa phương; dùng những thiết định luật lệ về tôn giáo, xã hội, nhân bản và cả giao thông... để lưu ý, nhắc nhở những người trong cuộc, mà các sự việc đáng tiếc liên tiếp trên vẫn xảy ra, thì Ngài cũng đành tôn trọng.

Thứ hai, ta nhớ lại lời giải đáp của Chúa Giêsu về tai nạn đổ tháp Silôác làm 18 người chết mà Phúc âm Luca có chép. Trong khi dư luận lúc đó cho rằng những người này bị trừng phạt vì tội thì Chúa Giêsu khẳng định: Ðó không phải hình phạt do tội lỗi, nhưng là bài học cho những người xung quanh sám hối (x. Lc 13,4). Chắc chắn chúng ta sẽ thắc mắc: Liệu bài học này có quá thiên vị và bất công? Vì có những người đâu trực tiếp liên quan. Vậy phải hiểu bài học mà Chúa Giêsu nói đến là gì? Quả thực, khía cạnh thứ hai đang xét đây không thể tách rời với khía cạnh thứ nhất trên. Nghĩa là, những sự dữ này xảy ra là do chính hành động đi ngược lại với quy luật an toàn của tự nhiên và xã hội. Nhưng Thiên Chúa yêu thương và khôn ngoan vô cùng vẫn có thể rút từ sự xấu, sự dữ đó ra sự tốt lành còn tốt đẹp hơn gấp bội. Chúng ta hẳn còn nhớ chuyện ông Giuse bị anh em bán sang Ai cập nhưng sau, nhờ đó, lại trở thành người cứu sống cả dân tộc Israel (x. St 37,12 - 45,5). Hay, tội sa ngã của Ađam-Evà đã trở thành tội hồng phúc, vì từ đó, Thiên Chúa đã hứa ban Ðấng Cứu thế cho nhân loại. Thực thế, "ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội" (Rm 5,20). Vậy ân sủng và sự tốt lành tốt đẹp hơn ở đây là gì? Là những hóan cải của người còn sống khi đọc được ở vụ việc những dấu chỉ Thiên Chúa gởi đến. Tất nhiên đọc dấu chỉ thì ở mỗi người mỗi khác nhau tùy hợp với khát vọng và đời sống của mình. Có thể tôi đọc được ý nghĩa về sự công minh; cũng có thể là lòng yêu thương; sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo; tôn trọng quyền con người; tôn trọng luật lệ giao thông... Chẳng phải mỗi lần tôi hoặc bạn chứng kiến một tai nạn giao thông, chúng ta lại giật mình tự nhắc mình sẽ đi đứng an toàn hơn, chậm rãi hơn hay sao. Ðó chính là cách đọc dấu chỉ thời đại của chúng ta đấy. Và đó cũng chính là bài học của Thiên Chúa dành cho con người mà Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ.

Tóm lại, cho dù tràng giang đại hải những điều đã viết trên, nhưng cho rằng đã lí giải được ý của Thiên Chúa trong sự kiện này thì quả là: những lời thiếu hiểu biết làm sai lạc ý đồ Thiên Chúa (x. Job 38,2). Ðối diện trước các vấn đề về đau khổ và sự dữ, không gì tốt hơn, không dư luận nào đúng đắn hơn bằng chính giáo lí của Giáo Hội. Ðó là, biết Thiên Chúa là Ðấng sáng tạo mọi sự tốt lành, sự dữ không do nơi Ngài. Thiên Chúa là Ðấng rất mực khoan dung, "Ngài chậm giận, giận trong giây lát. Nhưng yêu thương, thương suốt cả đời". Nên chúng ta không được tuyệt vọng trước sự dữ và quy gán sự dữ cho Thiên Chúa. Trái lại, ta phải noi gương Chúa Giêsu Kitô để cùng với Người chống lại sự dữ dưới mọi hình thức. Cố gắng sống và làm nhiều việc lành, tốt đẹp để kiến tạo dần dần mọi sự nên tốt đẹp và tin tưởng rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người (x. Rm 8,28).

 

Joseph Vũ Khương

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page