Những Huấn Ðức của Ðức Thánh Cha
vào trưa Chúa Nhật II Mùa Chay
về sự cần thiết của Cầu Nguyện
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Những Huấn Ðức của Ðức Thánh Cha vào trưa Chúa Nhật II Mùa Chay ngày 4 tháng 3 năm 2007, về sự cần thiết của Cầu Nguyện.
(Radio Veritas Asia 5/03/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Trưa Chúa Nhật, mùng 4 tháng 3 năm 2007, Chúa Nhật II Mùa Chay, trước khi xướng kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, Roma, ÐTC Bênêđitô XVI đã nói vài lời giải thích bài Phúc Âm của Chúa Nhật II Mùa Chay, về biến cố Chúa biến hình. ÐTC lưu ý biến cố biến hình xảy ra trong khung cảnh Chúa lên núi cầu nguyện. Từ đó, ÐTC nhắc đến sự cần thiết của việc cầu nguyện. ÐTC đã nói như sau:
Anh chị em thân mến,
Trong Thánh Lễ Chúa Nhật II Mùa Chay, thánh sử Luca nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu lên núi để cầu nguyện (Lc 9,8), cùng với các Tông Ðồ Phêrô, Giacôbê và Gioan; và trong khi Chúa cầu nguyện (9,29), được chứng thật mầu nhiệm vinh sáng của biến cố biến hình. Do đó, đối với ba tông đồ, việc lên núi có nghĩa là được liên hệ trong việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, Ðấng thường có thói quen rút lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện, nhất là vào sáng sớm và lúc chiều tối, và đôi khi suốt cả đêm. Và chỉ trong lần đó, trên núi, Chúa muốn biểu lộ cho ba tông đồ thấy ánh sáng nội tâm tràn đầy nơi Chúa trong lúc cầu nguyện; chúng ta đọc trong Phúc âm rằng dung mạo Chúa chiếu sáng và y phục Chúa chiếu toả ánh quang Thiên Chúa của Ngôi Lời Nhập Thể (x. Lc 9,29).
Còn có một chi tiết khác nữa, riêng biệt của Thánh Sử Luca, đáng được nhấn mạnh: đó là đề tài của cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu và hai vị Môisen và Tiên Tri Elia, xuất hiện bên cạnh Chúa biến hình, (đề tài của cuộc đàm đạo) được nêu ra. Thánh sử Luca kể rằng các ngài nói về cuộc ra đi của Chúa Giêsu. Tiếng hy lạp được dùng để chỉ cuộc ra đi của Chúa là Exodos. Và cuộc ra đi này được Chúa hoàn thành tại Giêrusalem (9,31). Như thế, Chúa Giêsu lắng nghe Lề Luật và các Tiên Tri nói về cái chết và sự sống lại của Chúa. Trong cuộc đối thoại thân tình với Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu không bước ra khỏi lịch sử, không trốn chạy khỏi sứ mạng mà vì đó Chúa đã đến trong thế gian, cả khi Chúa biết rõ rằng để đến được với vinh quang, thì Chúa phải đi qua Thập Giá. Như thế, Chúa Kitô bước vào một cách sâu xa nhất trong sứ mạng đã lãnh nhận, bằng cách gắn bó hết sức mình vào thánh ý của Thiên Chúa Cha, và chỉ cho chúng ta biết rằng lời cầu nguyện đích thật hệ tại trong chính việc hiệp nhất ý muốn của chúng ta với thánh ý của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đối với người kitô, cầu nguyện không phải là trốn thoát khỏi thực tại và khỏi những trách nhiệm, nhưng hệ tại trong việc lãnh lấy trách nhiệm cho đến cùng, vừa tin tưởng phó thác vào tình thương trung thành và không bao giờ cạn của Chúa. Vì thế, việc kiểm chứng về biến cố biến hình, là việc Chúa hấp hối trong vườn cây dầu (x. Lc 22,39-46). Ðây xem ra như là việc nghịch lý. Trong lúc sắp đến cuộc thương khó, Chúa Giêsu cảm nghiệm nỗi lo âu to lớn, và phó thác cho thánh ý Thiên Chúa; trong giây phút đó, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là sự bảo đảm ơn cứu rỗi cho tất cả chúng ta. Thật vậy, Chúa Kitô khẩn xin Thiên Chúa Cha trên trời "cứu Ngài khỏi chết" và, --- như tác giả thư do thái đã viết, --- "được nhậm lời do bởi lòng đạo đức của Chúa" (dt 5,7). Sự phục sinh của Chúa là bằng chứng cho sự nhậm lời này.
Anh chị em thân mến, cầu nguyện không phải là việc phụ thuộc, không phải là việc tuỳ ý, nhưng là vấn đề sống chết. Chỉ ai cầu nguyện, nghĩa là chỉ ai sống phó thác cho Thiên Chúa với tình yêu con thảo, thì mới có thể bước vào trong sự sống đời đời, là chính Thiên Chúa. Trong thời gian mùa chay này, chúng ta hãy xin Mẹ Maria, Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể và là Thầy dạy của đời sống thiêng liêng, dạy chúng ta biết cầu nguyện như Con Mẹ đã làm, ngỏ hầu cuộc đời chúng ta được biến đổi bởi ánh sáng của sự hiện diện của Chúa.
Sau đó, sau lời kinh Truyền Tin và Phép Lành Toà Thánh, ÐTC cám ơn tất cả những ai đã cầu nguyện cho ngài trong những ngày Linh Thao vừa qua, và khuyến khích tất cả mọi tín hữu , trong thời gian Mùa Chay này, hãy đi tìm sự thinh lặng và hồi tâm, để dành ra nhiều khoảng rộng cho việc cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa.
ÐTC cũng đã nhắc rằng vào thứ Bảy, mùng 10 tháng 3 năm 2007, lúc 16 giờ, tại Ðại Thính Ðường Phaolô VI, ngài sẽ chủ sự buổi canh thức cầu nguyện dành cho các sinh viên đại học tại Roma. Nhờ qua liên lạc vô truyến và truyền hình, nhiều sinh viên của các quốc gia khác từ âu châu và á châu cũng sẽ tham dự vào buổi canh thức này với các sinh viên Roma. ÐTC nói tiếp như sau: "Chúng ta sẽ xin Mẹ Maria, ngai toà của sự khôn ngoan, khẩn xin Chúa sai đi những chứng nhân cho sự thật Tin Mừng, để xây dựng nền văn minh tình thương tại hai đại lục Âu-Á này, và trên toàn thế giới.
Bằng tiếng Pháp, ÐTC cầu chúc như sau: "Ước gì mùa chay này trở nên cho mỗi người trong anh chị em một thời thuận tiện để khám phá sự hiện diện của Chúa Kitô trong đời sống và để lắng nghe Lời Chúa. Chính Chúa là ánh sáng soi chiếu cho đường đời chúng ta. Vậy chúng ta hãy để cho Chúa hướng dẫn, để rồi đến phiên mình, chúng ta được biến đổi bởi vinh quang của Thiên Chúa Cha."
Bằng tiếng BaLan, ÐTC đã khuyến khích như sau: "Hôm nay, Phụng Vụ Lời Chúa mang đến cho chúng ta một mệnh lệnh đặc biệt như sau: Ðây là Con Ta, là Ðấng Ta yêu thương tuyển chọn, hãy lắng nghe Lời Người!" (Lc 9,35). Ðể cảm nhận Chúa Giêsu, chúng ta cần lắng nghe Người với hết con tim, với hết linh hồn và với hết sức mạnh. Ước gì việc hãm mình đền tội mùa chay, việc linh thao, và việc kiểm điểm đời sống, giúp chúng ta gặp lại Chúa Giêsu. Và đây là con đường để canh tân tinh thần và thay đổi con tim."
Quý vị và các bạn thân mến. Vừa rồi là những huấn đức của ÐTC Bênêđitô XVI trước khi xướng kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật ngày 4 tháng 3 năm 2007, Chúa nhật II Mùa Chay. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.
(Ðặng Thế Dũng)