Phái đoàn Toà Thánh viếng thăm Việt Nam

để thảo luận lộ trình bình thường hoá quan hệ

và các hoạt động của Giáo hội Công giáo

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Phái đoàn Toà Thánh viếng thăm Việt Nam để thảo luận lộ trình bình thường hoá quan hệ và các hoạt động của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

Bài của Gerard O'Connell, Ðặc phái viên tại Rôma

Thành Phố Vatican (UCAN - ZY02020.1434 Ngày 28-2-2007) -- Một phái đoàn Toà Thánh sẽ thăm Việt Nam vào đầu tháng Ba (2007) để thảo luận lộ trình bình thường hoá quan hệ và các vấn đề quan trọng khác về hoạt động của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.

Ðức ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao Toà Thánh, dẫn đầu phái đoàn dự kiến sẽ đến Hà Nội ngày 5-3-2007 và lưu lại một tuần.

Ðức ông Luis Mariano Montemayor của Văn phòng Quốc vụ khanh Toà Thánh và Ðức ông Barnabe Nguyễn Văn Phương của Bộ Truyền giáo sẽ tháp tùng Ðức ông Parolin.

Phái đoàn dự kiến sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao Việt Nam, trong đó có các giới chức trong Bộ Ngoại giao và Ban Tôn giáo, để thảo luận các vấn đề liên quan đến khoảng sáu triệu người Công giáo Việt Nam.

Trong các chuyến viếng thăm thế này, phái đoàn Toà Thánh thường đề cử danh sách các ứng viên giám mục cho các giáo phận còn trống toà. Việt Nam hiện có ba giáo phận trống toà là: Bắc Ninh, Ban Mê Thuột và Lạng Sơn.

Theo thoả thuận giữa Vatican và Việt Nam, ứng viên được Toà Thánh chỉ định được bổ nhiệm nếu chính phủ chấp thuận. Nếu ứng viên đó bị từ chối, thì một người khác sẽ được đề cử. Trong thực tế, Ðức Giáo hoàng bổ nhiệm tân giám mục và chính phủ Việt Nam công bố "nihil obstat". Các nhân viên kiểm duyệt của Giáo hội thường dùng cụm từ Latin này, có nghĩa là "không gì ngăn trở", để cho phép phát hành sách.

Năm 1989, Ðức Hồng y Roger Etchegaray, lúc đó đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình và Hội đồng Giáo hoàng "Cor Unum", đã thăm viếng mục vụ Việt Nam. Ngài là viên chức Vatican đầu tiên đến Việt Nam từ khi cộng sản lên nắm quyền vào ngày 30-4-1975.

Sau đó phái đoàn Toà Thánh đã có chuyến thăm "chính thức" đầu tiên vào năm 1990, và chuyến thăm sắp tới đây sẽ là chuyến thăm lần thứ 14. Ðây sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai bên kể từ ngày 25-1-2007, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam viếng thăm Ðức Giáo hoàng từ khi Cộng sản lên nắm quyền.

Sau khi nói chuyện riêng với Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI, ông Dũng tiếp tục gặp gỡ Ðức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Toà Thánh, và Ðức Tổng Giám mục Dominique Mamberti, Ngoại trưởng.

Cũng trong ngày hôm đó, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin: "Ðức Hồng y Bertone đã đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Vatican và Việt Nam, vốn được Thủ tướng Dũng chấp nhận và đã đề nghị cơ quan ngoại giao hai bên thảo luận cụ thể hơn vấn đề này".

Chương trình nghị sự cho cuộc gặp gỡ sắp tới ở Hà Nội không được công bố, nhưng có thể sẽ có thảo luận về tiến trình phác thảo các bước cần thiết để bình thường hoá quan hệ ngoại giao và thời gian đạt mục tiêu này.

Các nguồn tin ở Vatican cho UCA News biết, Toà Thánh sẵn sàng và quyết tâm thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam, như đã làm với 176 quốc gia khác. Một nguồn tin khẳng định: "Tuỳ thuộc Việt Nam quyết định".

Cũng nguồn tin này, yêu cầu giấu tên, cho biết việc Toà Thánh có thiện chí phát triển quan hệ như thế cho thấy Giáo hội Công giáo ở Việt Nam hiện đang hưởng một mức tự do tôn giáo có thể chấp nhận được, cho dù là hoạt động của Giáo hội vẫn còn bị kiểm soát. Tuy nhiên, Toà Thánh hy vọng sự kiểm soát đó sẽ được nới lỏng theo thời gian và cuối cùng sẽ không còn nữa.

Ngoài thảo luận các vấn đề này, phái đoàn sẽ gặp gỡ các đại diện của Hội đồng Giám mục Việt Nam và hy vọng sẽ viếng thăm một số giáo phận, như trong các lần viếng thăm trước. Phái đoàn sẽ trở về Rôma vào ngày 12-3-2007.

 

UCAN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page