Vài Gợi Ý Suy Niệm
trong Tuần Cấm Phòng của ÐTC
và Giáo Triều tại Vatican (Bài 1)
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Vài Gợi Ý Suy Niệm trong Tuần Cấm Phòng của ÐTC Beneđitô XVI và Giáo Triều tại Vatican (Bài 1).
(Radio Veritas Asia 28/02/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Như đã loan tin, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI và những cộng sự viên của ngài đã bắt đầu tuần cấm phòng, từ chiều Chúa Nhật, ngày 25 tháng 2 năm 2007, Chúa Nhật I Mùa Chay. Vị giảng phòng là Ðức Hồng Y Giacômô Biffi, cựu Tổng Giám Mục Bologna; ngài trình bày những gợi ý suy niệm theo chủ đề chính là câu kinh thánh trích từ thư Colossê, chương 3, câu 1-2, như sau:
"Anh em đã được chỗi dậy cùng với Chúa Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Chúa Kitô nơi Thiên Chúa."
Ðây là lần thứ hai Ðức Hồng Y Biffi được trao cho trách nhiệm hướng dẫn những suy niệm tuần phòng Mùa Chay tại Vatican. Lần thứ nhất, là vào năm 1989, cho Ðức Gioan Phaolô II và những cộng sự viên của ngài. Tuần phòng Mùa Chay này gồm năm ngày trọn, từ chiều Chúa nhật 25 tháng 2 năm 2007, cho đến sáng thứ Bảy mùng 3 tháng 3 năm 2007. Ngoài các sinh hoạt phụng vụ, như Thánh Lễ, Phụng Vụ Giờ Kinh, mỗi ngày cấm phòng còn có hai lần gợi ý suy niệm, vào buổi sáng và chiều, và giờ chầu thánh thể cũng vào giờ chiều mỗi ngày.
Trong mục thời sự tuần này, chúng tôi sẽ gởi đến quý vị và các bạn tóm lược những gợi ý suy niệm trong ngày, để chúng ta được dịp hiệp ý hiệp lòng cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha và những cộng sự viên của ngài.
Theo bản tường thuật của Ðài Phát thanh Vatican vào sáng thứ Hai, 26 tháng 2 năm 2007, thì đề tài đầu tiên đã được Ðức Hồng Y Biffi trình bày, là đề tài nói về tội lỗi và sự chết.
Ðức Hồng Y đã nhận định rằng con người ngày nay đã đánh mất ý thức về tội lỗi, và như thế con người không còn biết đến sự ăn năn hối lỗi là gì nữa.
Ðức Hồng Y cũng đã nói đến đề tài về sự chết, dựa vào câu xướng trong nghi thức xức tro: "Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro, và sẽ trở thành bụi tro". Trong một thế giới không còn nhìn nhận thế giới vô hình nữa, thì sự chết là một thất bại. Và một cuộc sống không có Thiên Chúa, thì giống như một ngọn lửa rơm, chỉ bừng lên rồi tàn, và chỉ còn lại một chút tro mà thôi. Hiện tượng càng ngày càng có nhiều cuộc tự tử, nhất là cuộc tự tử của người trẻ sau khi đã vui chơi hưởng thụ tại các phòng trà, là dấu chỉ bi thảm cho thấy càng ngày càng gia tăng những cuộc sống đã bị mất ý nghĩa. Khi tách rời khỏi Chúa Kitô, thì xã hội sẽ bị mất đi tính cách nhân bản của nó. Mọi lý thuyết và hoạt động nhắm phát triển con người, mà tách rời ra khỏi sự hiểu biết về Chúa Kitô, hoặc được "hoạch định" nghịch lại với đức tin kitô, thì chắc chắn sẽ dẫn đến một xã hội "vô nhân". Ðó là bài học đau buồn mà chúng ta có thể rút ra từ thế kỷ thứ XX vừa qua.
Tuy nhiên, Ðức Hồng Y Biffi không chia sẻ một thái độ bi quan. Ngược lại, ngài muốn khơi động cố gắng hướng về Chúa Kitô, khi nhận định rằng: "Mọi người, kể cả kẻ sống xa cách với Phúc Âm Chúa nhất, đều đã được Chúa Kitô nghĩ đến và yêu thương muốn cho người đó được sống một cách có ý nghĩa. Ðức Hồng Y nhắc lại rằng con người cần hiểu rằng các giá trị, bất cứ chúng xuất hiện nơi đâu, đều đến từ Chúa Kitô. Chỉ trong sự quy hướng về trung tâm duy nhất và phổ quát là Chúa Kitô, mà con người có thể vượt qua được sự xung khắc giữa căn cước kitô và ước muốn mở rộng đón nhận tất cả mọi sự. Trong kitô giáo, không có mệnh lệnh "yêu thương kẻ tin Chúa", nhưng là mệnh lệnh "yêu thương người lân cận", bởi vì người đó là hình ảnh của Chúa Kitô. Mọi giá trị đích thực, tự nó đều là giá trị kitô, và do đó cần được tôn trọng, tại bất cứ nơi nào giá trị đó có mặt: chẳng hạn như trong nghệ thuật, trong công cuộc nghiên cứu, trong suy niệm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ trong mục thời sự lần tới.
(Ðặng Thế Dũng)