Những Huấn Ðức của ÐTC Beneđitô XVI

về Ý Nghĩa của Mùa Chay

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những Huấn Ðức của ÐTC Beneđitô XVI về Ý Nghĩa của Mùa Chay.

(Radio Veritas Asia 22/02/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Sáng Thứ Tư Lễ Tro, ngày 21 tháng 2 năm 2007, vẫn có buổi tiếp kiến chung như thường lệ, nhưng được tổ chức tại hai địa điểm, vì số lượng tín hữu và khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung quá đông, vựợt quá sức chứa của Ðại Thính Ðường Phaolô VI.

Trước hết, là vào lúc 10 giờ 30 phút, ÐTC Beneđitô XVI gặp các tín hữu và nhất là các bạn sinh viên Italia, bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô. Sau đó, ÐTC tiếp các tín hữu và khách hành hương trong Ðại Thính Ðường Phaolô VI, nội thành Vatican.

Ngỏ lời vắn tắt với các bạn sinh viên và các tín hữu trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, ÐTC đã nói như sau:

 

Anh chị em thân mến, tôi vui mừng đón tiếp anh chị em và gởi lời chào thân ái đến mỗi người anh chị em, nhất là các bạn sinh viên. Hôm nay, bắt đầu Mùa Chay, thời gian phụng vụ cao điểm để cầu nguyện, để ăn năn đền tội và dấn thân phục vụ anh chị em. Ðây là thời gian sống với cái nhìn luôn gắn chặt vào Chúa Giêsu, đấng đang tiến đến cái chết và sự sống lại.

Các bạn trẻ thân mến, chúng con hãy lắng nghe dường như thể Chúa Kitô mời gọi đích thân mỗi người chúng con. Chúng con hãy quảng đại tiếp đón Chúa. Khi trung thành đi trên con đường mùa chay, chúng con sẽ có thể ý thức về những nguy cơ mà đời sống thiêng liêng chúng con có thể gặp phải, và chúng con sẽ được khuyến khích hãy vui vẻ thực hiện ơn gọi kitô chúng con. Bên cạnh chúng con có Mẹ Maria, người nữ của Hy vọng, Ðấng nâng đỡ và hướng dẫn chúng con với sự dịu dàng hiền mẫu, trong thời gian 40 ngày dẫn chúng ta đến lễ Phục Sinh. Với sự trợ giúp của Mẹ, và với tâm hồn đã được canh tân, chúng con có thể cử hành mầu nhiệm cao cả Vượt Qua, biến cố trung tâm của ơn cứu rỗi, và là sự mạc khải tột cùng của tình yêu nhân từ của Thiên Chúa. Xin chúc tất cả một Mùa Chay an lành.

 

Sau đó ÐTC đến Ðại Thính Ðường Phaolô VI, để tiếp kiến số lượng đông hơn các tín hữu và khách hành hương. Tại đây, ÐTC đã đọc bài huấn đức chính về ý nghĩa của mùa chay vừa được bắt đầu, như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Thứ tư Lễ Tro mà chúng ta cử hành hôm nay, --- (tức thứ Tư, ngày 21 tháng 2 năm 2007) --- là một ngày đặc biệt cho những người kitô chúng ta, một ngày được ghi dấu bởi tinh thần nghiêm chỉnh thinh lặng và suy tư. Thật vậy, chúng ta bắt đầu cuộc hành trình Mùa Chay, gồm có việc lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện và làm việc đền tội. Mùa Chay kéo dài 40 ngày, trong đó phụng vụ sẽ giúp chúng ta sống lại những giai đoạn nổi bật của mầu nhiệm cứu rỗi. Như chúng ta biết, con người đã được tạo dựng, để trở nên bạn hữu của Thiên Chúa. Nhưng tội lỗi của những nguyên tổ loài người đã bẻ gảy mối tương quan tin tưởng và yêu thương này, và do đó, đã làm cho nhân loại không còn khả năng thực hiện ơn gọi nguyên thủy của mình nữa. Tuy nhiên, nhờ vào hy tế cứu rỗi của Chúa Kitô, chúng ta đã được chuộc lại khỏi quyền lực sự dữ; thánh tông đồ Gioan đã viết như sau: "Chúa Kitô đã trở nên nạn nhân đền bù cho những tội lỗi chúng ta (x. 1 Gioan 2,2). Và Thánh Phêrô nói thêm như sau: "Chúa đã chết một lần thay cho tất cả, vì những tội lỗi chúng ta (x. 1 Phero 3,18). Chết trong Chúa Kitô cho tội lỗi, kẻ lãnh nhận bí tích rửa tội được tái sinh vào đời sống mới, được thiết lập lại một cách nhưng không trong phẩm vị làm con cái Thiên Chúa. Vì thế, trong cộng đoàn kitô tiên khởi, bí tích rửa tội đã được xem như là "việc phục sinh đầu tiên" (x. KH 20,5; Roma 6, 1-11; Gv 5,25-28). Ngay từ đầu, Mùa Chay được sống như là thời gian của việc chuẩn bị liền ngay cho bí tích Rửa Tội, là bí tích được trao ban cách long trọng trong Ðêm Canh Thức Vọng Phục Sinh. Trọn cả Mùa Chay luôn là con đường dẫn đến cuộc gặp gỡ vĩ đại với Chúa Kitô, dẫn đến cuộc hoà nhập vào trong Chúa Kitô, dẫn đến cuộc canh tân đời sống. Chúng ta đã được Rửa Tội, nhưng bí tích Rửa Tội thường thì không hữu hiệu bao nhiêu trong cuộc sống chúng ta hằng ngày. Vì thế, cả cho chúng ta nữa, Mùa Chay là "thời gian dự tòng" mới, trong đó chúng ta đến gặp lại bí tích Rửa Tội của chúng ta, để khám phá lại bí tích này và sống bí tích này một lần nữa, một cách sâu xa, để "trở thành kitô một lần nữa", nhờ qua tiến trình kiên trì thay đổi nội tâm và tiến thêm trong việc hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô. Sự trở lại không bao giờ chỉ được thực hiện một lần là đủ, nhưng đây là một tiến trình, một cuộc hành trình nội tâm của trọn cả cuộc đời chúng ta. Con đường ăn năn trở lại này theo tinh thần phúc âm, chắc hẳn không thể nào được giới hạn trong một khoảng thời gian đặc biệt nào đó của năm: đây là cuộc hành trình mỗi ngày, một cuộc hành trình ôm trọn cả khoảng đời chúng ta sống, ôm trọn mọi ngày của đời sống chúng ta. Trong cái nhìn này, đối với từng người kitô cũng như đối với tất cả mọi cộng đoàn giáo hội, Mùa chay là thời gian thiêng liêng, thuận lợi cho việc luyện tập mình kiên trì nhiều hơn đi tìm Thiên Chúa, qua việc mở rộng tâm hồn cho Chúa Kitô. Có lần thánh Agostinô đã nói rằng đời sống chúng ta là cuộc luyện tập duy nhất của ước muốn đến gần với Thiên Chúa, ước muốn trở nên có khả năng để cho Thiên Chúa bước vào trong hữu thể chúng ta. Thánh nhân đã nói như sau: "Trọn cuộc đời của một người kitô sốt sắng, là một ước ao sống thánh thiện". Nếu là như thế, trong Mùa Chay, chúng ta được khuyến khích nhiều hơn nữa, hãy bứng "những gốc rễ của sự khoe khoang ra khỏi những ước muốn của chúng ta, để huấn luyện con tim biết ao ước, hay đúng hơn biết yêu thương Thiên Chúa. Thánh Agostinô thường nói rằng: "Thiên Chúa, --- chỉ có hai từ "Thiên Chúa" --- đó là tất cả những gì chúng ta mong ước." (x. Tract. In John., 4) Và chúng ta hy vọng rằng chúng ta bắt đầu thật sự mong muốn Thiên Chúa, và như thế muốn có được sự sống đích thực, tình yêu thương và sự thật.

Lời giảng huấn của Chúa Giêsu, như được thánh sử Marcô thuật lại, nay vang đến tai chúng ta như điều hợp thời hơn bao giờ hết; đó là những lời như sau: "Hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng" (x. Mc 1,15). Ước ao chân thành muốn gặp gỡ với Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta đến việc từ bỏ điều xấu và hoàn thành điều thiện. Việc trở lại này của con tim, trước hết, là "hồng ân nhưng không" của Thiên Chúa, Ðấng đã tạo dựng chúng ta hướng về Ngài và đã cứu chuộc chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô; Hạnh phúc thật sự của chúng ta hệ tại trong việc ở lại trong Người (x. Gn 15,3). Vì lý do này, chính Chúa ban ơn trước để thôi thúc lòng ao ước của chúng ta và đồng hành với những cố gắng ăn năn trở lại của chúng ta. Ăn năn trở lại, thử hỏi điều nầy có nghĩa gì? Ăn năn trở lại có nghĩa là đi tìm Thiên Chúa, là hành trình với Chúa, là ngoan ngoãn tuân theo những giáo huấn của Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô. Ăn năn trở lại không phải là một cố gắng để "tự thực hiện" chính mình, bởi vì con người không phải là kẻ kiến thiết vận mệnh đời đời của riêng mình. Không phải chúng ta là những kẻ kiến tạo đời mình. Vì thế, việc "tự thực hiện chính mình" là một điều mâu thuẫn, và là điều quá ít đối với chúng ta. Chúng ta có một vận mệnh cao cả hơn. Chúng ta có thể nói rằng sự ăn năn trở lại, hệ tại chính trong việc không kể mình như là "đấng tạo hoá" tạo dưng chính mình; như thế sự ăn năn trở lại hệ tại ở việc khám phá sự thật, bởi vì chúng ta không phải là "tác giả" của chính mình. Sự ăn năn trở lại hệ tại trong việc chấp nhận mình, một cách tự do và đầy yêu thương, như là kẻ, trong tất cà mọi sự, tuỳ thuộc vào Thiên Chúa, Ðấng Tạo Dựng đích thật; ăn năn trở lại là chấp nhận mình tùy thuôc vào tình thương. Sự tùy thuộc này, thật ra, không phải là tuỳ thuộc, mà là tự do. Ăn năn trở lại bấy giờ có nghĩa là không mưu tìm sự thành công riêng cho cá nhân, --- đây là điều chóng qua, ----, nhưng là bỏ đi mọi an toàn trên bình diện con người, mà theo Chúa với tâm hồn đơn sơ và tín thác, ngõ hầu Chúa Giêsu trở nên, cho mỗi người chúng ta, "Ðấng là tất cả của tôi trong tất cả mọi sự", như chân phước Têresa Calcutta thường lặp đi lặp lại. Ai để cho mình được Ngài chiếm hữu, thì không còn sợ thiệt mất mạng sống mình, bởi vì trên Thập Giá, Chúa đã yêu thương chúng ta và đã hiến thân mình cho chúng ta. Và chính khi chịu mất mạng sống mình vì tình yêu, chúng ta gặp lại được sự sống.

Tôi đã muốn nhấn mạnh đến tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với chúng ta, trong sứ điệp Mùa Chay được công bố cách đây vài ngày, ngõ hầu những người kitô của mọi cộng đoàn có thể dừng lại cách thiêng liêng, trong thời gian Mùa Chay này, cùng với Mẹ và thánh Gioan, người môn đệ được Chúa yêu thương, (dừng lại) bên cạnh Ðấng đã hoàn tất hy tế mạng sống mình trên thập giá cho nhân loại (x. Gn 19,25). Vâng, thưa anh chị em thân mến, Thập giá là mạc khải quyết định cho tình yêu và sự nhân từ của Thiên Chúa đối với chúng ta, những con người nam nữ của thời đại hôm nay, thường quá bị lo ra bởi những lo lắng và những lợi lộc trần tục và chóng qua. Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu của Ngài là bí quyết cho hạnh phúc của chúng ta. Tuy nhiên, để bước vào trong mầu nhiệm tình yêu này, không có con đường nào khác ngoài con đường chịu mất mạng sống mình, con đường hiến thân, con đường thập giá. Chúa phán: "Nếu ai muốn theo Ta, thì hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá và theo Ta." (Mc 8,34). Ðó là lý do tại sao phụng vụ mùa chay, trong khi mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ và cầu nguyện, thì khuyến khích chúng ta hãy đánh giá cao việc ăn năn đền tội và hy sinh, để chối từ tội lỗi và sự dữ, để chiến thắng sự ích kỷ và sự lãnh đạm. Cầu nguyện, ăn chay và ăn năn đền tội, những hành động bác ái đối với anh chị em, tất cả trở nên những con đường thiêng liêng cần đi qua, để thực hiện cuộc trở về cùng Thiên Chúa, đáp lại những lời mời gọi liên lỉ hãy ăn năn trở lại của phụng vụ thứ Tư lễ tro hôm nay (x. Joel 2, 12-13; Mt 6, 6-18). Anh chị em thân mến, ước chi thời gian mùa chay, --- mà hôm nay chúng ta bước vào bằng nghi thức khắc khổ và có ý nghĩa của việc xức tro, --- làm cho chúng ta "tái kinh nghiệm" về tình yêu nhân từ của Chúa Kitô, Ðấng đã đổ máu mình ra trên thập giá vì chúng ta. Chúng ta hãy ngoan ngoãn bước vào trường học của thập giá, ngõ hầu, đến phiên mình, chúng ta học biết "trao ban lại" tình thương của Chúa cho người lân cận, một cách đặc biệt cho tất cả những ai đau khổ và gặp khó khăn. Ðó là sứ mạng của mọi môn đệ Chúa Kitô; nhưng để chu toàn sứ mệnh này, thì cần lắng nghe Lời Chúa và kiên trì nuôi dưỡng mình bằng Mình và Máu Thánh Chúa. Ước gì con đường mùa chay, ---- mà trong giáo hội thời cổ là con đường dẫn đến sự khai tâm kitô, đến bí tích rửa tội và bí tích Thánh Thể, ---- trở nên cho chúng ta, những kẻ đã chịu Phép Rửa Tội, một "thời gian thánh thể" trong đó chúng ta tham dự một cách sốt sắng hơn vào hy tế Thánh Thể. Nguyện xin Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, --- Ðấng sau khi đã tham dự vào cuộc thương khó của Con Mẹ, đã cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh, --- (xin Mẹ) đồng hành với chúng ta trong Mùa Chay này, trên đường tiến đến Mầu Nhiệm Phục Sinh, mạc khải tột cùng của tình yêu Thiên Chúa.

Xin chúc tất cả mùa chay lành thánh.

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page