Hãy để Giáo hội Á Châu tương lai

tái truyền giáo cho chúng ta

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Hãy để Giáo hội Á Châu tương lai tái truyền giáo cho chúng ta.

Chuyên mục UCAN "Giáo hội hoạt động tại Á châu" của Hector Welgampola

Brisbane, Úc (UCAN - AS01955.1432 Ngày 15-2-2007) - Trong khi các cuộc thi sắc đẹp bắt đầu nhìn sâu hơn để đánh giá cái đẹp thực sự, một liên hoan thời trang gần đây ở Milan yêu cầu thay đổi tâm điểm từ hình dáng và cơ bắp sang sức mạnh tinh thần.

Nhà thiết kế nổi tiếng Donatelle Versace khen ngợi sự khổ hạnh tao nhã của linh mục người Ðức George Gaenswein, thư ký riêng của Ðức Thánh cha Bênêđictô XVI. Theo các phương tiện truyền thông đại chúng, bà Versace khen ngợi vị linh mục vì sự tao nhã giản dị về "phẩm chất nội tâm". Bà ca ngợi "các cơ bắp tâm hồn".

Thế giới thời trang không phải là điều duy nhất mà nhà tạo mẫu hàng đầu này giới thiệu như là sức sống "đạo đức và tinh thần" của giới trẻ hiện nay.

Thật vậy, những người lớn tuổi lỗi thời như tôi xem họ là những người tân thời vụng về bị ám ảnh bởi việc chè chén say sưa và nốc rượu cồn và cacbon điôxýt đặc. Nhưng ngày nay, ngày càng nhiều người trẻ tìm kiếm ý nghĩa sống ngoài chủ nghĩa tiêu thụ hay văn hoá đồng tiền. Văn hoá thanh niên được hướng tới một lối sống đạo đức làm chứng nhân.

Phục sinh vừa qua chẳng hạn, Nhóm Giới trẻ Công giáo ở thành phố Saigòn bắt đầu kế hoạch dạy đọc viết cho trẻ em nông thôn. Họ còn giúp giáo lý viên thông hiểu giới trẻ.

Hồi tháng 10, giới trẻ ở Manila tham gia thúc đẩy các thừa tác viên giới trẻ xây dựng các cộng đoàn đức tin trong các làng đại học, và chủ tịch một hội Giới trẻ Công giáo ở miền đông Indonesia đã thúc giục Giáo hội và chính quyền địa phương tạo cơ hội việc làm cho giới trẻ, đặc biệt là phụ nữ.

Một phụ nữ Hồng Kông trẻ tuổi có cảm hứng qua phục vụ trong một phong trào sinh viên Công giáo quốc tế. Chị viết: "Mặc dù tôi vào đại học với cái nhìn trống rỗng, đời sinh viên của tôi phong phú kiến thức nhờ quá trình đào tạo và lo lắng trước thực trạng của châu Á. Nay tôi đang rời khỏi nhóm mang theo tình cảm sinh viên và dấn thân hơn để biến đổi xã hội".

Một nhà báo Ấn Ðộ trẻ tuổi cho biết, cũng phong trào này mang lại cho anh một quan điểm mới. Một người bạn gọi cách anh thay đổi bằng những lời sáo rỗng là "đổi từ tư bản chủ nghĩa sang xã hội chủ nghĩa", nhưng nhà báo này nói: "Tôi thành nhân hơn trong phương pháp tiếp cận thế giới của tôi".

Ðáng khâm phục là tinh thần chủ nghĩa nhân đạo tác động nhanh cổ vũ giới trẻ trong các giáo xứ và trong các phong trào học sinh, sinh viên, người lao động hay các nhà chuyên môn Công giáo. Một số người lớn tuổi có thể không tán thành chủ nghĩa lý tưởng trẻ trung của họ. Tuy nhiên, các bạn trẻ này háo hức sống đức tin và dấn thân xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Thậm chí kế hoạch của một số nhóm giới trẻ Á châu trong năm 2007 phản ánh mối quan ngại giống như Chúa Giêsu về môi trường của họ. Dù nỗ lực của họ nhỏ đi nữa, Giáo hội cũng sẽ để ý tất cả đều là những phần tạo nên bức tranh ghép kính màu dựa trên Tin Mừng.

Trong những năm trước đây, một số lãnh đạo Giáo hội hoan nghênh những nỗ lực tông đồ như thế với sự khôn ngoan tiên tri. Cách đây sáu thập niên, Ðức Tổng Giám mục Angelo Roncalli (sau này là Ðức Giáo hoàng Gioan XXIII) và Ðức ông Batista Montini (sau này là Ðức Giáo hoàng Phaolô VI) đã ủng hộ phong trào trí tuệ của Pháp là Renouveau Catholique (phục hồi Công giáo).

Năm 1969, Ðức Hồng y người Ba Lan Karol Wojtyla (sau này là Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II) đã giúp Sacrosong, một phong trào thanh nhạc giới trẻ, và gọi phong trào này là "cách diễn tả Tin Mừng kiểu mới". Cũng tính cởi mở với những cách diễn tả mới như thế đã thôi thúc Ðức cố Giáo hoàng phát động Ngày Giới trẻ Thế giới năm 1986.

Ngài viết trong cuốn Qua Ngưỡng cửa Hy vọng của ngài năm 1994: "Bất kỳ khi nào tôi gặp các bạn trẻ trong những chuyến tông du khắp thế giới, trước hết tôi chờ nghe những điều họ muốn nói với tôi về bản thân họ, xã hội và Giáo hội của họ. Và tôi luôn nói: Những điều cha sắp nói với các con không quan trọng bằng những điều các con sắp nói với cha. Các con không nhất thiết phải nói với cha bằng lời; các con sẽ nói với cha bằng sự hiện diện của mình, bằng bài hát, có thể bằng một vũ điệu, bằng những vở kịch ngắn, và cuối cùng là bằng nhiệt huyết của mình".

Nhiệt huyết của giới trẻ có thể khác nhau về hình thức và cách thể hiện. Tuy nhiên, hành động xã hội sùng tín của một số người và sự cầu nguyện suy tư của những người khác làm chứng cho cùng một đức tin. Học hỏi cách thể hiện đức tin của họ là bước đầu tiên trong việc coi sóc mục vụ cho họ. Chẳng hạn, có thể học hỏi được nhiều từ tính tự phát trong việc xây dựng cầu nối đại kết và liên tôn.

Các bạn trẻ Công giáo Indonesia và Philippines nghiên cứu các vấn đề thời sự với các bạn đồng lứa của các Giáo hội khác, trong khi các bạn trẻ Công giáo ở Ấn Ðộ và Thái Lan cởi mở với các bạn trẻ Hồi giáo và Phật giáo. Sự cởi mở tương tự phổ biến nơi các nhóm Cầu nguyện Taize. Sự làm chứng cho đức tin như thế sẽ tiếp sinh lực cho Giáo hội chúng ta.

Việc làm chứng cho nghị lực tinh thần của giới trẻ đôi khi có thể là tiếng gọi đầy thử thách. Cho dù khó khăn đến đâu, Giáo hội rộng lớn cũng không thể thiếu sự tin cậy. Cách thể hiện sự tin cậy như thế sẽ đánh giá cao nền tảng đức tin của tất cả các nhóm giới trẻ Công giáo và khích lệ họ nối mạng trên khắp châu lục.

Chúng ta thường nói châu Á là lục địa của giới trẻ và giới trẻ là Giáo hội tương lai. Ngày Giới trẻ Thế giới, sẽ được kỷ niệm vào ngày 1-4-2007, mang lại cho chúng ta cơ hội nhìn xa hơn ngoài những hoạt động đạo đức đặc biệt gây bất đồng. Hãy để Giáo hội tương lai tái truyền giáo cho chúng ta kèm theo "các cách diễn tả Tin Mừng mới mẻ".

 

(Hector Welgampola, nhà báo người Sri Lanka, làm tổng biên tập cho UCA News từ năm 1987 đến khi về hưu tháng 12-2001.)

UCAN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page