Giáo hội tại châu Á hưởng ứng chậm chạp

lời kêu gọi tham gia các hiệp hội đại kết

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Giáo hội tại châu Á hưởng ứng chậm chạp lời kêu gọi tham gia các hiệp hội đại kết.

Manila (UCAN - AS01931.1432 Ngày 12-2-2007) - Một chuyên gia Giáo hội Á châu nói rằng các Giáo hội tại châu Á đã hưởng ứng chậm chạp lời kêu gọi tham gia các cơ quan đại kết của Ðức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Linh mục dòng Tên Thomas Michel phát biểu, số thành viên trong các hội đồng các Giáo hội diễn tả sự hiệp nhất đã tồn tại nơi các Giáo hội Kitô. Nó còn biểu thị sự tiến tới "hiệp nhất lớn hơn và một bằng chứng Kitô giáo có giá trị hơn", ngài nói trong bài thuyết trình cuối cùng tại hội nghị về Tìm kiếm sự hiệp nhất Kitô giáo: Nơi Chúng ta Ðứng Hôm nay, được tổ chức tại Manila từ ngày 7-11/02/2007.

Hội nghị tại Trung tâm Công giáo Ðức Giáo hoàng Piô XII được tổ chức cho các thành viên của Liên Hội đồng Giám mục Á châu. Cha Michel người Mỹ, thành viên của tỉnh dòng Tên Indonesia, là thư ký đại kết của Văn phòng các Vấn đề Ðại kết và Liên tôn.

133 giám mục, linh mục và giáo dân tham dự hội nghị đến từ Á châu và Hội đồng Toà Thánh Hiệp nhất Kitô hữu ở Vatican (Pontifical Council for Promoting Christian Unity, PCPCU) đã lắng nghe bài diễn văn của ngài về công cuộc đại kết ở châu Á hôm 10-02-2007.

Cha Michel cho biết Giáo hội Công giáo là "thành viên chính thức" trong Liên đoàn Kitô giáo Malaysia và Hội đồng các Giáo hội Quốc gia ở Ðài Loan. Giáo hội Công giáo không tham gia chính thức trong các hội đồng quốc gia hay liên đoàn các Giáo hội ở Hồng Kông, Korea, Indonesia, Japan, Malaysia, Myanmar, Philippines và Singapore.

Viên chức Giáo hội nói thêm, Giáo hội Công giáo tại Á châu tham gia "các hình thức tổ chức đại kết khác", chẳng hạn như Diễn đàn Hiệp nhất Kitô hữu ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo ở các châu lục khác đã tham gia các hội đoàn đại kết nhanh hơn từ khi Công đồng Vatican II (năm 1962-1965) thúc đẩy công cuộc đại kết.

Cha Michel nói tiếp, "việc Giáo hội Công giáo chậm chạp tham gia phong trào đại kết", có thể đã truyền cảm hứng cho Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II đề cập đến vấn đề này trong tông huấn Giáo hội tại Á châu (Ecclesia in Asia) năm 1999. Ngài viết, Thượng Hội đồng Giám mục Á châu năm 1998 "đề nghị các Hội đồng Giám mục quốc gia tại châu Á mời các Giáo hội Kitô khác tham gia tiến trình cầu nguyện và hội đàm để nghiên cứu khả năng thành lập các hội đoàn và cơ cấu đại kết mới nhằm thúc đẩy hiệp nhất Kitô hữu".

Vị linh mục cho biết, Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II đặt đề xuất này trong bối cảnh thượng hội đồng thừa nhận "tai tiếng về một Kitô giáo bị chia rẽ là "trở ngại lớn đối với công cuộc truyền giáo tại châu Á". Phản đối "lời phản chứng" này, Ðức Thánh cha viết: "Giáo hội Công giáo tại Á châu cảm thấy đặc biệt buộc phải làm việc vì sự hiệp nhất với các Kitô hữu khác".

Qua việc cha Michel điểm lại lịch sử phong trào đại kết, nhìn chung ngài nhận ra những lý do chậm tham gia của Giáo hội Công giáo Rôma. Ðiều này "một phần là do lập trường cho rằng đại kết sẽ tạo ra một thoả hiệp kèm theo sai sót, và một phần là vì người Công giáo ở đầu thế kỷ 20 hy vọng các Giáo hội khác sẽ "trở lại" với "sự viên mãn" của niềm tin Kitô, vốn được tìm thấy trong truyền thống Công giáo Rôma".

Ngài bàn về giáo huấn Giáo hội Công giáo bao gồm Unitatis Redintegratio (phục hồi sự hiệp nhất), "Sắc lệnh về Ðại kết" của Công Ðồng Vatican năm 1964, và hai văn kiện của PCPCU. Văn kiện thứ nhất là Cộng tác Ðại kết ở cấp Khu vực, Quốc gia và Ðịa phương, được phát hành năm 1975 và văn kiện thứ hai là Danh bạ Ứng dụng Nguyên tắc và Tiêu chuẩn về Ðại kết, năm 1993.

Năm 1995, PCPCU còn phát hành văn kiện Chiều kích Ðại kết trong việc Ðào tạo những người Tham gia Công tác Mục vụ, đề cập đến các thông tin về hội đồng các Giáo hội như là một trong "các vấn đề mục vụ và thực tiễn quan trọng" đối với việc đào tạo đại kết, "đặc biệt là việc đào tạo các chủng sinh".

Cha Michel cho biết điều này cho thấy Toà Thánh "gia tăng khích lệ" người Công giáo tham gia các hội đồng, mà ngài cho là do "kinh nghiệm tích cực" của việc tham gia phong trào đại kết.

Tuy nhiên, hội đồng các Giáo hội "không phải là mục tiêu hay là từ cuối cùng để tìm kiếm sự hiệp nhất hoàn toàn nơi các môn đệ của Chúa Giêsu", ngài nhấn mạnh. Các hội đồng này chỉ "là công cụ quan trọng và hữu hiệu" để "theo hướng dẫn hướng tới hiệp nhất hoàn toàn trong Chúa Thánh Thần".

Trong diễn đàn công khai sau phần trình bày này, Ðức Giám mục Antonio Tobias của Novaliches, chủ tịch uỷ ban các vấn đề đại kết của các giám mục Philippines, giải thích rằng hội đồng giám mục của ngài không gia nhập hội đồng Giáo hội quốc gia nào bởi vì ở Philippines đã có hai hội đồng như thế. Tuy nhiên, hội đồng giám mục của ngài tham gia Diễn đàn các Giám mục Ðại kết và các tổ chức đại kết khác.

Trước đó vào buổi sáng, linh mục Fuyuki Albert Hirabayashi, thuộc dòng Tên, đã báo cáo với tư cách là thư ký điều hành của uỷ ban các vấn đề đại kết của các giám mục Nhật. Ngài lưu ý, Giáo hội Anh giáo, Giáo hội Công giáo và Liên đoàn Luther địa phương có các cuộc họp và thảo luận thần học bán thường niên.

Ngài cho biết, Hội đồng Giám mục Công giáo Nhật đã có 25 cuộc hội thảo chung với Hội đồng Giáo hội Quốc gia, cuộc hội thảo gần đây nhất giải quyết "vấn đề nghiêm trọng" là tự tử ở Nhật. Ngài cho rằng nhịp độ đối thoại chậm chạp là do số người Công giáo ít, người Tin lành thiếu các thần học gia và các vị chủ chăn quá bận rộn không thể theo đuổi những nỗ lực đại kết.

Theo Cha Hirabayashi, các thành viên Giáo hội Chính thống Nhật "thận trọng" với Giáo hội Công giáo. Ngài trưng dẫn trang web của họ (www.orthodoxjapan.jp) khi giải thích "chia rẽ lớn" giữa họ và Giáo hội Công giáo là do có "nhiều điểm bất đồng".

 

UCAN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page