Tổ Chức vui Tết và phát quà
cho người nghèo tại Thanh Hóa
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Tổ Chức vui Tết và phát quà cho người nghèo tại Thanh Hóa.
Thanh Hóa, Việt Nam (11/02/2007) - Là một linh mục trẻ và năng động, Cha Phêrô Nguyễn Cao Vinh đã có sáng kiến tổ chức cho người nghèo ăn Tết và phát quà, tại giáo xứ Bằng Phú thuộc Giáo Phận Thanh Hóa. Sáng ngày 11.2.2007 (tức ngày 24.12.2006 âm lịch), trong khuôn viên của giáo xứ, hơn 2,000 người đã quy tụ để tham dự các trò chơi: thi gói và nấu bánh chưng, leo cây, kéo co. Cuộc thi đã diễn ra trong bầu khí vui tươi, đầm ấm. Nhìn những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt và ánh mắt ngời lên niềm hạnh phúc của những người dân nghèo, Sr Thuỷ (Ða Minh Thủ Ðức) xúc động nói "... sẽ cố gắng trong mọi điều kiện để giúp người nghèo...", Chị Nam (Lòng Thương Xót Chúa), quá xúc động chỉ thốt lên "thương quá!". Sau cuộc thi tất cả mọi người vào nhà thờ tham dự thánh lễ cầu nguyện cho các ân nhân đã giúp đỡ giáo xứ.
Sau thánh lễ, là bữa ăn Tết dành cho người nghèo. Tiếp đó các đoàn đã phát quà tết cho bà con trong giáo xứ.
Tết cho người nghèo: Bác ái Kitô giáo
Tình huynh đệ đại đồng, lòng trắc ẩn yêu thương, thái độ công bình, bác ái được biểu hiện rất rõ trong Hiến chương Nước trời. Thái độ công bình, yêu thương, bác ái trở thành chuẩn mực trong mối tương quan và tình liên đới. Con người được xem như là một hữu thể xã hội và nhất là một nhân vị theo như quan điểm kitô giáo. Sống là sống với, sống cùng và sống cho người khác. Vận mệnh của mỗi người được nối kết và gắn chặt với bao nhiêu người khác. Tương quan và liên đới là chiều kích sâu thẳm của con người sống với nhau trong xã hội. Bao hàm nơi đây ý tưởng hiệp nhất, chia sẻ cảnh ngộ, đồng cảm với tha nhân trước những thiệt thòi phải chịu, tự cảm thấy mình cũng có một trách nhiệm nào đó và cố gắng đưa ra một giải pháp, tìm cách thực hiện công tác cứu trợ hay tương thân tương ái nào đó.
Tết Ðến ... Tết
Tết, với tất cả người Việt là một ngày thật thiêng liêng và bao hàm nhiều ý nghĩa có giá trị nhân văn rất cao mà nhiều dân tộc khác không có được. Ngày Tết là dịp tốt để con cái ở xa về với gia đình, với cội nguồn của mình được sinh ra và lớn lên. Thắp một nén hương cho tiên tổ, cho ông bà bố mẹ... một chút quà cho gia đình, cho người thân... một cử chỉ sám hối, một lời tạ lỗi với tiền nhân, với nhau... Tất cả mang một nét linh thiêng hướng thượng.
Tết, nhà nhà đều cố gắng mua sắm, trang hoàng cho gia đình "Bánh chưng - thịt mỡ - dưa hành - câu đối đỏ..."
Lời vọng...
Cuối năm 2006 Việt Nam gia nhập WTO, đánh dấu sự tăng trưởng và phát triển của đất nước. Nhiều cơ hội mở ra, mức sống của một bộ phận dân chúng tăng cao. Nhưng bên cạnh đó còn nhiều gia đình không kiếm nổi một cặp bánh chưng, một bát dưa hành cho ngày tết cổ truyền. Kinh tế phát triển, đó là một tính hiệu đáng mừng, nhưng khoảng cách giầu nghèo cách biệt quá lớn cũng là một điều trăn trở của nhiều người.
Cùng Hành Ðộng
Tình huynh đệ đại đồng, lòng trắc ẩn yêu thương, thái độ công bình, bác ái của kitô giáo đã được thể hiện...
La Phù, quê hương của cố linh mục Nguyễn Thế Thuấn, dòng Chúa Cứu Thế, người đã dịch cuốn Kinh Thánh, được đánh giá là hay và sát với nghĩa nhất bằng tiếng Việt.
Nơi đây cũng gợi nhớ đến một làng nghề truyền thống: dệt len.
Nơi đây cũng được ghi nhận là có nhiều nhà hảo tâm, sẵng lòng sẻ chia với người nghèo.
Chị Maria Hoàng Thị Thanh Hằng (Hà Nội), chị Maria Trịnh Thị Thuỷ (La Phù) Sr Maria Nguyễn Thị Hồng Thuỷ (Ða Minh Thủ Ðức) và anh Trịnh Dương Sơn (La Phù) đã vận động, kêu gọi lòng hảo tâm của bà con trong xã La Phù đóng góp để giúp người nghèo có một cái tết tươm tất và đoàn đã nhận được nhiều sự trợ giúp của bà con, các doanh nghiệp, Sư Ông Chùa Tổng...
Nhóm Lòng Thương Xót Chúa. Do Chị Nam và chị Nhung đứng ra vận động những nhà hảo tâm ở Mỹ và đặc biệt tại Úc Châu đóng góp để để chia sẻ miếng cơm manh áo cho người nghèo và người tàn tật.
Hội Têrêxa và các thành viên trong ban điều hành giáo xứ Sầm Sơn.
Các Sr dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá.
Ðược thể hiện...
Bằng Phú, một xứ đạo vùng cao của giáo phận Thanh Hoá, giáo dân trên 98% là người dân tộc Mường, sống chủ yếu bằng nghề nông, trồng rừng. Nên kinh tế vô cùng khó khăn.
Về nhận xứ năm 2005, linh mục Phêrô Nguyễn Cao Vinh, đã dành hướng ưu tiên trong mục vụ cho người nghèo. Cha đã vận động, kêu gọi và đã nhận được lòng yêu thương sẻ chia của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Tết 2006, Nhóm Lòng Thương Xót Chúa do chị Nam và chị Nhung đã giúp mỗi gia đình một lít nước mắm và 3kg gạo nếp để ăn tết.
Năm nay, 2007 có thêm đoàn của Hà Nội (La Phù), các Sr Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá, Giáo xứ Sầm Sơn và một số nhà hảo tâm cùng chung tay sẻ chia.
Lời Cảm Ơn
Linh mục Phêrô Nguyễn Cao Vinh đã thay lời cho giáo xứ nói lời cảm ơn.
"Giáo xứ Bằng Phú xin chân thành cảm ơn các nhà hảo tâm đã chung tay sẻ chia, giúp bà con nghèo trong xứ có một cái tết cổ truyền vui tươi và đầm ấm. Cách đặc biệt cảm ơn Nhóm Lòng Thương Xót Chúa; Nhóm Hà Nội (La Phù); Hội Têrêxa giáo xứ Sầm Sơn, các sơ Dòng Mến Thánh Giá, các ân nhân ở thành phố Thanh Hoá, thị xã Bỉm Sơn. Nguyện xin Chúa Xuân ban muôn ân lành và trả công bội hậu cho quý ân nhân.
Chúng tôi kính chúc quý ân nhân đón mùa xuân 2007 vui tươi và hạnh phúc."
Vân Sơn
Tòa Giám Mục Thanh Hóa