Các giáo sĩ Thái Lan hành hương Việt Nam
nhằm xây dựng hiểu biết lẫn nhau
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Các giáo sĩ Thái Lan hành hương Việt Nam nhằm xây dựng hiểu biết lẫn nhau.
Huế, Việt Nam (UCAN - AS01868.1430 Ngày 2-2-2007) -- Chuyến hành hương mới đây tới thánh địa Ðức Mẹ La Vang ở Việt Nam của các giám mục và linh mục Thái Lan đã giúp hai Giáo hội, từng có liên hệ trong lịch sử, hiểu biết nhau hơn.
Chuyến thăm từ ngày 23 đến ngày 26/01/2007 của phái đoàn đông đảo các giám mục và linh mục Thái Lan "đã cho chúng con cảm nghiệm được tình hiệp thông rộng lớn và sâu xa giữa Giáo hội Thái Lan và Giáo hội Việt Nam", Ðức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể của Huế ngỏ lời với phái đoàn.
Ðức Tổng Giám mục Louis Chamniern Santisukniran của tổng giáo phận Tharae-Nongseng và Ðức Giám mục đã về hưu Joachim Phayao Manisap của giáo phận Nakhon Ratchasima dẫn đầu phái đoàn 66 linh mục Thái Lan đến thăm tổng giáo phận Huế, có trụ sở tại kinh đô Huế, cách Hà Nội 660 kilômét về hướng nam. Phái đoàn đã viếng thăm Thánh Ðịa Ðức Mẹ La Vang và các địa điểm tôn giáo khác.
Ðức Mẹ được tin là đã hiện ra tại La Vang, cách Huế 60 kilômét về hướng bắc, năm 1798 để an ủi những người Công giáo bị bách hại. Năm 1961, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tuyên bố đây là Thánh địa Ðức Mẹ quốc gia.
Trong nghi thức chào đón long trọng các giáo sĩ Thái Lan tại Trung tâm Mục vụ của tổng giáo phận, Ðức cha Thể nhắc nhở các vị khách rằng nhiều giáo sĩ và tu sĩ Thái Lan là con cháu của những người Công giáo Việt Nam đã chạy sang đất Thái Lan để tránh các cuộc bách hại của Nhà Nguyễn trong các thế kỷ 18 và 19. Những người tị nạn này đã được người Thái bảo bọc và che chở, ngài nói thêm.
Một nhân chứng sống cho những quan hệ này, tổng đại diện của giáo phận Tharae-Nongseng là cha Anrê Samran Vongsangiem, ngài là người bà con của cha Anrê Nguyễn Văn Phúc của tổng giáo phận Huế.
Ðức Tổng Giám mục Chamniern đa tạ người Việt Nam về lòng hiếu khách, nhất là khi phái đoàn dâng lễ với các linh mục và tu sĩ tại thánh địa La Vang.
"Thật là tuyệt vời! Ðức Mẹ đã ở giữa những người đau khổ", Ðức tổng giám mục người Thái nói, Giáo hội Thái "đã cầu nguyện cho các bạn luôn trung thành với đức tin Công giáo qua những bách hại và chiến tranh mà các bạn đã chịu đựng. Chúng ta sống ở nơi này hay nơi kia là không quan trọng, miễn chúng ta là một trong Thân thể Chúa Kitô".
Linh mục Thái Lan là Prasit Khruatakaew cho UCA News biết, mẹ ngài sinh năm 1940 ở Việt Nam, và ông bà của ngài đã chạy sang Lào và rồi Thái Lan sau khi cộng sản nắm quyền kiểm soát miền Bắc năm 1954. "Tôi rất vui mừng được trở lại quê hương của mẹ tôi", ngài nói. Ngài đã hành hương La Vang nhiều lần với giáo dân trong xứ của ngài.
Tại lễ đón tiếp phái đoàn Thái Lan của đức tổng giám mục Huế, các linh mục, tu sĩ và khoảng 1,000 giáo dân tại trung tâm mục vụ, Ðức cha Chamniern đã tặng giáo phận chủ nhà một hộp đựng thánh cốt của bảy vị thánh tử đạo người Thái và một cuốn sách nói về quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo Thái Lan. Ðức Tổng Thể cũng tặng lại cho ngài hai bức tượng Ðức Mẹ La Vang.
Buổi lễ đón tiếp còn nổi bật với các tiết mục văn nghệ do người Công giáo địa phương biểu diễn. Họ múa và hát thánh ca và biểu diễn những nhạc cụ truyền thống của xứ Huế. Các linh mục Thái Lan hát hai bài hát bằng tiếng Thái và khán giả vỗ tay reo hò mỗi khi các vị khách nói vài câu tiếng Việt.
Ðức cha Chamniern hướng dẫn cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội. Một bức tượng Ðức Mẹ La Vang đựơc đặt trên sân khấu và mọi người cùng cầu nguyện và hát bài Salve Regina bằng tiếng Latin. Khách và chủ nhà còn chụp hình lưu niệm và nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, Pháp và cả tiếng Việt Nam nữa.
Trong buổi đón tiếp, Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến trình bày về lịch sử của Giáo hội địa phương. Ngài nói tổng giáo phận Huế là nơi lưu trữ di sản đức tin của Giáo hội Công giáo địa phương, vì nhiều người Việt Nam đã chịu chết vì đức tin.
Trong suốt thế kỷ 18 và 19, triều đình đã sát hại nhiều người Công giáo địa phương và các thừa sai hải ngoại, vì hoài nghi họ cộng tác với thực dân Pháp. Người Công giáo địa phương còn chịu dịch bệnh, đói kém, lũ lụt và hạn hán.
"Qua con đường du lịch, chúng ta có cơ hội khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử và tôn giáo từ các Giáo hội trong vùng để có thể xây dựng một đời sống đạo trung thành với Tin Mừng được hội nhập vào các truyền thống văn hóa Á châu," Cha Tuyến nói.
Linh mục người Thái là Giuse Somyot Phaphromrit cho UCA News biết, giờ đây ngài hiểu hơn về người Công giáo Việt Nam. Ngài hy vọng hai Giáo hội sẽ liên lạc, trao đổi và hợp tác nhiều hơn trong tương lai.
UCAN