Thư Mục Vụ Mùa Chay 2007

của Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Giám Mục Giáo Phận Ðà Lạt

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Thư Mục Vụ Mùa Chay 2007 của Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục Giáo Phận Ðà Lạt.

 

Ðàlạt ngày 10 tháng 02 năm 2007

Kính gửi: Quí Cha,Các tu sĩ, chủng sinh và Anh Chị Em trong Gia Ðình Giáo Phận

 

Thư Mùa Chay 2007

Chương trình của người Kitô hữu là chương trình của Ðức Giêsu - là "một trái tim biết nhìn" (ÐTC Bênêđictô XVI, Deus Caritas est, s. 31)

 

Quý Cha và Anh chị em thân mến,

Mùa Chay đến trong không khí vui tươi của mùa Xuân Mới, Xuân Ðinh Hợi, điều này không những không làm mất đi bầu khí hân hoan của những ngày đầu năm, mà còn mang lại cho người Kitô hữu chúng ta một lý do sâu xa hơn để vui mừng và hy vọng, tin tưởng và hân hoan về một thời đại mới, một thế giới mới mà Thiên Chúa muốn mở ra cho chúng ta trong Con của Ngài là Ðức Kitô, như lời của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô mà chúng ta được nghe ngay trong ngày thứ tư lễ tro:

"Ðây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ" (2Cr 6,2).

Quả vậy, Mùa Chay là thời thuận tiện để chúng ta vừa hướng đến niềm vui ơn cứu độ mà Thiên Chúa muốn tặng ban cho nhân loại trong Con của Ngài, vừa cất bước đi theo con đường yêu thương và phục vụ của Ðức Kitô, để cho một thế giới mới có thể hình thành, một thế giới của công lý và tình thương, qua những hành vi rất bình thường và thầm lặng mà Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình thực hiện trong Mùa Chay Thánh: "ăn chay, cầu nguyện và bố thí".

Anh chị em thân mến,

"Ăn chay, cầu nguyện và bố thí" là những thực hành đạo đức mà tất cả chúng ta đều quen thuộc mỗi khi bước vào Mùa Chay thánh. Tuy nhiên, trong năm mới này, cũng là Năm Thánh của Giáo Phận, tôi mong muốn anh chị em lắng nghe và thi hành các việc đạo đức đó theo sát tinh thần của Tin Mừng, đặc biệt là Tin Mừng theo thánh Matthêu (Mt 5-6), vì trong đó, lời kêu gọi ăn chay, cầu nguyện và bố thí được đặt trong viễn tượng của Bài Giảng Trên Núi, và nhất là của Tám Mối Phúc Thật. Nói khác đi, ăn chay, cầu nguyện, bố thí cần phải được thực thi trong tinh thần của Hiến Chương Nước Trời, tinh thần của con người mới, đã được cứu chuộc, đã thấm thía lòng thương xót của Thiên Chúa và mong mỏi đem Tình Thương đó đến cho mọi người. Chính trong viễn tượng như thế mà tôi muốn đề nghị với anh chị em chương trình sống Mùa Chay như là chương trình của người Samaritanô nhân hậu, chương trình của "một trái tim biết nhìn", như kiểu nói của Ðức Thánh Cha Bênêđictô trong thông điệp "Thiên Chúa là Tình Yêu" (DC 31).

1. Trước hết, xin anh chị em hãy ăn chay theo mối phúc thứ nhất, mối phúc của người có tâm hồn nghèo khó (Mt 5,3), nghĩa là, con người thực sự biết sám hối, biết nhận ra những điều xấu, điều ác vẫn đang chế ngự trong tâm hồn, trong gia đình mình cũng như trong các liên hệ cộng đồng, xã hội. Xin anh chị em, đặc biệt là những người mang trách nhiệm trong cộng đồng, dù là gia đình, cộng đoàn tu sĩ, chủng sinh, hay cộng đoàn giáo xứ, hãy liệu sao cho mọi người ý thức rằng, tội lỗi, sự dữ không chỉ là chuyện cá nhân mà còn mang chiều kích xã hội. Ðiều này ngày càng cấp thiết hơn vì chúng ta đang sống trong một đất nước đang nỗ lực chống lại bất công cũng như các tệ nạn xã hội để xây dựng và đổi mới. Người Kitô hữu chúng ta không thể không góp phần vào trong công cuộc đổi mới đó theo cách thức của mình. Vì thế vấn đề giáo dục lương tâm, công bằng xã hội, tôn trọng con người, ý thức về cộng đồng, về tình liên đới cần phải được lưu tâm cách đặc biệt. Quả thật, chúng ta, những người mang nơi mình niềm hy vọng về một Trời Mới Ðất Mới, không thể không mang lấy trách nhiệm xây dựng một môi sinh tinh thần lành mạnh, một bầu khí sống mà những giá trị tốt đẹp và thiêng liêng của con người có thể được bảo tồn và phát triển.

2. Thứ đến, việc bố thí cần phải hiểu như dấu chỉ của một tâm hồn "biết xót thương" (Mt 5,7). Nơi Ðức Kitô, lòng thương xót khởi đầu với khả năng nhạy cảm, biết nhận ra những vấn đề, những hoàn cảnh của con người, đặc biệt là của những kẻ phải sống trong cảnh cùng khốn. Ngài đã nhìn thấy người bại liệt không ai giúp xuống hồ để được chữa lành (x. Ga 5,1-18), đã nhìn ra người mẹ có đứa con duy nhất vừa chết (x. Lc 7,11tt), đã nhận ra ai là người đã chạm đến mình dù có cả một đám đông xô đẩy chung quanh (x. Mc 5,25-34)... Tôi hết lòng mong muốn anh chị em cũng có "một trái tim biết nhìn" như thế trong cuộc sống. Trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng cũng như trong cuộc sống chung quanh chúng ta còn biết bao nhiều người không ai nhìn đến, hoặc nếu có được nhìn đến thì cũng không phải là cái nhìn của tình thương. Mùa Chay quả thật là thời gian để chúng ta tập mang lấy cái nhìn của người Samaritanô nhân hậu (x. Lc 10,29tt), một cái nhìn cảm thông, nâng đỡ, ủi an bất cứ ai cần đến và một tấm lòng sẵn sàng cho đi, vì biết rằng mình cũng đã được Thiên Chúa đoái nhìn, yêu thương như thế.

3. Cuối cùng, thời gian Mùa Chay là thời gian để chúng ta canh tân lại tình nghĩa đối với Chúa qua việc cầu nguyện, và đây mới là điều làm nên nét đặc trưng của đời sống người Kitô hữu. Tất cả đời sống cũng như hoạt động của người Kitô hữu chúng ta đều phát xuất và qui hướng về mối tương quan căn bản này. Không thể canh tân bản thân (ăn chay) cũng như canh tân đời sống với tha nhân (bố thí) nếu không ở trong tương quan nghĩa thiết với Chúa, không có ơn của Thiên Chúa. Chính vì thế, như lời của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô, tôi cũng "nài xin anh chị em hãy làm hòa với Thiên Chúa" (2Cr 5,20), làm hòa không chỉ theo nghĩa lãnh nhận bí tích hòa giải, mà còn theo tinh thần của các Mối Phúc Thật, nghĩa là, hãy làm sao cho tâm hồn và cuộc sống của anh chị em thực sự được nuôi dưỡng bởi Lương Thực Thần Thiêng, đó là Lời Chúa và Thánh Thể, để từ đó anh chị em trở nên những người con đích thực của Thiên Chúa, sẵn sàng bước theo Chúa Giêsu trên con đường Vượt Qua, con đường giải thoát từ bóng tối đến ánh sáng, từ sự chết tới sự sống, con đường của một tình yêu biết cúi xuống phục vụ, và làm tất cả, dù là những gì nhỏ mọn nhất, âm thầm nhất, miễn là con người được yêu mến và Thiên Chúa được tôn vinh.

Anh chị em thân mến,

Nhờ "trái tim biết nhìn" của một người như Ðức Cha Gioan Cassaigne mà chỉ trong 80 năm đã có hơn 100,000 anh chị em Dân tộc của chúng ta đón nhận được Tin Mừng Cứu Ðộ. Tôi thiết nghĩ không có lời chúc Mùa Xuân nào tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn là lời chúc cho tất cả anh chị em có được một cái nhìn và một tấm lòng như của Ðức Cha Cassaigne, tấm lòng của người Samaritanô nhân hậu, tấm lòng của chính Chúa Giêsu, vì chỉ nhờ một tấm lòng như thế mà cả những con người nghèo khổ nhất, như anh chị em Dân tộc của chúng ta, cũng được đón lấy Mùa Xuân của Thiên Chúa.

Thân ái,

 

+ Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

Giám Mục Giáo Phận Ðàlạt

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page