Thư Mục Vụ Xuân Ðinh Hợi 2007
Của Ðức Cha Phêrô Nguyễn Soạn
Giám Mục Giáo Phận Quy Nhơn
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Thư Mục Vụ Xuân Ðinh Hợi 2007 Của Ðức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám Mục Giáo Phận Quy Nhơn.
Thư mục vụ của Ðức Giám Mục Giáo Phận Quy Nhơn Gởi Các Linh Mục, Tu Sĩ Nam Nữ, Chủng Sinh Và Anh Chị Em Tín Hữu Giáo Phận Quy Nhơn Nhân Dịp Tết Nguyên Ðán Năm Ðinh Hợi 2007.
Anh chị em thân mến!
1. Năm Bính Tuất sắp qua đi, cùng với mọi người trên quê hương Việt nam thân yêu chúng ta đón mừng một năm mới, năm Ðinh Hợi. Chúng ta cám đội ơn Chúa vì Chúa đã yêu thương gìn giữ và ban cho chúng ta ơn lành hồn xác trong năm qua, xin Người tiếp tục ban bình an và ơn lành giúp chúng ta sống đạo cho đẹp lòng Chúa và có ích cho gia đình, cho xã hội.
Người ta cho rằng trong năm Ðinh Hợi, năm con Heo, con người sẽ được hưởng nhiều lợi ích và may mắn hơn. Con heo thì dễ chịu, chấp nhận cả canh thừa cá cặn, lúc sống chẳng giúp chi cho con người, nhưng nó chỉ phục vụ con người khi đã chết. Thịt heo là món ăn ngon bình dân, dễ chế biến, giàu nghèo đều dùng được. Niềm vui ngày tết dân tộc sẽ tăng thêm khi có "thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ". Nhưng muốn mang lại niềm vui cho mọi người trong ngày đầu xuân, phải có sự tự nguyện hy sinh như "con lợn ủn ỉn, mua hành cho tôi" tức là bị sát tế. Năm mới chúng ta cảm đội ơn Chúa đã thương ban cho chúng ta ơn Cứu rỗi, đồng thời ra sức học đòi tấm gương cao cả của Chúa, hy sinh xả kỷ để mang lại niềm vui đích thực cho mọi người.
2. Ðất nước chúng ta đang sống trong thời hoà bình, an ninh xã hội tương đối ổn định, tuy nhiên an sinh xã hội chưa bảo đảm. Theo xu hướng toàn cầu hoá, nước ta vừa mới được gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO, wold trade organization). Ðó là một tin vui nói chung, nhưng cũng đem lại nhiều nỗi băn khoăn, lo lắng. Về phương diện xã hội, chúng ta không thể không ưu tư lo âu trước những vấn đề nổi cộm hôm nay: tham nhũng, gian dối và bệnh thành tích trong giáo dục, một số đông người ngày càng chạy theo lối sống hưởng thụ, thực dụng, do đó người ta thường đánh giá và đối xử với nhau qua hình thức bề ngoài. Hậu quả là có những người sống trong nghi ngờ, cục bộ, thiếu tinh thần cộng tác chân thành với nhau. Ðặc biệt có nhiều nguy cơ đang làm xói mòn những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt nam... Tất cả những điều đó đang tác động sâu xa đến đời sống đạo chúng ta.
Năm nay Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn chủ đề cho thư chung là "Sống Ðạo Hôm Nay". Mọi thành phần dân Chúa được mời gọi thể hiện đức tin của mình trong đời sống hàng ngày. Thánh Giacôbê Tông đồ viết: "Ðức tin không có hành động thì quả là đức tin chết" (Gc 2, 17). Sống đạo không chỉ là tin vào những chân lý Mạc khải và Giáo huấn của Giáo hội mà còn là tích cực đi vào con đường dẫn tời Thiên Chúa. Con đường chắc chắn, bảo đảm hơn hết chính là con đường mà Chúa Giêsu Kitô đã đi vì chính Ngài "là Ðường, là Sự thật và là Sự sống". Như vậy sống đạo là gắn bó với Thiên chúa, nguồn mạch tình yêu và yêu thương đồng loại. Người Kitô hữu được mời gọi phải lớn lên mỗi ngày trong tình yêu của Ngài, trưởng thành hơn trong niềm tin cậy mến và nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, hiện thân của tình Yêu (x. Thư chung 2006, số 1 -3).
3. Nền tảng sâu xa của việc sống đạo là biết sống quy chiếu vào đời sống Chúa Ba Ngôi, chính nền tảng nầy đòi buộc chúng ta sống ơn gọi nên thánh theo bậc sống hay địa vị mỗi người, cụ thể là sống sứ mạng chứng nhân giữa đời. Việc thể hiện đời sống ấy là cả một công trình cần phải xây dựng từng ngày qua việc: nổ lực huấn luyện đức tin, thực hành các nhân đức, chuyên chăm cầu nguyện và siêng năng lãnh nhận các bí tích. Việc sống đạo phải khởi đi từ việc canh tân bản thân và dấn thân phục vụ, để rồi từ đó góp phần xây dựng nền văn minh tình thương, làm cho xã hội công bằng. Mỗi thành phần và cộng đoàn dân Chúa đều có trách nhiệm đối với việc sống đạo, trong đó linh mục, tu sĩ phải biết làm gương sáng trong cầu nguyện và hoạt động tông đồ. Các giáo xứ khi tổ chức các hoạt động mục vụ phải chú ý đến nhiều lĩnh vực khác nhau và biết quan tâm đến mọi lớp người trong xã hội (x. Thư chung 2006, số 7-9).
Ðặc biệt gia đình, là trường học đầu tiên và quan trọng nhất về đức tính nhân bản cũng như lòng đạo đức, đóng vai trò không thể thay thế được trong việc sống đạo hôm nay. Thực vậy "khi trung thành cầu nguyện chung với nhau, thánh hoá ngày Chúa Nhật, duy trì bầu khí trên thuận dưới hoà, nhường nhịn lẫn nhau giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, gia đình anh chị em sẽ trở nên chứng từ hùng hồn cho đạo thánh Chúa. Khi vợ chồng vượt trên mọi thử thách, sống trung tín và chung thuỷ sắt son như lời cam kết ngày cử hành hôn lễ, gia đình anh chị em đã góp phần kiến tạo nền "văn minh tình thương" và "văn hoá sự sống" cho đất nước của mình" (Thư chung 2006, số 10).
4. Trước những thách đố của xã hội hiện nay, tôi khuyên anh chị em "chớ uốn mình theo thế gian này" (Rm 12, 2), hãy tích cực tham gia chương trình hành động chung của Giáo hội Việt nam chúng ta trong việc sống đạo hôm nay.
Trước thềm năm mới, tôi xin chúc quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh và anh chị em, một năm mới tràn đầy Phúc Lộc của Chúa là Mùa Xuân Vĩnh Cửu và luôn được khang an, hạnh phúc.
Quy Nhơn, lễ Ðức Mẹ Dâng Con vào Ðền Thờ
Ngày 02 tháng 02 năm 2007
+ Phêrô Nguyễn Soạn
Giám Mục Giáo Phận Quy Nhơn