Cuộc gặp gỡ đầu tiên

giữa các Tổng giám mục, giám mục và linh mục

của hai quốc gia Thái Lan và Việt Nam

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các Tổng giám mục, giám mục và linh mục của hai quốc gia Thái Lan và Việt Nam.


Tổng giáo phận Huế tổ chức một buổi gặp gỡ chào đón phái đoàn Tổng giám mục, giám mục và linh mục đến từ vương quốc Thái Lan.


Huế, Việt Nam (26/01/2007) - Một cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các Tổng giám mục, giám mục và linh mục của hai quốc gia Thái Lan và Việt Nam đã tạo cơ hội cho giáo hội địa phương giới thiệu những nét văn hóa và sức sống về giáo hội mình, qua đó 2 bên đã có mối thân tình và hiểu biết nhau hơn.

Ðức Tổng giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể cùng với khoảng 900 linh mục, tu sĩ và giáo dân của Tổng giáo phận Huế đã tổ chức một buổi gặp gỡ chào đón phái đoàn Tổng giám mục, giám mục và linh mục đến từ vương quốc Thái Lan.

Chương trình gặp gỡ buổi tối hôm 25-1-2007 tại Trung tâm mục vụ của Tổng giáo phận ở thành phố Huế bao gồm nội dung chào mừng, nói chuyện, giới thiệu, trình diễn văn nghệ và cầu nguyện.

Phái đoàn Thái Lan quy tụ từ 4 Tổng giáo phận và giáo phận khác nhau, gồm có một Tổng giám mục, một giám mục và 69 linh mục. Họ đi qua biên giới Việt-Lào để đến Việt Nam bằng đường bộ. Ðiểm dừng chân đầu tiên của họ là Thánh địa Ðức Mẹ La Vang, thuộc Tổng giáo phận Huế, đây cũng là trung tâm hành hương toàn quốc, Thánh địa nằm trong phần đất của tỉnh Quảng Trị, cách Huế 60 kilômét về hướng nam.

Linh mục Antôn Nguyễn Văn Tuyến, đại diện linh mục đoàn của Tổng giáo phận Huế, giới thiệu tổng quát về hiện tình giáo hội Việt Nam và giáo hội địa phương của mình. Ngài nói: "Có thể nói chuyến du lịch bằng đường bộ đầu tiên của phái đoàn Thái Lan hành hương về bên Mẹ La Vang và đến với đất nước Việt Nam, một đất nước vừa chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, đang thôi thúc chúng ta hướng về tương lai".

Cha Tuyến, 62 tuổi, nói tiếp: "Nếu trước đây, nương theo con đường tơ lụa hay con đường tìm kiếm thuộc địa, các Nhà Truyền Giáo từ phương Tây xa xôi đã nỗ lực đem Tin Mừng đến gieo vãi trên các miền đất Châu Á, thì phải chăng hôm nay, bằng con đường du lịch, giao lưu huynh đệ, chúng ta sẽ có cơ hội khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo, Ðức Tin, để từ đó cùng nhau đắp xây một đời sống Ðạo vừa trung thành với nền tảng Tin Mừng, vừa thực sự hội nhập với môi trường sống của Á Châu".

Vị linh mục quản xứ Phú Hậu khẳng định tầm mức địa danh La Vang đã được cả Thế Giới biết đến và ngày ngày đang đón tiếp khách hành hương trong nước và quốc tế đến viếng thăm. "Kể từ sau Ðại Hội tháng 8/1998 mừng Kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang, Linh Ðịa La Vang đã thực sự trở nên một trung tâm của Lòng Tin, của Cầu Nguyện, của Hành Hương, của cải thiện đời sống và của yêu thương hiệp nhất".

Cha Tuyến giới thiệu thêm với các giáo sĩ Thái Lan rằng: "Mảnh đất Tổng giáo phận Huế mà quý vị vừa đặt chân đến vẫn còn in đậm dấu vết của nhiều vị Thánh Tử Ðạo. Ðây là một Di sản Ðức Tin hết sức quý giá của Giáo Hội Việt Nam. Chúng tôi ước mong sẽ sớm có những Tours Du lịch Tôn giáo cho phép mọi người có thể đến hành hương, kính viếng các Ðền Ðài thuộc lãnh vực tín ngưỡng và có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về cội nguồn Ðức Tin của các Giáo Hội tại Châu Á, mà các Giám mục và các Linh mục Thái Lan hôm nay là những vị tiên phong".

Trong chuyến đi này, các giáo sĩ Thái Lan cũng đến thăm giáo phận Ðà Nẵng, thăm điểm du lịch phố cổ Hội An ở tỉnh Quảng Nam, sau đó họ trở lại Huế và dừng chân ở Tòa Tổng giám mục Huế lâu hơn hết.

Trước khi diễn văn nghệ, đức tổng Thể đã có lời chào mừng và cám ơn chuyến thăm viếng của phái đoàn Thái Lan giành cho Tổng giáo phận Huế, ngài phát biểu rằng: "Lần đầu tiên trung tâm mục vụ của Tổng giáo phận Huế được đón chào một phái đoàn ngoại quốc, đặc biệt lại là một nước láng giềng trong khu vực Ðông Nam Á".

Trung tâm mục vụ do đức cha Thể xây dựng nhằm mục đích đón chào và phục vụ các phái đoàn đến viếng thăm, cũng như tổ chức các hội nghị cấp giáo phận và quốc gia. Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe khi còn là Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo đã viếng thăm Huế và đã làm phép khánh thành tòa nhà mục vụ này hôm 30/11/2005.

Vị giám chức của Huế nói thêm rằng, trong thời kỳ bách đạo tại Việt Nam, nhiều tín hữu Việt Nam đã chạy sang lánh nạn tại Thái Lan và được đất nước và con người Thái Lan đón nhận, đùm bọc và giúp đỡ. Chính vì thế mà trong Giáo Hội Thái Lan hiện nay có rất nhiều người gốc Việt, kể cả một số linh mục trong phái đoàn hành hương hôm nay.

Trong lời đáp từ của mình, Ðức Tổng giám mục trưởng đoàn Thái Lan nói ngài "rất vui và ngạc nhiên" trước sự đón tiếp nồng hậu của Tổng giáo phận Huế đã giành cho ngài và phái đoàn. Ðức cha cho biết trong chuyến đi này ngài và phái đoàn "là những người hành hương" đến viếng Thánh địa Ðức Mẹ La Vang và thăm những vùng đất giầu truyền thống văn hóa và du lịch thuộc Tổng giáo phận Huế và giáo phận Ðà Nẵng.

Hầu hết các giáo sĩ mặc thường phục, một số đeo cổ cồn, trong khi các linh mục dòng và tu sĩ thuộc các dòng tu nam nữ ở Huế thì mặc tu phục. Họ giao tiếp chung và riêng bằng tiếng Anh, Pháp và tiếng Việt. Trong dịp này, Ðức tổng giám mục Thái Lan trao tặng Ðức cha Thể thánh tích 7 thánh tử đạo của Thái Lan cùng với cuốn sách "Tương quan giữa giáo hội Thái Lan và Tòa Thánh Vatican". Ðức cha Thể cũng trao tặng phái đoàn Thái Lan 2 bức tượng Ðức Mẹ La Vang.

Các dòng tu và giới trẻ Huế đã chuẩn bị 7 tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất để trình diễn, một số tiết mục là những bản thánh ca viết theo giai điệu nhạc truyền thống Việt Nam và chính những nhạc cụ của dân tộc Việt Nam được các nữ tu dòng Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm hòa tấu hoặc đệm đàn cho ca đoàn hát. Tiết mục của hội dòng Con Ðức Mẹ Ði Viếng đã tạo nên khung cảnh của mùa xuân đang về trên đất Việt, chính các vũ nữ là các nữ tu trong vũ điệu này đã mang theo rượu để mời các vị thượng khách tham dự thưởng thức.

Ấn tượng sau cùng là tiết mục vũ hoạt cảnh "Mục Tử Ca", ca đoàn giới trẻ của giáo xứ chính tòa Phủ Cam đã dựng lại hình ảnh người mục tử cùng với những sứ mạng chăn dắt, săn sóc và yêu thương đoàn chiên. Chính người mục tử này đã vất vả đi tìm con chiên lạc và bồng bế nó trên tay mang về thả vào đàn chiên duy nhất.

Giữa chương trình văn nghệ, tất cả các giáo sĩ của hai giáo hội đều lên sân khấu để chụp hình lưu niệm. Ðức Tổng giám mục Thái Lan đại diện cầu nguyện tự phát cho đất nước và người dân Việt Nam, cho Tổng giáo phận Huế và cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.

Tất cả các linh mục Thái Lan xếp hàng đứng trên sân khấu vừa đàn vừa hát góp vui 2 bài hát bằng tiếng Thái khiến cho mọi người tham dự đều thích thú về giai điệu bài hát, mặc dù không ai hiểu tiếng Thái. Những tràng pháo tay liên tục vang lên sau mỗi bài hát hoặc mỗi khi có một linh mục Thái gốc Việt cố gắng nhớ lại ngôn ngữ mẹ đẻ để nói chuyện một chút bằng tiếng Việt.

Trước khi kết thúc buổi gặp gỡ, Tượng Ðức Mẹ La Vang được rước ra giữa sân khấu để tất cả mọi người hướng về đó và hát chung bằng tiếng La Tinh kinh Lạy Nữ Vương (bài Salve Regina).

Sau buổi gặp mặt với phái đoàn Thái Lan, cha Tuyến cho biết buổi gặp mặt đó đã được chuẩn bị và sắp đặt kỹ càng để thể hiện lòng hiếu khách của người dân xứ Huế, nên ngài tin "đoàn khách đã rất hài lòng và có cái nhìn tốt đẹp về Huế".

Cha Tuyến nhận định về đoàn Thái Lan rằng "họ sống rất chân tình, hồn nhiên, thực lòng, không chút mặc cảm". "Qua cách sống và những gì họ thể hiện chung, tôi nhận ra một điều là họ quen sống chung và làm việc chung. Họ hòa mình, tự nhiên bên nhau, vui vầy tình huynh đệ".

"Lòng đạo đức của họ cũng được tỏ hiện cách bất chợt qua giây phút cầu nguyện ngẫu hứng trên sân khấu của Ðức Tổng giám mục trưởng đoàn, một giây phút thực sự xúc động, chan hòa tình huynh đệ mà các linh mục Huế đã được chia sẻ. Tôi hy vọng nhờ chính sách hợp tác ngày càng mở rộng của các nước Á châu, các giáo hội địa phương sẽ có những cuộc gặp gỡ giao lưu để tìm hiểu nhau và chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sống đạo", ngài nói.

Cha Tuyến nói thêm rằng: "Mục đích của họ là hành hương đến Thánh địa La Vang, điều này cho thấy âm hưởng của Linh địa này đang lan rộng dần trên lục địa Á châu. Có lẽ đây là tín hiệu tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể phát hiện để từ đó cần phải nâng cấp nội dung trao đổi các tài liệu nghiên cứu hoặc tham khảo tại chỗ, nhờ đó mà các đoàn hành hương mỗi lần đến thăm Huế thực sự thỏa mãn và có được gì trong tay để đem về kể lại cho bạn bè và người thân".

Theo vị linh mục đã từng du học tại Rôma, Tổng giáo phận Huế nên phải soạn sẵn văn bản tài liệu bằng các ngôn ngữ Anh, Pháp và các ngôn ngữ khác về Lịch sử giáo hội Việt Nam, lịch sử Linh địa La Vang, Lịch sử Tổng giáo phận Huế, Hạnh tích các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, Bản đồ du lịch Tours Tôn giáo Huế với các địa điểm lăng mộ Tử đạo, và Bảo tàng về Tử đạo, để phục vụ các đoàn hành hương ngoại quốc khi họ đến viếng thăm.

Trong cuộc trao đổi ngắn và riêng tư với Cha Giuse Somyot Phaphromrit, một trong các linh mục Thái Lan, ngài nói: "Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được đến thăm đất nước Việt Nam và đặc biệt là Huế. Người Việt Nam rất dễ thương, mến khách và thân thiện. Chuyến đi lần đầu tiên đến Việt Nam đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp, tôi thích Huế và La Vang vì là nơi Mẹ Maria đã chọn mà hiện ra. Tôi thấy La Vang rất giản dị và linh thiêng. Ðất nước tôi không có nơi nào giống như ở La Vang. Tôi dự định sẽ trở lại Việt Nam vào tháng 6 năm 2008".

Vị linh mục 51 tuổi này cho biết hiện nay 2 Giáo hội Thái Lan và Việt Nam chưa có liên kết thỏa thuận hay hợp tác gì, "nhưng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có liên kết và hợp tác, và sẽ có nhiều buổi giao lưu gặp gỡ như buổi tối hôm nay. Nhờ có cuộc gặp gỡ và xem chương trình văn nghệ này mà tôi hiểu biết thêm về đất nước và con người Việt Nam, nhất là người Công Giáo ở Huế", cha nói.

Theo cha Tuyến và cũng là thông tin mà ngài giới thiệu cho phái đoàn Thái Lan, sau gần 500 năm hình thành và phát triển trong thử thách, Giáo hội Việt Nam được nuôi lớn bằng máu của hằng trăm ngàn anh hùng Tử Ðạo. Hiện nay Việt Nam có khoảng 6 triệu giáo dân trên tổng số dân cả nước khoảng 85 triệu, chiếm 7% dân số cả nước, thuộc 3 Tổng giáo phận và 23 giáo phận, kể cả giáo phận Bà Rịa mới được thành lập năm 2005.

Cũng theo ngài, giáo phận Huế được thành lập từ năm 1924 và được nâng lên thành Tổng Giáo Phận năm 1960, bao gồm 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Hiện có 69 giáo xứ với chừng 67,000 giáo dân trên tổng số 2.2 triệu dân, chiếm 3% dân số. Tổng giáo phận có một Tổng giám mục, một giám mục phụ tá, 138 linh mục dòng và triều, 10 dòng tu nam nữ, một đại chủng viện với 127 chủng sinh đến từ 3 giáo phận Huế, Ðà Nẵng và Kontum.

 

Ðàm Nguyên

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page