Chính phủ và Giáo hội đánh giá cao

cuộc gặp gỡ giữa Tòa thánh và Việt Nam

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Chính phủ và Giáo hội đánh giá cao cuộc gặp gỡ giữa Tòa thánh và Việt Nam.

Hà Nội, Việt Nam (UCAN - VT01854.1430 NGÀY 30-1-2007) - Chính phủ Việt Nam vừa ca ngợi các cuộc đàm phán gần đây giữa thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XVI, trong khi các lãnh đạo Giáo hội ở đây hy vọng một tương lai tươi sáng hơn cho Giáo hội mình.

Hôm 26-1-2007, Thông Tấn xã Việt Nam đưa tin cuộc gặp gỡ ngày 25-1-2007 là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo Việt Nam và một đức giáo hoàng kể từ khi nước này được thống nhất dưới chế độ cộng sản năm 1975.

Sau khi tiếp kiến Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XVI tại thư viện riêng của ngài ở Vatican, ông Dũng dẫn phái đoàn đến gặp riêng Ðức Hồng Y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh Tòa thánh, và Ðức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, bộ trưởng ngoại giao.

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, các cuộc gặp gỡ phản ánh "thiện chí và mong muốn của Việt Nam và Tòa Thánh nhằm tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau".

Tờ báo tường thuật rằng thủ tướng ca ngợi cộng đồng những người Công giáo ở Việt Nam "là năng động và yêu nước", và nói rằng chính phủ của ông luôn coi trọng mối quan hệ với Tòa thánh. Tờ báo còn đưa tin Ðức Hồng Y Bertone đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Vatican và Việt Nam, ông Dũng đáp lại bằng cách đề nghị cơ quan ngoại giao hai bên thảo luận cụ thể về vấn đề này.

Truyền hình Việt Nam, hôm 28-1-2007 đưa tin về chuyến thăm, đã ca ngợi Vatican đã dành cho phái đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị và chu đáo, vượt qua cả khuôn khổ lễ tân của Toà thánh, bởi hai bên "chưa thiết lập quan hệ ngoại giao".

Ông Lê Công Phụng, một thành viên trong phái đoàn, nói trên đài truyền hình rằng Toà thánh đánh giá rất cao cộng đồng Công giáo Việt Nam và chính sách tôn giáo của chính phủ, họ thậm chí còn nói "có thể là một hình mẫu cho rất nhiều quốc gia trên thế giới trong công tác tôn giáo".

Ông cũng lưu ý rằng trước đây Tòa Thánh phê phán rất nhiều về chính sách tôn giáo của Việt Nam, nhưng "trong dịp này Ðức Giáo Hoàng và Thủ Tướng Vatican không hề phê phán chính sách tôn giáo của Việt Nam."

Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt của Hà Nội phát biểu với UCA News hôm 28-1-2007 rằng cuộc gặp gỡ là "một dấu hiệu tích cực" để cải thiện quan hệ. Khi được hỏi hai bên có gặp trở ngại nào trong việc bình thường hóa quan hệ, vị lãnh đạo Giáo hội nói cả hai bên đều có "những ý kiến bảo thủ".

Ngài giải thích, một số người Công giáo không muốn Tòa thánh thiết lập bang giao với Việt Nam, bởi họ coi nứơc này chưa hoàn toàn có tự do tôn giáo. Cùng lúc, những người cộng sản bảo thủ coi việc bang giao với Tòa Thánh là không cần thiết, vì Việt Nam không có lợi ích gì về kinh tế.

Tuy nhiên, Ðức cha Kiệt nói rằng thiết lập quan hệ ngoại giao là ý kiến tích cực và có tính xây dựng được đa số chấp nhận.

Theo Ðức Tổng giám mục, hiện là phó tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, cần thời gian cho những thủ tục để lập quan hệ ngoại giao, và thời gian bao lâu là "tùy thuộc vào tình hình và thái độ của đôi bên".

Khi được hỏi liệu Việt Nam có thể lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh trước Trung Quốc không, Ðức cha Kiệt nói rằng mỗi nước độc lập và có chủ quyền quyết định công việc của mình. Tuy nhiên không thể không tính tới những ảnh hưởng dây chuyền trên phạm vi quốc tế của quyết định đó.

Nhà lãnh đạo khôn ngoan có thể có "những bước đi táo bạo nhưng khéo léo để vừa mang lại lợi ích cho quốc gia và vừa được thế giới công nhận", ngài nói và ca ngợi ông Dũng đã có "thái độ vừa quả quyết vừa khéo léo".

Nhận định về tình hình Việt Nam kể từ khi Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo có hiệu lực tháng 11-2004, Ðức cha Kiệt cho biết các họat động của Giáo hội địa phương ở thành thị diễn ra được dễ dàng hơn là ở nông thôn. Ở một số vùng sâu xa, giáo dân vẫn không được phép xây nhà thờ hay tập trung để cầu nguyện, và linh mục cũng không được đến làm lễ cho họ.

Ðức cha Giuse Nguyễn Chí Linh của Thanh Hóa cho UCA News biết hôm 26-1-2007 rằng còn quá sớm để nói tới việc hai bên có thiết lập quan hệ ngoại giao vào thời gian nào, nhưng ngài tin rằng "chắc chắn điều đó sẽ xảy ra".

Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới tháng 11-2006, ngài nói, thì nước này buộc "phải mở rộng cánh cửa để giao lưu với các nước trên thế giới không chỉ về kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục mà cả về tôn giáo nữa", ngài nói.

Ðức cha Linh, chủ tịch Uỷ ban Giáo dân của Hội Ðồng Giám mục Việt Nam, thêm rằng Giáo hội Việt Nam vẫn có quyền hy vọng vào một tương lai sáng sủa hơn qua cuộc gặp gỡ lịch sử này. "Chắc chắn người Công giáo Việt Nam sẽ được tự do hơn trong việc tổ chức đời sống sinh hoạt tôn giáo của mình, và chính sách tôn giáo của nhà nước sẽ cởi mở hơn", ngài bình luận.

Ðức cha 58 tuổi cho biết thêm, vào tháng 3 năm 2007 sẽ có một phái đoàn Tòa thánh viếng thăm Việt Nam, nhưng đó vẫn là những chuyến thăm thường niên.

Một số giáo dân cho UCA News biết họ nhảy lên vì vui sướng sau khi xem bản tin trên Truyền hình Việt Nam hôm 26-1-2007 về cuộc hội kiến giữa thủ tướng với Ðức Giáo Hoàng.

 

UCAN

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page