Ngày Quốc tế bệnh nhân phong lần thứ 54

tại Quả Cảm - Bắc Ninh

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Ðến với ngày Quốc tế bệnh nhân phong lần thứ 54 tại Quả Cảm - Bắc Ninh.

Bắc Ninh, Việt Nam (28/01/2007) - Sáng ngày 28/1/2007, các Gia đình phong thuộc 13 tỉnh miền Bắc đã quy tụ về Bệnh viện phong Quả Cảm - Bắc Ninh mừng ngày hội truyền thống: Ngày Quốc tế bệnh nhân phong lần thứ 54.


Ngày Quốc tế bệnh nhân phong lần thứ 54 tại Quả Cảm - Bắc Ninh.


Cùng có mặt trong ngày vui với đại diện các Ban Giám đốc, Ban quản lí, và bệnh nhân của các làng phong miền Bắc, còn có ông Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, cha Tổng đại diện Giáo phận Bắc Ninh Ðaminh Nguyễn Văn Kinh, quý cha khách và các Chủng sinh Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội.

Từ sáng sớm, xe các đoàn đã lần lượt tiến vào cổng Bệnh viện phong Quả Cảm. Cửa xe vừa mở, các bệnh nhân đã hối hả bước xuống. Vì đã thân quen từ trước nhờ các dịp gặp mặt hàng năm nên ai nấy đều tươi cười rạng rỡ, vồn vã hỏi thăm nhau, tay bắt mặt mừng xua tan màn sương giá lạnh của buổi sáng cuối đông.

Sau khi nghỉ ngơi, tâm sự, mọi người tham dự Thánh lễ tạ ơn và xin bình an vào lúc 8 giờ sáng tại Nhà Nguyện Bệnh viện, do Cha Tổng đại diện Giáo phận Bắc Ninh chủ tế. Trong lời chào đầu Thánh lễ, cha chủ tế nhấn mạnh ý nghĩa của ngày lễ: Hôm nay là ngày quốc tế bệnh nhân phong, chúng ta hãy cầu nguyện cho những vị lãnh đạo, các y bác sĩ và đặc biệt các bệnh nhân trong các Bệnh viện phong. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho những người đã hết lòng giúp đỡ chúng ta cách này cách khác. Ðặc biệt, chúng ta cùng cảm tạ Chúa và cầu nguyện cho mình được luôn an bình trong cuộc sống phần hồn cũng như phần xác.

Sau Thánh lễ, các Chủng sinh cùng với một số anh chị em của các Gia đình phong đã tổ chức một chương trình giao lưu và văn nghệ ngắn gọn nhưng đầy tình yêu thương. 9 giờ 30 phút, bác sỹ Bạch Ðức Minh giám đốc Bệnh viện phong Quả Cảm đã khai mạc buổi giao lưu văn nghệ chào mừng ngày quốc tế bệnh nhân phong lần thứ 54. Lời đầu tiên trong bài khai mạc ông tỏ lòng biết ơn Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt, quý Cha trong Ban Giám đốc Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, quý cha đại diện Giáo phận Bắc Ninh, các nhà hảo tâm, quý khách về những quan tâm giúp đỡ... Bác sĩ Minh cũng cho biết, hôm nay vừa là kỉ niệm ngày quốc tế bệnh nhân phong và cũng là lễ phát động trồng cây để các bệnh viện phong miền Bắc được xanh - sạch - đẹp.

Kế đến là những lời chia sẻ của từng đơn vị phong miền Bắc: Ba sao, Chí Linh, Lạng Sơn, Vân Môn... Hầu hết các vị đại diện đều tỏ lòng tri ân những ân nhân xa gần đã giúp đỡ để họ có đựơc cuôc sống như ngày hôm nay.

Sau cùng, những lời ca, tiếng hát nồng nàn, đầy ắp yêu thương, sưởi ấm từng "con tim" đang hiện diện.

Sau chương trình giao lưu văn nghệ, lễ phát động trồng cây được bắt đầu trước sự chứng kiến của mọi ngừơi. Sáu cây đầu tiên đại diện cho 6 đơn vị : Sở y tế tỉnh Bắc Ninh, Giáo phận Bắc Ninh, Ðại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, Các cơ sở phong miền Bắc, Ban quản lý các cơ sở và Các bệnh nhân.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, như lời một bệnh nhân đã nói "Khi nhìn những cây được trồng xuống tôi thấy một tương lai tốt đẹp mở ra". Nhân ngày Quốc tế bệnh nhân phong lần thứ 54, chúng ta hãy cùng cầu chúc những điều tốt đẹp nhất đến cho các bệnh nhân phong trên toàn thế giới, cách riêng cho các bệnh nhân trong ngày hội hôm nay. Chúc mọi người luôn tươi vui, sống với nụ cười.


Ngày Quốc tế bệnh nhân phong lần thứ 54 tại Quả Cảm - Bắc Ninh.


Ðặc biệt, trong ngày Quốc tế bệnh nhân phong tại Quả Cảm - Bắc Ninh, cũng có sự hiện diện của Cha Nguyễn Tầm Thường. Nếu độc giả nào đã từng đọc những tác phẩm cuả cha Nguyễn Tầm Thường (CNTT) chắc hẳn cũng đều trầm trồ thán phục như tôi. Hôm nay, tôi có dịp gặp ngài tại bệnh viện phong Quả Cảm - Bắc Ninh nhân ngày quốc tế bệnh nhân phong lần thứ 54. Xin mời quý độc giả cùng tôi trò chuyện cùng ngài để biết thêm về bút danh "Nguyễn Tầm Thường":

Phỏng vấn 1: Kính thưa cha, không ít người từng biết đến những cuốn sách đề tên tác giả Nguyễn Tầm Thường. Con biết đó không phải là tên thật của Cha. Nhân dịp này xin cha cho đọc giả biết đôi nét về "bút danh" đó?

CNTT (Cha Nguyễn Tầm Thường): Không ngờ tôi lại gặp các Thầy ở đây. Và lại "bị" Thầy phỏng vấn. Thầy hỏi về "bút danh" Nguyễn Tầm Thường phải không? Ngày còn bé, cô cậu học trò nào mà không mơ mộng "viết văn". Tôi tìm mãi mà thấy "bút danh" nào hay, nào đẹp, người ta cũng nhận hết rồi. Thí dụ tên của Thầy là Ðình Sơn. Nghe như một ngọn núi mênh mông, đẹp tuyệt vời. Bút danh nào đẹp người ta cũng lấy hết rồi Thầy ạ, chứ tôi có muốn tên gọi Tầm Thường đâu.

Phỏng vấn 2: Ngày hôm nay con thật vinh dự được gặp Cha tại Bệnh viện Quả Cảm nhân ngày Quốc tế bệnh nhân phong, xin Cha chia sẻ cho độc giả về những suy nghĩ hiện giờ cuả Cha?

CNTT: Mình đang ở Bệnh viện phong, nên chúng ta nói chuyện về bệnh phong nhé. Ngày xưa tôi có câu chuyện liên quan tới bệnh phong như sau. Ngày còn bé ở Tiểu Chủng viện, tôi rất sợ bệnh này. Tôi nhìn thấy nhiều người cùi cụt chân tay, da mặt sần sùi, lê lết ở chợ xin ăn. Họ lết qua những vũng nước dơ, tanh tưởi ở chỗ bán cá, máu rịn ra. Họ đau đớn quá. Rồi vô tình một hôm, tôi hỏi lòng mình, nếu Chúa muốn tôi mang bệnh này để làm chứng cho Chúa thì sao? Tôi rất sợ Chúa hỏi tôi câu hỏi này. Tôi tránh né. Nhưng tôi không tránh được. Nếu Chúa hỏi thì sao? Sau cùng tôi xin Chúa là tôi sẵn sàng chịu "chết vì đạo" nhưng miễn cho tôi bệnh này! Tôi xin nhưng Chúa không chịu thì sao? Tuổi thơ mà, tôi khổ sở vì sự thách đố đó. Nếu Chúa cứ muốn thì sao? Sau cùng tôi phải gặp Cha linh hướng. Cha bảo rằng, tôi sợ vì tôi chưa có ơn Chúa. Khi có ơn Chúa thì ơn ấy làm ta hết sợ. Một câu trả lời rất đơn sơ, nhưng như một ánh sáng tuyệt vời. Tôi ra khỏi bóng tối quá dễ dàng. Chính vì thế mà tôi còn nhớ tới hôm nay sau 40 năm. Biết đâu những kinh nghiệm thiêng liêng nhỏ bé của tuổi thơ ấy đã ảnh hưởng đến những suy nghĩ của tôi sau này khi tôi đặt tên cho một tác phẩm của tôi là: Con Biết Con Cần Chúa.

Phỏng vấn 3: Chắc Cha cũng biết "rất rất" nhiều độc giả mến mộ và thích đọc những tập sách của Cha. Kính mong Cha có đôi lời với các độc giả về những đứa con tinh thần đó?

CNTT: Thầy bảo tôi có đôi lời về những "đứa con tinh thần." Tôi có nhiều đứa con tếu lắm. Tôi gặp mấy đứa con của tôi lần đầu tiên ở Việt Nam là ở Huế. Tôi không nhớ là năm nào. Lâu lắm rồi, một trong những lần đầu tiên tôi về Việt Nam. Chiều gần tối, tôi lang thang trên vỉa đường thì thấy bên cổng đề là tu viện Thánh Phaolô. Hồi đó tôi để tóc dài. Tôi ghé vào thăm các Sơ, tự giới thiệu là linh mục ở Mỹ. Tôi chẳng quen biết Sơ nào ở đây, tự nhiên vào nhà người ta. Các Sơ không biết tôi linh mục thật hay giả. Tôi thì đơn sơ hỏi thăm các Sơ mà cứ như công an chìm vậy. Tôi hỏi các Sơ có bao nhiêu người. Có khi người ta đang ở trốn không có hộ khẩu mà tôi lại hỏi như thế. Cái thời bấy giờ còn khó lắm. Tôi thì cứ hỏi thăm cái kiểu lấy cung. Nhà bao nhiêu lớn, bao nhiêu nhỏ? Làm gì? Các Sơ không biết cách nào để biết tôi linh mục thật hay giả, hay người đi điều tra. Vô tình tôi thấy mấy cuốn sách của Nguyễn Tầm Thường trong tủ sách. Tôi hỏi thăm. Thế là các Sơ túm lấy như cơ hội để điều tra tôi. Các Sơ hỏi là tôi có đọc sách của Nguyễn Tầm Thường không. Sách ấy nói gì. Các Sơ nghĩ nếu tôi đọc sách này thì có khi tôi là linh mục thật. Mà tôi có đọc thật không. Còn tôi thì khoe rằng chẳng những đọc mà còn biết cuốn nào xuất bản trước, cuốn nào sau. Sau này chính các Sơ tự thú là đã nghi tôi, không biết linh mục thật hay giả và điều tra tôi như thế. Ðấy, Thầy thấy những đứa con của tôi đã cứu tôi.

Rồi một lần đến Nha Trang, tôi lang thang vào Ðại Chủng viện. Giới thiệu là linh mục ở Mỹ. Ðức Cha Nho, ngày đó còn sống, tiếp tôi. Cũng "bình thường" thôi. Khi người đi với tôi giới thiệu với Ðức Cha:

- Thưa Ðức Cha, đây là Cha Nguyễn Tầm Thường đấy.

- Ðức Cha kêu lên "Chúa tôi!". Mời Cha vào đây. Ngài kéo tôi vào phòng khách. Cho tôi một hầu trà thân tình. "Tôi không xin Cha tiền đâu!" Xin Cha ký tặng cho thư viện một bộ sách của Cha nhé.

Bây giờ Ðức Cha qua đời rồi...

Thầy còn muốn tôi kể về những đứa con của tôi không? Chúng nó cũng lắm chuyện như tôi vậy. Chuyện này vui hơn. Tôi ghé nhà sách ở Bãi Dâu, Vũng Tầu, xin mua cuốn Nước Mắt và Hạnh Phúc của Nguyễn Tầm Thường. Tôi xin bớt giá một chút được không. Người bán sách nhất định không bớt. Tôi giả bộ kỳ kèo thêm. Cô ta cũng không chịu bớt. Người đi với tôi nhịn cười không được. Phá lên cười, đành giới thiệu: "Ðấy là Cha đấy. Cha Nguyễn Tầm Thường đấy." Cô bán sách bán tín, bán nghi nhìn tôi. Tôi thấy cô bắt đầu bẽn lẽn, cái bẽn lẽn của một Ma Sơ bán sách chứ không phải người thường. Còn tôi thì thú vị muốn chuộc đứa con của mình mà lại thiếu tiền!

Một lần kia, chuyện này, rất đặc biệt. Lúc tôi check out khách sạn ở Ðà Nẵng. Anh ta nhìn tôi, đưa passport, hơi ngại, nhưng lấy can đảm hỏi: "Có phải đây là Cha không ạ." Tôi bảo phải. Anh ta reo lên. Con đoán đúng mà. Lúc Cha đưa passport. Con đã nghi là Cha. Trời ơi, bây giờ Cha đi rồi hả. Lúc con ở trại tỵ nạn Hongkong có liên lạc với Cha. Cha gởi cho con cuốn Nước Mắt và Hạnh Phúc. Khi phải hồi hương vì không được đi định cư. Con phải xé cuốn sách, dấu trong chiếc đàn ghi ta mang về. Ở đây cũng có mấy đứa Công Giáo hồi hương từ Hongkong, nếu được gặp Cha ở đây chắc chúng mừng lắm...

Ðó, Thầy thấy các con tôi chúng cũng lang thang như tôi.

Phỏng vấn 4: Cha có thể "tiết lộ" cho độc giả biết về những tác phẩm sắp và sẽ được xuất bản trong năm 2007 của ngài ?

CNTT: Tôi đã xong hai cuốn. Cuốn suy niệm Kẻ Ði Tìm, dự định xuất bản năm 2010. Cuốn truyện ngắn Ngoài Cửa Nhà Thờ, trong đó có truyện ngắn liên quan hình ảnh mũ và gậy. Tôi thấy giám mục có mũ và gậy. Ông ăn mày cũng có mũ và gậy. Hai hạng người này hay có mũ và gậy. Làm sao chuyển ý được những hình ảnh mũ và gậy này, nên chưa biết bao giờ mới xuất bản.

Phỏng vấn 5: Kính xin Cha có đôi lời chúc tới độc giả nhân dịp năm mới 2007.

CNTT: Ngày nào cũng là một năm mới. Người ta sống trong thời gian. Người ta lệ thuộc vào thời gian nên mới có năm mới, năm cũ. Thiên Chúa không sống trong thời gian, mà thời gian lệ thuộc trong Chúa. Chúng ta cầu chúc cho nhau Mùa Xuân là cầu chúc cho nhau sống trong Chúa chứ không sống trong thời gian. Kẻ có thời gian cũng chưa chắc có Mùa Xuân. Chúc các Thầy có Mùa Xuân, nhất là Mùa Xuân ơn gọi linh mục các Thầy đang theo.

Phỏng vấn: Cuối cùng, con xin kính chúc Cha một năm tràn đầy Hồng ân Thiên Chúa để Cha tiếp tục mang đến cho độc giả những "người bạn đường" là những đứa con tinh thần của Cha. Xin Cha cũng cầu nguyện nhiều cho chúng con luôn trung thành với sứ vụ của mình. Con cám ơn Cha.

 

Ban Thông Tin (ÐCV Hà Nội)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page