Chính sách gia đình của Trung Quốc

đã tạo nên sự thiếu quân bình

giữa nam và nữ trên toàn quốc

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Chính sách gia đình của Trung Quốc đã tạo nên sự thiếu quân bình giữa nam và nữ trên toàn quốc.

Tin Roma (Zenit 29/01/2007) - Chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng thừa nhận sự khủng hoảng về việc thiếu quân bình giữa nam và nữ xảy ra trong cả nước do chính sách kế hoạch hóa gia đình mà nhà nước quy định mỗi gia đình một đứa con. Sự khủng hoảng này đã tạo ra việc khan hiếm nữ giới cách trầm trọng tại Trung Quốc.

Ông Zhang Weiqing, Giám Ðốc chương trình kế hoạch hóa gia đình toàn quốc, đã trình bày khủng hoảng này trên tờ nhật báo Buổi Sáng (the South China Morning Post) trong số ra ngày 24 tháng Giêng năm 2007. Ông phát biểu, "sự mất quân bình về số lượng giữa nam và nữ trên toàn quốc là do hậu quả của chính sách Kế Hoạch Hóa Gia Ðình của Nhà Nước. Sự khủng hoảng này đang ở mức rất trầm trọng".

Tuy nhiên, ông cũng giải thích rằng, sự khủng hoảng về việc thiếu quân bình này không phải hoàn toàn do chính sách Kế Hoạch Hóa Gia Ðình của Nhà Nước mà thôi, mà còn do một nguyên do quan trọng khác nữa đó là người Trung Hoa muốn sinh con trai hơn là sinh con gái. Tập quán "trọng nam khinh nữ" này của người Trung Hoa đã gây ra khủng hoảng lớn, làm cho số lượng nam nhiều hơn nữ. Hầu hết các gia đình tại Trung Quốc, sau khi dùng siêu âm dò thai, nếu biết được thai nhi là gái, họ đều quyết định phá thai.

Theo báo cáo của ông Zhang Weiqing, chính sách "chỉ một đứa con" của nhà nước Trung Quốc chỉ được khoảng 35% dân chúng Trung Quốc tuân giữ. 52% dân chúng còn lại đều sinh thêm một đứa con thứ hai nếu đứa thứ nhất là con gái. Ngoài ra, 9.6% dân chúng là các gia đình nghèo ở các miền quê đều có hai đứa con. Ðặc biệt 1.6% dân số là những dân tộc thiểu số thì được phép sinh hai đứa con trong mỗi gia đình.

Tuy vậy, số lượng nam trên toàn quốc vẫn càng ngày càng gia tăng nhiều hơn nữ. Theo báo cáo vào ngày 23 tháng Giêng năm 2007, ông Zhang Weiqing cho biết rằng, số lượng thiếu quân bình giữa các trẻ sơ sinh nam và nữ trong năm 2005 là 118 nam đối với 100 nữ. Sự gia tăng chênh lệch này đã tạo nên cách biệt càng ngày càng lớn hơn: vào năm 1982 là 108 nam đối với 100 nữ; năm 1990 là 111 nam đối với 100 nữ. Có những miền, sự chênh lệch này càng lớn hơn với 130 nam đối với 100 nữ. Trong khi đó, sự chênh lệch tại các quốc gia kỹ nghệ là 104 hay 107 nam đối với 100 nữ.

Theo báo cáo vào ngày 12 tháng Giêng năm 2007, trong vòng 15 năm nay, số lượng những người nam ở lứa tuổi kết hôn tại Trung Quốc đông hơn số lượng người nữ là 30 triệu người. Báo cáo cũng cho biết rằng, sự chênh lệch này sẽ tạo ra những khủng hoảng xã hội đối với một số lượng quá lớn khoảng hằng chục triệu người nam sẽ không thể tìm ra được những người "bạn đời" để kết hôn.

Theo một cuộc thăm dò vào ngày 19 tháng Giêng năm 2007 cho biết, khoảng 60% dân chúng Trung Quốc ước muốn có hai người con trong mỗi gia đình. Ngày 12 tháng 7 năm 2006, các viên chức chính phủ Trung Quốc cho biết, họ đang cứu xét để có thể sửa đổi chính sách "chỉ một đứa con". Báo cáo cũng cho biết, Viện nghiên cứu quốc gia về Kế Hoạch Hóa Gia Ðình cũng đang đặt lại vấn đề để ngăn chận những khủng hoảng phá thai để chỉ lựa chọn con trai. Ðã có một đề nghị sẽ xử phạt tù cho những ai phá thai chỉ với mục đích lựa chọn con trai mà thôi. Tuy vậy, vào ngày 28 tháng 12 năm 2006, Thủ Tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo (Wen jia-bao), tuyên bố rằng chính phủ vẫn không có chương trình thay đổi chính sách "chỉ có một con".

Theo báo cáo của tờ báo Chicago Tribune, một vấn nạn khác mà Trung Quốc đang phải đối diện nữa về vấn đề dân số là số lượng người già tuổi trong nước gia tăng cao hơn các quốc gia khác. Richard Jackson, giám đốc tổ chức quan tâm người già tại Trung Tâm Nghiên Cứu có căn cứ ở Washington, nói rằng, sự việc chuyển biến từ trạng thái "quá nhiều trẻ em" (baby boom) qua trạng thái "thiếu trẻ em" (baby bust) cũng sẽ ảnh hưởng nặng tới vấn đề kinh tế. Ông nói, "Sẽ có khoảng 400 triệu người già trong vòng 30 năm kể từ hôm nay, số lượng quá lớn này sẽ làm khủng hoảng nặng vì vấn đề thiếu chăm sóc y tế và đời sống gia đình.

Hiện nay, số lượng những người già trên 60 tuổi ở Trung Quốc chiếm khoảng 11% trong 1.3 tỷ dân số toàn quốc. Với đà gia tăng này, vào năm 2050, số lượng những người già trên 60 tuổi ở Trung Quốc sẽ chiếm 31% tổng dân số toàn quốc. Theo báo cáo của Boston Globe vào ngày 2 tháng Giêng năm 2007, tại Trung Quốc, số lượng người già trên 60 tuổi gia tăng trên 6 triệu người mỗi năm. Trong lúc đó, các Viện Dưỡng Lão ở Trung Quốc chỉ đủ sức chứa khoảng 1.5 triệu người.

Hơn nữa, hầu hết các người già ở Trung Quốc đang trong tình trạng nghèo nàn, có rất ít tiền tiết kiệm, hoặc thiếu nơi cư ngụ. Trong lúc đó, khả năng của Nhà Nước Trung Quốc để lo lắng các dịch vụ chăm sóc phục vụ hay trợ cấp cho những người già này cũng rất đáng nghi ngờ. Tờ Washington Post cũng báo cáo vào ngày 22 tháng 12 năm 2006 cho biết rằng, hiện nay số người già tại Trung Quốc gia tăng rất nhanh, có rất nhiều trường hợp cha mẹ già bị con cái bỏ rơi tại các bệnh viện mà không ai chăm sóc, và cũng có nhiều trường hợp cha mẹ đâm đơn kiện cáo con cái bỏ rơi không chăm lo nuôi dưỡng.

Một khủng hoảng khác sẽ xảy ra đối với Trung Quốc là sẽ có nhiều nhà máy sẽ quyết định di chuyển đến các quốc gia khác, như Ấn Ðộ..., để tìm những nơi có nhiều công nhân trẻ trung hơn.

 

(Joseph Trương)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page