Người Công giáo hy vọng
chuyến thăm Vatican của Thủ tướng Việt Nam
sẽ dọn đường cho việc thiết lập bang giao
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Người Công giáo hy vọng chuyến thăm Vatican của Thủ tướng Việt Nam sẽ dọn đường cho việc thiết lập bang giao.
Saigòn, Việt Nam (UCAN - VT01812.1429 Ngày 23-1-2007) -- Các phương tiện truyền thông Việt Nam vừa loan tin chuyến thăm của thủ tướng tới Thành phố Vatican, và người Công giáo địa phương cho biết họ hy vọng đất nước của mình và Tòa Thánh sẽ nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao.
Ðài Truyền hình Việt Nam cho biết hôm 19-1-2007 rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ hội kiến với Ðức Giáo hoàng Benedict XVI ngày 25-1-2007 trong chuyến thăm Italy theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italy là Romano Prodi. Ðài truyền hình cũng thông báo Ðức Giáo hoàng đã có lời chúc mừng nước này vừa được gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO).
"Ðây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Việt Nam đến Vatican," linh mục dòng Phanxicô Guy Marie Nguyễn Hồng Giáo, 70 tuổi, cựu giám tỉnh dòng Phanxicô Việt Nam, phát biểu với UCA News hôm 22-12007.
Cha Giáo lưu ý rằng trước đây mới chỉ có Phó Thủ tướng Vũ Khoan và ông Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Ngô Yên Thi là những viên chức cao cấp nhất dẫn đầu các phái đoàn đến Vatican theo lời mời của Tòa Thánh vào những năm 2002 và 2005. Ngài gọi những cuộc thăm viếng đó chỉ là những "chuẩn bị từ xa", qua đó hai bên bày tỏ thiện chí thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau mà thôi.
Bối cảnh của chuyến đi của Thủ tướng Dũng rất thuận lợi cho hai bên có quan hệ chính thức, ngài nói. Việt Nam vừa mới được trở thành thành viên thứ 150 của WTO hôm 7-11-2006, sau đó đã tổ chức thành công Hội nghị APEC 12-19/11/2006. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa nước này ra khỏi danh sách những nước đáng quan tâm về mặt tự do tôn giáo hồi tháng 11/2006.
"Việt Nam chứng tỏ đầy đủ khả năng để thực hiện cuộc hội nhập vào cộng đồng quốc tế," điều mà chính phủ đã theo đuổi từ khi chính phủ đề ra chính sách Ðổi Mới vào những năm cuối thập niên 1980", cha Giáo nói.
Vị giáo sư triết học tại Ðại Chủng viện Thánh Giuse ở Thành phố Saigòn cho biết, "Chắc chính phủ Việt Nam muốn có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican, như một bước tiếp theo logic của những nỗ lực hội nhập của mình vào cộng đồng thế giới". Dĩ nhiên, mối bang giao này "sẽ không mang lại cho Việt Nam một lợi thế kinh tế hay chính trị trực tiếp nào", ngài cho thấy, "nhưng uy tín của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng hơn nữa".
Ngài kể, có người cho rằng chính phủ Việt Nam đã muốn thiết lập bang giao với Tòa Thánh từ hơn 10 năm trước, nhưng ngài nói ngài không tin là "các điều kiện trước đây đã chín muồi" cho một bước đi như thế.
Vị linh mục dòng Phanxicô còn cho biết Ðức Thánh Cha Benedict XVI đã từng công khai nói lên mong muốn được thiết lập mối quan hệ đầy đủ với những nước chưa có bang giáo với Tòa Thánh.
Một quan hệ mới giữa Tòa Thánh và Việt Nam, ngài tiên đoán, "sẽ rất có lợi cho cộng đồng Giáo hội tại đây, một cộng đồng Công giáo đông nhất tại Ðông Nam Á, sau Philippines, với số giáo dân khoảng 6 triệu", trong 83 triệu dân. Mọi vấn đề liên quan đến cộng đồng này lúc đó có thể được giải quyết trực tiếp giữa Tòa Thánh và chính quyền Việt Nam, không phải qua những trung gian khác như trước.
"Tôi rất vui mừng trước những viễn tượng tốt đẹp như thế cho cả Ðất nước tôi và Giáo hội tôi", cha Giáo nói.
Một số linh mục từ giáo phận Nha Trang cho UCA News biết, họ hy vọng Thủ tướng và Ðức Giáo hoàng sẽ thảo luận về tự do tôn giáo ở quốc gia này để hai bên có thể bỏ qua những hiểu lầm trứơc đây và tiến tới thiết lập bang giao trong tương lai gần.
Ông Rôcô Phạm Văn Ánh, một giáo dân ở thành phố Yên Bái, miền Bắc Việt Nam, nói với UCA News, "Tôi hy vọng cuộc gặp gỡ lịch sử này giúp chính phủ và Giáo hội cải thiện quan hệ của mình và đem lại lợi ích thiết thực cho đôi bên".
Khi hai bên có quan hệ ngoại giao, người Công giáo địa phương sẽ tự do hơn để tổ chức các sinh họat tôn giáo, nhất là ở vùng sâu xa và vùng có nhiều dân tộc thiểu số, các sinh họat tôn giáo vẫn còn bị giới hạn, ông kỳ vọng.
Tòa Thánh đã gởi 14 phái đoàn tới Việt Nam kể từ khi Ðức Hồng y Roger Etchegaray, lúc đó đứng đầu Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình và Hội đồng Tòa Thánh Ðồng Tâm, viếng thăm nước này vào tháng 7-1989.
UCAN