Những nhận định của ÐTC Bênêđitô XVI
về Giáo Hội trong năm 2006
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Những nhận định của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI về Giáo Hội trong năm 2006.
(Radio Veritas Asia 18/01/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Trong những mục thời sự lần trước đã gởi đến quý vị và các bạn những nhận định của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI về hiện tình thế giới, trong dịp tiếp ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, hôm thứ Hai mùng 8 tháng Giêng năm 2007. Trong mục thời sự hôm nay, chúng ta hãy theo dõi những nhận định của ÐTC về hiện tình Giáo Hội Công Giáo trong năm 2006, nhân dịp tiếp Giáo Triều Roma dịp Lễ Giáng Sinh 2006. Buổi tiếp kiến đã diễn ra trước lễ giáng sinh, vào ngày 22 tháng 12 năm 2006. Nhận định về hiện trạng thế giới và nhận định về hiện trạng Giáo Hội, đó là hai việc truyền thống mà mọi Vị Giáo Hoàng đều thường làm, vào dịp cuối năm cũ đầu năm mới. Bài Diễn Văn của ÐTC cho giáo triều Roma, vào sáng ngày 22 tháng 12 năm 2006, được mở đầu như sau:
Thưa quý vị Hồng Y,
chư huynh đáng kính trong hàng giám mục và linh mục,
anh em thân mến,
Với niềm vui lớn tôi gặp anh em và gởi đến từng người lời chào thân tình. Tôi cám ơn anh em đã đến tham dự cuộc gặp gỡ truyền thống này vào lúc sắp đến lễ Giáng Sinh. Tôi đặc biệt cám ơn Ðức Hồng Y Angelo Sodano vì những lời diễn tả những tâm tình của tất cả mọi người hiện diện, dựa theo chủ đề trung tâm của thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu. Trong dịp đầy ý nghĩa này, tôi muốn nói lên với ngài lòng biết ơn của tôi về công việc phục vụ mà trong biết bao năm qua ngài đã làm cho Ðức Giáo Hoàng và cho Toà Thánh, vừa làm nổi bật phẩm chất của Vị Quốc Vu Khanh Toà Thánh; Tôi nguyện xin Thiên Chúa thưởng công vì những điều tốt lành ngài đã hoàn thành một cách khôn ngoan và hăng say để phục vụ cho sứ mạng Giáo Hội. Ðồng thời Tôi vui mừng lặp lại lời lời chào chúc đặc biệt đến Ðức Hồng Y Tarcisio Bertone, vì trách vụ mới mà tôi đã trao phó cho ngài. Tôi cũng gởi những tâm tình nầy đến tất cả những ai trong năm qua vừa bước vào phục vụ tại Giáo Triều Roma hoặc tại Phủ Quản Trị Vatican. Tôi cũng mến thương và ghi ơn nhớ đến tất cả mọi người mà Chúa đã gọi ra khỏi cuộc sống này trở về với Ngài.
Năm 2006 sắp kết thúc để lại trong ký ức dấu vết sâu xa về những khủng khiếp của chiến tranh đã xảy ra tại Thánh Ðịa, cũng như cách chung mang đến một nguy hiểm về cuộc xung đột văn hoá và tôn giáo. --- một nguy hiểm còn đang hăm dọa trong giây phút nầy của lịch sử. --- Vấn đề những con đường đưa đến hoà bình trở thành thách thức quan trọng hàng đầu cho tất cả những ai quan tâm đến con người. Ðiều này đặc biệt đúng với giáo hội mà lời hứa đã đồng hành với giáo hội ngay từ khởi đầu, cũng nói lên trách nhiệm và bổn phận của giáo hội: "Vinh danh Thiên Chúa Trên Trời. Bình an dươi thế cho mọi người được Chúa Yêu Thương."
Lời chào của Sứ thần cho các mục đồng trong đêm Chúa Giêsu giáng sinh tại Bêlem, mạc khải cho ta thấy mối liên lết không thể nào bỏ qua được trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Hoà bình trên mặt đất không thể nào có mà không có sự hoà giải với Thiên Chúa; Hoà bình trên mặt đất không thể nào có, nếu không có sự hoà hợp giữa trời và đất.
Ðến đây, biến cố giáo hội được ÐTC nhắc đến trước hết là Bốn chuyến viếng thăm quốc tế của ngài, bắt đầu với chuyến viếng thăm BaLan. ÐTC đã nói như sau:
Tương quan giữa chủ đề "Thiên Chúa" và chủ đề "hoà bình" là yếu tố nổi bật của bốn chuyến Tông Du trong năm 2006. Giờ đây, Tôi muốn trở lại với bốn chuyến tông du này, với ký ức của mình. Trước hết là chuyến viếng thăm mục vụ BaLan, quê hương của vị giáo hoàng đáng mến của chúng ta, Ðức Gioan Phaolô II. Chuyến viếng thăm tại quê hương của Ðức Gioan Phaolô II, đối với tôi, là một bổn phận sâu xa của lòng biết ơn, vì tất cả những gì mà ngài, trong suốt thời gian dài một phần tư thế kỷ phục vụ, đã trao cho bản thân tôi, và nhất là cho giáo hội và cho thế giới. Hồng ân cao cả nhất mà ngài để lại cho tất cả chúng ta, là chính đức tin không lay chuyển của ngài và mức độ tận căn của sự dấn thân của ngài. "Totus Tuus" "Trọn cả con thuộc về Mẹ" là khẩu hiệu giám mục của ngài, trong đó có phản chiếu trọn cả con người ngài. Ðúng vậy, ngài đã hiến thân không dè giữ cho Thiên Chúa, cho Chúa Kitô, cho Mẹ Maria của Chùa Kitô, cho Giáo Hội, để phục vụ Ðấng Cứu Thế và sự cứu rỗi con người. Ngài đã không giữ lại điều gì cả; ngài đã để cho mình bị tiêu hao cho đến cùng, bởi ngọn lửa đức tin. Như thế, ngài đã chỉ cho chúng ta, những con người của thời hôm nay, biết mình có thể tin vào Thiên Chúa như thế nào, một vì Thiên Chúa hằng sống, đã trở nên gần gủi với chúng ta, trong Chúa Kitõ. Ngài đã chỉ cho chúng ta biết rằng con người có thể dấn thân trọn cả cuộc đời một càch vĩnh viễn và tận cùng; và rằng chính trong sự hiến thân mà cuộc sống mới trở nên cao cả, rộng mở và trổ sinh nhiều hoa trái. Tại Balan, bất cứ đi đâu, tôi đều gặp thấy niềm vui đức tin. "Niềm vui của Chúa là sức mạnh của anh chị em". Ðây là lời mà kinh sĩ Esdra đã nói với dân Israel vừa trở về sau cuộc lưu đày, giữa cảnh khổ của một cuộc bắt đầu mới (Nêhêmi 8, 10). Tại Balan tôi đã có thể cảm nghiệm cụ thể những lời đó. Tôi hết sức cảm động trước lòng chân thành tiếp đón khắp nơi. Dân chúng Balan đã nhìn nơi tôi người kế vị thánh Phêrô, kẻ được trao cho thừa tác vụ mục vụ chăm sóc toàn thể giáo hội. Dân chúng BaLan đă nhìn thấy Ðấng mà, --- mặc cho mọi sự yếu đuối con người, --- Chúa Kitô Phục Sinh đã trao cho tác vụ: "Hãy chăn các chiên của Ta" (x. Gn 21,15-19); Họ đã nhìn thấy người kế vị của Ðấng đã được nghe Chúa Giêsu, nơi miền Cêsarêa Philip, ngỏ lời với như sau: "Con là Phêrô, nghĩa là Ðá Tảng, và trên Ðá Tảng này Ta sẽ xây giáo hội Ta" (Mt 16,18). Tự mình, thánh Phêrô không phải là Ðá tảng, mà chỉ là con người yếu đuối và hay thay đổi. Tuy nhiên Chúa đã muốn biến Phêrô thành Ðá tảng, và minh chứng rằng, qua con người yếu đuối, Chúa nâng đỡ vững vàng Giáo Hội của Chúa và gìn giữ Giáo Hội trong sự hiệp nhất. Như thế, đối với Tôi, theo một ý nghĩa sâu xa hơn, chuyến viếng thăm BaLan là một Lễ Hội cử hành đặc tính công giáo. Chúa Kitô là hoà bình của chúng ta, là Ðấng quy tụ lại những kẻ đã bị chia cách với nhau. Ngài là sự hoà giải, vượt qua tất cả những sự khác biệt về thời đại lịch sử và văn hoá. Nhờ thừa tác vụ Phêrô, chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh hiệp nhất phát sinh từ đức tin, một đức tin luôn đổi mới, một đức tin xây dựng dân duy nhất của Thiên Chúa, từ nhiều dân nước khác nhau. Với niềm vui, chúng ta thật sự cảm nghiệm điều này, là chúng ta kết thành một dân duy nhất của Chúa, tức là giáo hội thánh thiện của Chúa, từ nhiều tộc khác nhau. Vì thế, thừa tác vụ Phêrô có thể là dấu hiệu hữu hình bảo đảm cho sự hiệp nhất và làm nên một sự hiệp nhất cụ thể. Tôi muốn cám ơn Giáo Hội tại BaLan, một lần nữa, một cách công khai và với hết lòng chân thành, vì kinh nghiệm cảm động về đặc tính "công giáo". Khi đi thăm các địa điểm tại Balan, tôi không thể nào không viếng thăm Auschwitz-Birkenau, nơi của sự hung bạo dữ dằn nhất, nơi cố xoá bỏ dân tộc Do Thái, nơi cố phá hư sự tuyển chọn của Thiên Chúa, nơi cố loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi lịch sử. Tôi đã cảm nghiệm sâu xa niềm an ủi trong giây phút viếng thăm đó, khi thấy xuất hiện trên trời "hình cầu vòng" hy vọng, trong khi mà, trước sự khủng khiếp của nơi đó, và trong thái độ của Ông Gióp, tôi kêu lên cùng Thiên Chúa, với tâm hồn xúc động vì sự việc xem ra như vắng bóng Ngài, nhưng đồng thời Tôi được nâng đỡ bởi niềm xác tín rằng Thiên Chúa không ngừng hiện diện cả trong thinh lặng và ở lại với chúng ta. Chiếc cầu vòng là như một câu trả lời của Thiên Chúa rằng: Có Ta Ðây. Và những lời hứa của Giao Ước, mà Ta đã nói sau trận Lụt Ðại Hồng Thủy, vẫn còn có giá trị, cả trong ngày hôm nay nữa.
(còn tiếp)
(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)