Khai mạc Tuần Lễ Di Dân
tại Tổng Giáo Phận Saigòn
Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines
Khai
mạc Tuần Lễ Di Dân tại Tổng Giáo Phận Saigòn.
Khoảng 700 bạn trẻ hiện diện tham dự ngày Khai mạc Tuần Lễ Di Dân tại Tổng Giáo Phận Saigòn. |
Saigòn, Việt Nam (14/01/2007) -- Kỷ niệm ngày quốc tế di dân, Ban Mục Vụ Di Dân thuộcTổng Giáo phận Sài Gòn tổ chức tuần lễ di dân cho các bạn công nhân, các bạn di dân, vào lúc 2 giờ chiều Chúa nhật ngày 14 tháng 1 năm 2007, tại nhà thờ Phaolo số 280 đường Vành Ðai Trong, quận Bình Tân. Các bạn được đón tiếp một cách nồng hậu, ân cần ngay từ cổng vào, bao mệt mỏi của chặng đường dài dường như tan biến theo tiếng cười tiếng nói lao xao, khi chợt nhận ra nhau giữa hàng trăm khuôn mặt là lạ lại có một người bạn mình quen từ những lần giao lưu trước.
14 giờ 15 phút các bạn đã yên vị trong thánh đường Phaolô trong 10 phút Chầu Thánh Thể để tạ ơn Chúa đã cho chuyến đi đến nơi bình an và dâng lên Chúa buổi giao lưu gặp gỡ này cũng như mời Chúa cùng hiện diện và chia sẻ.
Ðúng 14 giờ 30, cha Phaolô Phạm Trung Dong, trưởng Ban Mục Vụ Di Dân của Tổng giáo Phận Saigon, cũng là cha sở của nhà thờ Phaolô lên khai mạc tuần lễ di dân, tuần lễ cầu cho những anh chị em đang phải sống xa quê, xa gia đình và tuần lễ này sẽ được nối dài trong các buổi tĩnh tâm, chầu thánh Thể, cầu nguyện Taizé, đọc Kinh thánh, lần Chuỗi Mân Côi... tại các giáo xứ và các phòng trọ.
Ước tính có khoảng 700 bạn trẻ hiện diện, với băng reo: "Họp mặt - di dân"; "dấn thân - phục vu"ï; "Thắp sáng - tin yêu" của cha F. X Nguyễn Minh Thiệu Dòng Don Bosco và trò chơi phá băng giơ tay phải, giơ tay trái... của cha Hảo dòng Thánh Thể đã làm cho các bạn gần gũi với nhau hơn. 700 cái miệng cùng cười, 700 cái miệng cùng hát... âm vang cả góc trời Saigon, sống dậy trong lòng các bạn trẻ tình liên đới, sự hiệp thông và sự chia sẻ tinh thần trong từng vũ điệu từng bài hát.
Mặc dù chỉ là những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn nhưng đã đem lại cho khán giả những cảm xúc thật đẹp, thật tinh tế về thẩm mỹ. Bởi các bạn biết chắc rằng, công nhân thì không có thời gian tập luyện và không phải dân chuyên nghiệp, nên những động tác uốn tay hay đi quả trám... đều không dễ, nhưng khán giả nhận thấy nơi các "diễn viên nghiệp dư" một sự cố gắng để diễn tả cái đẹp cho mọi người cùng thưởng thức, đó là vốn quý là sự chân tình đối với nhau. Bởi thế những tràng pháo tay nối tiếp nhau, khích lệ các diễn viên thật to và cũng thật kêu. Cảm động nhất là các "diễn viên nhí", các em là con cháu của anh chị em di dân, thấy các anh chị tập luyện cũng xin góp vui với 3 tiết mục: hợp ca, nhảy Hip Hop và bài hát Trái Xoài bằng tiếng Campuchia. Khi các em chấm dứt tiết mục của mình thì cũng là lúc đồng thời tiếng vỗ tay không dứt. Vỗ tay để khích lệ, để khen thưởng, để cổ vũ, để cảm ơn các em đã đổ những giọt mồ hôi vất vả trên sàn tập cho một tiết mục được diễn trên sân khấu.
Sau phần giải lao 10 phút, thánh lễ đồng tế được cử hành khai mạc tuần lễ Di Dân. Trong lời chào đầu lễ, cha chủ tế đã gởi lời chào của Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đến toàn thể anh chị em. Ngài luôn quan tâm đặc biệt đến vấn đề di dân. Và Ðức Giêsu của chúng ta cũng là người di dân, mới sinh ra đã phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình chạy sang Ai Cập. Tất cả chúng ta cũng là di dân, vì chúng ta đang sống trong thân phận một người lữ hành, đang trên đường trở về nhà Cha, xin cho tất cả chúng ta cùng hướng đến con đường mới, cùng theo Giêsu đi khắp đất trời, trong Giêsu bên nhau phục vụ vui sống, trong Giêsu ta yêu và được yêu mãi để lối yêu thương vững đôi chân ta bước đi mỗi ngày.
Trong bài giảng thánh lễ Chúa nhật thứ 2 thường niên năm C, đoạn Tin Mừng Gioan 2, 1 -11, Cha Giám Ðốc trung tâm Mục Vụ Công Giáo - Tổng Giáo phận Saigon Nguyễn Khảm đã nói về từ "dấu lạ" chứ không phải là phép lạ mà thánh Gioan đã dùng. Dấu lạ để nói lên một dấu chỉ. Dấu chỉ về tình yêu của Thiên Chúa với con người. Mối tình Thiên Chúa dành riêng cho loài người, đó cũng là lý do vì sao câu chuyện tiệc cưới lại được Giáo Hội đặt làm nền tảng cho Bí tích Hôn nhân. Tình yêu vợ chồng là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa và loài người, do đó các anh chị đang sống trong bậc hôn nhân hãy sống thật đẹp để mọi người cảm nhận được Thiên Chúa dành trọn vẹn sự yêu thương cho con người. Ðạo Công giáo chúng ta không được phép ly dị, vì cuộc sống vợ chồng diễn tả sâu xa tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa có ly dị với Giáo họi đâu, nếu Chúa ly dị thì chúng ta sẽ đi đâu? Chúa Kitô không đánh, không "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" Giáo hội, nhưng tại sao có những người chồng lại "lên gối" vợ. Chúa Kitô cũng không chì chiết Giáo hội, nhưng lại có những người vợ chì chiết chồng? Với lối giảng từ tư, dẫn dắt từ lời Kinh Thánh, cha đã dẫn mọi người đến những hành động, cử chỉ trong cuộc sống hằng ngày, đưa mọi người vào cách cư xử tốt hơn, đẹp hơn.
Với các bạn di dân, cha nói về sự cô đơn trống trải của các bạn khi phải xa cái nôi ấm gia đình, xa làng quê, xa những gì trước đây thân quen với mình, nỗi cô đơn có đến đấy là điều bình thường và tự nhiên là thích đi tìm sự an ủi. Nhưng nếu không biết giữ ranh giới của sự tìm kiếm này giữa phái nam và nữ sẽ dẫn đến hậu quả khó lường như phá thai, nạo thai, chích choác, bia rượu... và những hậu quả khó lường khác.
Các bạn hãy noi gương Ðức Giêsu, người đến trần gian không để trần gian cuốn hút Ngài, nhưng Ngài thánh hoá trần gian này. Các bạn cũng đừng để cái xấu cám dỗ và hãy noi gương Thầy Giêsu góp phần làm cho nơi mình cư ngụ tốt đẹp hơn.
Ước gì chúng ta hãy mở lòng để đón nhận Ðức Giêsu để cùng với Ngài chúng ta là ánh sáng, là sự sống giữ vững ơn gọi Kitô hữu và sống để mọi người nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta.
Sau thánh lễ cha chính xứ mời tất cả anh chị em cùng chia sẻ bữa Agape tại hội trường giáo xứ. Tại đây chúng tôi được gặp gỡ rất nhiều anh chị em tu sĩ của các dòng như: Phanxico, Don Bosco, Phan Sinh, Ðaminh Rosa Lima, Ðaminh Lạng Sơn, Mến Thánh Giá Chợ Quán, Salediêng nữ, tu hội Bác Ái và nhiều hội dòng khác đang hoà cùng với các bạn trong tiếng cười rổn rảng hạnh phúc và niềm vui.
Ước mong ngày hôm nay niềm vui sẽ nối dài mãi trong cuộc đời lữ hành của mỗi chúng ta trên bước đường về nhà Cha yêu thương.
Minh Nguyên