Bài Giảng Thánh Lễ Nửa Ðêm Giáng Sinh 2006

của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Bài Giảng Thánh Lễ Nửa Ðêm Giáng Sinh 2006 của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI.

(Radio Veritas Asia 25/12/2006) - Quý vị và các bạn thân mến. Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã cử hành Thánh Lễ Nửa Ðêm Giáng Sinh 2006 bên trong đền thờ thánh Phêrô, với sự đồng tế của 36 vị Hồng Y. Thánh Lễ đã được trực tiếp truyền hình trên 77 kênh Truyền Hình tại 44 quốc gia. Mục thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài giảng của Ðức Thánh Cha, như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Chúng ta vừa nghe trong Phúc âm sứ điệp các thiên thần loan báo cho các mục đồng trong Ðêm Giáng Sinh, một sứ điệp mà giờ đây Giáo Hội lớn tiếng công bố cho chúng ta: Hôm nay, Ðấng cứu thế đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Ðavid; Người là Ðức Kitô, Chúa chúng ta. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ mới sinh bọc tả nằm trong máng cỏ" (Lc 2,11-12). Không có gì kỳ diệu, không có gì ngoại thường, không có gì huy hoàng được trưng dẫn như là dấu chỉ cho các mục đồng. Họ sẽ gặp thấy một hài nhi bọc tả, một hài nhi như bao hài nhi khác, cần sự chăm sóc của một người mẹ; một hài sinh ra trong chuồng vật, và như thế, không nằm trong nôi, nhưng trong máng cỏ. Dấu chỉ của Thiên Chúa là một hài nhi yếu đuối cần được giúp đỡ và trong cảnh nghèo khó. Chỉ với con tim, những mục đồng mới có thể thấy nơi hài nhi này sự viên mãn lời hứa của tiên tri Isaia mà chúng ta đã nghe trong bài đọc I: "Một con trẻ đã chào đời để cứu chúng ta, một người con được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền năng trên vai" (Is 9,5). Chúng ta đây cũng không nhận được một dấu chỉ nào khác. Qua sứ điệp Phúc âm, sứ thần của Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy lên đường với con tim, để gặp thấy hài nhi nằm trong máng cỏ. Dấu chỉ của Thiên Chúa là sự đơn sơ. Dấu chỉ của Thiên Chúa là việc Ngài trở nên bé nhỏ vì chúng ta. Ðó là cách ngài cai trị. Thiên Chúa không ngự đến với quyền lực và vẻ uy nghi bề ngoài. Ngài đến như một hài nhi, không bảo vệ mình được nhưng cần sự giúp đỡ của chúng ta. Ngài không muốn làm chúng ta ngộp thở với sức mạnh của Ngài. Ngài cất đi sự khiếp sợ của ta trước sự cao cả của Ngài. Ngài xin chúng ta tình yêu: vì thế Ngài đã trở nên trẻ thơ. Ngài không muốn điều gì khác nơi ta ngoại trừ tình yêu, mà qua đó chúng ta tự nhiên buớc vào trong những tâm tình của Ngài, trong tư duy và ý chí của Ngài. Chúng ta học sống với Ngài và thực hành với Ngài sự khiêm hạ từ bỏ mình, điều thiết yếu nhất của tình yêu. Ngài đã trở thành nhỏ bé, để chúng ta có thể hiểu Ngài, tiếp rước Ngài và yêu thương Ngài. Các giáo phụ, khi dịch Cựu Ước sang tiếng Hy Lạp, đã gặp thấy một đoạn từ sách tiên trri Isaia, --- mà thánh Phaolô cũng trích dẫn --- để chỉ cho thấy những đường lối mới của Thiên Chúa đã được loan báo trước như thế nào trong Cựu Uớc. Những lời đó như sau: Thiên Chúa đã rút ngắn Lời Ngài; Thiên Chúa đã tóm lại Lời ngài" (Is 10,23; Thư Roma 9,28). Các Giáo Phụ đã giải thích theo hai nghĩa. Con Thiên Chúa là Lời Thiên Chúa, là Ngôi Lời; Lời hằng hữu đã trở nên nhỏ bé, đến độ vào được trong máng cỏ. Ngôi Lời đã trở thành trẻ nhỏ, ngõ hầu Lời Thiên Chúa trở nên dễ hiểu cho chúng ta. Như thế Thiên Chúa dạy chúng ta yêu thương những trẻ thơ. Ngài dạy chúng ta yêu thương những kẻ yếu đuối. Bằng cách thế như vậy, Ngài dạy chúng ta tôn trọng những trẻ thơ. Con Trẻ giáng sinh tại Bêlem hướng chúng ta nhìn đến tất cả mọi trẻ thơ đang đau khổ và bị lạm dụng trên thế giới, những trẻ đã được sinh ra cũng như những trẻ không được sinh ra. Con trẻ Bêlem hướng chúng ta nhìn đến những trẻ bị đưa vào trong thế giới của bạo lực, như những trẻ thơ làm lính, những trẻ thơ phải đi ăn xin, những trẻ thơ phải khổ vì nghèo vì đói, những trẻ không được hưởng chút tình thương yêu nào cả. Trong tất cả các trẻ em này, chính Con Trẻ Bêlem mời gọi chúng ta dấn thân. Chính Thiên Chúa, Ðấng đã trở nên trẻ thơ, mời gọi chúng ta dấn thân. Chúng ta hãy cầu nguyện trong đêm giáng sinh này, ngõ hầu sức mạnh tình yêu Chúa chăm sóc cho tất cả các trẻ em này; và chúng ta xin Thiên Chúa trợ giúp chúng ta thực hiện phần đóng góp của mình, ngõ hầu được tôn trọng phẩm giá của các trẻ em; ước gì ánh sáng tình thương mọc lên cho tất cả; con người cần đến tình thương này nhiều hơn là cần những điều vật chất cần thiết để sống.

Giờ đây chúng ta nói đến ý nghĩa thứ hai mà các giáo phụ đã gặp được trong câu: "Thiên Chúa đã rút ngắn Lời Ngài". Lời mà Thiên Chúa thông truyền cho chúng ta trong những sách Kinh Thánh, theo dòng thời gian, đã trở nên dài. Dài và phức tạp không những cho những người đơn sơ và không biết chữ, mà còn cho cả những ai có hiểu biết về Kinh Thánh, cho những người thông thái dấn thân tìm hiểu những chi tiết và những vấn đề chuyên biệt, nhưng rồi không thành công để có lại cái nhìn tổng kết nữa. Chúa Giêsu đã làm cho ngắn lại Lời Chúa --- đã làm cho chúng ta nhìn thấy lại đặc tính đơn sơ và duy nhất sâu xa của Lời Chúa. Tất cả những gì Lề Luật và các tiên tri dạy chúng ta, đều được tóm gọn lại --- như Chúa đã nói --- trong lời sau đây: Hãy yêu mến Thiên Chúa, Chúa con, với hết con tim, hết linh hồn, hết trí khôn... Và hãy yêu thương người lân cận như chính mình" (Mt 22,37-40). Ðó là tất cả. Toàn bộ Ðức Tin được tóm lại trong hành động duy nhất thực hiện tình thương đối với Thiên Chúa và con người. Nhưng những câu hỏi được đặt ra như sau: Làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa với hết trí khôn, nếu chúng ta cảm thấy khó gặp Ngài với khả năng trí khôn chúng ta? Làm sao chúng ta có thể yêu mến Ngài với hết con tim và hết linh hồn chúng ta, nếu con tim này chỉ muốn nhìn thấy Ngài từ xa xa và nhìn thấy biết bao điều mâu thuẫn trong thế giới đang che dấu dung mạo Ngài xa khỏi chúng ta?

Ở đây chúng ta thấy gặp nhau hai cách thức trong đó Thiên Chúa "đã rút ngắn" Lời Ngài. Ngài không còn ở nơi xa nữa. Ngài không còn là kẻ vô danh không được biết đến nữa. Ngài không còn là Ðấng không thể đạt tới đối với con tim chúng ta nữa. Ngài đã trở thành con trẻ vì chúng ta, và qua biến cố này Ngài đã phá tan mọi sự mập mờ. Ngài trở thành người lân cận chúng ta, và như thế tái tạo hình ảnh con người mà thường khi bị xem ra như hơi khó thương một chút đối với chúng ta. Vì loài người chúng ta, Thiên Chúa đã trở nên hồng ân. Ngài đã trao ban chính mình. Ngài dành cho chúng ta thời gian. Là Ðấng hằng hữu vượt trên thời gian, Ngài đã ôm lấy thời gian, đã tôn trọng thời giờ của chúng ta bên cạnh Ngài. Lễ Giáng Sinh đã trở thành lễ của những hồng ân, để bắt chước Thiên Chúa, Ðấng đã trao ban chính mình cho chúng ta. Chúng ta hãy để cho con tim chúng ta, linh hồn chúng ta và trí khôn chúng ta được biến cố này chạm đến! Giữa biết bao món quà mà chúng ta mua sắm và nhận được, chúng ta đừng quên món quà đích thực: đó là trao cho nhau một chút gì đó từ chính bản thân mình. Là trao cho nhau thời giờ của mình. Là mở rộng thời gian của mình cho Thiên Chúa. Như thế không còn nữa những bận rộn lo toan. Như thế niềm vui được sinh ra, và như thế lễ mừng được khai mở. Và trong những bữa tiệc mừng lễ của thời gian này, chúng ta hãy nhớ lại những lời sau đây của Chúa: "Khi con mở tiệc ăn mừng, con đừng mời những ai sẽ mời con lại, nhưng hãy mời những kẻ không được ai mời dự tiệc cả, hãy mời những kẻ không thể mời con lại" (Lc 14,12-14). Khi ta trao tặng quà dịp lễ Giáng Sinh, ta đừng tặng quà chỉ cho những ai mà, đến phiên họ, có thể tặng quà lại cho ta; hãy tặng quà cho những ai không nhận được quà nào cả, và cũng không thể trao trả lại cho ta điều gì cả. Chính Thiên Chúa cũng đã hành xử như vậy. Ngài mời gọi chúng ta đến dự tiệc cưới mà chúng ta không thể trả lại cho Ngài điều gì cả, nhưng chỉ có thể làm một điều duy nhất này là vui mừng lãnh nhận mà thôi. Chúng ta hãy bắt chước Thiên Chúa! Chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, và khởi sự từ Ngài mà yêu thương con người, để rồi tái khám phá Thiên Chúa một cách mới mẻ, khởi sự từ con người.

Như thế được mở ra ý nghĩa thứ ba của lời quả quyết về Lời Thiên Chúa được rút ngắn lại và trở nên bé nhỏ. Các mục đồng đã được nói cho biết là họ sẽ gặp được một con trẻ trong máng cỏ của các loài vật, những "cư dân" đích thật của chuồng này. Khi đọc sách Tiên Tri Isaia, nơi chương 1 câu 3, các nghị phụ đã rút ra từ đó rằng thường khi thì nơi chuồng thú vật tại Bêlem, có một con bò và một con lừa. Và lúc đó các giáo phụ đã giải thích bản văn theo nghĩa này là nơi chuồng thú vật có biểu tượng đại diện cho dân do thái và cho người ngoài, và do đó đại diện cho toàn thể nhân lọai, trong đó mọi người đều cần đến Ðấng Cứu Thế, cần đến Vì Thiên Chúa đã trở thành con trẻ. Con người, để sống, thì cần đến bánh ăn, cần hoa trái của ruộng đất và của lao công con người. Nhưng con người không chỉ sống bằng cơm bánh. Con người cần lương thực để nuôi sống linh hồn mình; con người cần có một ý nghĩa có thể làm đầy cuộc sống của mình đó. Như thế, đối với các giáo phụ, máng cỏ dành cho thú vật đã trở thành biểu tượng của bàn thờ, mà trên đó có sẵn Bánh là Chúa Kitô; Ngài là lương thực đích thật cho tâm hồn chúng ta. Và chúng ta còn nhìn thấy lần nữa Ngài đã trở thành bé nhỏ như thế nào; trong sự khiêm tốn của hình bánh, trong miếng bánh nhỏ, Ngài trao ban chính Ngài cho chúng ta.

Dấu chỉ đã được ban cho các mục đồng và giờ đây cho chúng ta, (dấu chỉ đó) nói lên tất cả những điều này, rằng: Con trẻ đã được trao ban cho chúng ta, (ConTrẻ) mà trong đó Thiên Chúa đã trở nên bé nhỏ cho chúng ta.

Chúng ta hay cầu cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn chiêm ngắm hang đá trong đêm giáng sinh này, với tâm hồn đơn sơ của các mục đồng, để lãnh nhận niềm vui, niềm vui của các mục đồng trên đường trở về nhà, sau khi đã gặp Chúa Hài Ðồng (x. Luca 2,20). Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta sự khiêm tốn và đức tin của Thánh Giuse đang chiêm ngắm Con Trẻ mà Mẹ Maria đã cưu mang bởi quyền phép Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn chiêm ngắm Chúa với tình yêu thương của Mẹ Maria đang nhìn Chúa. Chúng ta hãy cầu xin ánh sáng, mà các mục đồng đã nhìn thấy, cũng chiếu soi cho chúng ta nữa; chúng ta hãy xin cho được thực hiện trên khắp thế giới điều mà các thiên sứ đã hát lên trong Ðêm Giáng Sinh: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời và Hoà Bình dưới thế cho con người được Chúa yêu thương! Amen".

 

(Bản dịch Việt ngữ của Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page