Huấn Ðức của ÐTC Bênêđitô XVI

vào Trưa Chúa Nhật

Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

 

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

 

Những Lời Huấn Ðức của Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI vào Trưa Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, mùng 7 tháng Giêng năm 2007.

(Radio Veritas Asia 8/01/2007) - Quý vị và các bạn thân mến. Thứ Hai mùng 8 tháng Giêng năm 2007, Giáo Hội tại Việt Nam mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa. Nhưng tại Roma, Ðức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã cử hành Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa vào Chúa Nhật mùng 7 tháng Giêng năm 2007, trong Nhà Nguyện Sistina. Trong thánh lễ, ÐTC đã ban bí tích Rửa Tội cho 13 trẻ nhỏ. Sau đó vào lúc trưa, ÐTC đã xuất hiện nơi Cửa Sổ phòng làm việc của ngài, để đọc kinh truyền tin với dân chúng. Mục thời sự hôm nay kính mời quý vị và các bạn theo dõi bài huấn đức của Ðức Thánh Cha về ý nghĩa của lễ Chúa Chịu Phép Rửa như sau:

 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo Hội cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, lễ kết thúc mùa Giáng Sinh. Phụng Vụ đề nghị cho chúng ta bài tường thuật về phép Rửa của Chúa Giêsu nơi sông Giordanô, theo bản văn của Phúc âm theo thánh Luca (x. 3, 15-16.21-22). Thánh sử kể rằng trong khi Chúa Giêsu còn đang cầu nguyện sau khi đã lãnh nhận Phép Rửa giữa biết bao người bị thu hút bởi lời giảng của Gioan Tiền Hô, thì trời mở ra và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu. Và một giọng nói từ trời cao vang lên: "Con là Con Ta yêu dấu, Con đẹp lòng Ta mọi đàng." (Lc 3,22).

Phép Rửa của Chúa Giêsu nơi sông Giordan được nhắc lại và làm nổi bật bởi cả bốn thánh sử, dù trong cấp bậc khác nhau. Biến cố này là nội dung của lời rao giảng của các tông đồ, và kết thành điểm khởi hành của toàn bộ những việc làm và lời nói mà các Tông đồ phải làm chứng cho (x. Tđcv 1, 21-22; 10, 37-41). Cộng đoàn các tông đồ mặc cho biến cố này một tầm mức hết sức quan trọng, không những bởi vì trong lúc Chúa chịu phép Rửa, lần đầu tiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải một cách rõ ràng và đầy đủ, mà còn bởi vì từ biến cố này được bắt đầu thừa tác vụ công khai của Chúa Giêsu trên các nẻo đường Palestina. Phép Rửa của Chúa Giêsu nơi sông Giordan loan báo trước cho Phép Rửa bằng Máu của Chúa trên Thập Giá, và là biểu tượng của toàn bộ những hoạt động có tính cách bí tích của Ðấng Cứu Thế, để thực hiện ơn cứu rỗi nhân loại. Chính đây là lý do tại sao truyền thống các giáo phụ đã dành nhiều quan tâm đến ngày lễ này, là lễ mừng cổ xưa nhất, sau lễ Phục Sinh. Phụng Vụ của ngày lễ này đã hát lên như sau: "Trong Phép Rửa của Chúa Giêsu, thế giới được thánh hoá, các tội lỗi được tha thứ. Trong nước và trong Thánh Thần, chúng ta được trở nên những tạo vật mới." (Tiền xướng của Kinh Bênêdictus, của Giờ Kinh Sáng). Có một tương quan chặt chẽ giữa Phép Rửa của Chúa Giêsu và phép Rửa của chúng ta. Nơi sông Giordan, Trời đã mở ra (x. Lc 3,21) để chỉ cho ta biết rằng Ðấng Cứu Thế đã mở ra cho chúng ta con đường cứu rỗi và chúng ta có thể đi trên con đường này, nhờ cuộc sinh ra lại "bằng nước và Thánh Thần" (Gn 3,5), một cuộc tái sinh được thực hiện trong Phép Rửa Tội. Trong phép Rửa này, chúng ta được đưa vào trong Nhiệm Thể của Chúa Kitô, là Giáo Hội; chúng ta chết và sống lại cùng với Chúa Kitô; chúng ta được mặc lấy Chúa, như thánh tông đồ Phaolô đã nhiều lần nhấn mạnh nơi các thư của ngài (x. I Co 12,13; Roma 6,3-5; Gal 3, 27). Dấn thân phát sinh từ Phép Rửa Tội, là dấn thân lắng nghe Chúa Giêsu: nghĩa là Tin vào Chúa và vâng phục theo Chúa qua việc thi hành thánh ý Chúa Giêsu và cũng là thánh ý của Thiên Chúa Cha. Chính như thế mà mỗi người có thể tiến đến sự thánh thiện; Và như Công Ðồng Vaticanô II đã nhắc lại, sự thánh thiện là mục tiêu kết thành ơn gọi của tất cả mọi người đã lãnh nhận phép Rửa Tội. Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ của Con Một Thiên Chúa, giúp chúng ta luôn luôn sống trung thành với Phép Rửa Tội.

 

Sau những lời trên, ÐTC xướng kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người. Sau Phép Lành, ÐTC đã nhắc lại rằng trong thánh lễ vừa cử hành ban sáng, Ngài đã vui mừng ban phép Rửa cho một số trẻ nhỏ. Và ÐTC xin mọi người cầu nguyện cho những thành phần mới này của giáo hội, cho những bậc làm cha mẹ, cho vú bõ đỡ đầu. Nguyện xin mẹ Maria luôn canh chừng bảo vệ các trẻ nhỏ này.

 

(Ðặng Thế Dũng)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page